Lo ngại của Trung Quốc

THAAD được xem là một lá chắn hoàn hảo, giúp Hàn Quốc và gần 30.000 binh sĩ Mỹ đóng quân ở nước này nhận được sự bảo vệ vượt trội chống lại thách thức hạt nhân ngày càng lớn từ Bình Nhưỡng so với hệ thống phòng thủ tên lửa chưa đầy đủ hiện tại của Seoul. Ấy thế nhưng nó cũng là mối đe dọa đối với Trung Quốc.

“Con mắt thần” của THAAD - radar mảng pha hoạt động ở băng tần X có tên AN/TPY-2 là thứ khiến Trung Quốc thấy bất an. Với khả năng phát hiện các mối nguy hiểm ở cự ly tối đa 2.000 km, THAAD có thể kiểm soát được cả các tên lửa trên lãnh thổ Trung Quốc.

Trong bối cảnh Trung Quốc đang ngày càng quan tâm hơn tới việc xây dựng năng lực cảnh báo hạt nhân sớm, giới quan sát đánh giá, sự hiện diện của THAAD và radar AN/TPY-2 trong khu vực đương nhiên gây ảnh hưởng tới khả năng đáp trả hạt nhân của Bắc Kinh trước Washington.

Trung Quốc lo sợ sẽ ở thế yếu và không kịp trở tay trong trường hợp xảy ra xung đột với Mỹ bởi khả năng răn đe hạt nhân của Trung Quốc bị vô hiệu hóa. Chính vì thế, Bắc Kinh tin rằng, việc triển khai hệ thống THAAD chủ yếu là nhằm củng cố vị thế của Mỹ ở Đông Bắc Á và ngăn chặn ảnh hưởng của Trung Quốc.

Ngoài ra, Sputnik dẫn lời Giáo sư Kim Jaecheol thuộc Đại học Công giáo Hàn Quốc nhận định, Trung Quốc cũng luôn nghi ngờ việc Hàn Quốc theo đuổi mục tiêu xây dựng một liên minh “tam giác” với Washington và Tokyo.

Dùng vũ khí thương mại để gây sức ép chính trị

Cách đây ít ngày, sau khi Tập đoàn Lotte của Hàn Quốc thông qua phương án đổi sân golf Seongju cho quân đội nước này sử dụng vào mục đích bố trí hệ thống THAAD của Mỹ, Tổng cục Du lịch Trung Quốc (CNTA) đã triệu tập cuộc họp với các công ty du lịch tại Bắc Kinh và chỉ thị dừng hoàn toàn việc cung cấp các dịch vụ du lịch tới Hàn Quốc.

Theo đó, tất cả các đoàn khách du lịch muốn đến Hàn Quốc sẽ bị cấm mua vé máy bay và cấm xuất cảnh tới Hàn Quốc, bất kể thông qua các công ty lữ hành hay du lịch tự do. CNTA yêu cầu từ ngày 15/3 tới, hủy bỏ các gói du lịch tới Hàn Quốc, kể cả các gói hợp đồng đặt trước. Các công ty vi phạm sẽ bị phạt, tước giấy phép. Đó là văn bản hướng dẫn do cơ quan quản lý du lịch Trung Quốc gửi cho tất cả các hãng du lịch, kể cả công ty lớn nhất là Ctrip.

Lệnh hạn chế du lịch này sẽ gây tổn thất không nhỏ cho ngành công nghiệp không khói của xứ sở kim chi, nơi đón tới 8 triệu lượt du khách Trung Quốc đến thăm trong năm 2016. Suốt 10 năm qua, ngành du lịch Hàn Quốc đều tăng trưởng hơn 10% mỗi năm, nhưng con số này được dự đoán sẽ giảm xuống còn khoảng 4% do tác động từ lệnh hạn chế du lịch của Bắc Kinh.

Chưa hết, Tập đoàn Lotte – đơn vị đồng ý đổi đất cho quân đội để triển khai THAAD - cũng dính đòn. Các quan chức ở tỉnh An Huy đã tịch thu 30 máy truyền phát thanh bất hợp pháp tại một siêu thị Lotte và phạt công ty này 20.000 Nhân dân tệ.

