Giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp xanh ở tỉnh Hưng Yên
Từ khóa: Hưng Yên, công nghiệp xanh, kinh tế xanh, thể chế, chính sách, bảo vệ môi trường
Summary
Hung Yen is a province located in the Northern key economic region, with many favorable conditions for developing industrial sectors. In the period 2021-2025, Hung Yen province sets a viewpoint and orientation for sustainable industrial development towards green economic development, while also solving the challenges of environmental protection. The article evaluates the current status of green industry development in Hung Yen, thereby proposing solutions to promote the development of this industrial field in the future.
Keywords: Hung Yen, green industry, green economy, institutions, policies, environmental protection
GIỚI THIỆU
Công nghiệp xanh đã và đang dần trở thành xu thế phát triển và là động lực tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam. Để phát triển công nghiệp xanh, Việt Nam nói chung, tỉnh Hưng Yên nói riêng ngày càng đề cao các hoạt động cắt giảm khí thải; tiết kiệm năng lượng và tài nguyên; giảm thiểu các tác động môi trường trong quá trình sản xuất. Tuy nhiên, tại tỉnh Hưng Yên, phát triển công nghiệp xanh vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế. Bởi vậy, việc nghiên cứu thực trạng phát triển công nghiệp xanh ở Tỉnh là vấn đề quan trọng, từ đó gợi mở cho các cấp chính quyền Hưng Yên hoạch định thể chế và chính sách, nhằm thúc đẩy phát triển công nghiệp xanh trên địa bàn trong thời gian tới.
THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP XANH Ở TỈNH HƯNG YÊN
Những kết quả đạt được
Thực hiện mục tiêu của Đại hội Đảng bộ Tỉnh lần thứ XIX đề ra là "xây dựng Hưng Yên thành tỉnh công nghiệp hiện đại", ngày 15/6/2021, Tỉnh ủy Hưng Yên ban hành Nghị quyết số 07-NQ/TU về “Chương trình phát triển công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến 2030”. UBND Tỉnh đã cụ thể hóa Nghị quyết này và chỉ đạo các cấp, các ngành triển khai: Kế hoạch về thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TU; Kế hoạch tổ chức bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tỉnh Hưng Yên năm 2022; Đề án Cơ cấu lại ngành công nghiệp tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; Kế hoạch về thực hiện Chương trình quốc gia hỗ trợ tổ chức, doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn tỉnh Hưng Yên; Kế hoạch bảo tồn và phát triển làng nghề tỉnh Hưng Yên năm 2023…
Đặc biệt, để thực hiện mục tiêu phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, thân thiện với môi trường, Tỉnh đã đưa ra định hướng không bổ sung vào quy hoạch các ngành nghề có nguy cơ gây ô nhiễm vào các khu, cụm công nghiệp hiện hữu. Đối với các dự án ngành dệt, nhuộm, sản xuất sắt thép, kim loại màu từ phế liệu, khi muốn mở rộng và tăng quy mô hoạt động sản xuất, thì ngoài việc phải phù hợp với quy hoạch chi tiết và phân khu chức năng của khu, cụm công nghiệp, còn phải bảo đảm đạt trình độ công nghệ sản xuất từ mức trung bình tiên tiến trở lên; máy móc, thiết bị mới 100%, nhằm giảm tiểu tác động tiêu cực đến môi trường.
Cùng với đó, Tỉnh chú trọng thu hút đầu tư phát triển các nhóm sản phẩm công nghiệp có hàm lượng công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn và sản phẩm xuất khẩu; tận dụng thành quả của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 để nâng cao năng suất lao động. Trong đó, ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp mũi nhọn, như: điện tử - viễn thông; công nghiệp sản xuất thiết bị tích hợp vận hành tự động, điều khiển từ xa; công nghiệp sản xuất phần mềm, sản phẩm số; công nghiệp dược phẩm, chế phẩm sinh học; công nghiệp vật liệu mới; công nghiệp môi trường và các ngành công nghiệp hỗ trợ. Tỉnh cũng chú trọng phát triển công nghiệp xanh, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo gắn với bảo vệ môi trường; chuyển dịch nhanh những lĩnh vực công nghiệp, sản xuất sử dụng nhiều tài nguyên, ít hàm lượng giá trị gia tăng sang sử dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường, có hàm lượng giá trị gia tăng cao.
