Tóm tắt

Nghiên cứu này được thực hiện với mục đích khám phá sự khác biệt về hiểu biết tài chính cá nhân giữa các nhóm dân cư khu vực nông thôn miền Bắc Việt Nam. Dữ liệu khảo sát thu được từ 931 đáp viên, bằng bảng hỏi trực tuyến cấu trúc với kỹ thuật lấy mẫu phi xác suất thuận tiện. Các phát hiện nghiên cứu cho thấy, học vấn càng cao thì hiểu biết tài chính của người dân càng tốt, tuy nhiên giữa các nhóm từ trình độ cấp 3 trở lên thì không có nhiều khác biệt về hiểu biết tài chính cá nhân. Đồng thời, nhóm dân cư tôn giáo có hiểu biết tài chính cá nhân về trung bình thấp hơn nhóm không có tôn giáo. Các kết quả nghiên cứu là cơ sở cho các hàm ý quản lý tài chính cá nhân và các khuyến nghị chính sách nhằm thúc đẩy hiểu biết tài chính của người dân khu vực nông thôn.

Từ khóa: hiểu biết tài chính, người dân nông thôn, tài chính cá nhân

Summary

This study was conducted with the aim of exploring the differences in personal financial literacy among the population groups in the rural North of Vietnam. Survey data were obtained from 931 respondents, by structured online questionnaire with convenient non-probability sampling technique. Research findings show that the higher the education, the better people’s financial knowledge, but there is not much difference between the groups from high school level and above. At the same time, the religious population has on average lower personal financial literacy than the non-religious population. Research results are the basis for personal financial management implications and policy recommendations to promote financial literacy of people in rural areas.

Keywords: financial literacy, rural people, personal finance

CƠ SỞ LÝ THUYẾT VÀ THIẾT KẾ NGHIÊN CỨU

Theo OECD (2012), hiểu biết tài chính được hiểu như một sự kết hợp của nhận thức, kiến thức, kỹ năng, thái độ và hành vi cần thiết để đưa ra các quyết định tài chính đúng đắn và cuối cùng đạt được sự thịnh vượng tài chính cá nhân. Remund (2010) cho rằng, “Hiểu biết tài chính là một đại lượng đo lường mức độ hiểu biết các khái niệm cơ bản về tài chính và có khả năng cùng sự tự tin để quản lý tài chính cá nhân thông qua việc ra các quyết định hợp lý trong ngắn hạn một cách có cơ sở, lập kế hoạch tài chính dài hạn, đồng thời sống có trách nhiệm hay quan tâm tới cuộc sống và các thay đổi về điều kiện kinh tế”.

Hiểu biết về tài chính có thể được xác định bởi nhiều yếu tố như: giới tính, tuổi tác, nghề nghiệp, giáo dục, các tác nhân xã hội hóa tài chính (Supinah, Japang, Amin và Hwa, 2016). Theo Phạm Thị Hoàng Anh và cộng sự (2021), thì hiểu biết tài chính chịu tác động bởi các yếu tố, như: giới tính, tuổi tác, trình độ học vấn, việc làm và thu nhập.

Dựa vào các nghiên cứu nói trên, nhóm tác giả thiết kế các biến đo lường các khía cạnh hiểu biết tài chính cá nhân như Bảng 1.

BẢNG 1: DANH MỤC BIẾN ĐO LƯỜNG CÁC KHÍA CẠNH HIỂU BIẾT TÀI CHÍNH CÁ NHÂN

Biến số

Mã hóa

Thang đo

Đo lường

Kiến thức tài chính

FL1

Liên tục, 5 bậc

Trắc nghiệm khách quan

Kỹ năng tài chính

FL2

Liên tục, 5 bậc

Trắc nghiệm khách quan

Thái độ tài chính

FL3

Liên tục, 5 bậc

Trắc nghiệm khách quan

Hành vi tài chính

FL4

Liên tục, 5 bậc

Trắc nghiệm khách quan

Nguồn: Thiết kế nghiên cứu của nhóm tác giả

Các biến thể hiện tiêu chí phân nhóm định tính được thiết kế dựa trên kết quả phân tích tổng quan nghiên cứu và thảo luận chuyên gia, thể hiện trong Bảng 2.

