Từ khóa: quản lý thuế, xử lý, thu hồi nợ thuế, tỉnh Quảng Bình, Cục Thuế tỉnh Quảng Bình

Summary

Quang Binh’s Tax authorities always identify tax management, tax debt handling and tax collection as the key tasks and have implemented these drastically, which contributed largely to completing and exceeding the local government’s state budget revenue estimates in recent years. The article summarizes the current situation of tax management, tax debt handling and collection in Quang Binh province, and at the same time, proposes a number of solutions to promote and implement tax management in the coming time.

Keywords: tax management, tax debt handling and recovery, Quang Binh province, Quang Binh Provincial Tax Department

GIỚI THIỆU

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, UBND tỉnh Quảng Bình, thời gian qua, Cục Thuế Tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp quản lý, chống thất thu thuế. Cùng với đó, xác định công tác quản lý nợ thuế là một trong những nhiệm vụ trọng tâm góp phần vào việc hoàn thành dự toán thu hàng năm, ngoài việc tuyên truyền cho người nộp thuế nhận thức rõ trách nhiệm, nghĩa vụ đối với Nhà nước, Cục Thuế Tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp để thu hồi nợ đọng thuế. Tuy nhiên, công tác quản lý thuế trên địa bàn Tỉnh trong thời gian qua cũng gặp nhiều khó khăn, như: lãi suất tăng cao, khó khăn của doanh nghiệp người dân sau dịch Covid-19 về vốn, thị trường, các yếu tố đầu vào, xuất - nhập khẩu… Vì vậy, trong thời gian tới, ngành Thuế tỉnh Quảng Bình cần nỗ lực triển khai các giải pháp về thu nợ, xử lý nợ thuế, cũng như biện pháp quản lý thu hồi nợ thuế vào NSNN, hạn chế thấp nhất số nợ mới phát sinh, nhằm góp phần hoàn thành nhiệm vụ thu NSNN năm 2023 và các năm tiếp theo.

THỰC TRẠNG

Kết quả đạt được

Theo số liệu của Cục Thuế tỉnh Quảng Bình, giai đoạn 2015-2020, thu NSNN trên địa bàn Tỉnh đạt trung bình trên 120% dự toán. Đến năm 2021, tổng thu NSNN là 6.203,4 tỷ đồng, đạt 148,5% dự toán Trung ương giao, đạt 125,9% dự toán Tỉnh giao và tăng 10,8% so với cùng kỳ; năm 2022, tổng thu đạt trên 8.000 tỷ đồng, đạt 163% dự toán Trung ương giao, đạt 142,9% dự toán Tỉnh giao và tăng 26,5% so với cùng kỳ.

Năm 2022, phân tích theo khoản thu, so với dự toán năm, có 14 khoản thu đạt dự toán cả năm, như: thu từ ngoài quốc doanh, thu từ doanh nghiệp nhà nước trung ương và địa phương, thuế thu nhập cá nhân, thu tiền sử dụng đất, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, thu tiền thuê đất, thu phí lệ phí... có 2 khoản thu chưa đạt tiến độ của dự toán năm là doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và thuế bảo vệ môi trường; so với cùng kỳ, có 11/16 khoản thu có tăng trưởng, song vẫn còn có 5 khoản giảm thu so với cùng kỳ. Phân tích theo địa bàn cho thấy, có 8/8 địa bàn đều hoàn thành vượt dự toán đã giao cả về tổng số và số trừ tiền sử dụng đất; trong đó, về tổng số có 5/8 địa bàn đạt tỷ lệ cao trên số bình quân của toàn Tỉnh, như: TP. Đồng Hới đạt 199,8%; huyện Tuyên Hóa đạt 186,1%; huyện Minh Hóa đạt 183,3%; huyện Quảng Ninh đạt 123,7%; huyện Lệ Thủy đạt 120,5% (Cục Thuế tỉnh Quảng Bình, 2022; Đức Việt, 2022).

Về xử lý và thu nợ thuế, năm 2022 đã ban hành 292.570 lượt thông báo để đôn đốc thu nợ thuế, 891 quyết định cưỡng chế, tổng số tiền cưỡng chế là 2.009 tỷ đồng để thu hồi nợ đọng thuế, trong đó cưỡng chế bằng biện pháp trích tài khoản 751 trường hợp, cưỡng chế bằng biện pháp thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng 140 trường hợp. Đến thời điểm ngày 31/12/2022, ngành Thuế tỉnh Quảng Bình đã thu được 634 tỷ đồng nợ đọng thuế, bao gồm 386 tỷ đồng, thu bằng biện pháp quản lý nợ và 248 tỷ đồng thu bằng biện pháp cưỡng chế nợ thuế, trong đó có 130 tỷ đồng thu tiền thuế nợ năm trước (Cục Thuế tỉnh Quảng Bình, 2022).

