Quản lý thị trường đã xử lý hơn 103.000 vụ vi phạm trong năm 2017
Buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm là vấn đề "nhức nhối"
Báo cáo của Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho biết, năm 2017, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã tiến hành kiểm tra 164.355 vụ (giảm 2.746 vụ, khoảng 2% so với 2016); phát hiện, xử lý 103.146 vụ vi phạm (giảm 1.661 vụ, tương ứng 2% so với năm 2016).
Tổng số thu nộp ngân sách là 511,75 tỷ đồng. Ước trị giá hàng tịch thu chưa bán trên 215 tỷ đồng; ước trị giá hàng tiêu huỷ trên 206 tỷ đồng.
Về sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm là vấn đề "nhức nhối".
Mặc dù đạt được nhiều kết quả tích cực, song vẫn còn những tồn tại đang hiện hữu trong lực lượng quản lý thị trường.
Đó là năng lực và chuyên môn của công chức quản lý thị trường ở một số đơn vị chưa đồng đều, không ít người chưa được đào tạo bài bản, chuyên sâu. Còn có công chức buông lỏng quản lý, chưa chấp hành đúng quy định trong hoạt động công vụ, dẫn đến sai sót trong quy trình kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính.
Bên cạnh đó, lực lượng quản lý thị trường còn mỏng, phải tổ chức quản lý, kiểm tra số lượng lớn doanh nghiệp, hộ kinh doanh, tham gia nhiều nhiệm vụ khác do chính quyền địa phương giao, như: phòng chống dịch bệnh, giải tỏa chợ, tham gia các đoàn kiểm tra liên ngành... trong khi nguồn lực về cơ sở vật chất, con người còn hạn chế đang là khó khăn rất lớn.
Ước trị giá hàng tiêu hủy từ quản lý thị trường trong năm 2017 là trên 206 tỷ đồng
Cục Quản lý thị trường cũng cho biết, việc phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong trao đổi, cung cấp thông tin chưa thường xuyên, chưa chặt chẽ, chưa có sự phối hợp tổng thể của các địa phương để triệt phá các điểm tập kết, các đối tượng vận chuyển, kinh doanh hàng lậu, hàng giả.
Bên cạnh đó, hệ thống văn bản, chính sách pháp luật về đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả còn chồng chéo dẫn đến cách hiểu và cách áp dụng khác nhau trong khi việc sửa đổi, bổ sung chậm, chưa tháo gỡ được khó khăn cho các lực lượng trong thực thi công vụ.
Tập trung vào công tác tuyên truyền trong năm 2018
Về phương hướng năm 2018, Cục Quản lý thị trường cho biết, năm nay, lực lượng quản lý thị trường sẽ tập trung kiểm tra việc kinh doanh, vận chuyển trái phép hàng hóa trên thị trường nội địa; chủ trì và phối hợp với lực lượng Công an và các cơ quan liên quan triệt phá các tụ điểm tập kết, buôn bán hàng lậu, hàng giả.
Về mặt hàng, quản lý thị trường sẽ chú trọng kiểm tra các lĩnh vực, mặt hàng thiết yếu, như: rượu, thuốc lá, thực phẩm, phân bón, xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng, thực phẩm chức năng...
Về địa bàn, lực lượng quản lý thị trường sẽ tăng cường công tác phối hợp, kiểm tra, kiểm soát thường xuyên tại các khu vực, kho bãi, điểm tập kết hàng hoá gần biên giới, các chợ đầu mối, các tuyến đường bộ, đường sắt... nhất là các địa bàn trọng điểm tại các tỉnh biên giới, như: Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Lào Cai, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Long An, Tây Ninh, An Giang và các địa bàn tập trung đông dân cư, có sức tiêu thụ hàng hoá cao, như: TP. Hải Phòng, TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, TP. Đà Nẵng...
Ngoài ra, công tác tuyên truyền cũng sẽ được chú trọng trong năm 2018. Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền phù hợp với đặc thù từng địa phương, để mọi đối tượng có thể dễ dàng tiếp cận, ghi nhớ được những nội dung cần chuyển tải. Ngoài hình thức tuyên truyền qua các phương tiện thông tin đại chúng, cần thực hiện hình thức tuyên truyền trực quan tại các địa bàn trọng điểm, các trung tâm thương mại, chợ đầu mối, trụ sở các cơ quan đơn vị chức năng với nội dung phù hợp.
Nhận thức rõ những vấn đề lực lượng quản lý thị trường đang gặp, Cục Quản lý thị trường cho biết, năm 2018, quản lý thị trường sẽ tập trung vào kế hoạch cụ thể trong việc đào tạo, nâng cao phẩm chất chính trị cho công chức quản lý thị trường cả nước, thường xuyên cập nhật chính sách, pháp luật, chuyên môn nghiệp vụ nhằm nâng cao năng lực thực thi công vụ.
Chú trọng công tác quản lý đội ngũ công chức, xử lý kỷ luật những công chức có hành vi bảo kê, tiếp tay cho buôn lậu; thực hiện việc luân chuyển công chức theo đúng quy định, đặc biệt là những vị trí "nhạy cảm", dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng. Đề cao vai trò người đứng đầu, nếu để xảy ra tình trạng buôn lậu kéo dài thì người đứng đầu đơn vị đó phải chịu trách nhiệm./.
Bình luận