BẢNG 2: DANH MỤC BIẾN XÃ HỘI HỌC VÀ NHÂN KHẨU HỌC

Biến số

Mã hóa

Thang đo

Thu thập

Giới tính

Gen

Nhị phân

Hồ sơ đáp viên

Nhóm tuổi

Age

Định danh

Khảo sát

Tình trạng hôn nhân

Mar

Định danh

Khảo sát

Vai trò trong gia đình

Rol

Định danh

Khảo sát

Nghề nghiệp

Car

Định danh

Khảo sát

Học vấn

Edu

Định danh

Khảo sát

Tôn giáo

Rel

Định danh

Khảo sát

Thu nhập

Inc

Định danh

Khảo sát

Nguồn: Thiết kế nghiên cứu của nhóm tác giả

Nghiên cứu sử dụng kỹ thuật khảo sát “Phi ngẫu nhiên thuận tiện”, dựa trên danh sách địa chỉ email và zalo của các đáp viên, kết quả thu được kích thước mẫu là 931 người trả lời. Đối tượng được khảo sát là nông dân tại Hà Nội, Thanh Hóa và Hải Dương thông qua hội nông dân từ tháng 10/2022 đến tháng 01/2023.

KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

Kết quả phân tích thống kê mô tả

Kết quả ở Bảng 3 cho thấy, hầu hết các khía cạnh phản ánh hiểu biết tài chính cá nhân đều đạt điểm trung bình ở mức khá (trong khoảng ý nghĩa từ 3,41 đến 4,2). Các biến đều có độ lệch chuẩn rất cao, phản ánh sự không đồng nhất về hiểu biết tài chính theo từng khía cạnh giữa các đáp viên tham gia khảo sát.

BẢNG 3: THỐNG KÊ MÔ TẢ CÁC BIẾN FLI

Biến số

Tổng số quan sát

Thấp nhất

Cao nhất

Trung bình

Độ lệch chuẩn

Hệ số Skewness

Hệ số Kurtosis

Thống kê

Sai số chuẩn

Thống kê

Sai số chuẩn

Kiến thức tài chính cá nhân (FL1)

931

1

5

3,76

1,463

-0,543

0,08

-0,874

0,16

Kỹ năng tài chính cá nhân (FL2)

931

1

5

3,51

1,346

-0,364

0,08

-1,053

0,16

Thái độ tài chính cá nhân (FL3)

931

1

5

3,71

1,227

-0,238

0,08

-1,071

0,16

Hành vi tài chính cá nhân (FL4)

931

1

5

3,55

1,242

Nguồn: Trích kết quả xử lý dữ liệu khảo sát

Phân tích sự khác biệt về FLi giữa các nhóm dân cư

Sự khác biệt giữa các nhóm giới tính

Kết quả phân tích cho thấy, có sự khác biệt trên cả 4 khía cạnh hiểu biết tài chính, trong đó về giá trị trung bình, nữ giới có mức hiểu biết tài chính cá nhân tốt nhất trong tất cả các nhóm. Đặc biệt, mức độ hiểu biết tài chính của nữ giới và nam giới thuộc nhóm cao (khoảng ý nghĩa từ 3,41-4,2) và nữ giới có mức độ hiểu biết tài chính cá nhân tốt hơn nam giới, trong khi nhóm giới tính khác và không muốn trả lời thuộc nhóm khá (khoảng ý nghĩa từ 2,61-3,4). Sự khác biệt đó có thể được giải thích do đặc thù vai trò, vị trí và sự quan tâm của phụ nữ tới các vấn đề tài chính, cụ thể là kiến thức tài chính, kỹ năng tài chính, thái độ tài chính và hành vi tài chính.

