Sẽ thành lập Tổng cục Quản lý thị trường để chống buôn lậu
Ba điểm nghẽn
Trước Quốc hội, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã tiếp thu, giải trình để làm rõ vấn đề mà các đại biểu Quốc hội quan tâm trước đó liên quan đến hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, đặc biệt đối với mặt hàng thuốc lá.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh
Theo Bộ trưởng, hiện nay, bên cạnh thuốc lá thì còn hàng loạt các mặt hàng khác cũng là điểm nóng trong hoạt động buôn lậu và gian lận thương mại như đường, phân bón...Đây là những mặt hàng có yếu tố lợi nhuận cao. Cùng với đó, cũng có nhiều địa bàn nóng, không chỉ ở Long An, An Giang mà còn ở Tây Ninh, Quảng Ninh, Hải Phòng và nhiều địa bàn khác.
Mặc dù Ban chỉ đạo 389 dưới sự chỉ đạo của Chính phủ đã có nhiều biện pháp nhằm khắc phục những hạn chế đã nêu nhưng hiện vẫn còn tồn tại một số vấn đề như:
Thứ nhất, khuôn khổ pháp luật, các cơ chế, chính sách, chế tài chưa đủ mạnh đối với hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại dẫn đến hiện tượng "nhờn pháp luật". Vì mục đích và lợi nhuận cao trong hoạt động buôn lậu nên các đối tượng buôn lậu tiếp tục cấu kết, tổ chức buôn lậu tinh vi, có hệ thống. Các hoạt động này không còn giới hạn trong một phạm vi địa lý của một địa phương hoặc một vài địa phương mà thậm chí cả trong và ngoài trên địa bàn của toàn quốc.
Thứ hai, sự phối hợp, tính chủ động, trách nhiệm của từng lực lượng trong lực lượng liên ngành để chống buôn lậu như công an, biên phòng, hải quan, quản lý thị trường... còn chưa chặt chẽ, thường xuyên, đặc biệt ở các địa phương là điểm nóng. Điều này dẫn đến hiệu quả, hiệu lực đấu tranh của lực lượng liên ngành còn yếu.
Thứ ba, do sự đứt khúc, phân khúc trong chỉ đạo điều hành của các lực lượng chống buôn lậu, trong đó có quản lý thị trường. Cùng với đó, việc quản lý thị trường trực tiếp hoạt động tại địa phương dưới sự chỉ đạo, điều hành của địa phương nên sự phối hợp mang tính liên ngành, liên địa phương chưa cao, chưa hiệu quả.
Người đứng đầu ngành Công Thương cũng cho rằng, đối với mặt hàng thuốc lá, nếu chỉ đấu tranh việc buôn bán lẻ thuốc lá thì "không ăn thua" bởi việc tổ chức buôn lậu đã trở thành hệ thống rất tinh vi, rất lớn bao gồm đầu nậu ngoài biên giới cho đến hệ thống vận chuyển, phân phối tận khâu bán lẻ tại thị trường trong nước.
Chính vì vậy, các hoạt động của Ban Chỉ đạo 389 cũng như các lực lượng chuyên ngành trong đó có quản lý thị trường đang tập trung quyết liệt vào các nội dung để khắc phục những tồn tại đã nêu.
Trong năm 2016, 2017, đã có nhiều chương trình được ban hành tập trung chỉ đạo tại những địa bàn trọng điểm với một số mặt hàng trọng điểm trong đó có thuốc lá, đường cát và nhiều mặt hàng khác.
Tuy chưa triệt để nhưng các địa phương cũng đã có sự phối hợp chặt chẽ hơn. Do đó, thống kê trong 9 tháng đầu năm 2017, việc buôn lậu thuốc lá và tiêu thụ thuốc lậu trên thị trường công khai đã giảm, đặc biệt tại các trung tâm lớn, như: Tp. Hồ Chí Minh, Tp. Hà Nội, Long An, An Giang...
Cần quyết liệt đấu tranh
Để khắc phục những hạn chế, bất cập nêu trên, Bộ trưởng Tuấn Anh cho rằng, có 3 nhiệm vụ lớn cần tập trung quyết liệt, đó là:
Thứ nhất, tiếp tục tăng cường hơn nữa việc phối hợp giữa các lực lượng liên ngành để tổ chức đấu tranh chống các tổ chức buôn lậu quy mô lớn và những lực lượng buôn lậu tinh vi, có hệ thống. Trong đó phát huy trách nhiệm của từng ngành, từng lực lượng.
Thứ hai, tiếp tục xem xét, hoàn chỉnh khuôn khổ pháp lý và thể chế để đảm bảo hiệu lực, hiệu quả, nhất là điều chỉnh chế tài đối với hành vi buôn lậu , trong đó có buôn lậu thuốc lá. Tại kỳ họp vừa qua, Quốc hội đã thông qua quy định cho phép xem xét trách nhiệm hình sự khi buôn lậu trên 1.500 điếu thuốc lá. Đây là cơ sở rất quan trọng, nếu không các hoạt động buôn lậu thuốc lá sẽ tìm cách né tránh kẽ hở của pháp luật.
Thứ ba, cần có quan điểm toàn diện, đồng bộ, thống nhất, nghiêm khắc để xử lý hành vi buôn lậu thuốc lá.
Ví dụ, trong việc tái xuất thuốc lá lậu, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành đã có quan điểm rất quyết liệt khi không sử dụng và tái xuất thuốc lá lậu. Nhưng trên thực tế, thời gian qua vẫn còn nhiều hoạt động tái xuất thuốc lá lậu, khi tịch thu được thì có dấu hiệu thẩm lậu lại thị trường nội địa. Ngoài ra, hàng hoạt bất cập trong việc quản lý thuốc lá lậu tái xuất cũng là vấn đề đặt ra đối với công tác quản lý thị trường, với người tiêu dùng, ngành công nghiệp và việc thất thu nguồn ngân sách nhà nước.
Do đó, tại phiên họp tháng 06/2017, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo rất quyết liệt đối với tất cả các lô hàng nhập luậ khi tịch thu đều phải tiêu hủy, không có tái xuất, trừ trường hợp đặc biệt phải báo cáo để Thủ tướng xem xét.
Đây là một động thái tích cực, quyết liệt và phù hợp với quan điểm chung của các bộ, ngành trong quản lý nhà nước, phù hợp với yêu cầu thị trường.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ Công Thương cũng cho rằng, hiện nay, chất lượng chuyên môn, trình độ nghiệp vụ, phẩm chất đạo đức, hiểu biết pháp luật của lực lượng chuyên ngành, trong đó có quản lý thị trường vẫn còn tồn tại yếu kém, mặc dù đã được khắc phục nhưng vẫn còn khoảng cách so với yêu cầu.
Vì vậy, một trong những giải pháp quan trọng là tới đây, Chính phủ sẽ thành lập Tổng cục quản lý thị trường hoạt động theo hệ thống ngành dọc, thực hiện theo Pháp lệnh quản lý thị trường. Đây là cơ sở quan trọng để tăng cường chất lượng, nâng cao phẩm chất cho đội ngũ cán bộ quản lý thị trường trong thực hiện những nhiệm vụ chống buôn lậu, gian lận thương mại trên địa bàn toàn quốc./.
Bình luận