PCI Đăk Nông nhảy trên 40 bậc, có phải là giấc mơ?
Quan niệm này xuất phát từ những nhận định ban đầu khi VN mới thực hiện PCI, “cải thiện điểm số và thứ hạng là một quá trình”; nhưng hiện nay, đã thay đổi không còn là một quá trình mà có thể nhảy vọt đột biến khi hội tụ những điều kiện nhất định.
Thay đổi góc nhìn cải thiện chỉ số PCI
Có nhiều khái niệm về chỉ số PCI, tổng quát có thể xem PCI là chỉ số niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp nói chung và nhà đầu tư nói riêng về môi trường đầu tư – kinh doanh của các tỉnh, thành mà chủ thể không ai khác hơn là chính quyền sở tại.
Quan niệm về cải thiện điểm số và thứ hạng PCI
Có xu hướng cho rằng cải thiện điểm số là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, còn cải thiện thứ hạng là một quá trình lâu dài, thứ yếu, liên quan đến “bệnh thành tích” địa phương. Quan niệm này chỉ tương thích ở góc độ “phản ánh" sự nỗ lực của người cung ứng dịch vụ công và kiến tạo môi trường đầu tư kinh doanh. Dưới góc độ đáp ứng sự hài lòng, nếu duy trì, sẽ trở thành lực cản trong quá trình tạo lập niềm tin và phát triển kinh tế địa phương. Bởi, thoả mãn sự hài lòng là mục tiêu vô hạn, chỉ khi nào trở thành duy nhất mới đạt đến đỉnh cao của nó, không thể dừng ở điểm số để tự mãn với thành tích của mình.
“Điểm số tăng lên, thứ hạng tụt xuống” thật sự là mối lo tụt hậu của sự phát triển, chứ không còn là “căn bệnh thành tích” địa phương. PCI xuống hạng, chứng tỏ môi trường đầu tư kinh doanh không thuận lợi so với cả nước. Đương nhiên, sức cạnh tranh của DN và kinh tế địa phương sẽ suy giảm; chuyển dịch đầu tư, kinh doanh sang địa phương khác sẽ là xu hướng tất yếu. Đó là lẽ thường tình, nếu Bệnh viện A tốt, nhưng còn nhiều nơi khác tốt hơn, chắc chắn sẽ có ít sự lựa chọn của người bệnh dành cho bệnh viện A. Không những thế, quan điểm này sẽ tạo nên lối suy nghĩ “cải thiện tuần tự” dần dần từ thấp đến cao, không dám đột phá, chính ngay trong tư duy lập kế hoạch, lẫn phương pháp tiếp cận đánh giá thực trạng PCI cũng như chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch. Mục tiêu thăng hạng chỉ giới hạn dừng ở bước nhảy 5 -7 bậc trong các kế hoạch cải thiện PCI của Đăk Nông là một ví dụ.
Từ năm 2008 đến 2014, điểm trung vị PCI cả nước đều có xu hướng tăng nhanh, từ 53,52 lên 58,58, tăng 15 điểm; điểm số tối thiểu từ 36,39 lên 50,32, tăng 14 điểm. Chứng tỏ điểm số ngày càng được các địa phương nằm ở nhóm trung vị trở xuống tích cực cải thiện, nhưng nhóm trung vị ngày càng cách xa nhóm cuối. Đồng nghĩa với sự cạnh ngày càng gay gắt, khốc liệt giữa các địa phương trong nhóm này và Đăk Nông không nằm ngoài bối cảnh đó. Cùng giai đoạn trên, điểm số Đăk Nông chỉ tăng được 12,9 điểm (từ 40,01 lên 58,58). Chứng tỏ chúng ta ngày càng bị các địa phương, ngay cả nhóm thấp, bỏ rơi vì tốc độ cải thiện chậm. Đó là điểm nghẽn thách thức rất đáng báo động về tính hệ thống và sự ì ạch kéo dài mang tính xu hướng như căn bệnh trầm kha.
