Diễn đàn tạo nên một kết nối giữa cơ quan xây dựng chính sách với chuyên gia, doanh nghiệp, cùng nhau chia sẻ tầm nhìn, mục tiêu và nhận diện bức tranh thị trường vốn trong kỷ nguyên mới, 2021-2030.

Với sự tham gia của lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương, Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cùng các chuyên gia uy tín, các doanh nghiệp 20 năm song hành cùng TTCK Việt Nam, Diễn đàn sẽ cung cấp những góc nhìn đa chiều về câu chuyện 20 năm Việt Nam mở rộng phát triển thị trường vốn. Từ nhận diện hiện thực sẽ gợi mở ý tưởng, góp ý chính sách cho chặng đường dài hạn. Cùng với đó, các ngành nghề, các cơ hội đầu tư nào đáng chú ý cũng là một nội dung được chia sẻ, bàn thảo tại Diễn đàn.

Với sự điều phối của TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, Diễn đàn dự kiến sẽ sôi động đặc biệt ở phần tọa đàm, đối thoại trực tiếp giữa các diễn giả và các quý khách tham dự. Góc nhìn từ các chủ thể đang trực tiếp tham gia thị trường vốn là rất cần thiết cho nhà quản lý trong việc xây Chiến lược phát triển mới, định hình mục tiêu và tương lai thị trường.

Thị trường vốn Việt Nam được hình thành cách đây 70 năm, với dấu mốc đầu tiên là Sắc lệnh số 15 do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ban hành, ra đời Ngân hàng Nhà nước. Trong 50 năm đầu tiên, ngành ngân hàng đảm nhiệm trọn vẹn vai trò kênh dẫn vốn trong nền kinh tế. Chỉ từ năm 2000, khi Chính phủ mở cửa thị trường chứng khoán Việt Nam, chức năng huy động vốn cho nền kinh tế mới bắt đầu được san sẻ sang hệ thống thị trường chứng khoán. Sau hơn 20 năm Việt Nam xây dựng và phát triển thị trường chứng khoán, cấu trúc thị trường vốn Việt Nam đã được định hình rõ nét, gồm hai cấu phần chính là thị trường chứng khoán và thị trường tín dụng trung, dài hạn.

TTCK đứng trước bài toán nghẽn lệnh, vậy tương lai đầu tư, nâng hạng, triển vọng tăng trưởng, ra sao, là những vấn đề đáng bàn

Sự phát triển của thị trường chứng khoán trong 2 thập kỷ đầu tiên phải trải qua nhiều thăng trầm, nhưng đã tạo nên một kênh dẫn vốn hữu hiệu cho Chính phủ, cho các doanh nghiệp và nền kinh tế. Nếu như năm 2000, khi thị trường chứng khoán mới mở cửa, vốn hóa thị trường chỉ đạt 986 tỷ đồng, tương đương 0,28% GDP, các doanh nghiệp hầu như phải huy động vốn qua kênh tín dụng ngân hàng, thì sau 2 thập kỷ, mức vốn hóa thị trường cổ phiếu Việt Nam tính đến cuối năm 2020 tương đương 83% GDP năm 2019. Hàng trăm ngàn tỷ đồng đã được các doanh nghiệp, các ngân hàng huy động qua thị trường chứng khoán, tạo nên bức tranh cân đối của thị trường vốn Việt Nam, bên cạnh kênh tín dụng ngân hàng cũng có sự phát triển mạnh mẽ trong 20 năm qua.

Dịch bệnh Covid-19 là một ẩn số lớn, đang gây ảnh hưởng lên chuỗi giá trị toàn cầu, tạo áp lực với doanh nghiệp và làm dày lên nguy cơ nợ xấu...

Rất nhiều thành quả đã được nền kinh tế ghi nhận trong 20 năm qua về thị trường vốn, nhưng chặng đường tương lai đang hàm chứa không ít thách thức. Trong hoạt động tín dụng, mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm, tuy nhiên chưa đồng đều và chưa thực chất hỗ trợ doanh nghiệp; việc thực hiện cơ cấu lại đối với các ngân hàng thương mại nhà nước gặp khó khăn trong việc nâng cao năng lực tài chính; khuôn khổ pháp lý, cơ chế chính sách về hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt chưa có, trong khi xu thế phát triển của loại hình này quá nhanh, yêu cầu quản lý nhà nước đối với các lĩnh vực công nghệ 4.0, ngân hàng số, công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng... đang còn để ngỏ. Cùng với đó, dịch bệnh Covid-19 chưa biết bao giờ kết thúc gây ảnh hưởng lên chuỗi giá trị toàn cầu, tạo áp lực với doanh nghiệp và làm dày lên nguy cơ nợ xấu...

Trên thị trường chứng khoán, Luật Chứng khoán mới chính thức có hiệu lực từ 01/01/2021, có nhiều thay đổi lớn, tác động sâu rộng nhằm nâng tầm TTCK Việt Nam, nhưng thị trường đang đối mặt với khó khăn chưa từng có là tình trạng nghẽn lệnh giao dịch. Do TTCK mắc ở câu chuyện nghẽn lệnh, tương lai đầu tư, nâng hạng, triển vọng tăng trưởng, các chính sách nới lỏng tiền tệ của Mỹ, châu Âu, Nhật Bản… trở nên rất khó dự báo. Hoạt động đầu tư nên ứng xử như thế nào trong bối cảnh hiện tại? Chiến lược 10 năm cần định vị như thế nào để nâng tầm thị trường và khả thi? Đó là những bài toán lớn cần nhiều góc nhìn hiểu thực tiễn và góp những sáng kiến và giải pháp cho thị trường vốn Việt Nam bứt phá, vươn lên.

Những thông tin, góc nhìn, thảo luận, sáng kiến giải pháp… sẽ hội tụ tại Diễn đàn thị trường vốn ngày 30/3 tới và được truyền thông ra đại chúng thông qua Tạp chí Kinh tế và Dự báo cùng nhiều phương tiện thông tin đại chúng khác.

Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc và mong ghi nhận được nhiều đóng góp, sáng kiến cho chủ đề phát triển thị trường vốn của bạn đọc tới đây./.