Chính sách tạo đường cho doanh nghiệp trích Quỹ phát triển KH&CN

Theo số liệu từ Tổng cục Thuế, từ năm 2011 đến năm 2019, cả nước đã có 618 doanh nghiệp, tập đoàn, tổng công ty tại 58 tỉnh, thành phố trích lập và sử dụng Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp. Tổng mức trích lập Quỹ của các doanh nghiệp trong toàn quốc từ năm 2011 đến năm 2019 là 22.083.500 triệu đồng, cụ thể như Bảng 1.

Bảng 1: Số tiền trích lập Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp

Đơn vị tính: Triệu đồng

STT

Năm trích lập

Số tiền trích lập

1

2011

1.458.803

2

2012

421.581

3

2013

1.239.992

4

2014

2.316.894

5

2015

3.583.461

6

2016

3.382.993

7

2017

3.255.110

8

2018

3.344.717

9

2019

3.079.950

Tổng cộng:

22.083.500

Việc các tập đoàn, doanh nghiệp thành lập và trích nguồn lợi nhuận vào Quỹ phát triển KH&CN được bắt đầu từ sự cho phép của chính sách pháp lý. Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp số 14/2008/QH12 năm 2008; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp số 32/2013/QH13 năm 2013 và các văn bản hướng dẫn có quy định: “Doanh nghiệp được thành lập, hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam được trích tối đa 10% thu nhập tính thuế hàng năm để lập Quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp”.

Luật KH&CN số 29/2013/QH13 năm 2013 quy định: “Doanh nghiệp ngoài nhà nước được khuyến khích thành lập Quỹ phát triển KH&CN của mình”; “Doanh nghiệp nhà nước phải trích một tỷ lệ tối thiểu thu nhập tính thuế thu nhập doanh nghiệp để lập Quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp”; “Doanh nghiệp có quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong việc quản lý, sử dụng quỹ đúng mục đích thành lập quỹ”. Điều 9 của Nghị định 95/2014/NĐ-CP năm 2014 của Chính phủ quy định: “Doanh nghiệp nhà nước hàng năm phải trích từ 3% đến 10% thu nhập tính thuế thu nhập doanh nghiệp để lập Quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp”; “Doanh nghiệp ngoài nhà nước được quyền trích từ thu nhập tính thuế thu nhập doanh nghiệp một tỷ lệ hợp lý, tối đa là 10% để lập Quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp”. Thông tư liên tịch số 12/2016/TTLT-BKHCN-BTC năm 2016 của liên Bộ KH&CN và Bộ Tài chính hướng dẫn nội dung chi và quản lý Quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp.

Luật Chuyển giao công nghệ số 07.2017/QH14 năm 2017 quy định: “Doanh nghiệp được sử dụng quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp để đầu tư, đối ứng vốn, nhận vốn đối ứng đầu tư cho đổi mới công nghệ, ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp KH&CN, khởi nghiệp sáng tạo, thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ của mình”. Nghị định số 76/2018/NĐ-CP năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chuyển giao công nghệ tại Điều 8, Điều 10, Điều 13, Điều 14, Điều 27 và Điều 28 hướng dẫn cụ thể nội dung chi và hỗ trợ của Quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp cho hoạt động chuyển giao công nghệ. Nghị định số 13/2019/NĐ-CP ngày 01 tháng 02 năm 2019 của Chính phủ về doanh nghiệp KH&CN cho phép sử dụng Quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp để thương mại hóa kết quả KH&CN (Khoản 3 Điều 16). Thông tư số 45/2019/TT-BTC ngày 19 tháng 7 năm 2019 của Bộ Tài chính quy định quản lý tài chính thực hiện Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” cho phép sử dụng Quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp để tài trợ, hỗ trợ kinh phí thực hiện các nhiệm vụ thuộc đề án.

Bất cập khi sử dụng Quỹ phát triển KH&CN

Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam đã trích lập được 1.380 tỷ đồng trong giai đoạn 2009-2014, nhưng do không sử dụng được nên đã hoàn nhập Quỹ là 1.164 tỷ đồng (chiếm 84%). Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trích lập được 1.912 tỷ đồng, chỉ sử dụng được 590 tỷ đồng...

Nội dung trích lập Quỹ đã được quy định đầy đủ tại các văn bản Luật và Nghị định hướng dẫn (quy định doanh nghiệp Nhà nước phải trích lập Quỹ tối thiểu 3%, tối đa 10%; doanh nghiệp ngoài Nhà nước được quyền trích lập Quỹ tối đa 10% từ thu nhập tính thuế thu nhập doanh nghiệp).

