Phát triển các KCN, KKT, tạo động lực tăng trưởng kinh tế tỉnh Quảng Bình
Cửa khẩu quốc tế Cha Lo, tỉnh Quảng Bình |
Năm 2022, Ban Quản lý Khu kinh tế Quảng Bình (Ban Quản lý) thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về KCN, KKT trong điều kiện nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và những biến động tiêu cực của kinh tế thế giới, đã tác động không nhỏ đến hoạt động đầu tư, kinh doanh trong các KCN, KKT tỉnh Quảng Bình. Vượt lên những khó khăn, Ban Quản lý Khu kinh tế Quảng Bình đã phát huy cao tinh thần đoàn kết, phấn đấu nỗ lực; không ngừng nâng cao vai trò, hiệu lực và hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước và phát triển các KCN, KKT. Nhờ đó, các KCN, KKT của Tỉnh tiếp tục đạt được nhiều kết quả tích cực trong hoạt động đầu tư kinh doanh.
Nâng cao chất lượng và hiệu quả xúc tiến đầu tư
Năm 2022, Ban Quản lý Khu kinh tế Quảng Bình đã đẩy mạnh triển khai các hoạt động xúc tiến đầu tư với các hình thức đa dạng, phong phú, có trọng tâm, trọng điểm; gắn thu hút đầu tư với công tác quản lý nhà nước và tình hình thực tế tại KCN, KKT để điều chỉnh hiệu quả hoạt động xúc tiến và thu hút đầu tư.
Theo đó, Ban đã chú trọng xây dựng cơ sở dữ liệu và cập nhật thông tin về pháp luật đầu tư, nhu cầu đầu tư vào các KKT, KCN của Tỉnh; tìm kiếm các thông tin về các nhà đầu tư có nhu cầu, tiềm năng để mời gọi, giới thiệu kết nối với các đối tác trong và ngoài nước về các dự án đầu tư vào KKT, KCN của Tỉnh. Tiếp tục kiện toàn và đổi mới, nâng cấp nội dung website, cập nhật thường xuyên tin bài, xây dựng các phóng sự, chuyên đề nhằm giới thiệu, quảng bá tiềm năng, thế mạnh của các KCN, KKT trên địa bàn Quảng Bình.
Đồng thời, tập trung triển khai công tác xúc tiến đầu tư, trong đó phát huy tính chủ động, khả năng hỗ trợ của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động Ban Quản lý đối với người dân và doanh nghiệp tới làm việc. Tiếp tục triển khai các hoạt động xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước, thu hút các nhà đầu tư có năng lực để công tác đầu tư có hiệu quả thiết thực. Phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan để hỗ trợ các nhà đầu tư trong việc thực hiện các thủ tục đầu tư, cũng như trong quá trình xây dựng và khi đi vào hoạt động.
Công nhân làm việc trong Công ty may Hà Quảng, KCN Tây bắc Đồng Hới, Quảng Bình |
Với những cố gắng lớn trong công tác xúc tiến và thu hút đầu tư, trong năm 2022, Ban Quản lý Khu kinh tế Quảng Bình đã cấp chủ trương đầu tư cho 08 dự án với tổng mức đầu tư khoảng 2.700 tỷ đồng, diện tích cho thuê đất dự kiến 55ha.
Lũy kế đến nay, trong các KCN, KKT trên địa bàn Tỉnh đã thu hút được 169 dự án với tổng mức đăng ký đầu tư hơn 109.000 tỷ đồng.
Trong đó, có một số dự án trọng điểm khi đưa vào hoạt động sẽ là động lực phát triển cho cả vùng như: Nhà máy nhiệt điện Quảng Trạch I có tổng vốn đầu tư 42.000 tỷ đồng; Dự án nhiệt điện Quảng Trạch II với tổng mức đầu tư 48.000 tỷ đồng; Dự án Cảng Tổng hợp quốc tế Hòn la với tổng mức đầu tư 2.112 tỷ đồng.
