Cụ thể, trong năm 2015, qua các đợt kiểm tra của cơ quan chức năng tại 51/63 sở hhoa học và công nghệ các tỉnh, với 1.718 cơ sở kinh doanh vàng, phát hiện 423 cơ sở (chiếm 25%) vi phạm về quy định đo lường, sử dụng cân vàng không kiểm định, không đạt yêu cầu về đo lường; cân không phù hợp về phạm vi đo và cấp độ chính xác; hàm lượng vàng không đạt theo tiêu chuẩn công bố.

Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, số cơ sở kinh doanh vàng, bán vàng không đáp ứng tiêu chuẩn tập trung chủ yếu vào các loại vàng trang sức, mỹ nghệ, trong đó 170 phương tiện đo không đúng tiêu chuẩn bị thu giữ, chiếm 9,7% số vụ vi phạm.

Năm 2015-2016, Bộ Khoa học và Công nghệ phát hiện hơn 600 cơ sở kinh doanh vàng không đạt hàm lượng tiêu chuẩn trên phạm vi cả nước.

Cơ quan chức năng đã tịch thu số hàng hơn 4.000 mẫu, trong đó tạm dừng lưu thông hơn 2.800 mẫu và xử phạt số tiền gần 200 triệu đồng. Sang năm 2016, tính đến hết ngày 23/8/2016, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Khoa học và Công nghệ, sở hhoa học và công nghệ các tỉnh đã thanh tra hơn 580 cơ sở kinh doanh vàng, phát hiện hơn 183 cơ sở vi phạm các quy định về tiêu chuẩn đo lường, chất lượng và nhãn mác vàng theo quy định với số tiền xử phạt hơn 1,5 tỷ đồng.

Bộ Khoa học và Công nghệ khẳng định, hiện sản xuất, nhập khẩu vàng trang sức, mỹ nghệ không được kiểm soát về chất lượng, đặc biệt đối doanh nghiệp, cá nhân được nhập khẩu vàng trang sức, mỹ nghệ qua cửa khẩu không cần kiểm soát chất lượng và họ chỉ nộp thuế theo quy định của pháp luật là đủ.

Bên cạnh đó, trên thị trường, các cửa hàng kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ cho biết, họ chỉ biết bán vàng trang sức, lấy từ các cơ sở nhập khẩu, sản xuất và chế tác được Ngân hàng Nhà nước cho phép và chất lượng vàng do các cơ sở này quyết định. Như vậy, vô hình chung với các quản lý chất lượng vàng trang sức, mỹ nghệ như hiện nay, mới chỉ quản lý được phần ngọn mà không quản lý được phần gốc.

Chính vì thế, để giảm bớt các vụ vi phạm về kinh doanh vàng, Bộ Khoa học và Công nghệ kiến nghị Chính phủ xem xét sửa đổi Nghị định số 24/2012/NĐ-CP, ngày 03/04/2012 trong đó quy định quản lý chất lượng vàng trang sức, mỹ nghệ trong sản xuất, nhập khẩu.

Trước đó, dư luận, nhất là những người cầm vàng hoang mang khi ông Trần Văn Vinh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng khẳng định tại buổi làm việc với Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Đồng Nai vào ngày 28/07/2016 về công tác quản lý chất lượng vàng rằng: Trên thị trường vàng hiện nay có từ 3%-8% lượng vàng không đủ tuổi, không đảm bảo chất lượng.

Ông Vinh cho biết, trước đây ở trong nước không có đơn vị chuyên môn nào có chức năng quản lý về tuổi vàng, chất lượng vàng, dẫn đến tình trạng không thống nhất, không được quản lý đối với tuổi vàng trong thời gian qua. Đến khi Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành Thông tư 22/2013/TT-BKHCN, ngày 26/09/2013 quy định về quản lý đo lường trong kinh doanh vàng và quản lý chất lượng vàng trang sức, mỹ nghệ lưu thông trên thị trường, thì công tác này mới được chú trọng.

Ông Vinh cũng cho rằng sự không minh bạch trong quá trình công bố tuổi vàng thời gian qua đã làm ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cũng như quyền lợi của người tiêu dùng.

Thời gian tới, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng sẽ triển khai công tác thanh tra diện rộng trên địa bàn cả nước về công tác quản lý chất lượng vàng, tuổi vàng nhằm làm minh bạch hóa thị trường, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng./.