Đến năm 2023, để hoàn thành dự toán thu NSNN năm 2023 (Trung ương giao 5.887 tỷ đồng, tỉnh giao 6.500 tỷ đồng), Quảng Bình đã triển khai quyết liệt nhiều giải pháp để tăng cường công tác quản lý thuế, xử lý và thu hồi nợ thuế, cụ thể:

Một là, nhóm giải pháp về công tác chỉ đạo, điều hành cấp tỉnh

Quảng Bình đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành, có các cuộc làm việc trực tiếp của đồng chí Chủ tịch UBND Tỉnh vào ngày 10/02/2023 và của đồng chí Chủ tịch HĐND Tỉnh vào ngày 12/4/2023, yêu cầu Cục Thuế Tỉnh thực hiện một số nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu nhằm thực hiện tốt công tác thu NSNN, công tác quản lý thuế, xử lý và thu hồi nợ thuế. Cùng với đó, Ban Chỉ đạo chống thất thu NSNN, xử lý và thu hồi nợ đọng thuế của Tỉnh đã tích cực vào cuộc, ngày 11/5/2023 đã tổ chức họp nhằm phân tích, đánh giá, nêu rõ vấn đề tồn tại yếu kém từ đó đưa ra giải pháp kịp thời cho công tác này.

Hơn thế, để nâng cao năng lực quản lý thuế của địa phương và đáp ứng yêu cầu trong thời gian tới, ngày 01/6/2023, Chủ tịch UBND Tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 05/CT-UBND về việc triển khai thực hiện Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030 tỉnh Quảng Bình.

Thứ hai, nhóm giải pháp về công tác nghiệp vụ quản lý thuế và nợ thuế

Cục Thuế tỉnh Quảng Bình đã triển khai nhiều giải pháp mang tính nghiệp vụ quản lý thuế, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ thu NSNN năm 2023, đó là:

- Theo dõi chặt chẽ tiến độ thu NSNN, đánh giá, phân tích cụ thể từng địa bàn thu, từng khu vực thu, từng sắc thuế, tập trung vào các khu vực kinh tế, các sắc thuế cơ bản để xây dựng phương án, kịch bản chỉ đạo, điều hành thu kịp thời.

- Chủ động rà soát, đánh giá để tham mưu, kiến nghị với cấp có thẩm quyền các giải pháp để đôn đốc thu kịp thời những nguồn thu còn tiềm năng, các lĩnh vực, loại thuế còn thất thu, như: kinh doanh bất động sản, thương mại điện tử, kinh doanh qua mạng, dịch vụ du lịch, các ngành nghề phát sinh mới.

- Tăng cường kiểm tra, giám sát kê khai thuế của người nộp thuế, tập trung kiểm tra các tờ khai có sự mâu thuẫn, những lĩnh vực kinh doanh có dấu hiệu tiềm ẩn kê khai không đủ thuế; quản lý chặt chẽ doanh nghiệp thành lập mới, giải thể, phá sản, ngừng, nghỉ và bỏ địa điểm kinh doanh; thực hiện kịp thời và đúng quy trình, chính sách pháp luật về miễn, giảm, gia hạn nợ, hoàn thuế tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn cho người nộp thuế (NNT).

Tăng cường công tác kiểm tra tại trụ sở cơ quan thuế theo phương thức quản lý rủi ro để tạo thuận lợi cho NNT. Xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra năm 2023 đối với các doanh nghiệp có tăng trưởng, các doanh nghiệp có rủi ro cao về thuế; kiểm tra, rà soát chặt chẽ, hồ sơ khai thuế của NNT trước khi tiến hành thanh tra, kiểm tra tại trụ sở NNT, trong đó, tập trung thanh tra, kiểm tra trước đối với doanh nghiệp có rủi ro cao về thuế, không để doanh nghiệp lợi dụng chủ trương hỗ trợ doanh nghiệp của Nhà nước để vi phạm pháp luật, đồng thời không gây phiền hà, sách nhiễu cho NNT.

