Hội thảo khoa học với chủ đề "Tăng trưởng xanh, phát triển bền vững: Thời cơ và thách thức đối với Việt Nam và cộng đồng doanh nghiệp" do Tạp chí Kinh tế và Dự báo (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu phát triển bền vững (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) đã diễn ra sáng 08/11. Hội thảo thu hút đông đảo sự tham gia của các nhà khoa học, chuyên gia, nhà quản lý trong lĩnh vực này.

Khẳng định con đường đúng

Cụm từ phát triển bền vững đã trở thành mục tiêu của hầu hết các quốc gia trên thế giới. Để đảm bảo cho phát triển bền vững, nhiều phương thức tăng trưởng đảm bảo cho sự phát triển nhanh và bền vững đã xuất hiện, trong đó có khái niệm tăng trưởng xanh.

Với Việt Nam, sau hơn 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, dù có thành tựu nhưng tăng trưởng kinh tế nước ta còn dựa chủ yếu vào các yếu tố theo chiều rộng là chính, thiếu bền vững, chủ yếu khai thác, xuất khẩu tài nguyên thô. Trong bối cảnh đó, vấn đề tăng trưởng xanh đang nổi lên như một phương thức tăng trưởng mới, bảo đảm được mục tiêu bảo vệ môi trường sống và phát triển bền vững.

Phát biểu mở đầu Hội thảo, PGS, TS Lê Quốc Lý, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, tăng trưởng xanh là một bộ phận cấu thành của phát triển bền vững. Tăng trưởng xanh và phát triển bền vững là một khái niệm, vấn đề nghe thì quen nhưng cũng mới. Chính vì thế, nó đặt ra trong hoàn cảnh và điều kiện của Việt Nam trở thành thách thức nhưng cũng là thời cơ đối với Việt Nam nói chung và doanh nghiệp nói riêng. Nếu không đổi mới, các doanh nghiệp sẽ bị đào thải.


PGS, TS Lê Quốc Lý, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phát biểu

PGS.TS Nguyễn Văn Nam, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại thì cho rằng, thế giới đã trả giá quá đắt để phát triển nhanh. Việt Nam cũng vậy khi đang phải chứng kiến các hậu quả từ sự phát triển nhanh không bền vững, như: lũ lụt, hạn hán do phá môi trường. Từ thực tế đó, thế giới đã nhận ra nếu phát triển mà không giữ môi trường thì sự tăng trưởng tạm thời đó sẽ phải trả giá với những mất mát rất lớn.

Chính vì vậy, các chuyên gia, nhà khoa học tại Hội thảo đều nhất trí cho rằng tăng trưởng xanh, phát triển bền vững là cần thiết và không cần phải bàn thêm nhiều về việc có cần hay không. Tuy nhiên làm thế nào mới khó và phụ thuộc rất nhiều thứ.

Trên thực tế, Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh và Kế hoạch hành động thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững, đó là khẳng định mạnh mẽ sự cần thiết phải tăng trưởng xanh, phát triển bền vững.

Thách thức rất nhiều

Trong trình bày của mình tại Hội thảo, TS. Phạm Hoàng Mai, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho hay, để thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững (SDG 2030), Liên hợp quốc đã đưa ra 17 mục tiêu chung với 169 mục tiêu cụ thể. Việc có nên và cần thiết áp dụng y nguyên các mục tiêu như Liên hợp quốc đề ra đối với Việt Nam hay không là câu hỏi đã được đặt ra từ những ngày đầu. Sau quá trình tham vấn rộng rãi của tất cả các bên liên quan, bao gồm các bộ ngành, địa phương, các tổ chức trong nước và quốc tế, thì chúng ta đã thống nhất đặt ra 17 mục tiêu chung tòn cầu và 115 mục tiêu cụ thể trong Kế hoạch hành động thực hiện SDG 2030 (Quyết định số 622/QĐ-TTg, ngày 10/05/2017). Trong đó có một số mục tiêu là giải pháp chứ không hẳn là mục mục tiêu thực hiện.


