Sản xuất công nghiệp tháng 11 khởi sắc, dự báo cả năm có thể tăng 6%
Chế biến, chế tạo tiếp tục dẫn dắt ngành công nghiệp
Số liệu do Tổng cục Thống kê công bố cho thấy, sản xuất công nghiệp trong tháng 11/2021 tiếp tục khởi sắc khi các địa phương trên cả nước thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.
Theo đó, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 11/2021 tăng 5,5% so với tháng trước và tăng 5,6% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 11 tháng năm 2021, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 3,6% so với cùng kỳ năm trước (cao hơn tốc độ tăng 3% của cùng kỳ năm 2020).
Ngành chế biến, chế tạo tiếp tục khẳng định vai trò dẫn dắt toàn ngành công nghiệp khi đạt mức tăng trưởng cao nhất với 4,8% (cùng kỳ năm 2020 tăng 4,4%), đóng góp 4,2 điểm phần trăm vào mức tăng chung.
Sản xuất công nghiệp trong tháng 11/2021 tiếp tục khởi sắc khi các địa phương trên cả nước thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 |
Tiếp đến là ngành sản xuất và phân phối điện tăng 3,8%, đóng góp 0,3 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 3%, đóng góp 0,1 điểm phần trăm; riêng ngành khai khoáng giảm 6%, làm giảm 1 điểm phần trăm trong mức tăng chung.
Trong 11 tháng qua, chỉ số sản xuất của một số ngành trọng điểm thuộc ngành công nghiệp cấp II tăng cao so với cùng kỳ năm trước, gồm: Kim loại tăng 23,4%; xe có động cơ tăng 10,7%; than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế tăng 9%; dệt tăng 8,3%; khai thác than cứng và than non tăng 6,9%; trang phục tăng 6,3%; sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 6,2%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 4,4%.
Ở chiều ngược lại, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp của một số ngành giảm là thuốc, hóa dược và dược liệu giảm 18,2%; khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm 12,9%; sửa chữa, bảo dưỡng và lắp đặt máy móc, thiết bị giảm 10,4%; thoát nước và xử lý nước thải giảm 4,4%; đồ uống giảm 3,9%.
Trong 11 tháng năm 2021, một số sản phẩm công nghiệp chủ lực tăng cao so với cùng kỳ năm trước, gồm: Thép cán tăng 35,4%; linh kiện điện thoại tăng 33,8%; xăng dầu các loại tăng 13,3%; sữa bột tăng 12,6%; sắt, thép thô tăng 10,7%; khí hóa lỏng LPG tăng 10,6%; thức ăn cho gia súc tăng 9,5%; ô tô và giày dép da cùng tăng 9%; phân hỗn hợp NPK tăng 7,5%.
Bên cạnh đó, vẫn có những sản phẩm giảm so với cùng kỳ năm trước là tivi các loại giảm 40,3%; khí đốt thiên nhiên dạng khí giảm 18,4%; đường kính giảm 8,5%; bia các loại giảm 7,8%; dầu mỏ thô khai thác giảm 6,5%; thủy hải sản chế biến và thức ăn cho thủy sản cùng giảm 3,9%.
Trong 11 tháng năm 2021, có 47 địa phương có chỉ số sản xuất công nghiệp tăng và 16 địa phương có chỉ số sản xuất giảm so với cùng kỳ năm trước.
Vẫn thiếu hụt lao động trong ngành công nghiệp
Về tình hình lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp, báo cáo nêu rõ, tại thời điểm 01/11/2021 tăng 3,3% so với cùng thời điểm tháng trước và giảm 2,6% so với cùng thời điểm năm trước.
Trong đó, lao động khu vực doanh nghiệp nhà nước tăng 0,3% và giảm 2,7%; doanh nghiệp ngoài nhà nước tăng 2,5% và giảm 4,2%; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng 4,2% và giảm 1,8%.
Theo ngành hoạt động, số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp ngành khai khoáng tăng 0,4% so với cùng thời điểm tháng trước và không đổi so với cùng thời điểm năm trước; ngành chế biến, chế tạo tăng 3,6% và giảm 2,8%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí không đổi và tăng 2,7%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 0,1% và giảm 1,1%.
Khả năng chỉ số sản xuất công nghiệp năm 2021 tăng khoảng 6%
Dự báo về tình hình sản xuất công nghiệp thời gian tới, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhận định nếu đà kiểm soát dịch bệnh theo chiều hướng khả quan như hiện nay, các doanh nghiệp ở khu vực miền Bắc, miền Trung tăng tốc sản xuất thì công nghiệp trong quý 4/2021 sẽ tăng trưởng cao hơn quý 3/2021.
Khả năng chỉ số sản xuất công nghiệp năm 2021 tăng khoảng 6% so với năm 2020. Con số này mặc dù thấp hơn chỉ tiêu ngành Công Thương đặt ra ban đầu (tăng 8-9%) nhưng cũng đã cho thấy sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan Trung ương và địa phương trong việc kiểm soát dịch bệnh, khôi phục sản xuất.
Trong báo cáo mới đây, Bộ Công Thương cho rằng, để ngành công nghiệp sớm “khỏe mạnh” trở lại, cần tiếp tục triển khai khẩn trương, quyết liệt, thống nhất từ Trung ương đến địa phương các nội dung hướng dẫn, chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 128/NQ-CP quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” và các hướng dẫn của Bộ Y tế, Bộ Giao thông vận tải nhằm bảo đảm tối đa lưu thông hàng hóa, lao động trở lại phục vụ việc phục hồi các hoạt động sản xuất sau dịch bệnh, tránh tình trạng “cát cứ”, không thống nhất gây khó khăn cho việc phục hồi các chuỗi cung ứng về hàng hóa và lao động cho sản xuất.
Đặc biệt, cần bảo đảm cung ứng đầy đủ nguyên vật liệu, năng lượng để đáp ứng yêu cầu phục hồi sản xuất, kinh doanh và phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án công nghiệp quan trọng; hỗ trợ tối đa các nhà máy duy trì và khôi phục sản xuất để giữ đơn hàng, chuỗi cung ứng.
Bên cạnh đó, tận dụng lợi thế của các hiệp định thương mại đã và đang thực hiện để thúc đẩy xúc tiến thương mại, phát triển thị trường trong và ngoài nước, đẩy mạnh thương mại điện tử, tăng cường kết nối giữa nhà sản xuất và các nhà phân phối, tiêu thụ./.
Bình luận