Sắp lắp thêm 70 trạm đo chất lượng không khí ở Hà Nội
Đó là một trong những chủ đề chính được bàn bạc tại hội thảo về “Theo dõi và quản lý chất lượng không khí ở Hà Nội” do AFD - Cơ quan Phát triển Pháp và Sở Tài nguyên Môi trường Hà Nội mới được phối hợp tổ chức.
Tại hội thảo, các nhà hoạch định chính sách, các chuyên gia, Cơ quan phát triển Pháp đã thảo luận về thực trạng và các chính sách quản lý chất lượng môi trường không khí; đồng thời chia sẻ các kinh nghiệm, bài học thực tiễn về cải thiện chất lượng không khí ở Việt Nam và quốc tế. Bên cạnh đó, hội thảo cũng đưa ra các kết luận của nghiên cứu do Cơ quan phát triển Pháp AFD tài trợ, từ đó đề xuất các giải pháp khả thi, bền vững về giảm thiểu ô nhiễm cũng như nâng cao công tác quản lý chất lượng môi trường không khí Thành phố Hà Nội.
Sắp lắp thêm 70 trạm đo chất lượng không khí ở Hà Nội
Nhìn lại vấn đề ô nhiễm môi trường không khí tại Hà Nội, những năm qua, Thành phố cũng đã có những đầu tư nhất định trong công tác kiểm soát và xử lý ô nhiễm không khí. Tuy nhiên, công tác quản lý môi trường ở Thành phố vẫn tồn tại nhiều hạn chế, như: việc triển khai các dự án đầu tư cho môi trường còn chậm, hoạt động quan trắc và kiểm soát nguồn thải còn yếu. Ý thức chấp hành quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường của các tổ chức và cá nhân chưa cao; công nghệ sản xuất còn lạc hậu... đã ảnh hưởng tới chất lượng môi trường chung của thành phố.
Bên cạnh đó, quá trình đô thị nhanh, kéo theo các hoạt động xây dựng trên khắp địa bàn, cùng với sự gia tăng dân số cơ học, số lượng phương tiện giao thông cơ giới tăng mạnh... gây ô nhiễm môi trường không khí, đặc biệt là ô nhiễm bụi và tiếng ồn ở mức độ cao.
Theo Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Nguyễn Trọng Đông cho biết, các trục đường giao thông và các khu vực xây dựng đang bị ô nhiễm nặng về bụi, benzen và tiếng ồn. Kết quả quan trắc cho thấy, hầu hết các vị trí quan trắc đều có hàm lượng benzen vượt Quy chuẩn Việt Nam QCVN 06/2009/BTNMT từ 1,2-2,5 lần và độ ồn cũng đều vượt quy chuẩn.
Các khu vực nổi cộm là khu vực quận, như: Hà Đông, Hoàng Mai, Cầu Giấy, Từ Liêm, với các vị trí có nồng độ ô nhiễm cao, như: bến xe Mỹ Đình, ngã tư Cổ Nhuế, bến xe Nước Ngầm, chân cầu vượt Phạm Văn Đồng, điểm trung chuyển xe bus Long Biên, bến xe Giáp Bát, ngã tư Cầu Diễn.
Tại các khu, cụm công nghiệp, một số chỉ tiêu ở một số thời điểm vượt nhẹ. Riêng chỉ tiêu benzen, mặc dù vẫn nằm trong giới hạn cho phép của QCVN 06/2009/BTNMT nhưng có xu hướng tăng dần qua các năm do việc gia tăng sử dụng nhiên liệu hóa thạch (xăng), đặc biệt do sự gia tăng các phương tiện giao thông.
Đáng chú ý, chất lượng không khí tại các làng nghề da, giầy, cơ khí, mây tre đan, chế biến gỗ, dệt nhuộm, mỹ nghệ và các khu vực dân cư phần lớn chưa đạt tiêu chuẩn (đều ở mức kém) đa số bị ô nhiễm benzen.
Tại hội thảo này, Đại sứ Pháp tại Việt Nam, Bertrand Lortholary nhận định, với mức độ ô nhiễm không khí như hiện nay, Hà Nội cần có các công cụ đo lường và phân tích chất lượng không khí để người dân có được thông tin theo thời gian thực và để chính quyền có được những thông tin cần thiết nhằm đề ra các biện pháp nâng cao chất lượng môi trường của Thủ đô.
Pháp là nước có bề dày kinh nghiệm trong lĩnh vực quan trắc môi trường, tất cả các thành phố lớn của Pháp đều được trang bị một hệ thống quan trắc như vậy. Tại Jordania và Maroc, Cơ quan Phát triển Pháp cũng đã lắp đặt một mạng lưới hàng chục cảm biến đo lường và phân tích không khí. Vì vậy, Pháp sẽ hỗ trợ và chia sẻ kinh nghiệm với Việt Nam, hợp tác trong phân tích chất lượng không khí hàng ngày tại TP. Hà Nội, chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực đô thị bền vững.
Cũng tại hội thảo, ông Nguyễn Trọng Đông khẳng định, sau hơn 1 năm triển khai thực hiện, Dự án hỗ trợ kỹ thuật nghiên cứu đánh giá hiện trạng môi trường không khí trên địa bàn TP. Hà Nội do Cơ quan AirParif (Pháp) tài trợ đã mang lại hiệu quả và có tính thực tiễn cao. Trên cơ sở kết quả của những nghiên cứu này, Hà Nội sẽ xây dựng chương trình hành động phù hợp nhằm nâng cao chất lượng không khí Thủ đô, đáp ứng tốt nhất nhu cầu của người dân và khách du lịch.
Hiện, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã tiếp nhận và đang vận hành ổn định 10 trạm quan trắc không khí (2 trạm cố định, 8 trạm cảm biến) do Cơ quan AirParif (Pháp) tài trợ. Các trạm quan trắc hoạt động liên tục, quan trắc chất lượng không khí xung quanh nhằm phục vụ việc quản lý, nghiên cứu, khảo sát xu hướng biến đổi môi trường và lập mô hình quan trắc. Kết quả quan trắc bước đầu cho thấy tương đối chính xác, tuy nhiên chưa thể phản ảnh đầy đủ, chính xác hiện trạng môi trường không khí trên địa bàn.
Thời gian tới, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội sẽ có những giải pháp và hành động cụ thể để giảm thiểu ô nhiễm không khí. Trước mắt, tiếp tục phối hợp với tổ chức AirParif triển khai Dự án hỗ trợ kỹ thuật nghiên cứu đánh giá hiện trạng môi trường không khí; triển khai đầu tư hệ thống mạng quan trắc môi trường, trong đó lắp đặt thêm 70 trạm quan trắc không khí.
Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội sẽ kiểm soát chặt chẽ các biện pháp bảo vệ môi trường, che chắn giảm bụi, khí thải tại các công trường thi công, nhất là khu vực nội thành; giám sát, buộc các dự án, cơ sở có phát sinh chất thải quy mô lớn phải lắp đặt các trạm quan trắc tự động, truyền dẫn số liệu về Sở Tài nguyên và Môi trường để theo dõi, giám sát./.
Bình luận