Quy hoạch cần được "tính toán phù hợp" để Đồng bằng sông Hồng trở thành động lực "cất cánh" của đất nước
Tại Hội nghị Thẩm định Quy hoạch Vùng Đồng bằng sông Hồng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, đây là vùng trung tâm động lực phát triển lan tỏa tới các vùng kinh tế-xã hội khác.
Tại Hội nghị Thẩm định Quy hoạch Vùng Đồng bằng sông Hồng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, đây là vùng trung tâm động lực phát triển lan tỏa tới các vùng kinh tế-xã hội khác. |
Quy hoạch vừa mang tính kế thừa, vừa có sự đổi mới, đề xuất mang tính đột phá
Nhiều mục tiêu, nhiệm vụ chiến lược của vùng đã được định vị trong các nghị quyết, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, quy hoạch tổng thể quốc gia và các quy hoạch chuyên ngành quốc gia.
Vì vậy, Quy hoạch vừa mang tính kế thừa, trên cơ sở đánh giá thực tiễn triển khai chủ trương, cơ chế, chính sách phát triển của vùng, vừa có sự đổi mới, đề xuất mang tính đột phá để bảo đảm tính kết nối, tạo sức mạnh tổng hợp toàn vùng, xác định những sản phẩm có tính chiến lược, cạnh tranh nhất; đồng thời giải quyết mối quan hệ với các quy hoạch, vùng kinh tế-xã hội.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh Quy hoạch vùng phải mang tính liên ngành, liên vùng, trong nội vùng phải liên tỉnh, tránh xung đột, chồng chéo quy hoạch địa phương, quy hoạch ngành, lĩnh vực, đặc biệt gắn không gian và vùng địa lý.
Đánh giá cao nỗ lực của cơ quan quản lý và cơ quan tư vấn xây dựng Quy hoạch, Phó Thủ tướng nêu rõ cần rà soát kỹ lưỡng hơn các lĩnh vực khoa học liên quan để quy hoạch có những những ý tưởng, sức sống tinh thần mới hơn cho vùng đồng bằng sông Hồng.
Quy hoạch vùng cần cụ thể hóa Nghị quyết số 30-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng Sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 81/2023/QH15 của Quốc hội về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và bám sát Nghị quyết số 06-NQ/TW của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Toàn cảnh Hội nghị thẩm định |
Lưu ý phân tích sâu về vai trò của Thủ đô và kinh tế biển trong Vùng
Góp ý cho Quy hoạch, TS. Cao Viết Sinh đề nghị cần nêu bật vai trò của Hà Nội trong Đồng bằng sông Hồng. "Cần làm rõ rằng, Đồng bằng sông Hồng nằm ở đâu trong tiến trình mà Đảng đặt ra trong mục tiêu trở thành nước trung bình cao, có thu nhập cao. Trong lộ trình đó, Đồng bằng sông Hồng nằm ở mức nào, từ đó mới có thể đưa ra mục tiêu đến năm 2030 của vùng", vị chuyên gia này nêu quan điểm.
Một điểm được vị chuyên gia này lưu ý, đó là cần phân tích sâu hơn về tác động của lấn biển trong phát triển kinh tế. "Quảng Ninh, Hải Phòng, Nam Định và Ninh Bình đều lấn biển, nhưng chưa có phân tích rõ hơn khả năng lấn biển nói chung của vùng, tác động đến biến đổi khí hâu, để các tỉnh có tiêu chí phát triển", TS. Cao Viết Sinh đưa quan điểm.
Đồng tình quan điểm với TS. Cao Viết Sinh, chuyên gia Trần Ngọc Chính, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng cũng đưa quan điểm lấy Hà Nội làm cốt lõi, để lan tỏa toàn Vùng.
Bộ Chính trị đặt mục tiêu tầm nhìn đến năm 2045, Thủ đô Hà Nội là thành phố kết nối toàn cầu, có mức sống và chất lượng cuộc sống cao, với GRDP/người đạt trên 36.000 USD; có trình độ phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới. Hà Nội là đô thị toàn cầu thì cách tư duy, cách thức phát triển phải khác. Hà Nội có gì thì vùng có cái đấy.
Nhấn mạnh về thế mạnh phát triển kinh tế biển của vùng, vị chuyên gia này lưu ý, Vùng có 5 tỉnh ven biển, kinh tế biển rất lớn, đây là đặc trưng của Vùng. Không chỉ đơn thuần là kinh tế biển, không có vùng nào có tiềm năng phát triển du lịch mạnh như Vùng. Vị chyên gia này đề nghị làm rõ hơn về kinh tế biển của Vùng.
Lưu ý về đặc trưng văn hóa đậm đặc nhất của Vùng, ông Chính nhấn mạnh quan điểm, phải biến sông Hồng thành biểu tượng của Thủ đô. Ông cũng nhắc nhở về vấn đề cần có sân bay thứ 2 của Hà Nội. Ông cho rằng, Quy hoạch cần nêu vấn đề này để giữ đất, nếu để lại, thì không còn đất để làm.
TS. Dương Đình Giám, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách công nghiệp, Bộ Công Thương cho rằng, các vấn đề trong quy hoạch vùng phải đạt tầm vùng.
"Đây là bản quy hoạch có chất lượng tốt. Bản quy hoạch đã định vị được không gian các ngành, các lĩnh vực", vị chuyên gia này nhận xét và lưu ý đơn vị tư vấn lưu ý điểm nghẽn về năng lượng điện của Vùng.
