Quyết tâm xây dựng và phát triển bền vững các KCN tỉnh Vĩnh Phúc
Ông Hà Đình Nhã, Trưởng ban, Ban Quản lý các Khu công nghiệp Vĩnh Phúc trình bày báo cáo tổng quan tình hình xây dựng và phát triển các KCN trên địa bàn Tỉnh và định hướng triển các KCN của Tỉnh trong thời gian tới tại Hội nghị Phát triển bền vững khu công nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc”

VĨNH PHÚC QUAN TÂM ĐẨY MẠNH PHÁT TRIỂN QUY HOẠCH CÁC KCN

Theo phương án phát triển hệ thống KCN trong Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (tại Quyết định số 158/QĐ-TTg ngày 06/02/2024) thì đến năm 2030 Vĩnh Phúc có 28 KCN với diện tích là 4.815 ha; đến năm 2050 có 29 KCN với diện tích là 5.489,68 ha; và các KCN có tiềm năng, dự kiến thành lập mới trong trường hợp được bổ sung, điều chỉnh chỉ tiêu quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật với diện tích là 10.000 ha. Trong đó ưu tiên phát triển các KCN mới dọc theo các trục đường giao thông huyết mạch như cao tốc Hà Nội - Lào Cai, đường vành đai 4, vành đai 5.

Tính đến hết tháng 8/2024, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc có 17 KCN đã được thành lập với tổng diện tích là 3.142,96 ha, trong đó:

09 KCN đã đi vào hoạt động (gồm KCN: Kim Hoa, Khai Quang, Bình Xuyên, Bá Thiện, Bình Xuyên II-giai đoạn 1, Bá Thiện II, Tam Dương II - khu A, Thái Hòa - Liễn Sơn - Liên Hòa – khu vực II – giai đoạn 1, Thăng Long Vĩnh Phúc).

03 KCN đang triển khai xây dựng, gồm: KCN Sơn Lôi, KCN Tam Dương I- khu vực 2, KCN Sông Lô II.

05 KCN chưa được giao đất, chưa triển khai xây dựng (gồm KCN: Bình Xuyên II-giai đoạn 2, Nam Bình Xuyên, Phúc Yên, Sông Lô I, Đồng Sóc).

Với 17 KCN đã thành lập, UBND tỉnh đã giao cho chủ đầu tư hạ tầng KCN thuê đất để triển khai như sau:

12 KCN đã được giao đất, với diện tích là 1.901,98 ha, trong đó: 04 KCN đã giao đủ đất theo quy hoạch, các KCN này cơ bản đã hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật KCN đáp ứng các điều kiện để các nhà đầu tư thứ cấp xây dựng, hoạt động sản xuất kinh doanh.

05 KCN đã được giao đất, chủ đầu tư đã triển khai đầu tư hạ tầng kỹ thuật KCN và đi vào hoạt động (gồm KCN: Khai Quang, Bình Xuyên, Bá Thiện II, Tam Dương II – Khu A, Thái Hòa - Liễn Sơn - Liên Hòa - KVII - GĐ1), nhưng vẫn còn một phần đất chưa bồi thường, giải phóng mặt bằng (BT, GPMB) xong.

3 KCN mới được giao đất, đang triển khai đầu tư hạ tầng kỹ thuật KCN (các KCN đang xây dựng nêu trên).

5 KCN chưa được giao đất, các KCN này chưa triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng KCN được.

Khu Công nghiệp Khai Quang, tỉnh Vĩnh Phúc.
Khu Công nghiệp Khai Quang, tỉnh Vĩnh Phúc

THU HÚT ĐẦU TƯ ĐẾN TỪ 20 QUỐC GIA VÀ VÙNG LÃNH THỔ

Tính đến hết tháng 8/2024, trong các KCN đã thu hút được 493 dự án đầu tư còn hiệu lực, gồm: 117 dự án DDI với tổng vốn đầu tư 37.784,64 tỷ đồng và 376 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 6.742,89 triệu USD.

Các KCN có 413 dự án đang hoạt động sản xuất kinh doanh (gồm 334 dự án FDI và 79 dự án DDI), chiếm 83,8% tổng số dự án đầu tư.

