Tác động của đại dịch Covid-19 đến du lịch Việt Nam và giải pháp phát triển trong thời gian tới
Tác động của đại dịch Covid-19 đến du lịch Việt Nam
Dịch Covid-19 bắt đầu nghiêm trọng từ đầu năm 2020, trở thành đại dịch của thế giới với mức độ nghiêm trọng nhất trong vòng 100 năm trở lại đây. Du lịch được xem là một trong những ngành kinh tế nhạy cảm nhất với bệnh dịch. Từ tháng 2/2020, dịch Covid-19 bùng phát trên thế giới ngay lập tức ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành du lịch toàn cầu. Ngành du lịch Việt Nam cũng phải đối mặt với những khó khăn chưa từng xảy ra trước đó. Kể từ tháng 3/2020, Việt Nam ngừng hoạt động đón khách quốc tế, chỉ còn hoạt động du lịch trong nước, nhưng thị trường du lịch trong nước cũng bị ảnh hưởng bởi các đợt giãn cách xã hội khi dịch bùng phát.
Trước ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, ngành du lịch thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng thiệt hại nặng nề. Năm 2020, nhiều kế hoạch của ngành du lịch Việt Nam đặt ra hầu như không thực hiện được, các chỉ tiêu đặt ra đều giảm mạnh. Cụ thể, số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, lượng khách quốc tế cả năm 2020 chỉ đạt 3,8 triệu lượt, giảm 78,7% so với năm 2019, trong đó, hơn 96% là khách quốc tế đến trong quý I/2020; khách du lịch trong nước cũng giảm gần 50%; tổng thu du lịch cả nước thiệt hại lên đến 530 nghìn tỷ đồng (tương đương 23 tỷ USD)...
|
Tại các địa phương, mặc dù đã chủ động ứng phó với đại dịch Covid-19, nhưng tác động của dịch Covid-19 vẫn hết sức nặng nề. Điển hình như: Năm 2020, TP. Hồ Chí Minh chỉ đón 1,3 triệu lượt khách quốc tế (giảm 85% so với năm 2019); Khánh Hoà đón 1,2 triệu lượt khách (giảm 82,3%), trong đó, khách quốc tế chỉ đạt 435.000 lượt (giảm 87,8%); Đà Nẵng chỉ đón 881.000 lượt khách quốc tế (giảm 69,2%); Quảng Ninh đón 536.000 lượt khách quốc tế (giảm 90,6%)…
Năm 2021 là năm thứ 2 liên tiếp ngành du lịch Việt Nam chịu tác động mạnh của đại dịch Covid-19. Theo thống kê, tính chung 6 tháng đầu năm 2021, khách quốc tế đạt 88,2 nghìn lượt người, giảm 97,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khách đến bằng đường hàng không đạt 55,7 nghìn lượt người, chiếm 63,2% lượng khách quốc tế đến Việt Nam, giảm 98,2%; bằng đường bộ đạt 32,3 nghìn lượt người, chiếm 36,6% và giảm 94,2%; bằng đường biển đạt 216 lượt người, chiếm 0,2% và giảm 99,9% (Tổng cục Thống kê, 2021). Khách quốc tế đến Việt Nam chủ yếu là chuyên gia, lao động kỹ thuật nước ngoài làm việc tại các dự án ở Việt Nam và lái xe vận chuyển hàng hóa tại các cửa khẩu đường bộ.
Lượng khách du lịch giảm dẫn đến doanh thu từ du lịch lữ hành cũng giảm. Trong 6 tháng đầu năm 2021, doanh thu du lịch lữ hành ước tính đạt 4,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 0,2% tổng mức và giảm 51,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, một số địa phương có doanh thu du lịch lữ hành 6 tháng giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước, như: Bắc Ninh giảm 61,8%; TP. Hồ Chí Minh giảm 53,6%; Hải Phòng giảm 46,5%; Hà Nội giảm 44,3%; Đà Nẵng giảm 43,5%; Quảng Ninh giảm 36,6%; Cần Thơ giảm 20,3% (Tổng cục Thống kê, 2021).
