Quốc hội thảo luận về dự thảo Nghị quyết xử lý nợ xâu

Nợ xấu do cả khách quan và chủ quan

Sáng 7/6, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về Nghị quyết xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.

Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng, tính đến 31/12/2016, tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ xấu đã bán cho VAMC chưa xử lý của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng chiếm 5,8% trên tổng dư nợ cho vay, đầu tư đối với nền kinh tế. Nếu tính cả nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu thì tỷ lệ này sẽ là 10,08% trên tổng dư nợ cho vay, đầu tư đối với nền kinh tế.

Thống đốc Lê Minh Hưng cho rằng, nguyên nhân nợ xấu gồm cả khách quan lẫn chủ quan. Về khách quan, Thống đốc cho hay thời gian qua do sự bất ổn chính trị, kinh tế thế giới tác động rất mạnh và gây rủi ro rất lớn đến sản xuất kinh doanh trong nước.

Trong khi đó, kinh tế trong nước cũng còn khó khăn, chất lượng tăng trưởng chưa cao, nợ công tăng nhanh. Một yếu tố khá quan trọng khác là thị trường bất động sản có thời gian dài trầm lắng. Giữa bối cảnh đó, doanh nghiệp Việt Nam lại phụ thuộc rất lớn vào vốn vay ngân hàng, hiệu quả còn thấp, nên khi có biến động từ bên trong và bên ngoài đã khiến các doanh nghiệp này vô cùng khó khăn. Thực tế đó đã gián tiếp và trực tiếp gây ra nợ xấu.


Phó Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng phát biểu

Trên thực tế, giai đoạn 2011 - 2015 bình quân mỗi năm có trên 63.000 doanh nghiệp giải thể và phá sản, đó cũng là yếu tố làm gia tăng nợ xấu. Bên cạnh đó, giai đoạn vừa qua các chính sách vĩ mô còn thiếu ổn định, làm ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh, tác động đến khả năng trả nợ của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, Thống đốc Lê Minh Hưng cũng thừa nhận có nguyên nhân chủ quan. Đó là quy trình tín dụng của một số ngân hàng còn chưa đầy đủ và chặt chẽ, tạo kẽ hở để khách hàng và cán bộ ngân hàng lợi dụng.

Năng lực quản trị rủi ro của một số ngân hàng còn hạn chế, kiểm tra kiểm soát nội bộ chưa tốt… Chuẩn mực đạo đức cán bộ chưa được quan tâm dẫn đến rủi ro trong việc cho vay. Một bộ phận cán bộ ngân hàng thoái hoá biến chất, lợi dụng chức vụ quyền hạn để câu kết với khách hàng cố ý làm trái các quy định.

Mặt khác, theo người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước, công tác thanh tra, giám sát của Ngân hàng Nhà nước thời gian qua còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của hệ thống tổ chức tín dụng trong tình hình mới. Một số ít cán bộ thanh tra, giám sát ngân hàng còn vi phạm pháp luật.

90% nợ xấu là tiền của nhân dân

Phát biểu ý kiến tại Hội trường, đại biểu Nguyễn Văn Thắng (Hà Nội) - Chủ tịch HĐQT VietinBank nêu quan điểm, trong hoạt động kinh doanh ngân hàng thì nợ xấu phát sinh là vấn đề tất yếu. Tuy nhiên, chúng ta cũng đã cố gắng để xử lý. Theo ông Thắng, Việt Nam là quốc gia duy nhất đến nay có nợ xấu của nền kinh tế vượt 10% mà không có một tổ chức tín dụng nào đổ vỡ, đây có thể nói đây là sự cố gắng rất lớn của Đảng và Nhà nước.

Ông Thắng phát biểu: "Mặc dù hệ thống ngân hàng đã tích cực xử lý nhưng con số hiện nay rất lớn, nợ xấu và tiềm ẩn nợ xấu ở con số khoảng xấp xỉ 600 nghìn tỷ đồng". Cũng theo đại biểu này, trong 600 nghìn tỷ này chúng ta phải xác định 90% là tiền của nhân dân, ngân hàng chỉ có 10%.

Do vậy, theo đại biểu Thắng, vấn đề cấp bách để xử lý khoản này là để bảo vệ không chỉ cho hoạt động tín dụng mà bảo vệ cho chính người dân, những người đang gửi tiền trong hệ thống các tổ chức tín dụng và làm sao chúng ta vận hành đưa 600 ngàn tỷ này quay trở lại phục vụ cho tăng trưởng kinh tế, khi nguồn lực còn rất hạn chế.

Ông Thắng đưa ra so sánh để thấy quy mô số nợ này: "Với con số nợ xấu này chúng ta có thể xây dựng được ba sân bay Long Thành mà Quốc hội đã bàn".