- Thực hiện nghiêm công tác chống tham nhũng, tiêu cực, nhũng nhiễu, gây phiền hà với người nộp thuế trong quá trình thực thi nhiệm vụ. Đưa ra các giải pháp để triển khai có hiệu quả chương trình hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền gắn với chương trình “Hóa đơn may mắn”.

- Xác định cụ thể địa bàn, lĩnh vực, sắc thuế còn thất thu để có các giải pháp thu triệt để. Tập trung công tác ổn định bộ thuế đối với hộ cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán.

- Phân công, giao nhiệm vụ thu nợ, xử lý nợ đọng thuế cụ thể cho từng đơn vị, từng cán bộ; theo dõi, giám sát, kiểm tra chặt chẽ tiến độ thực hiện biện pháp thu nợ để đảm bảo chỉ tiêu thu nợ và không phát sinh nợ mới. Công khai danh sách các doanh nghiệp nợ thuế trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Thứ ba, nhóm giải pháp về công tác phối hợp triển khai

Cục Thuế Tỉnh đã chú trọng phối hợp trong công tác thu NSNN: phối hợp chặt chẽ với các ngành đẩy mạnh công tác quản lý nợ đọng thuế; trong tháng 2/2023, đã phối hợp với Sở Tài chính, Sở Nội vụ tham mưu UBND Tỉnh kiện toàn Ban Chỉ đạo và Đoàn công tác liên ngành về chống thất thu NSNN, xử lý và thu hồi nợ đọng thuế; phối hợp cung cấp thông tin các doanh nghiệp có số nợ thuế lớn, vi phạm về thuế cho các đơn vị có liên quan và đăng tải công khai trên các phương tiện thông tin truyền thông; phối hợp với Công an tỉnh, các sở, ngành, địa phương liên quan rà soát, báo cáo UBND tỉnh cụ thể các doanh nghiệp còn nợ thuế trong tổng số 852 tỷ đồng, đã phân tích cụ thể trong đó chỉ rõ doanh nghiệp nào có khả năng thu hồi được nợ, doanh nghiệp nào vi phạm pháp luật và hướng xử lý.

Thứ tư, nhóm giải pháp về công tác tuyên truyền

Kết hợp thực hiện nhiều hình thức phù hợp đã tuyên truyền các chính sách thuế đến người dân, doanh nghiệp, hộ kinh doanh rộng khắp trên địa bàn có hiệu quả, đặc biệt như chương trình “Hóa đơn may mắn”; UBND Tỉnh chỉ đạo các ngành địa phương thực hiện và vận động nhân dân tiêu dùng hàng hóa dịch vụ, mua hàng phải lấy hóa đơn; đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật thuế.

Một số vấn đề đặt ra

Tuy nhiên, thực tế triển khai công tác quản lý thuế ngay từ đầu năm 2023, UBND tỉnh Quảng Bình đã có đánh giá sâu sát tình hình và chỉ rõ công tác thu NSNN chưa bền vững, cơ cấu của nguồn thu chủ yếu thu từ tiền sử dụng đất (chiếm trên 60% tổng thu), một số địa bàn, lĩnh vực, sắc thuế vẫn còn để thất thu thuế; công tác quản lý doanh nghiệp ngừng, nghỉ và bỏ địa điểm kinh doanh chưa chặt chẽ, nợ thuế còn ở mức cao và có xu hướng tăng (Văn phòng UBND tỉnh Quảng Bình, 2023a). Vì vậy, tính đến hết tháng 5/2023, tổng thu NSNN là 1.841 tỷ đổng, chỉ đạt 31,9% kế hoạch Trung ương giao và 28,3% kế hoạch Tỉnh giao, bằng 52,6% so với cùng kỳ, chỉ có 7/17 khoản đạt tiến độ kế hoạch và 7/17 đạt so với cùng kỳ. Trong khi đó, nợ thuế tính đến hết ngày 30/4/2023 là 1.163 tỷ đồng, tăng 153 tỷ (tăng 15,1%) so với thời điểm 31/12/2022, nợ khó thu (không có khả năng thu) là 205 tỷ đồng, chiếm 17,63% (Văn phòng UBND tỉnh Quảng Bình, 2023b).