Trong 367 dự án FDI đầu tư vào KCN thuộc 20 Quốc gia, vùng Lãnh thổ đầu tư, đứng đầu là Hàn Quốc 183 dự án với số vốn đầu tư 1,9 tỷ USD; thứ hai là Nhật Bản 48 dự án với số vốn đầu tư gần 1,1 tỷ USD; thứ ba là Đài Loan 44 dự án với số vốn là 1,13 tỷ USD; thứ tư là Trung Quốc 42 dự án với số vốn là 387 triệu USD; thứ năm là Thái Lan 10 dự án với tổng vốn đầu tư gần 750 triệu USD, tiếp theo là Samoa (9 dự án- 93 triệu USD); Singapor (7 dự án- 154 triệu USD); Bristish Virgin Island (6 dự án- 112 triệu USD); Ấn Độ (5 dự án – 14,6 triệu USD); Hà Lan (2 dự án-43 triệu USD); Hoa Kỳ (2 dự án-17,6 triệu USD); Thụy Điển (2 dự án- 35 triệu USD); Italia (1 dự án- 165 triệu USD); Anh (1 dự án-18 triệu USD),…

Các dự án FDI đầu tư vào KCN cơ bản có công nghệ trung bình, có một số dự án có công nghệ cao thuộc lĩnh vực linh kiện điện tử, nhưng còn rất hạn chế: Chỉ có dự án Haesung Vina (năm chứng nhận 2015, tuy nhiên Bộ Khoa học & Công nghê hậu kiểm năm 2016 đã xin rút khỏi Công nghệ cao); dự án BH Flex Vina (được Bộ Khoa hoạc & Công nghệ chứng nhận năm 2017) và 1 số dự án công nghiệp hỗ trợ do Bộ Công thương chứng nhận (Dự án Young Poong; dự án Inter Flex…).

Ngành nghề chủ yếu là sản xuất linh kiện điện tử (185 dự án chiếm tỷ lệ 50,4% số dự án FDI); tiếp theo là nhóm ngành nghề công nghiệp khác (115 dự án, chiếm tỷ lệ 31% số dự án FDI); thứ ba là nhóm ngành sản xuất lắp ráp ô tô, xe máy (47 dự án, chiếm tỷ lệ 12,8% số FDI) còn lại là lĩnh vực dệt may (12 dự án); vật liệu xây dựng 8 dự án…

Vốn thực hiện (giải ngân) của dự án đạt trung bình từ 60-65% so với tổng vốn đầu tư. Tính đến nay, vốn đầu tư thực hiện của các dự án FDI đạt 4,16 tỷ USD, đạt 62% tổng vốn đầu tư đăng ký của các dự án; tương đương với mức trung bình chung của cả nước.

Cơ bản các dự án FDI triển khai đúng tiến độ theo đăng ký đầu tư, cá biệt có số ít dự án FDI đề xuất giãn tiến độ do tiến độ xây dựng hoặc các thủ tục liên quan đến môi trường, PCCC chậm nên ảnh hưởng đến tiến độ chung đi vào hoạt động. Tuy nhiên, đối với dự án DDI, tiến độ thường chậm hơn so với FDI do các nhà đầu tư DDI gặp khó khăn trong thu xếp vốn triển khai dự án, đơn hàng không bền vững, mục tiêu dự án tập trung nhiều ở nhóm ngành xây dựng/cho thuê nhà xưởng dễ bị ảnh hưởng bởi những tác động của thị trường và biến động kinh tế chính trị…

Diện tích đất đã cho nhà đầu tư thứ cấp thuê: 1.051,67 ha; chưa cho nhà đầu tư thứ cấp thuê: 437,5 ha (do chưa đảm bảo hạ tầng; chưa có nhà đầu tư thứ cấp thuê, chủ đầu tư chưa cho thuê,…).

Đến nay các KCN đã tạo việc làm cho 142.440 lao động.

Lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho các nhà đầu tư Hàn Quốc
Lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho các nhà đầu tư Hàn Quốc

PHÁT HUY CAO VAi TRÒ, HIỆU LỰC VÀ HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG

Trong thời gian qua, lãnh đạo Ban Quản lý các KCN Vĩnh Phúc đã quan tâm chỉ đạo các Phòng chức năng và đơn vị sự nghiệp trực thuộc Ban Quản lý nâng cao vai trò hoạt động quản lý nhà nước và hoạt động đầu tư xây dựng các KCN. Do đó, công tác đầu tư kết cấu hạ tầng KCN, thu hút đầu tư vào các KCN đã được kết quả tích cực, góp phần quan trọng vào kết quả phát triển kinh tế của Tỉnh, thể hiện qua các nội dung như:

Thứ nhất, thu hút được lượng vốn đầu tư lớn, bổ sung nguồn lực quan trọng cho đầu tư phát triển, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế;

Thứ hai, đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chuyển đổi không gian phát triển, thúc đẩy liên kết ngành và liên kết vùng, tạo nền tảng quan trọng cho tăng trưởng trong dài hạn;

Thứ ba, đẩy mạnh tăng trưởng sản xuất ngành công nghiệp, nâng cao giá trị xuất khẩu và sức cạnh tranh của nền kinh tế; đóng góp đáng kể vào ngân sách nhà nước;

Thứ tư, góp phần giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động, tăng năng suất lao động và cải thiện chất lượng nguồn nhân lực;

Thứ năm, đóng góp tích cực vào công tác bảo vệ môi trường và thực hiện định hướng tăng trưởng xanh;

Thứ sáu, tthúc đẩy mối quan hệ ngoại giao, kinh tế, thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và các đối tác quan trọng.

Thứ bảy, việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng KCN đã cơ bản được các nhà đầu tư triển khai thực hiện theo quy hoạch được duyệt; thiết kế công trình hạ tầng, phương án phòng cháy chữa cháy, đánh giá tác động môi trường đã được cơ quan quản lý nhà nước thẩm định, phê duyệt theo quy định. Khi hoàn thành đưa vào sử dụng đều được cơ quan quản lý nhà nước kiểm tra, nghiệm thu, xác nhận hoàn thành theo quy định.

Thứ tám, công tác quản lý nhà nước đối với KCN trên địa bàn Tỉnh được lãnh đạo Tỉnh quan tâm, chỉ đạo sát sao; các sở, ngành, UBND huyện, thành phố đã dần chủ động, tăng cường thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với các KCN.

Lãnh đạo Ban Quản lý các KCN Vĩnh Phúc, Ban
Ông Hà Đình Nhã,Trưởng ban Quản lý các Khu công nghiệp Vĩnh Phúc (ngoài cùng từ trái sang) dự họp Tổng kết Câu lạc bộ các Ban Quản lý KCN, KKT các tỉnh phía Bắc năm 2024

NHIỀU VƯỚNG MẮC, TỒN TẠI, HẠN CHẾ CẦN ĐƯỢC THÁO GỠ

Hiện nay thực tế tính pháp lý quy định về các cơ chế, chính sách đối với KCN chưa cao, chưa có Luật chuyên ngành về KCN, KKT, mới chỉ dừng lại ở cấp Nghị định; thể chế, chính sách về KCN chưa đảm bảo tính ổn định, thống nhất, đồng bộ. Trong khi đó, hoạt động của KCN liên quan đến nhiều lĩnh vực khác nhau (như: quy hoạch, đầu tư, doanh nghiệp, đất đai, xây dựng, môi trường, nhà ở, lao động...), do đó gây không ít khó khăn trong quá trình thực thi chính sách về KCN. Đồng thời, thường có sự xung đột, thiếu thống nhất khi quy định của pháp luật chuyên ngành được sửa đổi, bổ sung, thay thế. Bên cạnh đó một số nhiệm vụ theo quy định của pháp luật được ủy quyền/phân cấp cho Ban Quản lý các KCN thực hiện nhưng hiện nay Ban Quản lý các KCN vẫn chưa được ủy quyền/phân cấp trong lĩnh vực môi trường; quản lý chất lượng công trình đối với dự án, công trình xây dựng trong KCN ; Ban Quản lý các KCN không được giao thực hiện việc cấp, cấp lại, gia hạn, xác nhận không thuộc diện cấp phép, thu hồi giấy phép lao động và tiếp nhận báo cáo giải trình của doanh nghiệp trong KCN về nhu cầu sử dụng người nước ngoài đối với từng vị trí công việc mà người Việt Nam chưa đáp ứng được; đồng thời không tiếp nhận báo cáo về tình hình sử dụng lao động nước ngoài, gây khó khăn cho các doanh nghiệp do chưa tập trung về một đầu mối để giải quyết tất cả các thủ tục hành chính; khó khăn …

Về mô hình phát triển và quản lý nhà nước đối với KCN: Nghị định số 35/2022/NĐ-CP ngày 28/5/2022 của Chính phủ về quản lý KCN đã đề cập đến các loại hình KCN mới như: KCN hỗ trợ, KCN chuyên ngành, KCN sinh thái và KCN công nghệ cao, nhưng chưa có quy định cụ thể về về quy hoạch, thành lập, đầu tư, phát triển và quản lý các loại hình KCN này để các tỉnh triển khai không bị vướng mắc.