Cùng với đó, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đã khiến nhiều doanh nghiệp lữ hành phải đóng cửa, dừng hoạt động, cạn kiệt nguồn lực về tài chính. Điển hình như: Tại Hà Nội, số lượng doanh nghiệp, đại lý lữ hành đóng cửa, dừng hoạt động ước khoảng 95%, trong đó 90% lao động nghỉ việc; Tại Đà Nẵng, 90% doanh nghiệp du lịch ở đây đóng cửa; Tại TP. Hồ Chí Minh, chỉ có khoảng hơn một nửa số doanh nghiệp lữ hành là còn đang hoạt động cầm chừng sau 5 tháng đầu năm 2021 (VTV, 2021).
Đồng thời, nhiều lao động trong ngành du lịch đã phải nghỉ việc hoặc chuyển sang làm công việc mới. Khảo sát của Hội đồng Tư vấn du lịch cho thấy, trong số các doanh nghiệp du lịch lữ hành tham gia khảo sát, có 18% doanh nghiệp đã cho toàn bộ nhân viên nghỉ việc; 48% doanh nghiệp cho 50%-80% nhân viên nghỉ việc và 75% doanh nghiệp có các hình thức hỗ trợ tài chính khác đối với số người lao động bị mất việc. Từ cuối năm 2020 đến tháng 5/2021, ước tính khoảng 40% số công ăn việc làm ngành du lịch mất đi so với cùng kỳ năm 2019 - tương đương khoảng 800.000 công ăn việc làm trong ngành từ khách sạn, công ty du lịch lữ hành, nhà hàng... trong 16 tháng vừa qua. Những người làm còn lại trong ngành thu nhập giảm, trung bình giảm 40% so với trước khi đại dịch Covid-19 xảy ra (VTV, 2021).
Xu hướng phát triển du lịch trong thời gian tới
Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) dự đoán, việc phục hồi của ngành du lịch về mức trước khủng hoảng dự kiến sẽ mất tới 3-4 năm (Xuân Mai, 2021). Trong khi đó, với tình hình dịch bệnh chưa có hồi kết như hiện nay, đại dịch Covid-19 đã bào mòn năng lực của doanh nghiệp, phần lớn các doanh nghiệp du lịch đang gặp khó khăn về tài chính để khôi phục hoạt động, nhiều doanh nghiệp tạm dừng hoạt động, chuyển nhượng hoặc chuyển hướng kinh doanh. Cùng với đó, thu nhập của người lao động bị giảm, do đó, tâm lý hạn chế chi tiêu ảnh hưởng lớn tới tiêu dùng du lịch của đại bộ phận người dân, nhu cầu thị trường giảm sút…
Điều này buộc ngành du lịch phải chuyển hướng vào tập trung phát triển du lịch nội địa. Du lịch phải cùng lúc thực hiện mục tiêu kép “vừa bảo đảm an toàn phòng, chống dịch vừa phục hồi kinh tế”. Trong năm 2021, du lịch nội địa sẽ là đòn bẩy quan trọng để ngành phục hồi sau "bão" Covid-19, trong đó, yếu tố an toàn vẫn được các doanh nghiệp lữ hành và du khách đặt lên hàng đầu.
Nhìn ở khía cạnh khác, dịch Covid-19 có thể không phải “kẻ hủy diệt” mà nó đặt ngành “công nghiệp không khói” vào thế buộc phải chuyển mình, thậm chí thúc đẩy các doanh nghiệp nhanh nhạy thích ứng với các tác động. Trải qua 4 đợt dịch Covid-19, thị trường đã thay đổi về hành vi tiêu dùng, theo đó nhu cầu của khách du lịch cũng dần thay đổi, chú trọng nhiều hơn tới các yếu tố an toàn sức khỏe, vệ sinh, bảo hiểm du lịch, tránh tiếp xúc đông người; nhu cầu nghỉ dưỡng tại các khu riêng biệt, đa dạng hóa dịch vụ chuyên biệt. Hay lựa chọn các kỳ nghỉ ngắn ngày, các điểm du lịch ở gần; các sản phẩm combo (máy bay và phòng khách sạn). Thay vì ưu tiên về giá cả, khách hàng sẽ ưu tiên về an toàn và lựa chọn sản phẩm du lịch có chất lượng cao… Để thích ứng, du lịch Việt Nam tất yếu sẽ phải tăng tốc chuyển đổi và phát triển theo một số xu hướng, như:
Xu hướng phát triển hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch trực tuyến: Sự phát triển của công nghệ thông tin đã tạo ra môi trường hết sức thuận lợi cho các dịch vụ du lịch trực tuyến phát triển, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 hiện nay. Các dịch vụ du lịch trực tuyến, như: đặt phòng khách sạn, cho thuê xe du lịch, mua vé máy bay, tàu hỏa và chương trình du lịch… Các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch lữ hành đã liên kết với nhau để xây dựng các gói sản phẩm kích cầu du lịch.