Tại Bắc Kinh, một siêu thị Lotte đã bị phạt 44.000 Nhân dân tệ do quảng cáo bất hợp pháp. Đáng lưu ý đây là lần đầu tiên cơ quan chức năng ở Bắc Kinh xử phạt một công ty kinh doanh đối với hành vi vi phạm như vậy.

Một trung tâm mua sắm Lotte ở Trung Quốc

Trong những ngày qua, liên tiếp các cuộc biểu tình diễn ra bên ngoài các siêu thị Lotte Mart tại Trung Quốc. Trong khi một cuộc tấn công mạng sử dụng địa chỉ IP Trung Quốc cũng vừa khiến trang tiếng Trung của công ty bán lẻ hàng miễn thuế Lotte Duty Free tê liệt.

Một loạt những động thái kể trên là dấu hiệu rõ ràng cho thấy Trung Quốc muốn Hàn Quốc phải nhận bài học đắt giá về kinh tế vì kế hoạch triển khai THAAD.

Có vẻ như phản đối hệ thống phòng thủ tên lửa bằng án phạt kinh tế là câu đáp trả điển hình của Trung Quốc. Đây không phải lần đầu tiên Bắc Kinh áp dụng biện pháp trả đũa Seoul kể từ sau khi mối quan hệ giữa hai nước trở nên căng thẳng do Chính phủ Hàn Quốc đồng ý để Mỹ triển khai THAAD trên lãnh thổ Hàn Quốc. Tháng 7/2016, Hàn Quốc và Mỹ đã công bố kế hoạch triển khai THAAD, theo đó việc bố trí hệ thống vũ khí này ở khu vực phía Nam Hàn Quốc sẽ được hoàn tất trong năm 2017. Và đến cuối năm 2016, Trung Quốc đã tiến hành các biện pháp hạn chế làn sóng văn hóa của Hàn Quốc, từ đó giảm khoảng 20% lượng khách du lịch đến Hàn Quốc.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, những động thái trả đũa cũng rất có thể sẽ mang đến hiệu ứng ngược khiến Bắc Kinh thiệt hại đáng kể, bởi Hàn Quốc hiện là đối tác thương mại lớn thứ tư và thị trường nhập khẩu lớn thứ ba của Trung Quốc. Đó là chưa kể với kinh nghiệm và bản lĩnh của một quốc gia vượt qua tổn thất và thiệt hại nặng nề của chiến tranh để vươn lên trở thành nền kinh tế lớn thứ tư châu Á, Hàn Quốc chắc chắn không phải là một đối thủ dễ chịu trong “cuộc chiến tranh kinh tế” với Trung Quốc.

Hàn Quốc hãy học Việt Nam từ vụ giàn khoan 981 năm 2014

Tờ Korea Joongang Daily ngày 15/2 có bài bình luận với tựa đề “Standing up to Chinese bullies” (tạm dịch: Hãy chống lại kẻ bắt nạt Trung Quốc) đã gợi ý, Hàn Quốc nên học cách Việt Nam ứng phó với Trung Quốc, đừng để Bắc Kinh bắt nạt.

Nếu vì áp lực Trung Quốc sử dụng các thủ đoạn thương mại mà Seoul chấp nhận bỏ kế hoạch lắp đặt THAAD, thì sẽ là một thất bại chiến lược đối với đất nước này.

Nam Jeong-ho, tác giả bài viết nhận định, là nước có biên giới chung với 14 quốc gia, dường như Trung Quốc luôn có khuynh hướng gây hấn với láng giềng. Năm 1962 họ tiến hành cuộc chiến tranh biên giới với Ấn Độ, năm 1979 họ tấn công biên giới Việt Nam.

Hiện tại, Trung Quốc đang có tranh chấp với Việt Nam và Philippines trên Biển Đông. Tuy nhiên theo tác giả, Bắc Kinh không chống lại 2 nước láng giềng Đông Nam Á này một cách hiếu chiến như đang làm với Seoul.

