Sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ: Cần làm rõ khái niệm bí mật kinh doanh
Không thu hẹp đối tượng bị xử phạt hành chính
Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 3 đang diễn ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, theo Văn phòng Quốc hội...
Trình bày Báo cáo thẩm tra sơ bộ dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, Thường trực Ủy ban Pháp luật cơ bản nhất trí với phương án quy định việc giao quyền đăng ký cho tổ chức chủ trì một cách tự động và không bồi hoàn, tổ chức chủ trì có quyền sở hữu sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí khi được cấp văn bằng bảo hộ.
Tuy nhiên, đề nghị Ban soạn thảo cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện phương án này theo hướng bổ sung, làm rõ “cơ chế phân chia hợp lý lợi ích giữa Nhà nước, cơ quan chủ trì và tác giả” để thể chế hóa đầy đủ chủ trương tại Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 1/11/2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; nghiên cứu mở rộng cơ chế giao quyền sở hữu tương tự đối với giống cây trồng, quyền tác giả và quyền liên quan; khắc phục sự không thống nhất giữa quy định về quyền đăng ký, sở hữu đối với kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước trong các luật hiện hành.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng, việc thu hẹp đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính là chưa hợp lý. Ảnh: Quốc hội |
Cũng theo ông Tùng, việc quy định theo phương án không áp dụng biện pháp xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ về sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, tên thương mại, bí mật kinh doanh và hành vi cạnh tranh không lành mạnh, mà chỉ bị xử lý bằng biện pháp dân sự là chưa hợp lý.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu cần tiếp tục nghiên cứu, lập luận kỹ lưỡng việc dự thảo quy định thu hẹp các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ bị xử phạt hành chính, trong khi quy định hiện hành không có vướng mắc. Quan hệ pháp luật dân sự và quan hệ pháp luật hành chính không loại trừ nhau. Hơn nữa, vi phạm được xử lý hành chính sẽ được thực hiện nhanh, giảm chi phí tuân thủ cho các bên, điều này cũng ảnh hưởng đến môi trường đầu tư kinh doanh.
Kết luận vấn đề này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, UBTVQH cơ bản thống nhất với nội dung thẩm tra của Thường trực Ủy ban Pháp luật về việc không đồng ý thu hẹp đối tượng xử phạt vi phạm hành chính mà giữ như quy định hiện nay.
Cần bổ sung quy định về chuyển đổi số
Nhìn nhận dự thảo Luật đã khắc phục được nhiều hạn chế, bất cập về quyền tác giả, quyền liên quan, quyền sở hữu công nghiệp và bảo hộ giống cây trồng thời gian vừa qua..., nhưng Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ban soạn thảo, cơ quan thẩm tra xem xét bổ sung các quy định về chuyển đổi số vào dự thảo Luật như: đăng ký, xác lập quyền sở hữu công nghiệp trực tuyến; tra cứu khả năng bảo hộ trực tuyến và tra cứu cơ sở dữ liệu về nhãn hiệu hàng hóa hoặc kiểu dáng công nghiệp trực tuyến.
Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, cần bổ sung quy định về ủy quyền, đặc biệt là các thủ tục ủy quyền để thuận tiện trong áp dụng. Ảnh: Quốc hội |
“Khái niệm bí mật kinh doanh trong Luật Sở hữu trí tuệ vẫn còn khá chung chung, nên đề nghị Ban soạn thảo, cơ quan thẩm tra rà soát để xem xét thêm dữ liệu của người dùng có được coi là bí mật kinh doanh hay không? Và phải có cơ chế bảo hộ như thế nào? Cần xem xét sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ để ghi nhận, bảo hộ các loại tài sản trí tuệ trong kinh tế số và cả những quy định liên quan đến bảo vệ tài sản số tương ứng trong các hợp đồng, kể cả dân sự, lao động…”, ông Vương Đình Huệ đề xuất.
Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý ban soạn thảo, cơ quan thẩm tra tiếp tục rà soát các nội dung về: các điều cấm; đảm bảo tương thích với các điều ước quốc tế; rà soát để hoàn thiện hơn quy định về quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí; tiếp tục rà soát và cân nhắc kỹ việc thu hẹp đáng kể quyền khai thác tác phẩm được trả phí của người làm sáng tạo, bởi dự thảo đã mở rộng khá nhiều ngoại lệ sử dụng tác phẩm mà không phải trả phí. Điều này sẽ gây xung đột giữa bản quyền với quyền khai thác mà không phải trả phí… Về quyền tác giả và đăng ký quyền tác giả, cần phải quy định rõ nội hàm tên tác giả để tạo thuận lợi cho những người đăng ký quyền tác giả, nhất là đối với người nước ngoài...
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, qua thảo luận, UBTVQH cho rằng dự án Luật đủ điều kiện để hoàn chỉnh và trình Quốc hội xem xét lần đầu tại Kỳ họp thứ 2 sắp tới. Ảnh: Quốc hội |
Kết luận nội dung thảo luận, ông Nguyễn Khắc Định cho biết, về quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế, bố trí là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước, UBTVQH nhất trí với phương án chuyển giao quyền đăng ký cho tổ chức chủ trì nhiệm vụ khoa học và công nghệ, trừ các đối tượng thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh. đồng thời yêu cầu tiếp thu, giải trình, làm rõ việc áp dụng cơ chế này đối với nhóm quyền tác giả, quyền liên quan, đối với giống cây trồng; làm rõ hơn cơ chế phân chia hợp lý lợi ích giữa Nhà nước, cơ quan chủ trì và tác giả theo tinh thần Nghị quyết số 20-NQ/TW của Đảng.
Cũng theo ông Định, Cơ quan soạn thảo, Cơ quan thẩm tra cần tiếp tục rà soát các nhóm quy định cụ thể, lưu ý các nhóm nội dung Chủ tịch Quốc hội đã nêu; đồng thời làm rõ thêm vấn đề tiếp tục cải cách thủ tục hành chính trong đăng ký quyền sở hữu công nghiệp; rà soát thêm các nội dung về: chuyển đổi số, tài sản trí tuệ, trí tuệ nhân tạo, kiểm soát an ninh khi chuyển giao công nghệ ra nước ngoài.../.
Bình luận