Sau “hội chứng” mía đường... là "hội chứng" thành lập các NHTM cổ phần
TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đã ví von như vậy tại hội thảo “Định vị hệ thống ngân hàng sau tái cơ cấu” do Viện Kinh tế Việt Nam phối hợp với BizLIVE tổ chức sáng 23/10 tại Hà Nội.
Giảm 17 tổ chức tín dụng sau tái cơ cấu
Phát biểu tại hội thảo, TS. Trần Đình Thiên đánh giá: “Tái cơ cấu hệ thống ngân hàng là nhiệm vụ chiến lược lớn được triển khai quyết liệt trên thực tiễn, đồng thời là một chủ đề thảo luận nóng bỏng trên các diễn đàn và các phương tiện truyền thông đại chúng”.
Ông nhận định, 4 năm qua là thời gian thử thách đối với tái cơ cấu ngân hàng với việc xử lý 4 nhóm vấn đề:
Thứ nhất, “Hội chứng” thành lập ngân hàng thương mại cổ phần và “hội chứng” chuyển từ ngân hàng nông thôn thành ngân hàng đô thị đã phát sinh nhiều vấn đề.
Vấn đề thứ hai là nền kinh tế của Việt Nam áp dụng quá lâu một mô hình tăng trưởng là dựa vào mô hình tín dụng, tư tưởng đầu cơ chi phối.
Thứ ba là Ngân hàng phải gánh vác nhiều nhiệm vụ không thuộc về mình, phục vụ Nhà nước rất nhiều, trong đó có nhiều việc thuộc Bộ Tài chính.
Vấn đề thứ tư là khi nền kinh tế rơi vào tình trạng khẩn cấp, thường ta phải sử dụng rất nhiều biện pháp hành chính, lấn át thị trường. Các biện pháp hành chính mang tính chất chữa cháy này đã gây ra nhiều bất ổn cho thị trường tài chính tiền tệ, lãi suất…
TS. Trần Đình Thiên phát biểu tại hội thảo
Sau gần 4 năm thực hiện tái cơ cấu, hệ thống đã giảm được 17 tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thông qua sáp nhập, hợp nhất, giải thể, rút giấy phép hoạt động. Đánh giá những kết quả nổi bật của tái cơ cấu các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011-2015, PGS, TS. Đặng Ngọc Đức, Viện trưởng Viện Ngân hàng và Tài chính, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đã chỉ rõ:
Thứ nhất, tái cơ cấu đã giải quyết triệt để nguy cơ mất khả năng thanh toán và thiết lập lại sự ổn định của hệ thống ngân hàng. Như chúng ta đã biết, trong bối cảnh kinh tế thế giới suy thoái và kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn với lạm phát ở mức hai con số, vấn đề thanh khoản của hệ thống ngân hàng Việt Nam đã trở nên nghiêm trọng khi lãi suất liên ngân hàng có lúc đã lên đến 30% và đẩy lãi suất huy động lên đến 18%-20% vào thời điểm cuối năm 2011, đầu năm 2012, vượt xa mức trần mà ngân hàng nhà nước đặt ra. Nhiều ngân hàng gần như rơi vào tình trạng mất thanh khoản, có nguy cơ đổ vỡ, đe dọa sự an toàn và ổn định của hệ thống. Suốt trong hơn hai năm qua, tỷ giá nhìn chung ổn định, tình hình lạm phát được kiểm soát.
Thứ hai, tái cơ cấu các tổ chức tín dụng yếu kém chủ yếu dựa trên nguyên tắc tự nguyện, đảm bảo sự ổn định của hệ thống và tâm lý người gửi tiền. Sau khi phân loại các tổ chức tín dụng thành ba nhóm, Chính phủ đã có các kế hoạch để tiến hành tái cơ cấu cụ thể. Nhờ đó, quá trình cơ cấu diễn ra nhanh, hiệu quả và mềm dẻo, không gây ra xáo trộn cho hệ thống cũng như tâm lý người gửi tiền…
Các tổ chức tín dụng yếu kém đã được nhận diện một cách đầy đủ và áp dụng các bước cơ cấu lại dưới sự chỉ đạo và giám sát chặt chẽ của Ngân hàng Nhà nước, đảm bảo hoạt động của nhóm các tổ chức tín dụng yếu kém luôn trong tầm kiểm soát, không gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động an toàn và ổn định của toàn hệ thống.
Thứ ba, xử lý cơ bản vấn đề sở hữu chéo, khắc phục tình trạng thiếu công khai, minh bạch; thắt chặt lại kỷ luật tín dụng trong các ngân hàng thương mại. Đây là vấn đề rất nghiêm trọng, nhưng trong thời gian qua Ngân hàng Nhà nước đã ban hành thêm các quy định xử lý vấn đề này, chỉ còn lại 3 cặp tín dụng hiện tại có sở hữu chéo. Việc ban hành thêm Thông tư 36, Thông tư 06 năm 2015 của Ngân hàng Nhà nước sẽ khiến cho sở hữu chéo không còn là vấn đề nghiêm trọng nữa.