Ngoài ra, một số dự án đầu tư kinh doanh hạ tầng KCN đang trình chủ trương đầu tư như: Dự án Đầu tư xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng KCN Cam Liên, với tổng mức đầu tư 1.840 tỷ đồng; Dự án Đầu tư xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng KCN Tây Bắc Quán Hàu, với tổng mức đầu tư 1.900 tỷ đồng; Dự án Trung tâm thương mại và Logistics Hòn La có tổng mức đầu tư 247 tỷ đồng...
Các doanh nghiệp đầu tư kinh doanh ổn định và phát triển
Trong năm 2022, tình hình dịch Covid-19 đã được kiểm soát; các doanh nghiệp trong các KCN, KKT của Tỉnh đã dần phục hồi sản xuất kinh doanh, nên kết quả đạt được ấn tượng, cụ thể:
Tổng doanh thu năm 2022 ước khoảng 5.000 tỷ đồng, đạt 157% so với năm 2021 (trong đó tập trung vào một số mặt hàng chính như: Gỗ dăm, gas chiết nạp, gạch tuynel, bê tông tươi, phân bón NPK Sao Việt, sản phẩm may mặc...).
Xe chở hàng tại Cảng Hòn La, KKT Hòn La, tỉnh Quảng Bình |
Tổng doanh thu hoạt động thương mại và dịch vụ trong các KCN, KKT đạt khoảng 3.000 tỷ đồng; giá trị xuất khẩu ước khoảng 2.600 tỷ đồng, đạt 216% so năm 2021; nộp ngân sách nhà nước khoảng 395 tỷ đồng, đạt 125% so với năm trước.
Các doanh nghiệp KCN, KKT đã thu hút và tạo việc làm cho 5.200 người lao động, với thu nhập bình quân khoảng 6 triệu đồng/người/tháng.
Về tình hình hoạt động thương mại qua cửa khẩu Cha Lo, trong năm 2022, tình hình xuất nhập khẩu tại KKT cửa khẩu Cha Lo gặp nhiều khó khăn do Trung Quốc duy trì chính sách Zero Covid, nên việc lưu thông từ một số nước qua cửa khẩu Quốc tế Cha Lo bị ảnh hưởng. Song hoạt động thương mại qua cửa khẩu này vẫn tiếp tục duy trì ổn định và đạt được một số chỉ tiêu chính sau:
Kim ngạch (bao gồm quá cảnh, phi mậu dịch) ước khoảng 1.800 triệu USD; trong đó xuất khẩu đạt 66 triệu USD, nhập khẩu đạt 346 triệu USD, quá cảnh đạt 1.388 triệu USD.
Các loại thuế hàng hóa qua cửa khẩu ước khoảng 128 tỷ đồng, đạt 109% so với năm 2021.
Hàng hóa qua cửa khẩu ước khoảng 2,8 triệu tấn, đạt 878% so với năm 2021. Trong đó: Xuất khẩu 90 nghìn tấn; nhập khẩu 1.200 nghìn tấn; quá cảnh 1.510 nghìn tấn.
Phương tiện xuất nhập cảnh khoảng 148 nghìn lượt, đạt 91% so với năm 2021. Trong đó, xuất cảnh 76 nghìn lượt; nhập cảnh 72 nghìn lượt.
Người xuất nhập cảnh ước khoảng 221 nghìn người, đạt 118% so với năm 2021. Trong đó, xuất cảnh 112 nghìn người; nhập cảnh 109 nghìn người.
Doanh nghiệp kinh doanh thương mại và dịch vụ tại trung tâm cửa khẩu: 5 doanh nghiệp; hộ kinh doanh trong khu trung tâm: 37 hộ.
Trong năm 2022, thu phí sử dụng kết cấu hạ tầng đối với phương tiện vận chuyển hàng hóa qua cửa khẩu Cha Lo ước khoảng 65,6 tỷ đồng.