TS. Phạm Hoàng Mai, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Giáo dục,
Tài nguyên và Môi trường (Bộ Kế hoạch và Đầu tư)

Dưới góc độ là một cơ quan trực tiếp thực hiện các công việc liên quan đến SDG 2030, ông Mai đã chỉ ra 6 thách thức mà Việt Nam phải đối mặt khi thực hiện tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, cụ thể:

Thách thức đầu tiên chính là việc xây dựng chỉ tiêu và lộ trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam. Thủ tướng đã giao cho các bộ, ngành và địa phương phải xây dựng kế hoạch hành động của mình với các chỉ tiêu và lộ trình thực hiện. Ông Mai cho hay 1 tuần sau khi Thủ tướng phê duyệt Kế hoạch hành động thực hiện SDG 2030 thì Bộ Giáo dục và Bộ Y tế đã ban hành kế hoạch hành động của mình. Đây là phản ứng rất nhanh đáng tuyên dương nhưng cũng đặt ra câu hỏi liệu việc nhanh như vậy thì các chỉ tiêu đưa ra trong kế hoạch hành động có được nghiên cứu kỹ và có tính khả thi hay không. Đó là những thách thức mà theo ông Mai, các chỉ tiêu khi xây dựng kế hoạch hành động cần phù hợp bối cảnh kinh tế - xã hội của đất nước, có phương pháp tính toán các chỉ tiêu này và phải phù hợp với thông lệ quốc tế.

Thách thức thứ hai là nâng cao nhận thức và huy động sự tham gia của toàn xã hội về phát triển bền vững. Việt Nam đã thực hiện thành công nhiều chỉ tiêu trong Mục tiêu Thiên niên kỷ (MDG) được Liên hợp quốc đánh giá cao. Tuy nhiên, SDG đặt ra những mục tiêu cao hơn, liên quan đến những lĩnh vực mà kết quả đạt được của Việt Nam còn nhiều hạn chế trong thời gian qua như: biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, giảm nghèo bền vững... Thực tế này đòi hỏi sự tham gia sâu rộng hơn của toàn xã hội, do đó cần xây dựng các chương trình và giải pháp nâng cao nhận thức cộng đồng.

Thách thức thứ ba là việc lồng ghép kế hoạch hành động vào các chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế- xã hội ngành, lãnh thổ. Ông Mai chia sẻ, việc lồng ghép một thứ mới vào những kế hoạch đang có là cực kỳ khó. Chẳng hạn như trong Quy hoạch điện VII đang đề ra chỉ tiêu 8% là năng lượng tái tạo, nếu theo như kế hoạch hành động SDG 2030 lên thành 15% thì liệu có làm được không, bởi sẽ phải đóng cửa một số nhà máy điện chạy than, đó là điều khó. Ông Mai cũng cho hay hiện nay không có cơ chế nào để lồng ghép các mục tiêu phát triển bền vững vào trong các quy hoạch, chiến lược phát triển vùng. Do vậy, cần rà soát các chỉ tiêu đã được phê duyệt trong các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch có liên quan, so sánh với các chỉ tiêu của Kế hoạch hành động thực hiện SDG 2030 để đảm bảo tính thống nhất, đồng thời bổ sung các giải pháp mới để đáp ứng yêu cầu mới.

Thách thức thứ tư là huy động các nguồn tài chính trong và ngoài nước để triển khai thực hiện Kế hoạch hành động.

Thách thức thứ năm là huy động sự tham gia của khu vực tư nhân.

Thách thức cuối cùng là triển khai công tác theo dõi và đánh giá. Ông Mai cho biết, có nhiều chỉ tiêu trong SDG 2030 không có trong hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia hiện nay, như GDP xanh là một ví dụ điển hình. So với MDG, SDG 2030 lớn và chi tiết hơn rất nhiều, đòi hỏi hệ thống đánh giá cần phải có sự điều chỉnh để thích ứng. Bộ Kế hoạch và Đầu tư hiện nay cũng đang phối hợp vơi Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) xây dựng các chỉ tiêu đánh giá cho Việt Nam.

Trong số 6 thách thức, các chuyên gia đều đánh giá nhận thức là thách thức lớn nhất, không chỉ từ người dân mà cả ở cấp lãnh đạo.

PGS, TS Lê Xuân Bá, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng, nhận thức là vô cùng quan trọng. Các nước lớn cũng đang có nhận thức rất khác nhau. Việc một nước lớn như Mỹ rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu đã cho thấy thách thức trong việc thực hiện SDG 2030 là không nhỏ. Do đó để thực hiện thì rất cần nhận thức đúng đắn của toàn xã hội.

Cũng đồng quan điểm với vai trò quan trọng của nhận thức, PGS.TS Nguyễn Văn Nam thì cho rằng, trong đó nhận thức của người lãnh đạo là quyết định quan trọng.

Điều gì đến với doanh nghiệp

Việc triển khai Kế hoạch hành động thực hiện SDG 2030 trên thế giới và ở Việt Nam mở ra cơ hội to lớn cho các doanh nghiệp. Theo Báo cáo của Ủy ban Phát triển Bền vững và Doanh nghiệp năm 2017, thực hiện các mục tiêu của SDG 2030 tạo ra cơ hội trị giá 12 nghìn tỷ USD trên phạm vi toàn cầu.