Mặt khác, Tỉnh đã và đang tập trung phát triển các khu, cụm công nghiệp công nghệ cao, hiện đại, tiên tiến; nâng cao chất lượng sản phẩm của doanh nghiệp, điển hình, như: Khu Công nghiệp (KCN) Thăng Long II, KCN Sạch, KCN số 05… Trong đó, KCN Sạch với quy mô sử dụng đất hơn 143 ha đã được khởi công xây dựng ngày 25/11/2022. KCN này được đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng bởi các nhà đầu tư: Tập đoàn Nhà đất Hàn Quốc, Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển đô thị TDH Ecoland, Tập đoàn phát triển Hạ tầng và Đô thị Hàn Quốc tại nước ngoài, Công ty xây dựng KBI, Ngân hàng Shinhan. Sau giai đoạn 1 là dự án KCN Sạch, giai đoạn 2 sẽ đi vào triển khai dự án “KCN Sạch xanh thông minh”, nhằm đáp ứng chính sách giảm thiểu carbon và sử dụng 100% năng lượng tái tạo trên toàn cầu. Dự án này khi hoàn thành dự kiến đạt tổng mức đầu tư lên tới 400 triệu USD, sản lượng hằng năm đạt 1,6 tỷ USD, tạo việc làm cho khoảng 10.000 lao động... Đối với dự án KCN Sạch, Tỉnh đã yêu cầu các nhà đầu tư tập trung huy động nguồn lực, để hoàn thành dự án đúng tiến độ, ưu tiên xúc tiến thu hút đầu tư đối với những dự án có hàm lượng chất xám cao; sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, thân thiện với môi trường; tạo thành chuỗi liên kết, chuỗi giá trị phát triển bền vững, lâu dài, để dự án KCN Sạch trở thành KCN kiểu mẫu, hiệu quả, thân thiện (Phạm Đăng, 2023).
Nhờ triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả, quyết liệt như vậy, nên trong thời gian qua, sản xuất công nghiệp của tỉnh Hưng Yên liên tục tăng trưởng cao, cụ thể: năm 2021, Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) đạt 108,82%; năm 2022, IIP đạt 110,4%. Công nghiệp tiếp tục là ngành đóng góp lớn nhất cho giá trị sản xuất, góp phần đưa tốc độ tăng trưởng kinh tế của Tỉnh tăng từ 6,52% trong năm 2021 lên tới 12,84% trong năm 2022. Đồng thời, tỷ trọng công nghiệp, xây dựng trong cơ cấu kinh tế của Tỉnh nhà chiếm 63,67% năm 2021 và 63,7% năm 2022 (Nguyễn Văn Thơ, 2023).
Cùng với sự tăng trưởng tích cực của ngành công nghiệp, cơ cấu trong nội bộ ngành này cũng chuyển dịch theo hướng tăng nhanh tỷ trọng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; phát triển những ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao và giá trị xuất khẩu lớn. Trong nội bộ ngành chế biến, chế tạo cũng có sự chuyển dịch cơ cấu sang các ngành có giá trị gia tăng cao, hoặc các ngành xuất khẩu có giá trị lớn, như: sản xuất kim loại; lắp ráp ô tô, xe máy; linh kiện điện tử; chế biến thực phẩm… Các sản phẩm công nghiệp của Tỉnh từng bước khẳng định được vị thế trên thị trường trong nước và hướng đến xuất khẩu, đa dạng về chủng loại, tốt về chất lượng.
Đến nay có nhiều dự án sản xuất công nghiệp có vốn đầu tư lớn, hàm lượng công nghệ kỹ thuật cao do các tập đoàn kinh tế lớn nước ngoài và trong nước đầu tư tại tỉnh Hưng Yên có thể kể đến, như: Dự án Hoya với tổng vốn 214 triệu USD; dự án của Nippon Mektron với tổng vốn 300 triệu USD, các dự án của Kyocera với tổng vốn 385 triệu USD, dự án của Toto với tổng vốn đầu tư 403 triệu USD… (Phạm Đăng, 2023). Nhà đầu tư nước ngoài đầu tư trong các KCN trên địa bàn tỉnh Hưng Yên đến từ gần 20 quốc gia, vùng lãnh thổ, trong đó có nhiều nhà đầu tư từ các nước phát triển, như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Anh, Đức, Thụy Sĩ, Canada, Singapore… Qua đó, các doanh nghiệp trong nước có cơ hội kế thừa, tiếp cận và ứng dụng nền công nghiệp hiện đại từ các nước phát triển, thúc đẩy doanh nghiệp trong nước đổi mới công nghệ, tăng năng suất, giảm chi phí và nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.