Sự khác biệt giữa các nhóm tuổi

Kết quả phân tích cho thấy, có sự khác biệt trên cả 4 khía cạnh hiểu biết tài chính, trong đó, về giá trị trung bình, kiến thức tài chính của nhóm đáp viên trong độ tuổi từ 30-39 đạt mức cao nhất (gần 4,2), trong khi kiến thức tài chính của nhóm tuổi từ 70-79 đạt mức thấp nhất (2,5 điểm). Điểm hiểu biết tài chính có xu hướng tăng khi tuổi gia tăng, nhưng suy giảm ở nhóm trên 40 tuổi. Kỹ năng tài chính của nhóm đáp viên trong độ tuổi từ 18-19 đạt mức cao nhất (gần 3,9), trong khi kỹ năng tài chính của nhóm tuổi từ 70-79 đạt mức thấp nhất (2,5 điểm). Nhóm có điểm trung bình Thái độ tài chính cao nhất là nhóm độ tuổi từ 30- 39 (gần mức 4,2 điểm), trong khi thái độ tài chính của nhóm tuổi từ 70-79 đạt mức thấp nhất (2,5 điểm). Sự khác biệt về điểm trung bình Hành vi tài chính cũng tương tự như đối với điểm trung bình về Thái độ tài chính. Thực tế đó có thể được giải thích bởi theo thời gian, khi tuổi tăng lên, thì hiểu biết, thái độ, kỹ năng và hành vi tài chính cá nhân đều có xu hướng suy giảm.

Sự khác biệt giữa các nhóm hôn nhân

Kết quả phân tích cho thấy, có sự khác biệt trên cả 4 khía cạnh hiểu biết tài chính giữa các nhóm theo tình trạng hôn nhân. Trong đó, về giá trị trung bình, Kiến thức tài chính của nhóm người chưa kết hôn (độc thân) đạt mức cao nhất (xấp xỉ 4 điểm) trong khi kiến thức tài chính của nhóm đã ly hôn đạt mức thấp nhất (gần 2,7 điểm). Kỹ năng tài chính của nhóm người chưa kết hôn (độc thân) đạt mức cao nhất (xấp xỉ 3,7 điểm), trong khi kiến thức tài chính của nhóm đã ly hôn đạt mức thấp nhất (gần 2,5 điểm). Thái độ tài chính của nhóm người đã kết hôn đạt mức cao nhất (xấp xỉ 3,9 điểm), trong khi kiến thức tài chính của nhóm đã ly hôn đạt mức thấp nhất (gần 3 điểm). Sự khác biệt về điểm trung bình Hành vi tài chính cũng tương tự như đối với điểm trung bình về Thái độ tài chính. Nhóm người độc thân có kiến thức và kỹ năng tài chính tốt hơn nhóm đã kết hôn, nhưng thái độ và hành vi của nhóm này lại ngược lại.

Sự khác biệt giữa các nhóm vai trò trong gia đình về kinh tế tài chính

Kết quả phân tích cho thấy, có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê ở khía cạnh Kiến thức tài chính, Kỹ năng tài chính và Hành vi tài chính giữa các đáp viên phân theo vai trò trong gia đình. Trong đó, về giá trị trung bình, Kiến thức tài chính của nhóm người phụ thuộc đạt mức cao nhất (xấp xỉ 4 điểm) trong khi kiến thức tài chính của nhóm người tham gia đóng góp vào thu nhập của gia đình đạt mức thấp nhất (xấp xỉ 3,5 điểm). Kỹ năng tài chính của nhóm người phụ thuộc đạt mức cao nhất (xấp xỉ 3,8 điểm), trong khi kỹ năng tài chính của nhóm người lao động chính, nguồn thu nhập chính quan trọng nhất trong gia đình đạt mức thấp nhất (xấp xỉ 3,3 điểm). Hành vi tài chính của nhóm người lao động chính, nguồn thu nhập chính quan trọng nhất trong gia đình đạt mức cao nhất (xấp xỉ 3,8 điểm), trong khi hành vi tài chính của nhóm người tham gia đóng góp vào thu nhập của gia đình đạt mức thấp nhất (xấp xỉ 3,3 điểm). Nhóm người người lao động chính và tham gia đóng góp tuy có kiến thức tài chính và kỹ năng tài chính thấp hơn so với nhóm người phụ thuộc, nhưng hành vi tài chính của họ rất cao chứng tỏ rằng, tuy không am hiểu nhiều về kiến thức tài chính, nhưng hành vi tài chính của họ rất tốt vì nhóm những người này đem lại nguồn thu nhập chủ yếu cho gia đình.