Quy hoạch luôn đi trước một bước
Được biết, công tác quy hoạch phát triển các KCN, KKT luôn được Ban Quản lý chú trọng triển khai kịp thời và đồng bộ. Đã cập nhật, bổ sung quy hoạch phát triển KCN, KKT vào quy hoạch tỉnh Quảng Bình đảm bảo đầy đủ, đồng bộ, có tầm nhìn dài hạn nhằm phục vụ phát triển ổn định lâu dài.
Công tác quản lý kiến trúc quy hoạch thực hiện đúng các quy định, đồng thời phối hợp tốt với các địa phương để quản lý tốt quy hoạch xây dựng. Đã tập trung triển khai các quy hoạch khu chức năng đảm bảo tính đồng bộ giữa quy hoạch chung KKT, KCN đã được phê duyệt, đồng thời phù hợp với định hướng phát triển của địa phương liên quan, nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế sẵn có để phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Toàn cảnh KKT cửa khẩu quốc tế Cha Lo, tỉnh Quảng Bình |
Trong năm 2022, Ban Quản lý Khu kinh tế tiếp tục thực hiện một số nhiệm vụ quy quy hoạch trọng tâm như: Điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng KKT Hòn La đến năm 2040: Hiện nay, đồ án quy hoạch đã hoàn thành bước lấy ý kiến các sở, ngành, địa phương, đã tổ chức báo cáo UBND Tỉnh, Ban Cán sự Đảng UBND Tỉnh; thực hiện các đồ án quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết: Quy hoạch phân khu mở rộng KCN Bang, huyện Lệ Thủy, tỷ lệ 1/2000; quy hoạch chi tiết các điểm dịch vụ, thương mại KKT Hòn La, tỷ lệ 1/500; quy hoạch khu bến cảng Hòn La...
Đẩy mạnh đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật KCN, KKT
Công tác quản lý, sử dụng các nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách phục vụ đầu tư các công trình, dự án phát triển hạ tầng kỹ thuật KKT, KCN Tỉnh cơ bản được sử dụng đúng mục tiêu, kế hoạch vốn được giao. Các dự án đầu tư đã kịp thời phát huy hiệu quả, từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng các KCN và khu chức năng trong KKT. Tiến độ xây dựng và quản lý, thanh toán vốn cho các công trình kịp thời, đúng Luật Ngân sách nhà nước và các quy định hiện hành về quản lý đầu tư, xây dựng.
Năm 2022, Ban Quản lý Khu kinh tế triển khai đầu tư các dự án phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật KKT, KCN như: Hệ thống hạ tầng kỹ thuật KKT Hòn La; hạ tầng kỹ thuật KCN Tây Bắc Quán Hàu; hạ tầng kỹ thuật KCN Bắc Đồng Hới (mở rộng); hạ tầng Khu phi thuế quan và các điểm dịch vụ KKT cửa khẩu Cha Lo (giai đoạn 2).
Cùng với đó, việc phát triển quỹ đất ở cũng được Ban chú trọng nhằm tạo quỹ đất ở phục cho cán bộ và công nhân làm việc tại KCN, KKT, đồng thời tăng nguồn thu ngân sách cho Tỉnh. Ban Quản lý đang thực hiện dự án khu đất ở Đông Hưng, xã Quảng Đông, KKT Hòn La, với tổng diện tích 12ha, tổng mức đầu tư 86,7 tỷ đồng.