Hạn chế, tồn tại
Bên cạnh những kết quả tích cực như trên, phát triển công nghiệp xanh ở tỉnh Hưng Yên đang đối mặt với một số khó khăn, hạn chế như sau:
Thứ nhất, cơ chế, chính sách liên quan đến phát triển các khu, cụm công nghiệp và các văn bản hướng dẫn thi hành có nhiều thay đổi, chậm được ban hành, đã gây ra những lúng túng nhất định cho các cơ quan quản lý nhà nước của địa phương trong quá trình triển khai thực hiện.
Thứ hai, các doanh nghiệp mặc dù đã sản xuất sản phẩm công nghiệp theo hướng thân thiện với môi trường, nhưng việc áp dụng các máy móc, thiết bị tiên tiến trong quá trình sản xuất còn hạn chế.
Đó là chưa kể, sản xuất công nghiệp của Tỉnh còn phụ thuộc nhiều vào doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), liên kết giữa các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước trong tham gia chuỗi giá trị, chuyển giao công nghệ còn hạn chế, việc tiếp cận và chuyển giao công nghệ từ nước ngoài chưa thực sự hiệu quả.
Thứ ba, vẫn còn tồn tại các ngành công nghiệp công nghệ thấp, ô nhiễm môi trường, không tương xứng với những chính sách ưu đãi đã được hưởng, kết quả hoạt động trái với định hướng đổi mới mô hình tăng trưởng, cũng như tái cơ cấu ngành. Điều này đã gây nên áp lực lớn đối với bảo vệ môi trường.
Trong khi đó, các ngành công nghiệp xanh, công nghiệp môi trường phát triển chưa tương xứng với yêu cầu của thực tiễn và định hướng phát triển. Các ngành công nghiệp tái chế, năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, công nghiệp môi trường hiện nay vẫn chưa phát triển như kỳ vọng, để chuyển đổi nền kinh tế theo hướng xanh hóa. Nguyên nhân là do còn nhiều yếu kém về nghiên cứu và phát triển (R&D), thiếu vốn đầu tư phát triển, nguồn nhân lực và các chính sách hỗ trợ thị trường… cho các sản phẩm này.
MỘT SỐ GIẢI PHÁP
Để thúc đẩy phát triển công nghiệp xanh ở Hưng Yên, thời gian tới Tỉnh cần tập trung triển khai một số giải pháp như sau:
Một là, xây dựng khung pháp lý và chính sách, hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, tiêu chí xanh cho các chương trình, dự án, sản phẩm công nghiệp. Tích hợp các mục tiêu tăng trưởng xanh vào các chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh theo hướng giảm phát thải gây ô nhiễm và suy thoái môi trường, tạo điều kiện phát triển các ngành sản xuất xanh mới.
Hoàn thiện các cơ chế, chính sách thu hút, khuyến khích, quy định về đầu tư máy móc, công nghệ mới theo hướng sử dụng hiệu quả tài nguyên và hạn chế phát sinh chất thải. Cùng với cần có cơ chế, chính sách thu hút các nhà đầu tư lớn, dự án đầu tư có hiệu quả, phát triển bền vững vào đầu tư tại Tỉnh; cũng cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, đổi mới công nghệ hiện đại, sản phẩm thân thiện với môi trường.
Hai là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức về sản xuất sạch hơn trong công nghiệp. Hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng, phổ biến, áp dụng các mô hình, tiêu chuẩn kỹ thuật về sản xuất sạch hơn trong công nghiệp, nâng cao hiệu quả sử dụng nguyên, nhiên liệu, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Song song với đó, chủ động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên địa bàn Tỉnh, trong đó chú trọng việc phổ biến, tuyên truyền văn bản pháp luật trong phạm vi ngành công nghiệp và các văn bản pháp luật có liên quan, đặc biệt là về đầu tư và ngành nghề ưu tiên thu hút đầu tư, quy hoạch và định hướng quy hoạch phát triển công nghiệp trên địa bàn Tỉnh, để giúp các doanh nghiệp nắm bắt thông tin thuận lợi. Hoàn thiện cơ sở dữ liệu pháp luật phục vụ cho hoạt động của doanh nghiệp, giải đáp pháp luật cho doanh nghiệp, tiếp nhận ý kiến của doanh nghiệp về hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật.
