HIỆN TRẠNG PHÁT TRIỂN CỦA THỊ TRƯỜNG TRÁI PHIẾU DOANH NGHIỆP

Theo Tổng cục Thống kê, tổng sản phẩm trong nước (GDP) 6 tháng đầu năm 2021 tăng 5,64%. Tuy mức tăng này thấp hơn so với mục tiêu đã đề ra, nhưng đây vẫn là con số khá ấn tượng trong hoàn cảnh đại dịch Covid-19 đang có những diễn biến phức tạp. Ngân hàng Thế giới (World Bank) đánh giá, Việt Nam tiếp tục là một điểm sáng trong khu vực ASEAN, với tốc độ tăng trưởng GDP năm 2021 dự kiến là 6,6%. Điều này đồng nghĩa là nhu cầu vốn trong nền kinh tế rất lớn. Trong bối cảnh đó, với tư cách là một kênh huy động vốn quan trọng cho doanh nghiệp nói riêng, nền kinh tế nói chung, nhưng thị trường trái phiếu, nhất là trái phiếu doanh nghiệp ở Việt Nam chưa được phát triển đúng tầm, chưa phát huy được hết tiềm năng phát triển. Nhìn ra khu vực châu Á, các quốc gia phát triển, như: Nhật Bản, Hàn Quốc…, quy mô thị trường trái phiếu năm 2019 đều vượt trên 120% GDP. Tuy nhiên, năm 2019 ở Việt Nam con số này dừng ở mức khá khiêm tốn là 37,6% GDP, trong đó quy mô thị trường trái phiếu Chính phủ chiếm khoảng 25% GDP, còn lại là trái phiếu doanh nghiệp. Đến năm 2020, theo Công ty cổ phần Tập đoàn FiinGroup (Fiin Ratings), quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp đạt 950.300 tỷ đồng, tương đương 15,1% GDP. Tuy mức tăng trưởng này vượt qua các quốc gia, như: Phillippines, Indonesia…, nhưng vẫn còn thấp hơn rất nhiều so với Thái Lan hay Singapore (Biểu đồ 1).

Giải pháp phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp ở Việt Nam

Theo Công ty Chứng khoán SSI, năm 2020 ghi nhận sự tăng trưởng bùng nổ của thị trường trái phiếu doanh nghiệp với 455.000 tỷ đồng trái phiếu được phát hành, tăng tới 48,4% so với năm 2019. Trong khi đó, theo Fiin Ratings trái phiếu doanh nghiệp được phát hành năm 2020 có kỳ hạn bình quân là 4,3 năm, lãi suất bình quân 9,9%/năm (Biểu đồ 2).

Giải pháp phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp ở Việt Nam

Trong hai năm trở lại đây, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã trở nên rất sôi động. Về phía sức cầu của thị trường, ngoài các tổ chức đầu tư chuyên nghiệp tham gia, một bộ phận nhà đầu tư cá nhân không chuyên nghiệp cũng tích cực tham gia thị trường. Năm 2019, tỷ trọng nhà đầu tư cá nhân trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp chiếm khoảng 7,4%, đến tháng 7/2020, con số này đã tăng gần gấp đôi đạt 13% (Biều đồ 3). Điều này cho thấy, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang ngày càng hấp dẫn đối với nhóm nhà đầu tư cá nhân.

Giải pháp phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp ở Việt Nam

Bên cung của thị trường chủ yếu tập trung vào các ngân hàng thương mại, các công ty bất động sản và các doanh nghiệp thuộc nhóm ngành năng lượng, khoáng sản. Trong năm 2020, các công ty bất động sản dẫn đầu khối lượng trái phiếu phát hành, khi chiếm khoảng 38% tổng số lượng trái phiếu doanh nghiệp được phát hành, tăng 14% so với năm 2019. Tiếp đến là nhóm ngân hàng thương mại, với khối lượng trái phiếu phát hành chiếm tỷ trọng 30% toàn thị trường, giảm 7% so với năm 2019. Nhóm ngành năng lượng đứng thứ ba, với tỷ trọng trái phiếu phát hành chiếm 8% toàn thị trường, còn lại là các doanh nghiệp thuộc nhiều nhóm ngành khác (Biểu đồ 4).

