Cụ thể là, đến ngày 31/12/2017, cả nước có 3.069 xã (chiếm 34,4% tổng số xã của cả nước, trong khi chỉ tiêu năm 2017 là 31%) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, tăng 712 xã so với cuối năm 2016. Trong số này, có khoảng 492 xã được công nhận đạt chuẩn theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2016-2020.

Số xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2017 cao hơn mục tiêu đặt ra

Hiện cả nước còn 113 xã dưới 5 tiêu chí, giảm 144 xã so với cuối năm 2016. 43 đơn vị cấp huyện thuộc 24 tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương đạt chuẩn nông thôn mới, tăng 13 huyện so với cuối năm 2016.

Bên cạnh đó, nhiều xã, địa phương đã phát triển được khoảng 21.000 mô hình sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao trên diện rộng, vùng sản xuất tập trung theo hướng hàng hóa, như: Phát triển sản xuất nông nghiệp sạch theo chuỗi liên kết; ứng dụng hệ thống tưới tiết kiệm, hiệu quả cao; mô hình nông thôn mới, làn nghề, làng hoa gắn với du lịch sinh thái, du lịch Homestay; mô hình liên kết trồng cây dược liệu; mô hình cây vụ đông có giá trị cao đạt 300-400 triệu đồng/ha... đã được nhiều địa phương đã chỉ đạo thành công.

Song song với chương trình xây dựng nông thôn mới, năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo cũng giảm. Theo đó, tính đến cuối năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo bình quân cả nước giảm còn khoảng 6,72% (giảm 1,51% % so với cuối năm 2016). Trong đó, bình quân tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm khoảng 5%; hộ nghèo ở các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo, các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu vùng dân tộc và miền núi giảm khoảng 3%-4%. Có 10/291 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn.

Ngân hàng Chính sách Xã hội đã thực hiện cho vay 2.120 nghìn lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác với doanh số cho vay đạt 55.956 tỷ đồng, tăng 806 tỷ đồng so với năm 2016. Qua đó, giúp gần 400.000 hộ vượt qua ngưỡng nghèo; hỗ trợ tạo việc làm cho trên 205.000 lao động; giúp trên 62.000 lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn học tập; xây dựng trên 1,2 triệu công trình nước sạch, vệ sinh ở nông thôn; xây dựng gần 41.000 căn nhà ở cho hộ nghèo và hộ dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Tuy nhiên, số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho thấy, một số địa phương trả nợ còn chậm. Nếu như trong kế hoạch năm 2018 không thực hiện các giải pháp quyết liệt hơn, các địa phương này khó hoàn thành mục tiêu xử lý dứt điểm nợ xây dựng cơ bản nông thôn mới trước năm 2019, ảnh hưởng đến kết quả chung của cả nước trong thực hiện mục tiêu về xử lý nợ đọng theo yêu cầu của Quốc hội đặt ra tại Nghị quyết số 32/2016/QH14, ngày 23/11/2016.

Bên cạnh đó, sản xuất nông nghiệp tại nhiều địa phương còn manh mún, nhỏ lẻ, chưa hình thành được nhiều chuỗi giá trị sản xuất bền vững. Nhiều địa phương đã xác định được sản phẩm chủ lực để tập trung phát triển nhưng vẫn thiếu sự tham gia của doanh nghiệp, hợp tác xã...điều này, sẽ ảnh hưởng lớn tới việc thực hiện mục tiêu nâng cao thu nhập cho người dân ở khu vực nông thôn./.