Xu hướng ứng dụng công nghệ số trong phát triển du lịch: Thông qua các hệ thống điều khiển có tính năng kết nối internet, bluetooth hay các ứng dụng trên điện thoại di động thông minh khách hàng có thể mở cửa phòng khách sạn, điều khiển được tivi, hệ thống chiếu sáng trong phòng, loa âm thanh, rèm cửa hay thậm chí là máy điều hòa… Ngoài ra, các ứng dụng trên điện thoại di động thông minh còn tích hợp nhiều tiện ích khác, như: đặt các bữa ăn phục vụ tại phòng, đặt các dịch vụ bổ sung trong khách sạn, tìm kiếm thông tin về địa điểm tham quan, chọn hướng dẫn viên… trong chuyến đi, mà không cần tương tác trực tiếp với bất kỳ người nào. Các doanh nghiệp sẽ có xu hướng ứng dụng công nghệ số để tích hợp nhiều tiện ích trong phát triển du lịch.
Xu hướng du lịch được linh hoạt trong sử dụng dịch vụ: Trong bối cảnh hạn chế đi lại cũng như việc đóng cửa biên giới có thể xảy ra vào bất cứ lúc nào vì dịch bệnh, khách du lịch sẽ ưu tiên hơn cho các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ có nhiều lựa chọn linh hoạt và chính sách hợp lý trong việc thay đổi ngày, hoãn hoặc hủy đặt chỗ. Vào thời điểm hiện tại, việc doanh nghiệp có các lựa chọn đa dạng, có chính sách linh hoạt sẽ nhận được nhiều quan tâm của khách du lịch. Những chính sách này sẽ đóng vai trò quan trọng trong quyết định đặt chỗ nhằm hạn chế những rủi ro có thể xảy ra trong chuyến du lịch.
Giải pháp phục hồi và phát triển du lịch Việt Nam trong giai đoạn mới
Để phát triển du lịch Việt Nam trong bối cảnh mới, đặc biệt trong và sau đại dịch Covid-19 toàn cầu, ngành du lịch cần triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Cụ thể là:
Thứ nhất, cơ cấu lại thị trường khách du lịch theo hướng bền vững, đặc biệt là đẩy mạnh thị trường khách nội địa để du lịch nội địa thật sự trở thành trụ cột chính của ngành hiện nay. Trong bối cảnh không thể gia tăng lượng khách quốc tế khi chưa kiểm soát được dịch hoặc lượng khách quốc tế tăng chậm sau đại dịch, thì ổn định và thúc đẩy tăng trưởng thị trường khách nội địa là giải pháp quan trọng. Điều này vừa đáp ứng nhu cầu du lịch của người dân trong nước, vừa bảo đảm khả năng duy trì cho các doanh nghiệp du lịch trong ngắn hạn.