Khác xa những nhận định ban đầu khi VN mới thực hiện PCI, cải thiện điểm số và thứ hạng không còn là một quá trình mà có thể nhảy vọt đột biến. Ví dụ: Năm 2013,Tây Ninh nhảy vọt 46 bậc, tăng 5,54 điểm; Ninh Thuận giảm 11,11 điểm, tụt hạng 34. Năm 2012, Trà Vinh thăng 49 bậc, tăng 14,84 điểm; Bắc Giang giảm 8,87 điểm, tụt 37 bậc. Đây là cơ sở thực tiễn rất quan trọng để làm luận cứ thay đổi cách nhìn và phương pháp tiếp cận về quá trình cải thiện PCI, mạnh dạn đưa ra những mục tiêu đột phá và hành động quyết liệt hơn khi hội đủ điều kiện.
Tổng quát quá trình cải thiện PCI Đăk Nông qua các năm
Bảng 1: Chỉ số thành phần PCI Đăk Nông giai đoạn 2008-2014
Như vậy trong giai đoạn 2008-2014 có 3 chỉ số thành phần liên tục được cải thiện: Chi phí gia nhập thị trường; Chi phí thời gian và Cạnh tranh bình đẳng; 7 chỉ số còn lại có xu hướng sụt giảm.
Năm 2014, có đến 6 chỉ số thành phần đều thấp hơn điểm trung vị cả nước: Chi phí không chính thức, Tính năng động, Đào tạo lao động, Thiết chế pháp lý, Hỗ trợ DN (thấp hơn trung bình khu vực Tây Nguyên); 3 Chỉ số thành phần tuy cao hơn điểm số trung vị cả nước, nhưng lại thấp hơn trung bình khu vực Tây Nguyên: Cạnh tranh bình đẳng, Gia nhập thị trường, Tiếp cận đất đai; duy nhất chỉ có 01 chỉ số Tính minh bạch là ở mức trung bình khu vực Tây Nguyên và cả nước.
Hai năm gần đây, điểm số PCI thuần đều lớn hơn PCI có trọng số và đang có xu hướng doãng ra. Chứng tỏ các chỉ số thành phần có trọng số cao không được tập trung cải thiện hoặc thực hiện kém hiệu quả.
Nhóm chỉ số thành phần cần tập trung cải thiện: Chi phí không chính thức, Tính minh bạch, Đào tạo lao động, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp. Đó là nhóm chỉ số có trọng số lớn hoặc giảm mạnh hoặc tụt hậu so mức trung bình cả nước.
Từ đó thấy được những thách thức cơ bản như tình hình cải thiện ì ạch, có vẻ nằm ngoài sự kiểm soát. Hoạch định và tổ chức điều hành kế hoạch cải thiện PCI có vấn đề nhưng chưa xác định được nguyên nhân.
Nguyên nhân cốt lõi là do khả năng phân tích, đánh giá và hoạch định hạn chế, mô hình tổ chức xây dựng; điều hành kế hoạch cải cách chưa phù hợp; thiếu động lực cải cách; thiếu “tình cảm xuất phát từ tâm” dành cho doanh nghiệp; thiếu hệ thống đánh giá và kiểm soát độc lập.
Phương hướng cải thiện chỉ số PCI Đăk Nông
Đăk Nông có đủ cơ sở và điều kiện để thực hiện “bước nhảy vọt đột biến”
Trước thực trạng liên tục đứng cuối bảng, ì ạch nhích vào vị trí 59 (năm 2011), vọt lên thứ hạng 48 (năm 2012), rồi lại rớt xuống 57 (năm 2014), chắc chắn không ai dám nghĩ đến mục tiêu xa vời, ngoài con số phấn đầu tăng 5-7 bậc. Đó là việc làm hợp lý, phù hợp với thực trạng và tâm lý bình thường của con người.
Tuy nhiên, như đã phân tích về xu hướng vận động và phát triển của PCI, nếu lấy điểm cao nhất của các chỉ số thành phần đã thực hiện từ 2008-2014, sẽ có tổng điểm PCI thuần cực đại từ năm 2008-2014 là: 62,98, PCI có trọng số: 58,89; so với điểm số toàn quốc năm 2014, sẽ nằm trong TOP 13, nhảy 44 bậc. Đó là điểm số thực và trong thực tiễn đã có nhiều địa phương vượt qua bước nhảy này, như: Tây Ninh thăng 46 bậc, Trà Vinh 49 bậc. Có thể nói, "44 bậc" là bước nhảy khả thi.
