Quyết “dẹp hết” các nguồn gốc của thực phẩm bẩn trong năm 2016
Nhiều vụ thực phẩm sử dụng hóa chất độc hại bị phát hiện
Thời gian gần đây, các lực lượng chức năng liên tục phát hiện và xử lý nhiều vụ buôn bán thực phẩm bẩn, không rõ nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, như: măng tẩm ướp bằng chất vàng ô; mực tẩy trắng bằng hóa chất độc hại; ruốc nhuộm phẩm màu đỏ hoe…
Điển hình, ngày 13/04, ông Đặng Phúc, Chi Cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Yên), cho biết: Kiểm nghiệm ba mẫu hóa chất dùng để nhuộm ruốc mua ở các tiệm tạp hóa tại phường Xuân Đài, thị xã Sông Cầu, kết quả cho thấy: mẫu bột màu đỏ gạch Sunset yellow FCF (E110), Ponceau 4R (E124) và mẫu bột màu đỏ đô Ponceau 4R (E124) là hai loại phẩm màu nằm trong danh mục phụ gia thực phẩm có chức năng làm phẩm màu được phép sử dụng.
Riêng mẫu bột màu đỏ cánh sen Rhodamine B là loại phẩm màu không được phép sử dụng, do là hợp chất hóa học có thể gây độc cấp và mãn tính. Chất này qua đường tiêu hóa gây nôn mửa, có hại cho gan, thận, hệ sinh sản, hệ thần kinh và có thể gây ung thư.
Cùng ngày, ông Phan Hữu Thặng, Chi Cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản Quảng Trị, cho biết đơn vị này vừa có kết quả xét nghiệm 7 mẫu măng chua lấy từ các chợ Đông Hà, chợ Gio Linh, chợ thị xã Quảng Trị... Kết quả: 5/7 mẫu này có chất vàng ô - một chất có thể gây ung thư, thường được dùng trong công nghiệp sơn, dệt nhuộm. Cơ quan chuyên môn đã tịch thu và tiêu hủy toàn bộ số măng này.
Trong khi đó, sáng 13/04, đội cảnh sát môi trường Công an TP. Vinh (Nghệ An) đã niêm phong hơn 5 tấn măng tại một cơ sở chế biến kinh doanh măng vì măng bốc mùi hôi thối và có giòi lúc nhúc. Số măng tươi này của hộ ông Dương Văn Lợi, tại khối Tân Thành 2, P.Lê Mao.
Trước đó, Công an Nghệ An cũng đã niêm phong 25 tấn măng bốc mùi hôi thối của hai cơ sở chế biến măng ở P. Đội Cung khi hai cơ sở này đang ngâm măng với nước có pha chất vàng ô (Quốc Nam, Doãn Hòa, 2016).
Chính những thực phẩm chứa chất độc hại là một trong những tác nhân gây bệnh ung thư ở Việt Nam, ngoài cái chết tức tưởi bởi ngộ độc cấp tính, thực phẩm "bẩn" còn là nguyên nhân của những cái chết đến từ từ.
Theo số liệu của Tổ chức Y tế thế giới, tỷ lệ chết vì ung thư ở Việt Nam là 110 ca/100.000 người. Mỗi năm, cả nước có 94.000 người chết trong tổng số 126.000 người mắc bệnh ung thư. Trong đó, 35% người bị ung thư là do sử dụng những thực phẩm có chứa chất cấm, chất bảo quản, lâu dần bị tích tụ lại trong cơ thể và phát triển thành mầm bệnh.
Cơ sở sản xuất măng ngâm hóa chất độc hại tại TP. Hồ Chí Minh bị lực lượng chức năng phát hiện
Cần nhiều biện pháp mạnh tay
Để bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản, bảo vệ sức khỏe nhân dân, ngày 13/04, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn có Chỉ thị số 2956/CT-BNN-QLCL về việc tăng cường kiểm soát lạm dụng hóa chất, phụ gia trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông lâm thủy sản.
Theo đó, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường triển khai tuyên truyền, hướng dẫn các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản tuân thủ đầy đủ các quy định về đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Đặc biệt, tuyệt đối không sử dụng chất vàng ô, phẩm màu, chất bảo quản, phụ gia… không được phép dùng trong bảo quản, phụ gia… Không được phép sử dụng trong bảo quản, sơ chế, chế biến thực phẩm hoặc không rõ nguồn gốc dùng trong bảo quản, sơ chế, chế biến thực phẩm hoặc không ngâm, tẩm, ướp, tạo màu sản phẩm nông sản.
Tổ chức giám sát, kiểm tra, thanh tra đột xuất các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm thủy sản trong việc tuân thủ các quy định về an toàn thực phẩm. Trường hợp phát hiện cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng chất Vàng ô hoặc phẩm màu, chất bảo quản… không được phép sử dụng trong thực phẩm để ngâm, tẩm ướp, tạo màu, bảo quản thực phẩm nông lâm thủy sản cần tiến hành xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định tại Nghị định 178/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm và truy cứu hình sự theo Điều 190, 191 và 317 Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 ngày 27/11/2015 (có hiệu lực từ ngày 1/7/2016).
Cũng tại Hội nghị “Tăng cường quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp” tổ chức ngày 13/4 ở TP. Hồ Chí Minh, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ông Vũ Văn Tám cũng khẳng định, ngành nông nghiệp quyết tâm “dẹp hết” các nguồn gốc của thực phẩm bẩn trong năm 2016, đồng thời, hết quý 2, sẽ ngăn chặn hết các loại vật tư nông nghiệp nhập lậu, gồm kháng sinh, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón và các chất cấm khác./.
Tài liệu tham khảo:
1. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (2016). Chỉ thị số 2956/CT-BNN-QLCL, ngày 13/04 về việc tăng cường kiểm soát lạm dụng hóa chất, phụ gia trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông lâm thủy sản, dẹp bỏ tình trạng thực phẩm bẩn
2. Quốc Nam, Doãn Hòa (2016). Sẽ dẹp hết nguồn cung chất cấm, truy cập từ http://tuoitre.vn/tin/kinh-te/thi-truong/20160414/se-dep-het-nguon-cung-chat-cam/1083844.html
Bình luận