KCN Bá Thiện II (6)
Một góc các nhà máy trong KCN Bá Thiện II, tỉnh Vĩnh Phúc

Công tác BT, GPMB triển khai thực hiện còn chậm, kéo dài, ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ triển khai thực hiện dự án; Việc triển khai các khu tái định cư, việc di chuyển mồ mả phục vụ GPMB của các KCN triển khai chậm đã làm ảnh hưởng đến công tác GPMB các KCN. Công tác BT, GPMB được xem là “điểm nghẽn” trong việc triển khai các KCN do vậy ảnh hưởng lớn đến tiến độ đầu tư, hiệu quả đầu tư của các KCN.

Nguồn đất san nền KCN trong thời gian gần đây gặp rất nhiều khó khăn, trong đó hầu hết các KCN đều có nhu cầu lớn về đất san nền. Hiện nay, một số KCN đang khó khăn về nguồn đất san nền, như KCN: Sông Lô II (khoảng 4 triệu m3), KCN Bình Xuyên II-GĐ 2 (khoảng 1,5 triệu m3), KCN Bình Xuyên (khoảng triệu 0,7 m3); KCN Sơn Lôi (khoảng 4,6 triệu m3),…

Chưa xác định giá đất: Hiện nay một số KCN đã được UBND Tỉnh giao đất, nhưng chưa xác định được giá đất thuê (như KCN: Tam Dương I – KV2, Sông Lô II, Thái Hòa – Liễn Sơn – Liên Hòa (KV2, GĐ1) do đó chủ đầu tư gặp khó khăn trong việc thu hút nhà đầu tư thứ cấp vào KCN và phương án huy động vốn từ các tổ chức tín dụng để đầu tư KCN.

Chất lượng quy hoạch chi tiết xây dựng KCN còn hạn chế: Trong quá trình triển khai quy hoạch phải điều chỉnh nhiều lần (giai đoạn 2015-2021, các quy hoạch xây dựng KCN được điều chỉnh đến 21 lần cho 10 đồ án quy hoạch). Quy hoạch xây dựng một số KCN được lập, thẩm định và phê duyệt chưa đồng thời với phê duyệt quy hoạch bố trí xây dựng nhà ở công nhân, các công trình văn hóa, xã hội phục vụ người lao động.

Công tác xúc tiến đầu tư hiệu quả chưa cao; tính cạnh tranh, hấp dẫn đầu tư vào các KCN bị giảm dần, chưa có dự án lớn mang tính dẫn dắt so với một số tỉnh trong khu vực Đồng bằng sông Hồng. Thêm vào đó, các ngành mũi nhọn hiện tại cũng có xu hướng giảm sút và mất dần lợi thế cạnh tranh.

Các dự án DDI thứ cấp trong KCN chủ yếu là dự án có quy mô nhỏ và vừa, công nghệ cũ. Một số chủ đầu tư có năng lực hạn chế, “vốn mỏng” dẫn đến dự án chậm tiến độ, kinh doanh không hiệu quả. Việc kết nối trong sản xuất, kinh doanh và chuyển giao công nghệ giữa khối doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước còn hạn chế, số lượng doanh nghiệp trong nước trên địa bàn tỉnh tham gia sâu vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI không nhiều.

Công nhân đang làm việc trong các KCN Vĩnh Phúc
Công nhân đang làm việc trong KCN Khai Quang, tỉnh Vĩnh Phúc

Quá trình phát triển các KCN, cùng với sự mở rộng không ngừng về số lượng các doanh nghiệp dẫn đến nhu cầu về số lượng và chất lượng nguồn nhân lực trong KCN tăng nhanh. Dự báo giai đoạn 2025-2030, mỗi năm trong các KCN trên địa bàn tỉnh có khoảng 50-70 doanh nghiệp mới và doanh nghiệp điều chỉnh mở rộng sản xuất, nhu cầu cần tuyển mới khoảng 15.000 lao động. Nhưng khả năng đáp ứng về nhu cầu chất lượng nhân lực cho các doanh nghiệp còn hạn chế, cần phải tập trung phát triển nguồn nhân lực cả về số lượng và chất lượng để đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp ở các KCN.