Đối với Việt Nam, trong Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện SDG 2030 vì sự phát triển bền vững đã xác định vai trò của 3 chủ thể chính gồm: doanh nghiệp, chính phủ và xã hội dân sự. Đặc biệt trong Mục tiêu 12.6 ghi rõ "Khuyến khích cộng đồng doanh nghiệp áp dụng các thông lệ bền vững, bao gồm công nghệ sản xuất sạch hơn, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường; thực hiện trách nhiệm xã hội đối với người nghèo và nhóm dân cư yếu thế; tích hợp các thông tin về tính bền vững vào báo cáo định kỳ của mình".

TS. Hồ Thanh Thủy đến từ Viện Kinh tế Chính trị (Học viện CTQG Hồ Chí Minh) cho rằng thời cơ đối với doanh nghiệp rất lớn trong triển khai tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Có thể dễ dàng thấy nhất ở việc người tiêu dùng sẵn sàng chi trả các sản phẩm xanh. Chất lượng "xanh" sẽ trở thành lợi thế cạnh tranh của nhiều doanh nghiệp giúp chiếm lĩnh thị phần tốt hơn. Để xây dựng chiến lược thương hiệu gắn với phát triển xanh, doanh nghiệp cần xây dựng được hình ảnh thương hiệu, sử dụng công nghệ giảm thiểu năng lượng và sử dụng năng lượng hiệu quả. Đồng thời, doanh nghiệp cần thực hiện trách nhiệm xã hội và bảo vệ môi trường. Theo TS. Hồ Thanh Thủy, nhiều doanh nghiệp hiện nay đã nắm bắt được cơ hội này để đẩy mạnh thương hiệu và hiệu quả kinh doanh.

Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng gặp không ít thách thức và khó khăn. Bà Thủy cho rằng khó khăn lớn hiện nay là doanh nghiệp chưa giải quyết được thỏa đáng mâu thuẫn giữa hai mục tiêu lợi nhuận và tăng trưởng xanh. Vì phần lớn là doanh nghiệp nhỏ và vừa, thiếu vốn cho đầu tư phát triển sản phẩm xanh. Trong khi đó, việc tiếp cận vốn vay vẫn còn nhiều khó khăn cho doanh nghiệp và hiện chưa có nhiều ưu đãi cho doanh nghiệp vay vốn để phát triển xanh.

Ngoài ra còn có vấn đề về công nghệ. Doanh nghiệp có thể được chuyển giao công nghệ xanh hiện đại nhưng đôi khi yếu tố con người, trình độ năng lực chưa theo kịp. Bên cạnh đó, việc đầu tư, chi phí ban đầu tác động rất nhiều đến câu chuyện tiếp cận: doanh nghiệp sẽ tạo ra sản phẩm xanh, sạch, bền vững hay có xu hướng "hạ dần tiêu chí" để giảm chi phí.

PGS, TS Lê Xuân Bá cũng đồng tình với những thách thức về chi phí đối với doanh nghiệp. Đầu tư công nghệ cao khiến giá thành sản phẩm cao, ảnh hưởng đến lợi nhuận thì doanh nghiệp sẽ khó mà thực hiện. Chưa kể, việc dùng công nghệ cao thân thiện môi trường có thể làm giảm số lao động cần dùng đến, gây hệ lụy xã hội nên cũng là bài toán không dễ giải. Ông Lê Xuân Bá đặt ra tình huống chúng ta phải ứng xử như thế nào, có dám chấp nhận trả giá là hy sinh lợi ích trước mắt để đạt lợi ích lâu dài hay không?

PGS, TS Nguyễn Thanh Đình thì nêu ra thách thức lớn đối với doanh nghiệp xuất phát từ tư duy lãnh đạo và quản lý nhà nước. Ông Đình cũng đưa ra băn khoăn của mình khi tham vấn chỉ tiêu thực hiện SDG 2030 nhưng không có sự tham khảo doanh nghiệp. Như vậy thì vai trò của doanh nghiệp với tăng trưởng xanh ra sao trong khi đây là chủ thể thực thi chính sách.

Bên cạnh đó, ông Đình cũng cho rằng hiện nay DNNN là đối tượng hưởng ưu đãi nhiều, phần lớn hoạt động khai thác tài nguyên là DNNN (than, khoáng sản...), chính vì vậy, DNNN phải có trách nhiệm lớn hơn nữa trong tăng trưởng xanh./.