Nghị quyết xử lý nợ xấu là cần thiết

Trước thực trạng nợ xấu, phần lớn đại biểu rất ủng hộ việc Quốc hội cần ban hành Nghị quyết về xử lý nợ xấu, thống nhất nguyên tắc không sử dụng ngân sách để xử lý nợ xấu và phải quy trách nhiệm nghiêm khắc với người, tổ chức đã gây ra nợ xấu.

Các đại biểu cho rằng đây là điều cần thiết để xử lý cục máu đông của nền kinh tế.

Đại biểu Nguyễn Sơn (Hà Tĩnh) cho rằng, vấn đề nợ xấu của chúng ta hiện nay không chỉ là chuyện riêng ngành ngân hàng mà cả nền kinh tế. Giải quyết nợ xấu cần sự vào cuộc của hệ thống khách hàng, ngân hàng và cả hệ thống chính trị.

Ông Sơn phát biểu: "Đây là thời điểm cần thiết để chúng ta ban hành Nghị quyết nợ xấu của các tổ chức tín dụng, Nghị quyết phải có cơ sở pháp lý để giải quyết nợ xấu và hệ thống hành lang pháp lý để xử lý nợ xấu. Xử lý được nợ xấu sẽ làm khơi thông, an toàn và lành mạnh hệ thống ngân hàng".

Tuy vậy, bên cạnh đó nhiều đại biểu cũng băn khoăn việc ban hành Nghị quyết sẽ tạo cơ hội cho người gây ra nợ xấu thoát tội.

Theo đại biểu Mai Sỹ Diến (Thanh Hóa), đề án xử lý nợ xấu đến nay đã xử lý được hơn 50% và phần còn lại cũng rất nhiều. Đại biểu đề nghị Nghị quyết cần có quy định rõ ràng về xử lý trách nhiệm của cá nhân/tổ chức gây ra nợ xấu. Ông Mai Sỹ Diến đề nghị: “Trong dự thảo nghị quyết đã có nói đến không dùng ngân sách nhưng chưa nói đến trách nhiệm... Cần xác định và xử lý trách nhiệm”.

Đại biểu Đinh Duy Vượt (Gia Lai) thì băn khoăn là số liệu về tỉ lệ nợ xấu như báo cáo đã đúng chưa, đủ chưa hay vẫn còn giấu diếm, cần phải minh bạch để có biện pháp xử lý rõ ràng. Đại biểu này nêu rõ: “Đặc biệt ở những ngân hàng lớn có vốn Nhà nước tỉ lệ nợ xấu rất nhỏ nhưng con số tuyệt đối lại rất lớn, bằng cả chục ngân hàng nhỏ cộng lại. Phải nhận rõ ngân hàng nào có tỉ lệ nợ xấu cao nhất và con số tuyệt đối cao nhất để xử lý. Đồng thời cũng cần làm rõ trách nhiệm của từng giai đoạn để xử lý nợ xấu. Chúng ta cần làm rõ khái niệm nợ xấu, có quy định chặt chẽ, tránh lỗ hổng để dễ bị lợi dụng”.

Đại biểu Nguyễn Thanh Xuân (tỉnh Cần Thơ) thì cho rằng, phải xử lý thật nghiêm trách nhiệm của tổ chức, cá nhân gây nợ xấu, có như vậy mới răn đe, tránh để lặp lại trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, nhiều đại biểu kiến nghị, để Nghị quyết đi vào cuộc sống, Chính phủ cần tổ chức triển khai quyết liệt ngay khi Nghị quyết có hiệu lực, có chế tài để kiểm soát tình hình, không để các ngân hàng tùy tiện chuyển các khoản nợ khác sang nợ xấu, không để lạm quyền trong thu giữ tài sản của các ngân hàng đối với khách hàng.

Về xử lý trách nhiệm nợ xấu, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, trong dự thảo Nghị quyết Chính phủ đã bàn rất kỹ và không có quy định nào trong dự thảo có thể tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng hay tổ chức, cá nhân liên quan có thể trục lợi. Thống đốc nhấn mạnh “Các hành vi vi phạm đều sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật”./.

Nguồn tổng hợp:

1. http://quochoi.vn/tintuc/Pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?ItemID=33298

2. http://plo.vn/thoi-su/gan-200-can-bo-ngan-hang-bi-khoi-to-707180.html

3. http://bizlive.vn/ngan-hang/600000-ty-no-xau-thi-phai-xac-dinh-90-la-tien-cua-dan-ngan-hang-chi-co-10-2846125.html

4. http://kinhtedothi.vn/vi-pham-gay-ra-no-xau-se-bi-xu-ly-nghiem-theo-phap-luat-290020.html