Việt Nam và Hàn Quốc đều phụ thuộc khá lớn vào thị tường Trung Quốc. Năm 2015, tỷ trọng xuất khẩu của Hàn Quốc sang Trung Quốc là 23,6%, còn Việt Nam là 20,3%.

Tuy nhiên với Việt Nam, Trung Quốc không quá đáng sợ, Nam Jeong-ho bình luận. Người Việt Nam đã chiến đấu chống lại những lần xâm lược từ Trung Quốc trước đây.

Theo tác giả, năm 1979, Trung Quốc phát động cuộc tấn công xâm lược toàn tuyến biên giới phía Bắc Việt Nam với 200 ngàn quân, cuối cùng phải rút lui sau khi bị thương vong hơn 20 ngàn người.

Năm 2014, Trung Quốc kéo giàn khoan 981 hạ đặt trong vùng biển tranh chấp trên Biển Đông (thực tế là vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa hợp pháp của Việt Nam và hoàn toàn không có tranh chấp), người Việt Nam đã xuống đường phản đối hành động này trên khắp cả nước. Với sự phản ứng mạnh mẽ đó của người Việt, Bắc Kinh nhận thức được rằng mọi thủ đoạn trả đũa về kinh tế đối với Việt Nam sẽ không làm thay đổi được gì.

Nhưng Hàn Quốc hầu như không dám chống lại. Bây giờ, Seoul đang do dự về quyết định THAAD do lo ngại sự trả đũa từ Trung Quốc.

Các chuyên gia cảnh báo rằng, Bắc Kinh sẽ cố gắng kiềm chế Seoul bất cứ khi nào và Hàn Quốc có thể trở thành nạn nhân của Trung Quốc như những gì Phần Lan đã phải chịu từ ảnh hưởng kinh tế của Liên Xô, mặc dù Trung Quốc và Hàn Quốc không có liên hệ gần gũi về chính trị. Sau khi Liên Xô sụp đổ năm 1991, tổng sản phẩm trong nước của Phần Lan đã giảm 10%, tỷ lệ thất nghiệp tăng 18% do mối liên hệ chặt chẽ của kinh tế Phần Lan vào kinh tế Liên Xô. Như vậy, Hàn Quốc rất có khả năng sẽ phải đối mặt với một kết cục như Phần Lan, không chỉ mất độc lập về chính trị, mà kinh tế có thể bị hủy hoại một khi kinh tế Trung Quốc biến động.

Do đó theo các chuyên gia, để tránh đi theo vết xe đổ này, Hàn Quốc phải chấp nhận đối mặt với khó khăn, bất chấp những hậu quả ngắn hạn. Hàn Quốc cần mở rộng thị trường sang Ấn Độ và Indonesia để đa dạng hóa đầu tư và xuất khẩu. Quá phụ thuộc hay tin tưởng Trung Quốc sẽ phải trả giá.

Cũng cần lưu ý, hiện tại cuộc xung đột Trung - Hàn bắt nguồn từ ý chí của Washington chống lại một nguy cơ tấn công từ Triều Tiên. Như vậy sẽ không công bằng khi Hàn Quốc phải gánh mọi trách nhiệm. Vì thế, chính phủ Hàn Quốc nên yêu cầu các quan chức Mỹ bảo vệ lợi ích của Hàn Quốc, làm giảm tối đa thiệt hại trong cuộc chơi quyền lực giữa 2 siêu cường này./.

Tổng hợp từ các nguồn:

http://dantri.com.vn/the-gioi/thaad-ngoi-no-cho-cuoc-chien-thuong-mai-trung-han-20170306103409062.htm

http://www.baohaiquan.vn/pages/chien-tranh-thuong-mai-trung-han.aspx

http://koreajoongangdaily.joins.com/news/article/article.aspx?aid=3029836&cloc=etc%7Cjad%7Cgooglenews

https://sputniknews.com/politics/201702281051129265-thaad-south-korea-china/