Bảng 2: Điểm số thành phần đỉnh cao của Đăk Nông từ 2008-2014
Làm cách nào để lấy lại những thành tích trước đó, khi không biết “ vì sao ta đạt được”; vì trước đây không xác định được ưu thế, động lực của nó. Đây là một trong những thách thức mới đồng thời cũng là cơ hội mới đan xen trong quá trình thực hiện bước nhảy đột biến
Có những thành tích không cao trong quá khứ, nhưng lại là kỷ lục hôm nay. Ví dụ: năm 2012, điểm số 7,51 Tiếp cận đất đai ở vị trí thứ 24, nhưng lại ở ngôi đầu bảng vào năm 2014; tương tự, chỉ số thành phần Chi phí không chính thức ở vị trí thứ 16 (năm 2010), nhưng thời điểm năm 2014, lại lên vị trí thứ 2... Chủ yếu là do sự tụt hậu chung của các tỉnh, thành. Nhưng sẽ là thách thức, rủi ro tương lai, bởi không gian cải thiện (điểm số) của các địa phương còn quá lớn.
Ngược lại, nhiều chỉ số thành phần đỉnh cao của tỉnh ta, nhưng vẫn nằm trong TOP thấp và rất thấp so với mặt bằng hiện nay, như: Chỉ số (1), (4), (7), (8). Đó là cơ hội để Dak Nông “vượt lên chính mình”, bởi không gian cải thiện của chúng ta còn rất rộng .
Chiến lược nào cho việc cải thiện CPI?
Với phương châm “Vượt qua chính mình, lấy lại những gì đã mất" Đăk Nông cần duy trì kết quả cao trong quá khứ, tiếp tục cải thiện vượt qua thành tích. Tập trung vào các chỉ số có trọng số lớn, điểm số tụt hậu, điểm số còn không gian cải thiện lớn. VÌ mục tiêu phấn đấu tớ năm 2016 – 2017: PCI thuần: trên 60 điểm, PCI có trọng số: trên 61 điểm; thứ hạng: TOP 15- 20, sau 2017: TOP 10.
Để đạt được điều đó cần phải phân tích, cải thiện từng nội dung trọng yếu của từng chỉ số thành phần. Áp dụng phương pháp xây dựng kế hoạch theo kết quả đầu ra (PMS). KH phải đưa ra được mục tiêu xác định nhiệm vụ tương thích với mục tiêu; mỗi nhiệm vụ phải đưa ra các hành động với kết quả cụ thể.
Giải pháp cốt lõi là tập trung vào Mô hình tổ chức cải cách PCI: Tổ chức đánh giá độc lập thực trạng PCI; cách thức xây dựng và tổ chức thực hiện KH cải thiện của địa phương; đề xuất KH cải thiện. Thiết lập hệ thống đánh giá và kiểm soát: nên giao cho một tổ chức độc lập với các đối tượng chủ thể, tác nhân chính của PCI (cơ quan QLNN). Xây dựng thể chế đảm bảo tính liên thông giữa cơ quan quản lý Nhà nước với cộng đồng doanh nghiệp nhằm tạo nên công cụ phản ánh, đo lường độ nhạy nỗ lực cải cách của chính quyền sở tại. (nên giao cho Hội DN tỉnh thực hiện, nếu đủ năng lực hoặc một tổ chức độc lập khác). Thiết lập cơ chế tạo động lực cải cách và thiết chế trách nhiệm rõ ràng
Thứ hạng PCI, hiện nay, không còn là sự cao thấp “thành tích” giữa các địa phương mà thực sự đã trở thành cuộc đua - tranh quyết liệt vì sự phồn vinh của cộng đồng doanh nghiệp và sự phát triển kinh tế địa phương, đòi hỏi chúng ta phải tích cực đổi mới, sáng tạo, nỗ lực, quyết tâm và hành động nhanh hơn nữa./.
Bình luận