Giá trị tăng thêm ngành công nghiệp quý III/2021 giảm 3,5% so với cùng kỳ năm trước

Theo Bộ Công Thương, sản xuất công nghiệp 9 tháng gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhất là tại các địa phương có khu công nghiệp lớn phải thực hiện giãn cách xã hội kéo dài. Giá trị tăng thêm ngành công nghiệp quý III/2021 giảm 3,5% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 9 tháng năm 2021, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp tăng 4,45% so với cùng kỳ năm 2020, cao hơn so với cao hơn mức tăng trưởng GDP chung của toàn nền kinh tế (tăng 1,42%).

Trong đó: Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế với tốc độ tăng 6,05%, đóng góp 1,53 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế. Ngành sản xuất và phân phối điện tăng 5,24%, đóng góp 0,2 điểm phần trăm...

Sản xuất công nghiệp quý IV/2021 có thể tăng trưởng cao hơn quý III
Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp (IIP) tháng 9/2021 ước tính tăng 5% so với tháng trước

Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp (IIP) tháng 9/2021 ước tính tăng 5% so với tháng trước và giảm 5,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Ngành khai khoáng giảm 6,3% so với tháng trước và giảm 7,1% so với cùng kỳ năm trước; Ngành chế biến, chế tạo tăng 8,4% so với tháng trước, nhưng giảm 4,9% so với cùng kỳ…

Tính chung 9 tháng năm 2021, IIP ước tính tăng 4,1% so với cùng kỳ năm trước, mặc dù cao hơn tốc độ tăng 2,4% của cùng kỳ năm 2020 nhưng thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng 9,6% của cùng kỳ năm 2019.

Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu 9 tháng năm 2021 tăng so cao với cùng kỳ năm trước: Phân DAP tăng 56,5%; Thép cán tăng 43,3%; Ô tô tăng 18,6%; Quặng Apatit tăng 15,5%; sắt thép thô tăng 12,4%...

Một số sản phẩm giảm so với cùng kỳ năm trước: ti vi giảm 35,9%; khí thiên nhiên giảm 17,6%; động cơ diezen giảm 19,6%; bia các loại giảm 8,7%; dầu thô khai thác giảm 4,8%; thuốc lá báo các loại giảm 3,1%.

9 tháng, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 2,8% so với cùng kỳ

Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 9/2021 tăng 12,4% so với tháng trước, nhưng giảm 11,2% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 2,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, một số ngành có chỉ số tiêu thụ tăng cao: sản xuất kim loại tăng 10,5%; sản xuất xe có động cơ tăng 20,2%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 6,4%; sản xuất trang phục tăng 6,1%...

Một số ngành có chỉ số tiêu thụ tăng thấp hoặc giảm: Sản xuất chế biến thực phẩm giảm 0,3%; sản xuất đồ uống giảm 3,7%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu giảm 38,7%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học giảm 24,8%; sản xuất thiết bị điện giảm 2%; sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế giảm 0,3%

Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tính tại thời điểm 30/9/2021 tăng 28,2% so với cùng thời điểm năm trước (cùng thời điểm năm 2020 tăng 24,3%). Một số ngành có chỉ số tồn kho tăng thấp hơn mức tăng chung hoặc giảm: Sản xuất đồ uống giảm 1,1%; sản xuất sản phẩm thuốc lá giảm 25,7%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 3,9%; sản xuất giấy và các sản phẩm từ giấy tăng 2,3%.

Một số ngành có chỉ số tồn kho tăng cao so với cùng thời điểm năm trước: Sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế tăng 166,6%; sản xuất kim loại tăng 73,8%; sản xuất xe có động cơ tăng 73,2%; sản xuất giường tủ bàn ghế tăng 29,5%; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất tăng 41,7%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 45,2%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc thiết bị ) tăng 31,3%.

Bộ Công Thương nhận định, nhìn chung hoạt động sản xuất công nghiệp 9 tháng năm 2021 bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, tại một số tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Nội và các tỉnh, thành phía Nam… là các trung tâm sản xuất hàng hóa lớn, có các doanh nghiệp trong chuỗi giá trị toàn cầu, đóng góp lớn cho phát triển công nghiệp bị tạm dừng hoạt động khiến cho sản lượng hàng hóa giảm mạnh, ảnh hưởng lớn tới các chuỗi cung ứng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu. Đặc biệt, người lao động nghỉ việc ảnh hưởng lớn đến việc tuyển dụng lao động trở lại khi sản xuất phục hồi.

Tuy nhiên, với nỗ lực của toàn bộ hệ thống chính trị, sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan trung ương và địa phương, tình hình dịch bệnh đang dần được kiểm soát. Các giải pháp đồng bộ hỗ trợ, khôi phục sản xuất kinh doanh đã bắt đầu có tác dùng, sản xuất công nghiệp tháng 9 đã có dấu hiệu khởi sắc.

“Từ tháng 10/2021, nếu đà kiểm soát dịch bệnh theo chiều hướng khả quan như hiện nay, sản xuất công nghiệp trong quý IV sẽ tăng trưởng cao hơn quý III, góp phần vào thực hiện mục tiêu năm 2021”, Bộ Công thương dự báo./.