Giải pháp phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp ở Việt Nam

NHẬN DIỆN CƠ HỘI VÀ THÁCH THỨC

Nhiều cơ hội phát triển

Thực tiễn vận hành của thị trường cho thấy, đang có nhiều cơ hội cho sự phát triển của thị trường trái phiếu doanh nghiệp ở Việt Nam. Cụ thể như sau:

Một là, tiềm năng thị trường còn rất lớn. Theo Fiin Ratings, tổng dư nợ của trái phiếu doanh nghiệp tại Việt Nam đến hết năm 2020 là 15,1% GDP. Điều này cho thấy, mặc dù quy mô của thị trường còn hạn chế, nhưng đang có sự phát triển. Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, khi Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư số 03/2021/TT-NHNN, ngày 02/04/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2020/TT-NHNN, ngày 13/03/2020 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, siết chặt tín dụng đối với một số ngành nghề có rủi ro cao, như: bất động sản, chứng khoán…, thì phát hành trái phiếu chính là giải pháp hữu hiệu để các doanh nghiệp này thỏa mãn nhu cầu về vốn.

Hai là, sức hấp dẫn của trái phiếu doanh nghiệp đối với nhà đầu tư, kể cả các nhà đầu tư cá nhân ngày càng lớn. Điều này có lý do là lợi nhuận mà nhà đầu tư thu được cao hơn so với gửi tiền tiết kiệm. So với lãi suất tiền gửi tại các ngân hàng thương mại, thì trái tức của trái phiếu doanh nghiệp cao hơn từ 0,8%- 1,7%/năm trong năm 2020 và khoảng cách này càng gia tăng trong năm 2021, khi các ngân hàng thương mại đồng loạt giảm lãi suất.

Ba là, nhu cầu vốn trung và dài hạn của nền kinh tế, đặc biệt là các doanh nghiệp thuộc các nhóm ngành, như: bất động sản, xây dựng và vật liệu xây dựng là rất lớn, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 đang quay lại bùng phát lần thứ tư ảnh hưởng trực tiếp đến dòng tiền trong ngắn hạn của doanh nghiệp, trong khi các dự án của họ chủ yếu là trung và dài hạn. Điều này dẫn đến một tất yếu khách quan là các doanh nghiệp sẽ phải sử dụng kênh trái phiếu doanh nghiệp, để có thể huy động được vốn cho mục tiêu phát triển sản xuất, kinh doanh.

Bốn là, khung pháp lý hoàn thiện, tạo thuận lợi cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển bền vững, điển hình là Nghị định số 153/2020/NĐ-CP, ngày 31/12/2020 của Chính phủ quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế. Điểm mới tại Nghị định này là với phát hành trái phiếu theo hình thức riêng lẻ, thì cơ quan quản lý nhà nước không cấp phép phát hành trái phiếu như đối với trái phiếu doanh nghiệp phát hành ra công chúng, ngoại trừ việc phát hành trái phiếu chuyển đổi, trái phiếu kèm chứng quyền của công ty đại chúng tại thị trường trong nước; không yêu cầu doanh nghiệp phát hành phải có lãi. Nghị định này còn quy định cơ chế công bố thông tin đầy đủ của doanh nghiệp phát hành, đặc biệt là công bố thông tin về mục đích huy động vốn trái phiếu, tiếp tục nâng cấp chuyên trang thông tin về trái phiếu doanh nghiệp...

Những thách thức đặt ra

Bên cạnh những cơ hội và tiềm năng phát triển như trên, vẫn còn tồn tại không ít thách thức đối với sự phát triển của thị trường trái phiếu doanh nghiệp ở Việt Nam. Thách thức lớn nhất mà các doanh nghiệp khi phát hành trái phiếu đang phải đối mặt, đó là việc tự nâng cao năng lực quản trị, tài chính, minh bạch thông tin để đáp ứng yêu cầu về minh bạch thông tin của thị trường. Bên cạnh đó, một thách thức nữa là quy mô của thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn rất nhỏ, việc sử dụng kênh phát hành này để huy động vốn chưa trở thành kênh huy động vốn chủ yếu của các doanh nghiệp. Tính thanh khoản của thị trường trái phiếu doanh nghiệp còn hạn chế, cũng gây khó khăn cho sự phát triển của thị trường. Một thách thức không nhỏ đối với các doanh nghiệp khi phát hành trái phiếu, đó là hệ thống công nghệ thông tin cho toàn thị trường chứng khoán nói chung và thị trường trái phiếu doanh nghiệp nói riêng còn những hạn chế nhất định. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả của việc huy động vốn bằng trái phiếu của các doanh nghiệp.