Năng lực và hiệu lực thanh tra, kiểm tra, giám sát, đánh giá đầu tư chưa cao và thiếu sự phối hợp đồng bộ giữa các sở, ban, ngành; chưa kịp thời phát hiện và xử lý các dự án triển khai chậm tiến độ.

Công tác bồi thường, GPMB nhiều dự án chưa được thực hiện quyết liệt, kéo dài. Khó khăn trong công tác BT, GPMB là nguyên nhân chính dẫn đến tiến độ thực hiện các dự án xây dựng hạ tầng KCN chậm, hầu hết phải điều chỉnh, gia hạn tiến độ.

Vai trò, trách nhiệm của các cấp, các ngành, UBND cấp huyện trong quản lý các KCN chưa được thực hiện đầy đủ, hiệu quả trên một số lĩnh vực như: Quản lý trật tự xây dựng; quản lý đất đai, công tác BT, GPMB, công tác bảo vệ môi trường,…

Theo quy định của pháp luật hiện hành, giá thuê đất trong KCN do nhà đầu tư hạ tầng quyết định (theo cơ chế thị trường). Hiện nay giá thuê đất bình quân trên địa bàn tỉnh cao hơn mặt bằng chung một số tỉnh dẫn đến giảm sự cạnh tranh trong thu hút đầu tư so với các tỉnh Bắc Giang, Hưng Yên, Hải Dương…

Năng lực kinh nghiệm, năng lực tài chính của một số chủ đầu tư còn hạn chế; một số chủ đầu tư chưa chủ động, chưa phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, các sở, ngành liên quan đến giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong công tác BT, GPMB; một số thời điểm chủ đầu tư chưa kịp thời ứng vốn để thực hiện công tác BT, GPMB.

Toàn cảnh KCN Bá Thiện II, tỉnh Vĩnh Phúc 2
Toàn cảnh KCN Bá Thiện II, tỉnh Vĩnh Phúc

ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN KCN TRONG THỜI GIAN TỚI

Căn cứ Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 158/QĐ-TTg ngày 06/02/2024; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025, Ban Quản lý các KCN Vĩnh Phúc định hướng phát triển KCN trong thời gian tới như sau:

Phát triển các KCN chất lượng cao

Hoàn thiện, thường xuyên duy tu, bảo dưỡng hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật các KCN đã được thành lập; Tập trung nguồn lực vào công tác BT, GPMB để sớm giao đủ đất cho các chủ đầu tư hạ tầng KCN nhằm và hoàn thiện đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, trạm xử lý nước thải tập trung tại các KCN đã được thành lập. Kiên quyết khắc phục những tồn tại, hạn chế (nhất là hạ tầng kỹ thuật các KCN), đưa công tác quản lý KCN vào nề nếp, đúng định hướng; thực sự phát huy vai trò, hiệu quả của các KCN.

Đầu tư phát triển thêm một số KCN có lợi thế, có tính khả thi theo Danh mục các KCN tại Phụ lục III ban hành kèm theo Quyết định số 158/QĐ-TTg ngày 06/02/2024 của Thủ tướng Chính phủ; phát triển mới KCN theo lộ trình cụ thể, không phát triển ồ ạt. Dự kiến đến năm 2025, lập hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ 4 - 8 KCN mới (như KCN: Lập Thạch I, Lập Thạch II, Tam Dương II – Khu B, Chấn Hưng, Bình Xuyên – Yên Lạc I, Bình Xuyên – Yên Lạc II và một số KCN có tiềm năng khác).

Phấn đấu đến năm 2030 Vĩnh Phúc có 28 KCN với diện tích là 4.815 ha. Ưu tiên thu hút các nhà đầu tư xây dựng và phát triển kết cấu hạ tầng KCN có tiềm lực tài chính, có kinh nghiệm phát triển thành công các KCN trên địa bàn cả nước; thực hiện đầu tư phát triển các KCN đảm bảo chặt chẽ, đúng quy hoạch đã được phê duyệt; phát triển các KCN mới gắn chặt với yêu cầu bảo vệ môi trường, hạ tầng xã hội (bao gồm nhà ở công nhân, các thiết chế văn hóa, thể thao, chương trình phúc lợi phục vụ người lao động), hạ tầng đến hàng rào KCN (gồm: giao thông, điện, nước, viễn thông,…). Các KCN phải đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng xử lý nước thải mới được phép đi vào hoạt động.

