Rà soát, đưa ra phương án phù hợp với 21 dự án chậm tiến độ tại Bình Thuận
Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5 vào chiều ngày 2/6/2018, ông Lê Quang Mạnh, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, liên quan đến 21 dự án chậm tiến độ tại Phan Thiết, Bình Thuận, về mặt cơ sở pháp lý, Luật Đầu tư năm 2014 đã quy định, đối với các dự án không triển khai theo thời gian quy định thì hoàn toàn có cơ sở pháp lý để UBND tỉnh Bình Thuận có thể thu hồi các dự án này.
Tuy nhiên, liên quan đến các dự án khai thác titan tại Bình Thuận mà hiện nay do khó khăn về thị trường titan (giá không tốt), thì việc triển khai các dự án đã không theo đúng được kỳ vọng của các nhà đầu tư.
Ông Lê Quang Mạnh, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát biểu tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5
“Vừa rồi UBND tỉnh Bình Thuận cũng có đề xuất lên Thủ tướng Chính phủ xem xét có phương án tổng thể xử lý các dự án này. Hiện nay Thủ tướng đã quyết liệt giao cho Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Công Thương rà soát lại, có phương án phù hợp với bối cảnh chúng ta hiện nay”, ông Lê Quang Mạnh nói.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng thông tin thêm, trước mắt các mỏ titan sẽ được chôn lấp lại để đảm bảo cảnh quan môi trường cũng như trong tương lai dài hạn chúng ta có một thị trường tốt hơn. Nguồn khoáng sản ở đây rất lớn, có thể gọi là tài nguyên chúng ta để dành cho tương lai.
Cũng trả lời về tình hình chậm tiến độ của 21 dự án ở Bình Thuận, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải thông tin tới báo chí, vừa qua, tỉnh Bình Thuận cũng đã có đề xuất là trong lúc các doanh nghiệp titan chưa khai thác thì đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ liên quan cho phép tỉnh Bình Thuận đưa phần khai thác đó vào dự trữ quốc gia về tài nguyên, ở đây trực tiếp là quặng titan, để có thể sử dụng trước mắt vào một số mục đích khác, ví dụ như: năng lượng tái tạo, điện mặt trời, điện gió và các dự án khác.
“Về phía Bộ Công Thương, chúng tôi ủng hộ việc những dự án nào chưa được cấp cho các doanh nghiệp thì có thể đưa vào dự trữ quốc gia và sau đó có thể sử dụng những diện tích đó để phục vụ những mục đích như tôi vừa nói, có thể về năng lượng tái tạo, có thể về du lịch, trong một thời hạn nhất định, thậm chí đến 30-50 năm”, ông Đỗ Thắng Hải nói.
Còn những diện tích đã cấp cho các doanh nghiệp thì trước hết chúng ta phải ưu tiên cho những doanh nghiệp mong muốn được chuyển đổi mục đích đầu tư, ví dụ như: sang làm năng lượng tái tạo, điện mặt trời, điện gió hoặc là du lịch.
Thứ trưởng Bộ Công Thương cũng cho biết thêm, “trong trường hợp họ không có nhu cầu đầu tư vào mục đích khác thì những doanh nghiệp có nhu cầu phải trực tiếp đàm phán và phải có những bồi hoàn thỏa đáng với những doanh nghiệp đã được cấp phép đầu tư. Đặc biệt là họ đã phải bỏ những kinh phí, chi phí, kể cả cơ hội đầu tư trong suốt một thời gian dài, thậm chí hơn một chục năm, để tránh việc khiếu kiện kéo dài, khiếu kiện đông người, đối với việc không đảm bảo lợi ích cho những doanh nghiệp đã đầu tư trước đó”./.
Bình luận