Nghiên cứu của Enrici và cộng sự trên tạp chí Ecology and Society là một trong số không nhiều những thảo luận kỹ về sức nặng tiền bạc đối với cách con người (bao gồm cả học giới, chính giới và cư dân) hiểu về tác động của con người đối với môi sinh [1]. Rõ ràng, những hiểu biết này rất quan trọng, nhất là khi sự cấp bách đối với tác động của con người lên môi trường đã thực sự gióng lên những hồi chuông báo động, đứng trước các hiểm họa khó lường của khủng hoảng khí hậu.

Hình: Mở đầu bài báo [1]
Hình: Mở đầu bài báo [1]

Đã có những phân tích gần gũi về ảnh hưởng của tài chính đối với các hoạt động trong các khu bảo tồn thiên nhiên, như được đề cập trong nghiên cứu [2]. Tuy nhiên, nghiên cứu của Enrici và cộng sự dành nhiều thời lượng mổ xẻ vào cả cách thức tổ chức, sử dụng tài nguyên nghiên cứu, cũng như định hướng nghị sự của những quỹ có tuyên ngôn hoạt động “bác ái” [1]. Nói cách khác, việc phần còn lại của xã hội tiếp nhận được thông tin gì từ hoạt động nghiên cứu, chịu ảnh hưởng rất lớn bởi những đồng tiền đầu tư cho hoạt động này.

Mặc dù trong nghiên cứu, chỉ có một quỹ bác ái được mang ra thảo luận, nhưng đó lại là quỹ lớn nhất thế giới về bảo tồn sinh thái biển, David and Lucile Packard Foundation (DLPF), đã hoạt động tới 20 năm trong công tác này ở Palau và Fiji.

Các nhà hoạt động bảo tồn ở hai quốc gia, Palau và Fiji, đều nhất trí rằng Quỹ Packard có ảnh hưởng đáng kể và tích cực đến chương trình nghị sự, điều mà họ cho là nhờ vào cách thức hoạt động của quỹ cũng như những gì họ chọn tài trợ. Cụ thể, Quỹ Packard định hình các chương trình nghị sự bảo tồn ở Palau và Fiji thông qua quy trình cấp tài trợ với nhiều chiến lược khác nhau như xây dựng mối quan hệ, tham gia vào quá trình ra quyết định mang tính hợp tác, tổ chức các cuộc họp để thúc đẩy hành động tập thể, thể hiện tính linh hoạt và cung cấp hỗ trợ tài chính bền vững. Tầm ảnh hưởng của Quỹ đến các chương trình nghị sự bảo tồn biển ở cả Fiji và Palau kéo dài trong một thời gian dài và tiếp tục ngay cả sau khi họ rời đi.

Như thế, có thể hình dung, những thông tin gì thế giới tiếp nhận về môi sinh biển Palau và Fiji suốt nhiều năm qua đã và đang chịu sự chi phối của cách thức, số lượng, cơ chế phân bổ và sự kiểm soát thông tin của DLPF.

Các tác giả có nêu lên ý kiến sau:

“Vì nghị sự bảo tồn toàn cầu cũng như nguồn tiền liên quan chảy tới địa phương, nhà tài trợ phải tránh chèn lấn các ưu tiên cũng như nghị sự bảo tồn tại địa phương.”

Đồng thời bài nghiên cứu cũng viết:

“Chúng tôi yêu cầu cộng đồng nhà tài trợ và thực thi cần đảm bảo những người thực thi tại địa phương và các cộng đồng liên quan được đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành nên sức ảnh hưởng.”

Cả hai quan điểm này, trực tiếp và gián tiếp, có liên quan mật thiết tới nguyên lý bán dẫn về giá trị kinh tế-môi trường [3]. Nói cụ thể hơn, bài nghiên cứu của Enrici và cộng sự góp phần cung cấp phân tích và lập luận làm vững hơn các mệnh đề quan trọng nhất của nguyên lý bán dẫn: giá trị thặng dư sinh thái có thể được tính là giá trị tiền tệ, nhưng KHÔNG phải ngược lại [3].

Tuy vậy, có một thực tế là hai yếu tố vô cùng quan trọng hầu như không được nhắc đến, hoặc nhắc tới hết sức thoáng qua trong bài nghiên cứu trên: (a) Ý niệm thật sự của giá trị tiến bộ đối với bền vững môi sinh; (b) Hệ văn hóa. Thậm chí cả chữ giá trị lẫn văn hóa còn hầu như không được nhắc đến, mặc dù các nội hàm cơ bản đều xuất hiện trong bài.

*Ghi chú: bài đóng góp từ chương trình nghiên cứu môi sinh AISDL.

Tài liệu tham khảo

[1] Enrici, A., Gruby, R. L., Betsill, M. M., Le Cornu, E., Blackwatters, J. E., Basurto, X., ... & Mangubhai, S. (2023). Who’s setting the agenda? Philanthropic donor influence in marine conservation. Ecology and Society, 28(3), 2. https://doi.org/10.5751/ES-14091-280302

[2] Nguyen, M. H., & Jones, T. E. (2022). Building eco-surplus culture among urban residents as a novel strategy to improve finance for conservation in protected areas. Humanities and Social Sciences Communications, 9, 426. https://www.nature.com/articles/s41599-022-01441-9

[3] Vuong, Q. H. (2021). The semiconducting principle of monetary and environmental values exchange. Economics and Business Letters, 10(3), 284-290. https://doi.org/10.17811/ebl.10.3.2021.284-290