Thứ hai, tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp du lịch trong và sau đại dịch. Theo đó, Chính phủ, các bộ ngành cần tiếp tục có chính sách, cơ chế thích hợp để hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch, như: hỗ trợ thuế, giá; hỗ trợ vay vốn ngân hàng với lãi suất ưu đãi; hỗ trợ công tác xúc tiến, quảng bá, tiếp cận thị trường; thực thi các chính sách kích cầu du lịch…
Thứ ba, tiếp tục đầu tư, hoàn thiện kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch, phát triển đa dạng sản phẩm và dịch vụ du lịch. Đại dịch Covid-19 đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đối với ngành du lịch, nhưng đây cũng là khoảng thời gian ngành du lịch nhìn nhận lại quá trình phát triển, chỉnh trang lại cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch, hoàn thiện kết cấu hạ tầng phục vụ du lịch để chuẩn bị cho một giai đoạn phát triển mới.
Thứ tư, tăng cường xúc tiến, quảng bá phát triển sản phẩm và dịch vụ du lịch đa dạng, hình thành các dòng sản phẩm du lịch mới (như: du lịch y tế, chăm sóc sức khỏe, dịch vụ du lịch về đêm...) và nâng cao chất lượng dịch vụ để đáp ứng nhu cầu thị trường. Đồng thời, chuyển đổi số trong phát triển du lịch, nhất là trong quản lý, kinh doanh, trong nghiên cứu thị trường, trong tiếp thị và bán sản phẩm du lịch…
Thứ năm, phục hồi và phát triển nguồn nhân lực du lịch, đặc biệt là nhân lực du lịch chất lượng cao. Đại dịch Covid-19 đã làm ảnh hưởng đến công việc của hầu hết lao động hoạt động trong lĩnh vực du lịch, nhiều lao động du lịch đã bỏ ngành, chuyển ngành. Do vậy, sau đại dịch, việc quan trọng đầu tiên là cần có biện pháp giữ chân, thu hút, phục hồi lại lực lượng lao động cho ngành du lịch. Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực du lịch, đặc biệt là nhân lực du lịch chất lượng cao để bổ sung cho ngành du lịch, đáp ứng nhu cầu phát triển trong giai đoạn mới.
Thứ sáu, xây dựng môi trường du lịch thân thiện, bảo đảm an toàn phòng chống dịch bệnh Covid-19. Sau đại dịch, có thể xuất hiện trở lại các hiện tượng chèo kéo khách, cò mồi, nâng giá, ép giá, lừa đảo, cướp giật... gây ảnh hưởng lớn đến hình ảnh du lịch Việt Nam. Vì vậy, cần chú trọng công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cộng đồng, doanh nghiệp và toàn xã hội, tích cực hành động để xây dựng hình ảnh du lịch Việt Nam thân thiện, an toàn, hiếu khách.
Bên cạnh đó, các địa phương, doanh nghiệp lữ hành, du lịch, khách sạn, các hãng hàng không bên cạnh việc thực hiện các chương trình kích cầu du lịch cần tăng cường các biện pháp bảo đảm an toàn phòng chống dịch bệnh Covid-19./.
Tài liệu tham khảo
1. Tổng cục Thống kê (2021). Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 12 và 12 tháng năm 2020
2. Tổng cục Thống kê (2021). Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 6 và 6 tháng năm 2021
3. Nguyễn Văn Lành (2021). Bàn giải pháp khôi phục ngành du lịch trước tác động của địa dịch Covid-19, Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 13, tháng 5
4. Lê Kim Anh (2020). Ảnh hưởng của dịch Covid-19 tới ngành Du lịch Việt Nam, truy cập từ https://tapchicongthuong.vn/bai-viet/anh-huong-cua-dich-covid-19-toi-nganh-du-lich-viet-nam-72311.htm
5. Xuân Mai (2021). Du lịch Việt Nam 2021 sẽ phục hồi nhanh với những xu hướng mới, truy cập từ https://www.vietnamplus.vn/du-lich-viet-nam-2021-se-phuc-hoi-nhanh-voi-nhung-xu-huong-moi/686870.vnp
6. VTV (2021). "Chảy máu" nhân lực ngành du lịch, truy cập từ https://vtv.vn/kinh-te/chay-mau-nhan-luc-nganh-du-lich-2021062606033833.htm
ThS. Vũ Thị Kim Oanh - Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội
(Bài viết đăng trên Tạp chí Kinh tế và Dự báo số 19, tháng 7/2021)
Bình luận