Nguyên nhân của việc thu NSNN đạt thấp và nợ thuế tăng lên trong những tháng đầu năm 2023 được UBND Tỉnh, ngành Thuế Tỉnh cùng các cơ quan liên quan phân tích toàn diện trên các mặt và chỉ rõ, đó là: do điều kiện khó khăn chung và có nhiều biến đổi của nền kinh tế; hệ lụy của dịch bệnh Covid-19 trong thời gian dài đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng, làm cho người nộp thuế bị thiệt hại nặng nề, sản xuất, kinh doanh thua lỗ, đình trệ, phải ngừng hoặc chấm dứt hoạt động, không còn nguồn tài chính để nộp tiền thuế; khó khăn đặc biệt đối với công tác quản lý thuế, như: một số đơn vị giải thể, phá sản, bỏ địa điểm kinh doanh làm gia tăng nợ thuế khó thu… (Văn phòng UBND tỉnh Quảng Bình, 2023a, b).

MỘT SỐ KHUYẾN NGHỊ

Nhằm triển khai có hiệu quả công tác quản lý thuế, xử lý và thu hồi nợ thuế ở tỉnh Quảng Bình trong thời gian tới, theo nhóm tác giả, cần thực hiện một số vấn đề sau:

Về phía người nộp thuế

Phát huy tối đa những thành quả, chủ động nắm bắt môi trường và cơ hội kinh doanh, tích cực tái cấu trúc nhân lực, vốn kinh doanh, chọn lựa để bổ sung hoặc thay đổi lĩnh vực kinh doanh phù hợp, nỗ lực vượt qua khó khăn từng bước ổn định và phát triển.

Về phía cơ quan thuế

Tiếp tục thực hiện các giải pháp đã thực hiện có hiệu quả. Tuyên dương kịp thời thành tích của các tổ chức, cá nhân có ý thức chấp hành tốt nghĩa vụ nộp thuế, đóng góp số thu lớn cho NSNN. Chủ động tuyên tuyền, hướng dẫn người nộp thuế hiểu biết về chính sách pháp luật thuế, chính sách và quy định xử lý nợ thuế để người nộp thuế biết được trình tự, thủ tục xử lý nợ thuế, đặc biệt, cần coi trọng tuyên truyền cho những đối tượng có sức lan tỏa thông tin nhanh về các chính sách này.

Về phía chính quyền tỉnh Quảng Bình và các bộ, ngành Trung ương

Cần có nhiều nghiên cứu, phân tích, đánh giá một cách khách quan để kiến tạo môi trường và chính sách kinh tế vĩ mô hoàn thiện, tạo thuận lợi hơn cho người nộp thuế hoạt động hiệu quả và phát triển bền vững, khuyến khích đổi mới, sáng tạo và khởi nghiệp thành công./.

TS. Nguyễn Xuân Hảo - Trường Đại học Quảng Bình

ThS. Lê Thị Thắm - Phó Trưởng Khoa Kinh tế, Trường Cao đẳng kỹ thuật Công - Nông nghiệp Quảng Bình

Nguyễn Lê Lan Phương - Sinh viên lớp LM002, Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng, Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh

(Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 26, tháng 9/2024)


Tài liệu tham khảo

1. Cục Thuế tỉnh Quảng Bình (2015-2022), Báo cáo tổng kết tình hình thực hiện nhiệm vụ và triển khai nhiệm vụ công tác thuế hàng năm, các năm 2015, 2016, 2017, 2018, 2019, 2020, 2021, 2022.

2. Đức Việt (2022), Quảng Bình: Thu nội địa năm 2022 ước đạt 8.000 tỷ đồng, truy cập từ https://thoibaotaichinhvietnam.vn/quang-binh-thu-noi-dia-nam-2022-uoc-dat-8000-ty-dong-119655.html.

3. Văn phòng UBND tỉnh Quảng Bình (2023a), Thông báo số 476/TB-VPUBND, ngày 17/02/2023 về Kết luận của đồng chí Trần Thắng - Chủ tịch UBND Tỉnh tại buổi làm việc với Cục Thuế Tỉnh, Cục Hải quan và các sở, ngành, đơn vị, địa phương về công tác thu NSNN nhà nước năm 2023.

4. Văn phòng UBND tỉnh Quảng Bình (2023b), Thông báo số 2140/TB-VPUBND, ngày 30/5/2023 về Kết luận của đồng chí Phan Mạnh Hùng - Phó Chủ tịch UBND Tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo chống thất thu NSNN, xử lý và thu hồi nợ đọng thuế.