Ba là, tăng cường công tác quản lý nhà nước về quy hoạch các khu, cụm công nghiệp; phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, ban, ngành trong thường xuyên kiểm tra, giám sát chặt chẽ công tác thực hiện quy hoạch; tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan trong quản lý sau cấp giấy phép đầu tư đối với các thành phần kinh tế.
Tăng cường công tác quản lý kiểm tra, kiểm soát ô nhiễm môi trường tại các doanh nghiệp, yêu cầu doanh nghiệp phải thực hiện theo đúng Luật Bảo vệ môi trường; xây dựng hệ thống quản lý môi trường cho các khu, cụm công nghiệp; hỗ trợ các doanh nghiệp chuyển đổi công nghệ, để xử lý triệt để ô nhiễm môi trường hoặc di dời vào khu, cụm công nghiệp.
Định kỳ quan trắc, phân tích thành phần các chất thải độc hại; hỗ trợ kỹ thuật, đầu tư vốn, bố trí nhân lực cho công tác quan trắc, thanh tra và quản lý môi trường. Ưu tiên thu hút đầu tư các dự án có công nghệ sản xuất hiện đại, công nghệ cao, không hoặc ít gây ô nhiễm môi trường, công nghệ sản xuất sạch hơn, thân thiện môi trường, tiết kiệm năng lượng. Không phê duyệt, cấp phép xây dựng cho các dự án đầu tư và triển khai xây dựng khi chưa có đánh giá tác động môi trường. Thực hiện nghiêm quy định về lập và thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, thông qua thẩm định báo cáo này, để phân loại các dự án đầu tư, hạn chế cấp phép đối với các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao.
Bốn là, đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả giải quyết các thủ tục hành chính. Theo đó, Tỉnh cần thường xuyên rà soát các thủ tục hành chính của từng sở, ngành, địa phương và công bố công khai các thủ tục, nơi giải quyết thủ tục hành chính của từng cơ quan, để các doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận và thực hiện.
Đồng thời, nâng cao chất lượng hoạt động của Trung tâm Phục vụ hành chính công Tỉnh trong giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến doanh nghiệp, nhà đầu tư; tổ chức các lớp tập huấn về kỹ năng giao tiếp, kỹ năng ứng xử cho cán bộ, công chức làm việc tại bộ phận một cửa, một cửa liên thông của các sở, ngành và địa phương trong Tỉnh, nhằm tạo thuận lợi hơn nữa cho nhà đầu tư và doanh nghiệp./.
ThS. Nguyễn Lệ Hương - Học viện Kỹ thuật Quân sự
(Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo số 31, tháng 11/2023)
Tài liệu tham khảo
1. Cục Thống kê tỉnh Hưng Yên (2023), Niên giám Thống kê tỉnh Hưng Yên năm 2022, Nxb Thống kê.
2. Đàm Đức Quang (2022), Phát triển công nghiệp theo hướng tăng trưởng xanh trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, Luận án tiến sĩ, Học viện Khoa học xã hội.
3. Khánh Nam (2021), Hưng Yên thành lập thêm khu công nghiệp sạch quy mô 140 ha, truy cập từ https://nangluongsachvietnam.vn/d6/vi-VN/news/Hung-Yen-thanh-lap-them-khu-cong-nghiep-sach-quy-mo-140-ha-6-185-13964.
4. Nguyễn Văn Thơ (2023), Công nghiệp Hưng Yên tiếp tục có những khởi sắc mới, truy cập từ https://socongthuong.hungyen.gov.vn/portal/Pages/2023-5-31/Cong-nghiep-Hung-Yen-tiep-tuc-co-nhung-khoi-sac-moicllvx.aspx
5. Phạm Đăng (2023), Hưng Yên: Nỗ lực thu hút đầu tư nước ngoài, truy cập từ https://baohungyen.vn/hung-yen-no-luc-thu-hut-dau-tu-nuoc-ngoai-3166966.html.
6. Phạm Đăng (2023), Hưng Yên: Hướng tới nền sản xuất công nghiệp xanh, sạch, bền vững, truy cập từ https://baohungyen.vn/hung-yen-huong-toi-nen-san-xuat-cong-nghiep-xanh-sach-ben-vung-3161151.html.
7. Tỉnh ủy Hưng Yên (2021), Nghị quyết số 07-NQ/TU, ngày 15/6/2021 về Chương trình phát triển công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến 2030.
Bình luận