Thứ tư là vấn đề liên quan đến nợ xấu. Các biện pháp xử lý nợ xấu vừa kiên quyết, vừa mềm dẻo với những lộ trình thận trọng, như gom nợ xấu bán lại cho VAMC, tăng dư nợ…
Thứ năm, sau khi tái cơ cấu được một thời gian đã tạo điều kiện cho việc áp dụng các tiêu chuẩn mới đối với hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam, hướng tới áp dụng các tiêu chuẩn theo thông lệ quốc tế như Basel II.
Tuy nhiên, ông Đặng Ngọc Đức cũng nhận thấy, nội hàm những thành công này cũng còn ẩn chứa những mặt tồn tại, như: xử lý nợ xấu và sở hữu chéo chưa giải quyết triệt để; chưa có sự đồng bộ và phối hợp xử lý giữa tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng và tái cơ cấu nền kinh tế, tái cơ cấu đầu tư công…; cơ sở pháp lý cho tái cơ cấu các tổ chức tín dụng, xử lý nợ xấu, xử lý sở hữu chéo… chưa đầy đủ và chưa đồng bộ.
Tiếp tục xử lý các “nút thắt” trong quá trình tái cơ cấu
PGS, TS. Đặng Ngọc Đức cho rằng, tái cơ cấu các tổ chức tín dụng là quá trình liên tục và lâu dài, cần xây dựng chính sách toàn diện để xử lý các “nút thắt” trong quá trình tái cơ cấu giai đoạn 2011-2015, cụ thể:
Một là, Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, ngành liên quan phối hợp với Ngân hàng Nhà nước thực hiện đồng bộ các giải pháp tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng, triển khai các biện pháp miễn, giảm thuế, phí liên quan đến mua bán nợ xấu và các tài sản bảo đảm tiền vay của tổ chức tín dụng được cơ cấu lại. Miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các tổ chức tín dụng sau khi thực hiện mua lại, sáp nhập, hợp nhất; miễn, giảm thuế, phí hợp lý đối với quỹ tín dụng nhân dân và tổ chức tài chính vi mô.
Hai là, có các biện pháp xử lý các nút thắt về tài sản đảm bảo, hỗ trợ các tổ chức tín dụng đẩy nhanh tiến độ và hiệu quả xử lý tài sản đảm bảo phù hợp với các điều khoản thỏa thuận tại hợp đồng tín dụng, đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu trong toàn hệ thống. Nghiên cứu một hoặc một vài công cụ tài chính thích hợp để xử lý triệt để vấn đề nợ xấu.
Ba là, xem xét tăng vốn cho các ngân hàng thương mại nhà nước để tăng năng lực tài chính của các Ngân hàng thương mại nhà nước, bảo đảm đủ mức vốn tự có theo tiêu chuẩn an toàn vốn của Basel II.
Bốn là, cần có sự phối hợp đồng bộ hơn nữa giữa tái cấu trúc các TCTD với tái cơ cấu các doanh nghiệp Nhà nước, tái cấu trúc đầu tư công, tái cơ cấu nông nghiệp.
Trong khi đó, ông Hà Huy Tuấn, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia mong muốn Việt Nam không phải tái cơ cấu hệ thống ngân hàng một lần nữa. Muốn vậy, trong thời gian tới, các khoản nợ mới cần được chú ý, rút kinh nghiệm các bài học đã qua, nâng cao chất lượng để sau một thời gian nữa chúng ta sẽ không phải lặp lại câu chuyện tái cơ cấu này.
“Một hệ thống ngân hàng lành mạnh sẽ biểu hiện qua hai công cụ chính của chính sách tiền tệ là lãi suất và tỷ giá. Nếu theo được chuẩn mực chung của thế giới, thì chúng ta hoàn toàn yên tâm về việc cơ cấu hệ thống đã về mức bình thường”, ông nhận định./.
Tái cấu trúc nền kinh tế là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, trong đó, cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng là một trong những nội dung trọng tâm để cùng với tái cơ cấu đầu tư công, tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước góp phần chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế, nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011-2015” được Bộ Chính trị, Chính phủ thông qua và Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định số 254/QĐ-Ttg, ngày 1/3/2012 đã thể hiện quyết tâm của Đảng và Chính phủ trong việc lành mạnh hóa hệ thống các tổ chức tín dụng theo Kết luận số 10-KL/TW, ngày 18/10/2011 của Hội nghị lần thứ 3 Ban Chấp hành Trung ương Khóa XI. |
Bình luận