Nội dung sử dụng Quỹ cũng được quy định tại các nghị định như Nghị định số 95/2014/NĐ-CP, Nghị định số 76/2018/NĐ-CP, Nghị định số 13/2019/NĐ-CP. Tuy nhiên, do một số nội dung chi của Quỹ được bổ sung, nên chưa được quy định cụ thể tại Thông tư liên tịch số 12/2016/TTLT-BKHCN- BTC hướng dẫn trích lập, quản lý và sử dụng Quỹ, gây khó khăn cho doanh nghiệp trong thực tế triển khai giải ngân.

Bộ Khoa học và Công nghệ dẫn chiếu có nhiều điểm chưa được quy định cụ thể, chẳng hạn, việc hỗ trợ doanh nghiệp có dự án thuộc ngành, nghề ưu đãi đầu tư, địa bàn ưu đãi đầu tư nhận chuyển giao công nghệ từ tổ chức KH&CN; Đầu tư, đối ứng vốn đầu tư cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; Đổi mới công nghệ, ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp KH&CN, thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; Thuê tổ chức, cá nhân trong nước, ngoài nước để tư vấn, quản lý hoạt động đầu tư của quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp theo hợp đồng giữa các bên…

Phân tích chính sách về các điểm nghẽn trên, điểm nghẽn lớn nhất khiến tỷ lệ sử dụng Quỹ tại các doanh nghiệp thấp là do Quỹ chưa đáp ứng được nhu cầu mua máy móc, thiết bị để đổi mới công nghệ trực tiếp sử dụng vào việc sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Cụ thể hơn, Thông tư liên tịch số 12/2016/TTLT-BKHCN-BTC hướng dẫn chưa rõ ràng và còn có điểm mâu thuẫn. Chẳng hạn, Khoản 3 Điều 8 của Thông tư 12/2016/TTLT-BKHCN-BTC quy định: “Mua máy móc, thiết bị có kèm theo các đối tượng chuyển giao công nghệ theo quy định của Luật chuyển giao công nghệ…để thay thế một phần hay toàn bộ công nghệ đã, đang sử dụng bằng công nghệ khác tiên tiến hơn nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hoặc cải tiến sản phẩm mới của doanh nghiệp”. Như vậy, theo quy định này, doanh nghiệp được phép sử dụng Quỹ để mua máy móc, thiết bị đổi mới công nghệ phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩn hoặc cải tiến sản phẩm mới của doanh nghiệp.

Khoản 3 Điều 13 của Thông tư 12/2016/TTLT-BKHCN-BTC lại quy định: “Trường hợp tài sản cố định được đầu tư từ nguồn vốn của Quỹ chưa hết hao mòn, nếu chuyển giao cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp thì phần giá trị còn lại của tài sản cố định phải hạch toán vào thu nhập khác và phần giá trị còn lại của tài sản cố định đó được trích khấu hao, tính vào chi phí khi xác định thuế thu nhập doanh nghiệp”. Theo đó, khi máy móc, thiết bị phục vụ đổi mới công nghệ mua sắm từ nguồn vốn của Quỹ chưa hết hao mòn, nếu doanh nghiệp chuyển sang sử dụng cho hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp đối với phần giá trị còn lại của tài sản theo mức thuế suất của thu nhập khác, có thể cao hơn mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp từ hoạt động sản xuất kinh doanh (nếu doanh nghiệp đang trong thời gian được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp).

Nhiều doanh nghiệp không giải ngân được nguồn lực đã trích

1 tỷ USD trích Quỹ phát triển khoa học và công nghệ, vì sao khó giải ngân?
Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn đã trích lập Quỹ phát triển KH&CN 1.471 tỷ đồng, nhưng chỉ sử dụng được 39 tỷ đồng trong giai đoạn 2014-2018

