8 tháng năm 2024, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp ước tính tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước

Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 8/2024 ước tính tăng 2,0% so với tháng trước và tăng 9,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, so với cùng kỳ năm trước, ngành chế biến, chế tạo tăng 10,6%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 8,9%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 12,6%; riêng ngành khai khoáng giảm 1,5%.

Tính chung 8 tháng năm 2024, IIP ước tính tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 giảm 0,2%). Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 9,7% (cùng kỳ năm 2023 giảm 0,4%), đóng góp 8,4 điểm phần trăm trong mức tăng chung; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 11,6%, đóng góp 1,0 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 7,8%, đóng góp 0,1 điểm phần trăm; ngành khai khoáng giảm 6,0%, làm giảm 0,9 điểm phần trăm.

Chỉ số sản xuất 8 tháng năm 2024 của một số ngành công nghiệp trọng điểm cấp II tăng cao so với cùng kỳ năm trước: Sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 29,5%; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế tăng 21,6%; khai thác quặng kim loại tăng 19%...

Sản xuất công nghiệp tháng 8/2024 tiếp tục xu hướng tăng trưởng tích cực
Tính chung 8 tháng năm 2024, IIP ước tính tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước

Ở chiều ngược lại, chỉ số IIP của một số ngành tăng thấp hoặc giảm: Sản xuất phương tiện vận tải khác tăng 4%; sản xuất đồ uống tăng 0,5%; khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm 11,2%...

Chỉ số sản xuất công nghiệp 8 tháng năm 2024 so với cùng kỳ năm trước tăng ở 61 địa phương và giảm ở 2 địa phương trên cả nước.

Một số địa phương có chỉ số IIP đạt mức tăng khá cao do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; ngành sản xuất và phân phối điện tăng cao. Ở chiều ngược lại, một số địa phương có chỉ số IIP giảm do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; ngành khai khoáng và ngành sản xuất, phân phối điện giảm.

Triển khai 4 nhóm giải pháp để tiếp tục thúc đẩy sản xuất công nghiệp

Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ diễn ra chiều 5/8/2024, Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng nhận định, sản xuất công nghiệp đang phục hồi mạnh mẽ so với năm 2023 và đang có đà tăng trưởng tiếp tục duy trì xu hướng tích cực.

Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đã trở lại và đóng vai trò dẫn dắt tăng trưởng. Sản xuất công nghiệp cơ bản tăng trưởng trên diện rộng ở hầu hết các địa phương trên cả nước, đặc biệt là các địa phương đóng vai trò trọng điểm trong phát triển công nghiệp.

Năng lực sản xuất của các doanh nghiệp công nghiệp trong nước đã khôi phục rất tích cực và sẵn sàng để tận dụng những cơ hội thị trường mới trong thời gian tới. Niềm tin của các doanh nghiệp sản xuất trong nước, cũng như các doanh nghiệp nước ngoài được củng cố mạnh mẽ nhờ những tín hiệu tích cực trong tăng trưởng sản xuất công nghiệp các tháng đầu năm 2024 vừa qua.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Phan Thị Thắng cũng nêu rõ, trong thời gian tới, có 4 thách thức mà nền kinh tế nói chung và sản xuất công nghiệp nói riêng sẽ phải đối diện, như: Nội lực của các ngành sản xuất trong nước vẫn còn yếu; sản xuất công nghiệp phục hồi chưa toàn diện; tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp và khó lường; thị trường trong nước tăng trưởng thấp hơn cùng kỳ, chỉ số giá trong nước chịu áp lực tăng sau khi thực hiện một số chính sách mới.

Do đó, trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ triển khai 4 nhóm giải pháp để tiếp tục thúc đẩy sản xuất công nghiệp. Trong đó, tiếp tục chủ động triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đã được Chính phủ thông qua, từ đó tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đặc biệt trong các ngành xuất khẩu chủ lực như: dệt may, da - giày và các ngành nền tảng như: ô tô, cơ khí, thép…; thúc đẩy đưa vào vận hành các dự án sản xuất công nghiệp mới, nhằm phục vụ cho xuất khẩu và tiêu dùng trong nước, tạo thêm năng lực cho phát triển sản xuất và nguồn hàng cho xuất khẩu.

Tập trung tham mưu hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật, chiến lược phát triển một số ngành công nghiệp nền tảng, ưu tiên làm cơ sở cho các nguồn lực tăng trưởng mới trong các ngành công nghiệp trong ngắn hạn cũng như trong dài hạn. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả các chương trình làm việc với các địa phương và các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp hiện có, nhằm khôi phục và phát huy đà tăng trưởng của công nghiệp tại các địa phương và vùng kinh tế trọng điểm.

Hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng cơ hội từ các dự án đầu tư công lớn và các chính sách khôi phục thị trường bất động sản của Chính phủ; khuyến khích việc tăng cường mua sắm hàng hóa sản xuất trong nước, hạn chế tối đa việc sử dụng sản phẩm và nguyên liệu nhập khẩu mà trong nước đã sản xuất được; đẩy mạnh tìm kiếm các thị trường mới cho các ngành hàng xuất khẩu chủ lực./.