Sự khác biệt giữa các nhóm nghề nghiệp

Kết quả phân tích cho thấy, có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê trên cả 4 khía cạnh hiểu biết tài chính giữa các nhóm phân theo nghề nghiệp, trong đó nhóm những người làm nghề phi nông nghiệp có mức độ hiểu biết tài chính tốt hơn so với nhóm người làm nông nghiệp thuần túy. Về giá trị trung bình, Kiến thức tài chính của nhóm đáp viên làm nghề phi nông nghiệp đạt mức cao nhất (xấp xỉ 4,5 điểm), trong khi kiến thức tài chính của nhóm người làm nghề thuần túy nông nghiệp đạt mức thấp nhất (gần 2,7 điểm). Sự khác biệt về điểm trung bình Kỹ năng tài chính, Thái độ tài chính và Hành vi tài chính cũng tương tự như đối với điểm trung bình về Kiến thức tài chính. Thực tế đó cho thấy, người dân hành nghề kết hợp, không có việc làm ổn định hoặc phi nông nghiệp có lợi thế hơn so với những người làm nghề thuần nông.

Sự khác biệt giữa các nhóm theo trình độ học vấn

Kết quả phân tích cho thấy, có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê trên cả 4 khía cạnh hiểu biết tài chính giữa các nhóm theo trình độ học vấn. Người dân có trình độ học vấn càng cao, thì mức độ hiểu biết tài chính của họ càng tốt. Trong đó, về giá trị trung bình, Kiến thức, kỹ năng, thái độ, hành vi tài chính của nhóm đáp viên Tốt nghiệp sau đại học (thạc sĩ, tiến sĩ...) luôn đạt mức cao nhất và thuộc nhóm mức độ hiểu biết cao trong khi kiến thức tài chính của học xong cấp 1 đạt mức thấp nhất thuộc nhóm trung bình. Kết quả đánh giá về Kiến thức, kỹ năng, thái độ, hành vi tài chính thấp nhất thuộc về nhóm mới chỉ học hết cấp 1, tuy vậy, điểm trung bình của các biến trên cũng không có sự khác biệt nhiều giữa các nhóm đáp viên có trình độ từ cấp 3 trở lên. Điều này phần nào cho thấy, ảnh hưởng của giáo dục phổ thông có tác động tới hiểu biết tài chính rõ nét hơn là các bận đào tạo từ trung cấp trở lên.