Cảng Hòn La nằm trong KKT Hòn La, tỉnh Quảng Bình |
Tăng cường quản lý đất đai, bảo vệ môi trường trong KCN, KKT
Công tác quản lý đất đai, môi trường được triển khai đồng bộ và hiệu quả. Đã thực hiện đăng ký kế hoạch sử dụng đất hằng năm đầy đủ, tỷ lệ sử dụng đất và hiệu quả sử dụng được nâng cao. Thực hiện nhiệm vụ đầu mối giải phóng mặt bằng trong KCN, KKT có hiệu quả. Công tác giao đất, cho thuê đất, thực hiện thủ tục miễn tiền thuê đất cho các dự án trong KCN, KKT thực hiện tuân thủ theo quy định của pháp luật. Công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường được quan tâm, thực hiện toàn diện. Ban thường xuyên hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, tuyên truyền và phổ biến pháp luật về công tác bảo vệ môi trường…
Công tác quản lý hạ tầng kỹ thuật và bảo vệ môi trường KCN, KKT được duy trì thường xuyên, liên tục để đảm bảo hoạt động cho các doanh nghiệp và đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư trong quá trình triển khai thực hiện dự án. Duy trì tốt việc cung cấp nước sạch và đảm bảo hệ thống điện chiếu sáng, phục vụ sản xuất, kinh doanh và quản lý nhà nước tại khu vực cửa khẩu; tăng cường công tác vệ sinh môi trường, chăm sóc vườn hoa, trồng thêm cây cảnh tạo môi trường xanh sạch đẹp tại KCN, KKT. Ban thường xuyên theo dõi và giải quyết kịp thời các vướng mắc của doanh nghiệp trong KCN, KKT. Tăng cường kiểm tra, bảo vệ vệ sinh môi trường và hạ tầng giao thông đối với các đơn vị thi công tại các KCN, KKT; phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan làm tốt công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn vệ sinh môi trường tại các KCN, KKT.
Công tác cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính được quan tâm đẩy mạnh. Ban đã kịp thời cập nhật các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, từ đó việc thống kê, soạn thảo nội dung công bố thủ tục hành chính, luôn đáp ứng yêu cầu về thời gian và chất lượng nhằm kịp thời phục vụ nhu cầu tra cứu của cá nhân, tổ chức; đồng thời không ngừng cải tiến, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO phù hợp với bộ thủ tục hành chính hiện hành. Tiến hành rà soát các thủ tục hành chính còn bất cập, chưa phù hợp với thực tế, chưa hợp lý để kiến nghị sửa đổi, bổ sung nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính. Từng bước nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và các quy định về quản lý cán bộ, công chức, viên chức.
Công nhân Công ty May 10 đang làm việc trong KCN Tây Bắc Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình |
Công tác thanh tra, kiểm tra được triển khai thực hiện nghiêm túc. Thường xuyên kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện các mục tiêu đầu tư, các khoản cam kết tại Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, việc chấp hành pháp luật về xây dựng, đất đai, môi trường, lao động... của các doanh nghiệp trong KCN, KKT; tổ chức giám sát, kiểm tra chất lượng, tiến độ thi công các công trình đầu tư xây dựng hạ tầng KCN, KKT đảm bảo chất lượng công trình.
Công tác phòng chống dịch Covid-19 được quan tâm chú trọng, kịp thời phối hợp với các đơn vị liên quan hướng dẫn các doanh nghiệp hoạt động trong các KKT, KCN và tại cửa khẩu nghiêm túc thực hiện những giải pháp, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Tỉnh ủy, HĐND và UBND Tỉnh trong phòng chống Covid-19 trong tình hình mới.
Công tác bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội, phòng chống cháy nổ được đảm bảo. Thường xuyên phối hợp với lực lượng công an, biên phòng kiểm tra, thực hiện tốt công tác đảm bảo an ninh trật tự trong các KCN, KKT. Thường xuyên quán triệt cho công chức, viên chức và người lao động đề cao công tác bảo đảm an ninh trật tự cơ quan, thực hiện tốt công tác quốc phòng, an ninh
Phấn đấu hoàn thành toàn diện nhiệm vụ quản lý và phát triển các KCN, KKT
Theo Ban Quản lý Khu kinh tế Quảng Bình, căn cứ vào tình hình triển khai hoạt động quản lý nhà nước và tình hình thực tế tại các KCN, KKT, năm 2023 Ban Quản lý tiếp tục phấn đấu triển khai đồng bộ, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước trên các lĩnh vực; giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất, tiêu thụ sản phẩm thuận lợi. Một số nhiệm vụ cụ thể như sau:
Tăng cường quản lý quy hoạch: Triển khai thực hiện các nội dung quy hoạch KCN, KKT trong quy hoạch tỉnh Quảng Bình sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Khẩn trương hoàn thiện các thủ tục để trình thẩm định, phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng KKT Hòn La đến năm 2040; rà soát, đề xuất điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng KKT cửa khẩu Cha Lo. Tiếp tục hoàn thiện các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết các khu chức năng trong KCN, KKT. Nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về quy hoạch KCN, KKT theo chủ trương và các quy định về phân cấp cho Ban Quản lý. Tăng cường công tác quản lý quy hoạch và phối hợp chặt chẽ với các địa phương để quản lý theo quy hoạch đã được phê duyệt.