Giai đoạn 2011-2019, tổng kinh phí trích lập của Quỹ phát triển KH&CN của các doanh nghiệp, tập đoàn là 22.083.500 triệu đồng. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp không giải ngân được kinh phí đã trích vào Quỹ. Nhiều tập đoàn có số trích lập Quỹ lớn nhưng không sử dụng hết phải tiến hành hoàn nhập Quỹ, chẳng hạn, Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam, trong giai đoạn 2009-2014, đã trích lập được 1.380 tỷ đồng, nhưng do không sử dụng được nên đã hoàn nhập Quỹ là 1.164 tỷ đồng (chiếm 84%). Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, trong giai đoạn 2011-2018, đã trích lập được 1.912 tỷ đồng, đã sử dụng được 590 tỷ đồng, cho đến nay số tiền chưa sử dụng hết sau thời hạn 05 năm trích lập là 488 tỷ đồng. Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn đã trích lập Quỹ 1.471 tỷ đồng nhưng chỉ sử dụng được 39 tỷ đồng trong giai đoạn 2014-2018. Công ty cổ phần đường Quảng Ngãi từ năm 2009 đến năm 2018 đã trích lập 391 tỷ đồng, sử dụng 293 tỷ đồng, hoàn nhập quỹ 90 tỷ đồng do không thực hiện được hoạt động đầu tư các dự án mua sắm máy móc thiết bị để đổi mới công nghệ phục vụ trực tiếp hoạt động sản xuất…

Theo số liệu từ Tổng cục Thuế, giai đoạn từ năm 2015 đến năm 2018, Quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp đã được các doanh nghiệp sử dụng là 5.451.857 triệu đồng/13.566.281 triệu đồng Quỹ đã trích (chiếm khoảng 40%). Các tập đoàn là đơn vị có số kinh phí trích lập Quỹ lớn nhất, tuy nhiên, tỷ lệ sử dụng kinh phí của Quỹ còn thấp, không ổn định qua các năm và chênh lệch lớn giữa các địa phương. Một số tập đoàn quan tâm nhiều đến hoạt động KH&CN và đã sử dụng có hiệu quả nguồn Quỹ đã trích, nhưng cũng chỉ đạt 60%-70% số Quỹ đã trích (Tập đoàn Công nghiệp viễn thông quân đội Viettel sử dụng được 2.372 tỷ đồng, tương đương 60% số tiền trích lập quỹ trong giai đoạn 2016 đến 2018, Tập đoàn Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam...).

Một số nguyên nhân chính dẫn đến việc các tập đoàn, doanh nghiệp dù đã trích lập Quỹ phát triển KH&CN nhưng khó giải ngân và còn nhiều lúng túng trong quá trình triển khai bao gồm:

Thứ nhất, là vướng mắc trong các quy định pháp luật đã ban hành. Tuy đã có các quy định nhưng lại thiếu cụ thể, chi tiết phù hợp và khả thi với thực tế hoạt động của doanh nghiệp, dẫn tới vướng mắc trong triển khai. Ví dụ: mua máy móc, thiết bị để đổi mới công nghệ trực tiếp sử dụng vào việc sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp tại Công ty cổ phần Đường Quảng Ngãi, Tổng công ty quản lý bay Việt Nam; mua nguyên vật liệu, phụ gia hóa chất để đổi mới công nghệ lọc hóa dầu tại Công ty cổ phần lọc hóa dầu Bình Sơn; đấu thầu mua sắm nguyên vật liệu thực hiện các nhiệm vụ KH&CN cấp bách tại Tập đoàn Viettel (do có sự khác biệt với các quy định trước đây và do sự không thống nhất giữa quy định tại khoản 3 Điều 8 và khoản 3 Điều 13 của Thông tư liên tịch số 12/2016/TTLT-BKHCN-BTC). Cùng với đó, quy định về hạch toán số thuế thu nhập doanh nghiệp bị truy thu và mức lãi suất phải nộp khi doanh nghiệp sử dụng chưa hết 70% số quỹ đã trích lập sau 5 năm chưa rõ ràng, như tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam. Chưa có quy định và điều kiện khả thi để nộp tiền về quỹ phát triển KH&CN quốc gia, của bộ, ngành, địa phương khi doanh nghiệp không sử dụng hết Quỹ như tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam…

Thứ hai, các quy định pháp luật đã ban hành hướng dẫn nội dung chi của Quỹ mới chỉ tập trung cho hoạt động nghiên cứu và phát triển mà chưa đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp trong hoạt động đổi mới sáng tạo. Chưa có nội dung chi cho đổi mới quy trình quản trị doanh nghiệp (Tổng công ty quản lý bay Việt Nam, Công ty cổ phần lọc hóa dầu Bình Sơn…).

Thứ ba, việc thực thi chính sách chưa được áp dụng đồng bộ và thống nhất trong cả nước. Thiết kế và thực thi chính sách nhằm thúc đẩy hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của các doanh nghiệp là lĩnh vực hoàn toàn mới đối với các cơ quan quản lý nhà nước hiện nay.