Sự khác biệt giữa các nhóm tôn giáo

Kết quả phân tích cho thấy, có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê trên cả 4 khía cạnh hiểu biết tài chính, trong đó nhóm người có tôn giáo Tin Lành đạt mức tốt nhất (4,5 điểm) sau đó đến nhóm người không có tôn giáo đạt điểm khá cao (xấp xỉ 3,9 điểm) nhóm người thuộc tôn giáo Ấn Độ Giáo và Cao Đài có mức điểm thấp nhất (1 điểm). Kỹ năng tài chính nhóm người có tôn giáo Tin Lành đạt mức tốt nhất (4,5 điểm) sau đó đến nhóm người không có tôn giáo đạt điểm khá cao xấp xỉ 3,6 điểm) nhóm người thuộc tôn giáo Ấn Độ Giáo và Cao đài có mức điểm thấp nhất (1 điểm). Thái độ tài chính nhóm người có tôn giáo Tin Lành đạt mức tốt nhất (4 điểm) sau đó đến nhóm người không có tôn giáo đạt điểm khá cao xấp xỉ 3,8 điểm) nhóm người thuộc tôn giáo khác có mức điểm thấp nhất (1 điểm). Hành vi tài chính nhóm người có tôn giáo Tin Lành đạt mức tốt nhất (4 điểm), sau đó đến nhóm người không có tôn giáo đạt điểm khá cao xấp xỉ 3,8 điểm), nhóm người thuộc tôn giáo khác có mức điểm thấp nhất (1 điểm). Có thể thấy nhóm người Tin Lành tuy có mức điểm trung bình rất cao, song số lượng đáp viên ở đối tượng này rất thấp (2 người). Theo nhóm tác giả, nhóm người này có trình độ học vấn rất tốt thuộc nhóm cao đẳng đại học, ở nhóm tuổi 18-19 và 20-29, chính vì vậy, điểm trung bình hiểu biết tài chính của họ rất cao. Đa phần những người nông dân đều không mang tôn giáo và hiểu biết tài chính của những người này tốt hơn so với các nhóm còn lại.

Sự khác biệt giữa các nhóm thu nhập

Kết quả phân tích sự khác biệt trên cả 4 khía cạnh hiểu biết tài chính, trong đó, về giá trị trung bình, kiến thức tài chính của nhóm đáp viên thu nhập nhóm giàu đạt mức cao nhất (xấp xỉ 4,7 điểm) trong khi kiến thức tài chính của nhóm thu nhập cận nghèo đạt mức thấp nhất (gần 3 điểm). Kỹ năng tài chính của nhóm đáp viên thu nhập nhóm giàu đạt mức cao nhất (xấp xỉ 3,9 điểm) trong khi kỹ năng tài chính của nhóm thu nhập cận nghèo đạt mức thấp nhất (gần 3 điểm). Thái độ tài chính của nhóm đáp viên thu nhập nhóm giàu đạt mức cao nhất (xấp xỉ 4,6 điểm) trong khi kiến thức tài chính của nhóm thu nhập trung bình đạt mức thấp nhất (xấp xỉ 3,2 điểm). Hành vi tài chính của nhóm đáp viên thu nhập nhóm giàu đạt mức cao nhất (xấp xỉ 4,6 điểm), trong khi hành vi tài chính của nhóm thu nhập trung bình đạt mức thấp nhất (xấp xỉ 3,1 điểm). Điều này cho thấy, thu nhập càng cao, thì kiến thức tài chính càng tốt và có xu hướng tăng dần. Trong khi đó, những người có thu nhập cận nghèo lại không có hiểu biết tài chính tốt hơn nhóm thu nhập nghèo bởi thái độ tài chính của người nghèo tốt hơn họ cũng sẽ được các chính quyền địa phương tạo cơ hội nhiều hơn để tiếp cận với các dịch vụ tài chính để thoát nghèo.

MỘT SỐ ĐỀ XUẤT

Từ kết quả nghiên cứu, theo nhóm tác giả, cần cải thiện hiểu biết tài chính của từng nhóm khác nhau với những biện pháp phù hợp. Cụ thể như sau:

- Về các nhóm phân theo giới tính, cần quan tâm nhiều hơn tới cải thiện hiểu biết tài chính cho nam giới, để gián tiếp thúc đẩy bình đẳng và tiến bộ về giới ở khu vực nông thôn.