ĐỀ XUẤT MỘT SỐ GIẢI PHÁP

Để thúc đẩy thị trường trái phiếu doanh nghiệp ở Việt Nam phát triển minh bạch, hiệu quả và chuyên nghiệp hơn, qua đó trở thành kênh huy động vốn chủ yếu cho các doanh nghiệp, nhiều giải pháp cần được triển khai. Cụ thể như sau:

Thứ nhất, Chính phủ và các bộ, ngành có liên quan cần tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý, chính sách quản lý, điều hành thị trường tài chính nói chung và thị trường trái phiếu doanh nghiệp nói riêng. Bên cạnh đó, cần có cơ chế để đẩy mạnh sự phát triển các tổ chức xếp hạng tín nhiệm trong nước. Đây là biện pháp cơ bản để nâng cao tính minh bạch về công bố thông tin của các doanh nghiệp phát hành trái phiếu. Điều này sẽ giúp các nhà đầu tư có thêm thông tin chính xác để đưa ra quyết định đầu tư, cũng như góp phần thúc đẩy các doanh nghiệp trong nước phát triển tiệm cận với thông lệ và chuẩn mực quốc tế.

Thứ hai, các bên có trách nhiệm cần tiếp tục đẩy mạnh các giao dịch trái phiếu doanh nghiệp trên thị trường thứ cấp. Khi hoạt động ở thị trường thứ cấp sôi động, cụ thể là trái phiếu phát hành có thể bán buôn, bán lẻ cho các tổ chức, cá nhân một cách rộng rãi hơn, sẽ giúp tính thanh khoản của các trái phiếu tăng lên, từ đó tăng tính hấp dẫn cho thị trường, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp thực hiện các đợt phát huy sơ cấp để huy động vốn phục vụ cho phát triển sản xuất, kinh doanh.

Thứ ba, cơ quan quản lý, tổ chức và vận hành thị trường cần hình thành hệ thống hạ tầng giao dịch chuyên biệt cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Đây là yếu tố quan trọng để giúp cho hoạt động huy động vốn được diễn ra nhịp nhàng, tiết kiệm chi phí thời gian, đồng thời đảm bảo được quyền và lợi ích của cả bên đầu tư và bên phát hành.

Thứ tư, Việt Nam cần nghiên cứu, học hỏi những kinh nghiệm phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp của các nước trong khu vực. Qua đó, giúp chúng ta có được những bài học kinh nghiệm để rút ngắn được thời gian phát triển và hơn hết là sẽ tránh được những rủi ro đối với chiến lược phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong thời gian tới./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Ban Chấp hành Trung ương (2021). Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 của Ban Chấp hành Trung ương trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII Đảng cộng sản Việt Nam

2. Chính phủ (2020). Nghị định số 153/2020/NĐ-CP, ngày 31/12/2020 quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế

3. Ngân hàng Nhà nước (2021). Thông tư số 03/2021/TT-NHNN, ngày 02/04/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2020/TT-NHNN, ngày 13/03/2020 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19

4. Tổng cục Thống kê (2021). Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội quý II và 6 tháng đầu năm 2021, truy cập từ https://www.gso.gov.vn/du-lieu-va-so-lieu-thong-ke/2021/06/bao-cao-tinh-hinh-kinh-te-xa-hoi-quy-ii-va-6-thang-dau-nam-2021/

5. Công ty chứng khoán SSI (2021). Báo cáo thị trường trái phiếu doanh nghiệp, truy cập từ https://img.vietnamfinance.vn/upload/news/hoanghung_btv/2021/3/4/bao-cao-trai-phieu-doanh-nghiep.pdf

6. Công ty cổ phần Tập đoàn FiinGroup (2021). Báo cáo triển vọng thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam 2021, truy cập từ https://fiingroup.vn/upload/docs/rating-insight%20-1-trien-vong-thi-truong-TPDN-viet-nam-2021.pdf

ThS. Vũ Văn Thành - Trường Đại học Hải Phòng

(Bài viết đăng trên Tạp chí Kinh tế và Dự báo số 20, tháng 7/2021)