Toàn cảnh KCN Thăng Long Vĩnh Phúc
Toàn cảnh KCN Thăng Long Vĩnh Phúc

Thu hút các dự án quy mô lớn, công nghệ cao vào các KCN

Thu hút các nhà đầu tư chiến lược đến đầu tư tại tỉnh Vĩnh Phúc trên cơ sở định vị tầm nhìn, phương hướng, cách thức xây dựng hệ thống giải pháp khuyến khích, hỗ trợ đầu tư, tạo điều kiện kinh doanh thuận lợi nhằm thu hút thành công các dự án lớn, nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn đa quốc gia; Đồng thời chuyển dịch dần mô hình tăng trưởng và cơ cấu kinh tế từ chiều rộng đến chiều sâu, từ hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng thấp hướng tới hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cao hơn theo hướng chủ động, tích cực, trọng tâm, trọng điểm đáp ứng nhu cầu tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững.

Ưu tiên thu hút các nhà đầu tư có dự án đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp chế tạo công nghệ cao bao gồm công nghiệp máy tính, điện thoại và điện tử; công nghiệp bán dẫn; công nghiệp ô tô, xe máy điện và công nghiệp dược phẩm, nông nghiệp công nghệ cao; dự án của các tập đoàn đa quốc gia đầu chuỗi và nhà cung ứng then chốt trong chuỗi cung ứng toàn cầu của tập đoàn đa quốc gia.

Công nhân đang lắp ráp xe ô tô tại Nhà máy Toyota Vĩnh Phúc.
Công nhân đang lắp ráp xe ô tô tại Nhà máy Toyota Vĩnh Phúc

Thực hiện các giải pháp đồng bộ phát triển KCN Vĩnh Phúc

Tập trung quyết liệt vào công tác BT, GPMB; nâng cao hơn nữa trách nhiệm của cơ quan đầu mối giúp UBND Tỉnh về công tác quản lý nhà nước về KCN và các cơ quan quản lý chuyên ngành, các địa phương; thường xuyên nắm bắt tình hình, kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện cho các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ, đưa các dự án vào hoạt động theo đúng kế hoạch, nhất là các KCN đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư.

Tập trung giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc về xác định giá đất; nguồn đất san nền cho các dự án, đảm bảo kịp thời nhưng chặt chẽ, không để xảy ra sai sót.

Tiếp tục nghiên cứu, có chính sách mang tính dài hạn, ổn định trong hỗ trợ phát triển KCN đối với nội dung thuộc trách nhiệm, thẩm quyền của Tỉnh nhằm nâng cao hiệu quả công tác phát triển KCN trên địa bàn Tỉnh, tạo điều kiện hỗ trợ các chủ đầu tư và thu hút các tổ chức, cá nhân vào sản xuất, kinh doanh trong KCN hoạt động theo quy định. Trong đó, quan tâm đến các chính sách: (i) Xây dựng một số gói ưu đãi cho đối với từng nhà đầu tư, từng lĩnh vực cần thu hút đầu tư (đặc biệt khuyến khích đầu tư), về tiếp cận đất đai; (ii) Hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực; (iii) Hỗ trợ về công tác bảo vệ môi trường; (iv) Hỗ trợ về nhà ở cho công nhân, người lao động trong các KCN trên địa bàn tỉnh.

Nghiên cứu, xây dựng các công cụ thu hút đầu tư có chọn lọc, như: Danh mục dự án thu hút các nhà đầu tư chiến lược, lĩnh vực, ngành nghề chiến lược; xây dựng Bộ công cụ về sàng lọc dự án đầu tư của tỉnh Vĩnh Phúc; bộ tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư xây dựng, kinh doanh hạ tầng KCN, đảm bảo lựa chọn được các nhà đầu tư đủ năng lực, điều kiện để thực hiện dự án theo định hướng thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh.

Tăng cường vai trò, trách nhiệm quản lý nhà nước của các sở, ngành, chính quyền các cấp đối với KCN theo hướng phân cấp, ủy quyền phù hợp, theo hướng nâng cao hiệu quả quản lý gắn với tạo điều kiện thuận lợi, giải quyết kịp thời các khó khăn, hỗ trợ tốt nhất cho các chủ đầu tư hạ tầng, các doanh nghiệp trong KCN.

nhà máy xủa lý nước thải trong KCN Bá Thiện II
Nhà máy xủa lý nước thải trong KCN Bá Thiện II