Đẩy mạnh công tác đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật: Tập trung tham mưu UBND Tỉnh bố trí từ nhiều nguồn vốn để đầu tư xây dựng hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật các KCN, KKT. Trước mắt đề xuất triển khai các công trình, hạng mục trọng tâm, trọng điểm, cấp bách để tập trung nguồn lực đầu tư, sớm hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư.
Tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án chuyển tiếp: Hạ tầng kỹ thuật KKT Hòn La; hạ tầng KCN Bắc Ðồng Hới (mở rộng); xây dựng các trục đường giao thông KCN Tây Bắc Quán Hàu; phát triển đất ở Đông Hưng và để xuất ứng vốn Quỹ phát triển đất của Tỉnh để bồi thường giải phóng mặt bằng các KCN, KKT nhằm tạo mặt bằng sạch, thu hút các dự án đầu tư.
Đổi mới công tác xúc tiến đầu tư: Phối hợp với các sở, ngành, kết nối chặt chẽ với các trung tâm xúc tiến đầu tư của các bộ, ngành nhằm tạo điều kiện trong việc quảng bá thu hút đầu tư. Lựa chọn những dự án có vốn đầu tư lớn của các tập đoàn, tổng công ty, các doanh nghiệp nước ngoài.
Nâng cao chất lượng công tác xúc tiến đầu tư tại chỗ, hỗ trợ tối đa nhà đầu tư từ bước chuẩn bị đầu tư, xây dựng và đi vào hoạt động. Hướng dẫn, cung cấp thông tin cho nhà đầu tư đến tìm hiểu đầu tư; giải quyết khó khăn, vướng mắc của nhà đầu tư trong quá trình thực hiện.
Tập trung chỉ đạo, tích cực hỗ trợ triển khai thực hiện các dự án có quy mô lớn đã và đang đề xuất cấp chủ trương đầu tư trong các KKT, KCN để tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm và tăng thu ngân sách cho Tỉnh.
Nghiêm túc thực hiện thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo: Xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện, kiểm tra đúng quy định. Thực hiện nghiêm túc và giải quyết kịp thời các đơn thư khiếu nại của các hộ dân, cá nhân và tổ chức. Phối hợp tốt với các đoàn thanh tra, kiểm tra của các đơn vị khác khi đến làm việc tại KCN, KKT.
Kiểm tra, giám sát tình hình hoạt động của các doanh nghiệp, kịp thời phát hiện các sai sót, kiến nghị của nhà đầu tư. Rà soát, tham mưu UBND Tỉnh thu hồi đối với các dự án đã được cấp đất, nhưng không triển khai hoặc chậm triển khai theo quy định của Luật Đất đai, Luật Đầu tư.
Tuyên truyền, phổ biến kịp thời các chủ trương, văn bản pháp luật liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp trong KCN, KKT; đồng thời hướng dẫn các doanh nghiệp nghiêm túc thực hiện đúng chế độ, chính sách của pháp luật, trong đó tập trung vào các lĩnh vực đầu tư xây dựng, bảo vệ môi trường, lao động...
Giữ vững ổn định môi trường đầu tư kinh doanh: Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng trong công tác quản lý môi trường, lao động, đầu tư, xây dựng, an ninh trật tự, phòng cháy chữa cháy... trong các KCN, KKT trên địa bàn./.
Bình luận