Phần trả lời chất vấn của Thống đốc Nguyễn Thị Hồng “đạt điểm” ra sao?
Trả lời thẳng vào vấn đề…
Phát biểu kết thúc nội dung chất vấn đối với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng hôm nay (ngày 9/6), Chủ tịch Quốc hội nhìn nhận, Thống đốc NHNN tuy mới nhận nhiệm vụ hơn 1 năm, nhưng đã có nhiều năm công tác tại NHNN, nên đã chuẩn bị kỹ lưỡng và nắm chắc các vấn đề thuộc chức năng quản lý nhà nước của NHNN, đã trả lời thẳng vào vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm, giải trình đầy đủ các vấn đề còn bất cập, hạn chế, đề xuất một số giải pháp tiếp tục khắc phục những tồn tại, hạn chế thời gian qua, theo Văn phòng Quốc hội.
Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng đã giải trình đầy đủ các vấn đề còn bất cập, hạn chế (ảnh: Quốc hội) |
Chủ tịch Quốc hội cho rằng, qua chất vấn, nhiều đại biểu Quốc hội vẫn còn những băn khoăn, lo lắng trước những khó khăn, thách thức có thể ảnh hưởng tới lĩnh vực ngân hàng trong thời gian tới, như: việc xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42/2017/QH14 của Quốc hội chưa đạt được mục tiêu; áp lực nợ xấu gia tăng do khó khăn, tác động nặng nề của đại dịch Covid-19; việc xử lý các ngân hàng thương mại, các tổ chức tín dụng yếu kém cần phải huy động lớn nguồn lực và chưa có tiền lệ nên còn gặp nhiều khó khăn, thách thức…
Nhiều “điểm nóng” ngành Ngân hàng cần xử lý
Sau khi báo cáo Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 689/QĐ-TTg Phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025”, trong đó có một số quy định, như: hoàn thiện khung khổ pháp lý về tiền tệ, hoạt động ngân hàng, cơ cấu lại và xử lý nợ xấu, nâng cao năng lực tài chính... |
Trước những tồn tại của ngành Ngân hàng, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, Thống đốc NHNN, các Bộ trưởng, trưởng ngành quan tâm tiếp tục phối hợp chặt chẽ chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ phục hồi phát triển kinh tế. Tiếp tục phấn đấu tiết giảm chi phí và hạ lãi suất cho vay đối với nền kinh tế như Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội…
Tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật, nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý về tiền tệ, quản lý ngoại hối, vàng và hoạt động ngân hàng, bảo đảm an toàn hoạt động hệ thống các tổ chức tín dụng. Tổ chức triển khai quyết liệt Đề án cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025...
“Tiếp tục ngăn ngừa tình trạng sở hữu chéo và sử dụng có tính chất thao túng, chi phối trong các tổ chức tín dụng. Tăng cường năng lực, hiệu lực công tác thanh tra, giám sát hoạt động của các tổ chức tín dụng, thanh tra chuyên đề đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao. Tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện Nghị quyết 42/2017/QH14 của Quốc hội về xử lý nợ xấu. Nghiên cứu hạn chế tiến tới xóa bỏ việc điều hành theo hạn mức tín dụng một cách hành chính như hiện nay…”, ông Vương Đình Huệ yêu cầu.
Chủ tịch Quốc hội lưu ý cần phát triển thị trường tài chính nói chung và thị trường trái phiếu doanh nghiệp nói riêng một cách lành mạnh. Giám sát chặt để tốc độ tăng trưởng dư nợ và chất lượng tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, nhất là đầu tư kinh doanh bất động sản, chứng khoán, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, đồng thời bảo đảm cung ứng vốn cho thị trường chứng khoán, bất động sản tiếp tục phát triển bền vững.../.
Bình luận