Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh chủ trì phiên họp Ủy ban hợp tác Việt - Nhật lần thứ 7
Trong thời gian tại Nhật Bản, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh cũng đã có cuộc hội kiến với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Chủ tịch Hạ viện Nhật Bản, Bộ trưởng Bộ Giao thông, hạ tầng, đất đai và du lịch (MLIT), tiếp Lãnh đạo Liên đoàn kinh tế Nhật Bản (KEIDANREN) và Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA).
Tại các cuộc gặp, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh khẳng định Đảng và Chính phủ Việt Nam luôn coi Nhật Bản là đối tác chiến lược hàng đầu đặc biệt về hợp tác kinh tế và sẵn sàng cùng phía Nhật Bản thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng giữa hai nước phát triển thực chất và toàn diện trên mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, an ninh-quốc phòng, nông nghiệp…. Thủ tướng Abe, Chủ tịch Hạ viện Nhật Bản khẳng định coi Việt Nam là một trong những đối tác quan trọng tại khu vực và mong muốn cùng với Lãnh đạo Việt Nam tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ và toàn diện hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam-Nhật Bản trong thời gian tới.
Tại hội đàm và phiên họp lần thứ 7 Ủy ban Hợp tác Việt Nam-Nhật Bản, hai bên đã trao đổi các biện pháp cụ thể nhằm thúc đẩy triển khai kết quả chuyến thăm Nhật Bản của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng vừa qua cũng như các nội dung cho thành công của chuyến thăm Lãnh đạo Cấp cao trong thời gian tới nhằm làm sâu sắc, hiệu và thực chất hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam - Nhật Bản.
Hai bên nhất trí tăng cường hơn nữa sự tin cậy về chính trị thông qua việc duy trì thường xuyên các chuyến thăm, tiếp xúc giữa Lãnh đạo cấp cao, đẩy mạnh hợp tác chiến lược trên tất cả các lĩnh vực, thúc đẩy các cơ chế đối thoại như Ủy ban hợp tác Việt - Nhật, Đối thoại đối tác chiến lược, Đối thoại chiến lược quốc phòng....; nhất trí tiến hành phiên họp cấp cao về hợp tác nông nghiệp để ký Tầm nhìn trung và dài hạn hợp tác nông nghiệp Việt Nam-Nhật Bản trong năm 2015, sớm tổ chức phiên họp lần 1 của Ủy ban hỗn hợp Việt Nam-Nhật Bản về hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp, thương mại và năng lượng và sớm triển khai Giai đoạn 6 sáng kiến chung Việt Nam-Nhật Bản về cải thiện môi trường đầu tư.
Về hợp tác kinh tế, hai bên nhất trí tăng cường trao đổi để kết nối nền kinh tế hai nước, đạt nhiều thỏa thuận hợp tác trong các lĩnh vực ODA, thương mại, đầu tư, hợp tác nông nghiệp..... Hai bên cũng khẳng định quyết tâm triển khai các dự án quy mô lớn mà lãnh đạo cấp cao 2 bên đã thỏa thuận, trong đó có Dự án Nhà máy điện Ninh Thuận 2, Chiến lược công nghiệp hóa của Việt Nam, Đường bộ cao tốc Bắc-Nam; nghiên cứu khả năng hợp tác trong Kế hoạch tín dụng 110 tỷ USD nhằm phát triển cơ sở hạ tầng chất lượng cao tại Châu Á; cùng trao đổi về các biện pháp phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, thúc đẩy thương mại song phương trong đó có các mặt hàng nông sản của Việt Nam như xoài, thanh long ruột đỏ, vải. Bộ trưởng Ngoại giao Ki-si-đa cam kết sẽ thúc đẩy các thủ tục để sớm ký kết các dự án ODA vốn vay cho Việt Nam trong năm tài khóa 2015 trong đó có 6 dự án bổ sung trị giá 280 tỷ Yên; khẳng định sẽ xem xét nghiêm túc đối với các đề nghị của phía Việt Nam về cấp ODA cho các Dự án quản lý nước tỉnh Bến Tre, Dự án nâng cấp khôi phục cảng cá đá bạc tại tỉnh Khánh Hòa.
Về hợp tác trong các lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực, giao lưu nhân dân, Phó Thủ tướng Bộ trưởng Phạm Bình Minh đánh giá cao việc Chính phủ Nhật Bản đã có những biện pháp tạo thuận lợi cấp thị thực nhập cảnh đối với công dân Việt Nam thời gian qua cũng như quyết định nâng số lượng tiếp nhận điều dưỡng viên Việt Nam lên 500 người/năm.
Hai bên đã trao đổi về các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm, nhất trí tăng cường phối hợp tại các diễn đàn khu vực và quốc tế; tăng cường hợp tác trong các liên kết kinh tế quốc tế như Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) và thúc đẩy để sớm chính thức kết thúc đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Về vấn đề Biển Đông, hai bên chia sẻ quan ngại sâu sắc của cộng đồng quốc tế về tình hình Biển Đông thời gian gần đây; nhất trí về tầm quan trọng của bảo đảm hòa bình, an ninh, an toàn và tự do hàng hải và hàng không, đề nghị các bên liên quan, nghiêm túc tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên Hợp Quốc về luật biển 1982 cũng như Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và thúc đẩy việc sớm xây dựng COC. Ngoại trưởng Kishida Fumio khẳng định Nhật Bản sẽ tích cực hợp tác vì sự thành công của năm APEC 2017 do Việt Nam đăng cai./.
Bình luận