“Sở hữu trí tuệ” trong TPP: Vấn đề nan giải của doanh nghiệp
Nhiều rủi ro
Với TPP, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ là vấn đề hết sức quan trọng, cho nên Hiệp định đã dành hẳn một chương riêng với 83 điều để điều chỉnh các vấn đề về sáng chế, nhãn hiệu, bản quyền, bí mật thương mại, các đối tượng khác của quyền sở hữu trí tuệ và cả việc thực thi các quyền về sở hữu trí tuệ, cũng như các vấn đề khác về quyền sở hữu trí tuệ mà các thành viên đồng ý hợp tác.
Theo đó, những cam kết nghiêm ngặt về sở hữu trí tuệ sẽ giúp các doanh nghiệp giảm bớt tình trạng hàng nhái, hàng giả vi phạm bản quyền chưa được xử lý triệt để trên thị trường nội địa trong thời gian qua. Tuy nhiên, điều này cũng sẽ đem đến nhiều thách thức cho doanh nghiệp Việt Nam.
Đầu tiên phải kể đến là, khi làn sóng đầu tư từ nước ngoài vào Việt Nam có thể sẽ làm “bùng nổ” các tranh chấp về sở hữu trí tuệ. Trong khi hệ thống thực thi quyền sở hữu trí tuệ hiện nay của nước ta còn yếu kém, như: nhiều trường hợp tranh chấp giữa các doanh nghiệp về nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp không có tòa án chuyên ngành để thụ lý, giải quyết; các tổ chức giám định gần như chưa đủ khả năng để giám định các vi phạm về sở hữu trí tuệ...
Điều đáng nói hơn là, thực tế cho thấy, phần lớn doanh nghiệp Việt Nam là nhỏ và vừa, tiềm lực về tài chính hạn chế, nên thường bỏ qua những yêu cầu tuân thủ về sở hữu trí tuệ, như: sử dụng phần mềm lậu, không có bản quyền. Vì vậy, khi TPP có hiệu lực, sức ép phải tuân thủ các quy định về sở hữu trí tuệ sẽ vô cùng lớn cho các doanh nghiệp. Thậm chí, còn có thể phá sản, bởi việc mua quyền sở hữu trí tuệ khiến chi phí của doanh nghiệp tăng lên và giảm sức cạnh tranh.
Tuy nhiên, việc tuân thủ các cam kết về sở hữu trí tuệ trong TPP là việc làm không thể trốn tránh, bởi hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam có thể bị trả về nếu không đáp ứng được các quy định về sở hữu trí tuệ mà TPP đưa ra.
Liên quan đến vấn đề này, ông Phan Vũ Tuấn, Chánh văn phòng Hội Sở hữu trí tuệ TP. Hồ Chí Minh cho biết, nếu trước kia Việt Nam xuất một lô hàng may mặc qua Mỹ, đến cửa hải quan thì bị ngăn lại bởi có cáo buộc cho rằng, lô hàng đó có sử dụng lao động dưới 15 tuổi, thì bây giờ, họ sẽ ngưng lô hàng này với cáo buộc rằng, để sản xuất lô hàng này, phía doanh nghiệp Việt Nam đã sử dụng phần mềm máy tính của Microsoft không có bản quyền.
“Đây chính là cách hiện đang được sử dụng để ngăn cản hàng xuất khẩu của đối thủ”, ông Tuấn nhấn mạnh.
Doanh nghiệp cần chủ động hơn
Trước vai trò quan trọng của sở hữu trí tuệ, tại hội thảo Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP): Những điều doanh nghiệp cần biết được tổ chức ngày 29/01/2016, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập cho biết, trong TPP có những nước xuất khẩu sở hữu trí tuệ là chủ yếu, nên họ muốn nâng cao bảo vệ quyền lợi của các nước sở hữu trí tuệ. Trong khi đó, là một nước chủ yếu nhập khẩu sở hữu trí tuệ, doanh nghiệp Việt Nam phải hết sức lưu ý các quy định mới về sở hữu trí tuệ.
“Bởi, số hành vi vi phạm sẽ bị xử lý hình sự nhiều hơn hẳn, với các chi tiết tăng nặng hơn. Dù chỉ là hành vi vi phạm mang tính cá nhân, không nhằm mục đích thương mại, nhưng nếu gây thiệt hại cho chủ sở hữu sẽ vẫn bị xử lý hình sự”, bà Trang nhấn mạnh.
Cũng đưa ra lời khuyên cho doanh nghiệp, trên báo Công Thương, Thứ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ Trần Việt Thanh cho biết, việc tìm hiểu về sở hữu trí tuệ là vô cùng cần thiết. Bởi, có như vậy, các doanh nghiệp mới có thể chủ động để phát huy hoạt động quản trị tài sản trí tuệ của mình một cách hiệu quả hơn.
Ngoài ra, nhận thấy hệ thống thực thi quyền sở hữu trí tuệ lại còn nhiều bất cập, PGS, TS. Đoàn Năng, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Khoa học Công nghệ cho biết, Việt Nam cần rà soát, chỉnh sửa hệ thống pháp luật hiện hành về sở hữu trí tuệ, thì mới tương thích với Hiệp định TPP. Đồng thời, Việt Nam cũng phải gia nhập thêm một số điều ước quốc tế về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ mà TPP yêu cầu như Hiệp ước Quyền tác giả năm 1996, Hiệp ước về biểu diễn và bản ghi âm năm 1996… (Nguyễn Hiền, 2016).
“Bên cạnh việc sửa đổi, bổ sung kịp thời pháp luật về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, chúng ta cần sớm có các giải pháp đồng bộ nhằm nâng cao hiệu quả công tác thực thi pháp luật về quyền sở hữu trí tuệ, tránh tình trạng hệ thống thực thi quyền sở hữu trí tuệ quá yếu kém như thời gian vừa qua”, PGS, TS. Đoàn Năng cho biết./.
Tham khảo từ các nguồn:
Nguyễn Hiền (2016). Khi TPP có hiệu lực: Nguy cơ bùng nổ tranh chấp sở hữu trí tuệ, truy cập từ http://www.baohaiquan.vn/Pages/Khi-TPP-co-hieu-luc-Nguy-co-bung-no-tranh-chap-so-huu-tri-tue.aspx
Chất lượng Việt Nam (2015). Sở hữu trí tuệ trong TPP: 'Kịch bản' nào dành cho doanh nghiệp Việt?, truy cập từ http://vietq.vn/so-huu-tri-tue-trong-tpp-kich-ban-nao-danh-cho-doanh-nghiep-viet-d76372.html
Nguyễn Duyên (2016). Hội nhập TPP và những ràng buộc về sở hữu trí tuệ, truy cập từ http://ven.vn/vi-VN/vi/chuyen-muc-tin-tuc/hoi-nhap-tpp-va-nhung-rang-buoc-ve-so-huu-tri-tue_t114c10n63499
Bình luận