Vị chuyên gia này cũng cho rằng, báo cáo mới dừng ở điểm nghẽn nội vùng, chưa làm rõ được các điểm nghẽn liên vùng.
|
Phải có những ý tưởng mới, tinh thần mới, sức sống mới
Với đặc thù của một vùng đồng bằng, có hệ thống mạng lưới sông nước chằng chịt, có Thủ đô Hà Nội, có biển, hệ thống hạ tầng giao thông kết nối tốt nhất trên cả nước..., Quy hoạch cần được "tính toán phù hợp" để cùng với vùng Đông Nam bộ trở thành động lực "cất cánh" cho các vùng khác với vai trò tiên phong, đi đầu, tích cực đóng góp cho mục tiêu chung của Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Phó Thủ tướng gợi mở cần chú trọng phát triển kinh tế biển đặc sắc, là động lực để phát triển mục tiêu dài hạn, bền vững; đi đầu trong vấn đề chuyển đổi năng lượng; thay đổi tư duy khai thác thủy điện bền vững; chú trọng phân vùng môi trường.
Nhấn mạnh việc đưa ra phương án phân bổ vùng trên cơ sở các Nghị quyết quan trọng, Phó Thủ tướng yêu cầu cân nhắc chính xác các chỉ tiêu đặt ra, nhất là vấn đề diện tích đất đô thị trên tổng diện tích đất tự nhiên của vùng; đô thị xanh, đô thị sinh thái, tỷ lệ giao thông của một đô thị; kết nối vùng và kết nối đa chiều các vùng với nhau...
Đô thị hóa chính là động lực phát triển kinh tế của vùng nên Quy hoạch cần hình thành các khu vực kinh tế động lực, trung tâm kinh tế, đô thị chiến lược, mạng lưới kết cấu hạ tầng đồng bộ, kết nối giữa các vùng, giữa thành thị và nông thôn, là trung tâm kết nối với quốc tế, tạo điều kiện cho tăng trưởng kinh tế cao, thúc đẩy thực hiện mục tiêu phát triển công nghiệp hiện đại, thu nhập cao.
Quy hoạch cần nghiên cứu kỹ các phương thức giao thông khác nhau (đường bộ, đường thủy, đường sắt, hàng không) về hiệu quả kinh tế-xã hội thu được khi hình thành các hành lang, vành đai kinh tế, chuỗi giá trị thông qua kết nối nội vùng và liên vùng.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà khẳng định việc quy hoạch vùng Đồng bằng sông Hồng là một nhiệm vụ hết sức khó khăn và nặng nề, có tính liên ngành, liên tỉnh, liên vùng, bảo đảm được tính đồng bộ, thống nhất, tránh xung đột, chồng chéo với quy hoạch địa phương, quy hoạch ngành, lĩnh vực.
Đồng thời, phải có những ý tưởng mới, tinh thần mới, sức sống mới, bám sát mục tiêu, nhiệm vụ được nêu trong các nghị quyết, quy hoạch, chiến lược có liên quan đến định hướng phát triển đồng bằng sông Hồng và cả nước như xây dựng, đô thị hóa, giao thông, các ngành kinh tế công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ…
Nhấn mạnh tiềm năng còn chưa được khai thác hai bên sông, Phó Thủ tướng cho rằng cần thay đổi tư duy, chính sách để tạo thêm không gian xanh, không gian văn hóa cộng đồng cho đô thị.
"Đồng bằng sông Hồng là cái nôi của văn hoá, lịch sử, di sản thiên nhiên và con người, vì vậy, phải khoanh định những khu vực gìn giữ, bảo tồn, phục dựng và kết hợp với du lịch, tạo nên điểm nhấn phát triển hài hoà giữa truyền thống với hiện đại.", Phó Thủ tướng trao đổi.
Phó Thủ tướng yêu cầu đơn vị tư vấn rà soát, hệ thống lại, bổ sung những điểm nhấn của vùng, tính toán các cơ chế, chính sách đồng bộ, lộ trình triển khai các dự án ưu tiên, nhiệm vụ cần tiếp tục nghiên cứu theo Quy hoạch./.
Đến năm 2050, hình thành các trung tâm dịch vụ mang tầm khu vực và thế giới tại Đồng bằng sông Hồng Quan điểm phát triển kinh tế - xã hội vùng Đồng bằng sông Hồng được dựa trên cơ sở khai thác tối đa tiềm năng, ... |
Hội nghị điều phối vùng Đồng bằng sông Hồng lần thứ hai: Thảo luận Quy hoạch vùng 2021-2030 Hội đồng điều phối vùng thảo luận về những "nút thắt", "điểm nghẽn" phát triển của vùng Đồng bằng sông Hồng trong thời gian qua ... |
Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Hồng 2021-2023: Chú trọng giải quyết các vấn đề liên ngành, liên vùng, liên tỉnh Bản Quy hoạch vùng này có ý nghĩa quan trọng, giúp “mở đường”, chủ động kiến tạo phát triển; trong đó chú trọng giải quyết ... |
Khung định hướng Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Hồng thời kỳ 2021-2030 “Phát triển hệ thống đô thị theo mô hình mạng lưới, xanh, thông minh và bền vững, có hạ tầng phù hợp, đồng bộ, hiện ... |
Mở ra “cơ hội mới đột phá” cho Đồng bằng sông Hồng Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho biết, với chủ đề “Liên kết phát triển - Đổi mới sáng tạo ... |
Bình luận