Quốc hội phê duyệt Đề án tổng thể phát triển KTXHi vùng đồng bào DTTS
Chiều ngày 18/11/2019, Quốc hội tán thành thông qua Nghị quyết phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn giai đoạn 2021-2030 với số phiếu đạt 89,44%.
Tỷ lệ đại biểu biểu quyết thông qua Nghị quyết Phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030
Theo Nghị quyết, mục tiêu tổng quát của Đề án nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế của các địa phương trong vùng, đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh phát triển - kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội; Giảm nghèo nhanh, bền vững, thu hẹp dần khoảng cách về mức sống thu nhập so với bình quân chung của cả nước; Giảm dần số xã, thôn đặc biệt khó khăn; Quy hoạch, sắp xếp ổn định dân cư, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, liên vùng, kết nối với các vùng phát triển; Phát triển toàn diện giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa; Cải thiện rõ rệt đời sống của nhân dân; Nâng cao số lượng, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động là người dân tộc thiểu số; Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em…
Về mục tiêu cụ thể, phấn đấu đến năm 2025 mức thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số tăng hơn hai lần so với năm 2020; Tỷ lệ hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số hàng năm giảm trên 3%; 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã được rải nhựa hoặc bê tông; 70% thôn có đường ô tô đến trung tâm được cứng hóa. 100% số trường, lớp học và trạm y tế được xây dựng kiên cố; 99% hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện khác phù hợp; 90% số dân được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 100% dân số được xem truyền hình và nghe đài phát thanh.
Hoàn thành cơ bản công tác định canh, định cư; sắp xếp, bố trí ổn định 90% số hộ di cư không theo quy hoạch. Quy hoạch sắp xếp, di dời, bố trí 60% số hộ dân tộc thiểu số đang cư trú phân tán, rải rác trong rừng đặc dụng, các khu vực xa xôi, hẻo lánh, nơi có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở…
Tỷ lệ học sinh học mẫu giáo 5 tuổi đến trường hơn 98%, học sinh trong độ tuổi học tiểu học trên 97%, học trung học cơ sở trên 95%, học phổ thông trung học trên 60%; Người từ 15 tuổi trở lên đọc thông viết thạo tiếng phổ thông trên 90%; Trên 80% phụ nữ có thai được khám thai định kỳ, sinh con ở cơ sở y tế hoặc có sự trợ giúp của cán bộ y tế; 50% lao động trong độ tuổi được đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu, điều kiện của người dân tộc thiểu số...
Nghị quyết định hướng mục tiêu đến năm 2030 là thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số bằng 1/2 bình quân chung của cả nước; Giảm hộ nghèo xuống dưới 10%; cơ bản không còn các xã, thôn đặc biệt khó khăn; 70% số xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số đạt chuẩn nông thôn mới; Xóa tình trạng nhà ở tạm, dột nát; ngăn chặn tình trạng suy thoái môi trường sinh thái; duy trì, nâng cao tỷ lệ che phủ rừng; Phấn đấu có 80% số hộ nông dân người dân tộc thiểu số làm kinh tế nông - lâm nghiệp hàng hóa; Trên 85% số xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có đủ cơ sở hạ tầng đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của người dân…
Quốc hội giao Chính phủ xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, trình Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp thứ chín (tháng 05/2020), để thực hiện từ năm 2021. Hằng năm, Chính phủ báo cáo kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia trước Quốc hội; 5 năm tổ chức tổng kết, trình Quốc hội về cơ chế, chính sách tiếp tục thực hiện cho giai đoạn 2026 - 2030./.
Bình luận