- Đối với cư dân trẻ có tuổi từ 18-19, 20-29, nhà trường cần phải nâng cao chất lượng giảng dạy, đưa những kiến thức thực tiễn vào trong giảng dạy để độ tuổi này hiểu về những kiến thức tài chính, từ đó kỹ năng, thái độ, hành vi tài chính sẽ được nâng cao, độ tuổi từ 40-59, cần phải tăng cường những kiến thức tài chính bằng cách địa phương, hội nông dân, hội phụ nữ cần có những buổi đào tạo những khóa học để người nông dân có kiến thức về các dịch vụ tài chính.

Còn với cư dân có độ tuổi từ 60-79, thì việc tăng cường những hiểu biết tài chính sẽ gặp những trở ngại lớn để tăng sự tiếp cận các dịch vụ tài chính cần phải khắc phục những rào cản mà độ tuổi này gặp phải trong quá trình tiếp cận. Đa số những người đã kết hôn có mức độ hiểu biết tài chính tốt hơn so với các nhóm khác. Vì vậy, cần phải tăng cường hiểu biết cho các nhóm độc thâ n, ly hôn, đã tái hôn và không muốn trả lời những hiểu biết tài chính bằng cách lập ra những group trao đổi kiến thức tài chính, chính quyền địa phương cần phải chú trọng bằng việc đào tạo, hỗ trợ người dân khi người dân có nhu cầu sử dụng các dịch vụ tài chính.

- Về vai trò trong gia đình, cần phải tăng cường hiểu biết tài chính cho nhóm người lao động chính và nhóm người tham gia đóng góp và tăng cường thái độ và hành vi tài chính cho nhóm người phụ thuộc. Cần phải nâng cao hiểu biết tài chính cho nhóm đối tượng làm nghề thuần nông để họ bắt kịp các nhóm nghề nghiệp khác về hiểu biết tài chính.

- Những người không có tôn giáo có mức độ hiểu biết tài chính tốt hơn nhóm những người mang tôn giáo hàm ý rằng, muốn tăng cường hiểu biết tài chính của người dân, cần phải chú trọng đặc biệt đối với cư dân có tôn giáo, kết hợp và lồng ghép các nội dung tuyên truyền, giáo dục hiểu biết tài chính trong các sinh hoạt tôn giáo một cách phù hợp.

- Đối với mỗi nhóm thu nhập khác nhau, cần phải tăng cường hiểu biết tài chính khác nhau theo những cách khác nhau, trong nhóm người nghèo, cận nghèo, họ có sự hỗ trợ về hiểu biết tài chính thì cũng không thể bỏ qua nhóm thu nhập trung bình. Chính quyền địa phương, hội nông dân, hội phụ nữ, hội liên hiệp thanh niên và các tổ chức xã hội khác cần có chính sách cụ thể để phối hợp hoạt động đào tạo, tư vấn, hỗ trợ để người nông dân cải thiện hiểu biết tài chính, giúp họ có cơ hội tiếp cận tài chính toàn diện cho phát triển kinh tế - xã hội bền vững./.

PHẠM TUẤN ANH, NGUYỄN THỊ NGỌC MAI

Trường Đại học Thương mại

(Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo số 08 - tháng 3/2023)


TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. OECD (2012), Measuring Financial Literacy : Results of the OECD / INFE Pilot Study (Prepared by Adele Atkinson, Flore-Anne Messy, retrieved from http://dx.doi.org/10.1787/5k9csfs90fr4-en.

2. Phạm Thị Hoàng Anh và cộng sự (2021), Nghiên cứu nhân tố ảnh hưởng đến hiểu biết tài chính của sinh viên trên địa bàn thành phố Hà Nội, Tạp chí Khoa học & Đào tạo Ngân hàng, số 230, tháng 7/2021.

3. Remund, D. L. (2010), Financial literacy explicated: The case for a clearer definition in an increasingly complex economy, Journal of consumer affairs, 44(2).

4. Supinah, R., Japang, M., Amin, H., Hwa, M. A. C. (2016), The Role of Financial Socialization Agents on Young Adults’ Financial Behaviors and Attitudes Paper presented at the The 2016 WEI International Academic Conference Proceedings, Rome, Italy.