Ngày 17/9/2015, Ủy ban Thị trường mở Liên bang Mỹ (FOMC) kết thúc cuộc họp chính sách kéo dài hai ngày với quyết định chưa điều chỉnh tăng lãi suất định hướng thị trường liên ngân hàng Mỹ (Federal Funds Target Rate) do lạm phát chưa đạt mục tiêu 2% và do những biến động trên thị trường tài chính thế giới gần đây.

Trong thông cáo báo chí ngay sau phiên họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), lần đầu tiên xuất hiện nhận định "Những diễn biến gần đây trên thị trường tài chính và kinh tế toàn cầu có thể phần nào hạn chế các hoạt động kinh tế và gây áp lực giảm lạm phát trong ngắn hạn" và Ủy ban “sẽ theo dõi các diễn biến trên thị trường quốc tế”. Điều này cho thấy diễn biến kinh tế và tài chính thế giới sẽ tiếp tục là yếu tố quan trọng trong việc cân nhắc ra quyết định điều chỉnh nâng lãi suất của FED trong thời gian tới.

Sau khi thông cáo báo chí được công bố, tỷ lệ dự đoán FED sẽ tăng lãi suất trong tháng 12/2015 theo khảo sát của CNBC đã giảm mạnh từ mức 84% trước cuộc họp xuống 64%, thậm chí, một số còn kỳ vọng FED sẽ không tăng lãi suất cho tới tháng 3/2016 do giá dầu và hàng hóa tiếp tục ở mức thấp và kinh tế toàn cầu còn nhiều bất ổn, làm gia tăng rủi ro đối với kinh tế Mỹ trong trung hạn.

Trong thông cáo báo chí của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (ngày 20/9) cho biết, trên thực tế, khả năng FED tăng lãi suất về cơ bản đã được phản ánh vào diễn biến lãi suất, tỷ giá trên thị trường tài chính quốc tế từ cuối năm 2014 đến nay và đã nằm trong kịch bản tính toán của Ngân hàng Nhà nước về mức tỷ giá bình quân liên ngân hàng và biên độ tỷ giá được điều chỉnh thời gian qua.

Như vậy, tỷ giá đồng Việt Nam đã có dư địa đủ lớn để linh hoạt trước các diễn biến bất lợi trên thị trường trong và ngoài nước không chỉ từ nay đến cuối năm 2015 mà cả những tháng đầu năm 2016. Do đó, thời điểm FED tăng lãi suất trong thời gian tới sẽ không ảnh hưởng đến định hướng ổn định tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước.

Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục phối hợp đồng bộ các biện pháp và công cụ chính sách tiền tệ, sẵn sàng bán ngoại tệ can thiệp khi cần thiết nhằm đảm bảo cân đối cung cầu ngoại tệ, xóa bỏ các kỳ vọng sai lệch về tỷ giá để ổn định thị trường ngoại tệ và tỷ giá trong biên độ cho phép.

Trước đó, ngày 19/08, sau diễn biến bất ngờ của đồng Nhân dân tệ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã quyết định điều chỉnh tỷ giá bình quân liên ngân hàng thêm 1% lần thứ 3 trong năm 2015, đồng thời “nới” biên độ cho phép lên +/-3% đồng thời khẳng định, tỷ giá đồng Việt Nam có dư địa đủ lớn để linh hoạt trước các diễn biến bất lợi trên thị trường quốc tế và trong nước không chỉ từ nay đến cuối năm mà cả những tháng đầu năm 2016, tạo sự ổn định vững chắc cho thị trường ngoại tệ và đảm bảo khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam.

Chuyên gia về ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu trong trả lời phỏng vấn cho báo An ninh tiền tệ điện tử đưa ra nhận xét: “tất cả các biến động trên thị trường tài chính thế giới hiện tại đều rất khó lường, nhưng NHNN chắc chắn giữ được tỷ giá”. Ông cho rằng: “NHNN tuyên bố sẽ không điều chỉnh tỷ giá thêm lần nào nữa trong năm nay và thị trường có thể yên tâm với khẳng định này. Bởi, kho dự trữ ngoại hối vẫn còn trên 40 tỷ USD – đủ để Ngân hàng Nhà nước can thiệp trong tình huống bất lợi”. Tuy nhiên khi đó, chúng ta phải tính toán cái giá phải bỏ ra.

Từ nay đến cuối năm, FED vẫn còn hai cuộc họp tiếp theo diễn ra lần lượt vào ngày 27 – 28/10 và 15-16/12. Mặc dù FED chưa tăng lãi suất trong cuộc họp vừa rồi, song khả năng có tăng trong năm nay hay không vẫn rất khó lường./.

Nguồn:
http://www.sbv.gov.vn/portal/faces/vi/pages/trangchu/ttsk/ttsk_chitiet?dDocName=SBVWEBAPP01SBV076863&dID=79112
http://antt.vn/fed-chua-tang-lai-suat-cho-voi-mung-0112414.html