Thứ tư, Luật Chuyển giao công nghệ năm 2017 và các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành cho phép doanh nghiệp được sử dụng Quỹ để đầu tư, đối ứng vốn, nhận vốn đối ứng đầu tư cho đổi mới công nghệ, ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp KH&CN, khởi nghiệp sáng tạo, thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ của doanh nghiệp. Thông tư liên tịch số 12/2016/TTLT-BKHCN-BTC của liên Bộ KH&CN và Bộ Tài chính ban hành năm 2016 hướng dẫn nội dung chi và quản lý quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp chưa được điều chỉnh, bổ sung thêm các hướng dẫn về nội dung chi từ Quỹ theo quy định của Luật Chuyển giao công nghệ năm 2017 và các văn bản pháp luật khác có liên quan đến Quỹ.

Thứ năm, tiềm lực khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của đa số doanh nghiệp còn yếu; các chính sách thúc đẩy, khuyến khích doanh nghiệp hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo chưa tạo tác động đủ lớn cho các tập đoàn, doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp chưa quan tâm đến việc trích lập Quỹ cũng như hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Với mức trích tối đa 10% thu nhập tính thuế, số trích lập quỹ của các doanh nghiệp nhỏ và vừa rất thấp, không đủ để thực hiện các hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, trong khi các nguồn vốn tín dụng, hỗ trợ tín dụng để bổ sung thêm lại không có, hoặc có lại khó tiếp cận.

Như vậy, chủ trương và chính sách khuyến khích các tập đoàn, doanh nghiệp trích lập Quỹ từ thu nhập tính thuế nhằm khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư cho khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo là một chính sách quan trọng nhằm thu hút nguồn lực của doanh nghiệp đầu tư cho khoa học, đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa, thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp và hỗ trợ nguồn lực cho hoạt động khởi nghiệp dựa trên KH&CN. Tuy nhiên, khác doanh nghiệp, đặc biệt là các tập đoàn Nhà nước đã trích lập Quỹ với nguồn lực tương đối lớn thì việc sử dụng Quỹ còn một số vướng mắc như thực tế nêu trên, rất cần có giải pháp để gỡ vướng.

Cần gỡ vướng, giải phóng nguồn lực tại Quỹ phát triển KH&CN

Để tạo nguồn lực cho các tập đoàn, doanh nghiệp tham gia nghiên cứu, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo thông qua các Quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp, Chính phủ cần có sự điều chỉnh về chính sách và các quy định để tháo gỡ các điểm nghẽn.

Cần cập nhật nội dung chi cho hoạt động nghiên cứu và phát triển khoa học: Cụ thể về việc cho phép sử dụng Quỹ để mua máy móc, thiết bị, đổi mới công nghệ trực tiếp sử dụng vào việc sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; Bổ sung các nội dung chi Quỹ theo quy định của Nghị định số 76/2018/NĐ-CP và Nghị định số 13/2019/NĐ-CP; hướng dẫn nghĩa vụ thuế thu nhập phát sinh và số tiền lãi đối với số Quỹ đã trích sau 5 năm chưa sử dụng…

Điều chỉnh quy định và hướng dẫn nộp Quỹ phát triển KH&CN và Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia: Cùng với đó, cần hướng dẫn việc hạch toán số tiền nộp về Quỹ Phát triển KH&CN Quốc gia (Nafosted) theo quy định hiện hành. Hoặc bổ sung, điều chỉnh quy định để các tập đoàn, doanh nghiệp hợp tác với Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia (Natif) trong việc quản lý, sử dụng Quỹ phát triển KH&CN theo quy định tại Điều lệ Quỹ và Thông tư hướng dẫn quản lý hoạt động của Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia.

Bổ sung hướng dẫn cụ thể về nội dung và thủ tục thuế, hạch toán kế toán: liên quan đến việc sử dụng Quỹ cho hoạt động đầu tư, đối ứng vốn đầu tư cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, đổi mới công nghệ, thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ,... theo quy định của Luật Chuyển giao công nghệ 2017 để doanh nghiệp sử dụng hiệu quả Quỹ theo đúng quy định pháp luật.

Tạo cơ chế khuyến khích tái đầu tư từ các khoản thu nhập phát sinh do hoạt động đầu tư từ Quỹ như: các khoản thu từ khấu hao máy móc thiết bị, thu nhập từ hoạt động đầu tư, đối ứng vốn đầu tư cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, đổi mới công nghệ, thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. Theo đó, các khoản thu này được cho phép coi là nguồn vốn bổ sung cho hoạt động của Quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp./.