Bùi Kim Yến, Email: Yen.kim@yahoo.com.vn

Trường Đại học Văn Lang

Trần Triệu Anh Khoa, Email: trantrieuanhkhoa@iuh.edu.vn

Khấu Hoàng Lâm, Email: khauhoanglam0309@gmail.com

Nguyễn Trang Hoàng Diễm, Email: diemnguyen.01012002@gmail.com

Huỳnh Thảo Nguyên, Email: huynhthaonguyen2019@gmail.com

Trường Đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh

Tóm tắt

Trách nhiệm xã hội (CSR) trong hoạt động ngân hàng đang là một vấn đề thu hút sự quan tâm của các nhà nghiên cứu trong giai đoạn gần đây. Bài nghiên cứu này nhằm mục đích phân tích tác động của CSR đến rủi ro ngân hàng dựa trên cơ sở dữ liệu của 27 ngân hàng thương mại (NHTM) niêm yết trên thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam giai đoạn 2016-2022. Nghiên cứu sử dụng mô hình hồi quy SGMM 2 bước. Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng, CSR đo lường bằng phương pháp phân tích nội dung qua 5 khía cạnh: môi trường, người lao động, khách hàng, cổ đông và cộng đồng có tác động tích cực, giúp giảm thiểu rủi ro ngân hàng. Kết quả nghiên cứu cung cấp bằng chứng ủng hộ lý thuyết các bên liên quan, khuyến khích ưu tiên quan tâm lợi ích của các bên thay vì tập trung mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận.

Từ khóa: trách nhiệm xã hội, rủi ro ngân hàng, bên liên quan, phân tích nội dung

Summary

Corporate social responsibility (CSR) in banking operations has emerged as a topic of increasing interest among researchers in recent years. Using a dataset of 27 commercial banks listed on the Vietnam stock exchange from 2016 to 2022, this study examines the impact of CSR on bank risk. The study employs the two-step System Generalized Method of Moments (SGMM) model. The findings indicate that CSR, measured by content analysis of five dimensions including environment, employees, customers, shareholders, and community, has a positive impact on mitigating bank risk. The results provide evidence supporting stakeholder theory, encouraging priority attention to stakeholder interests rather than focusing on profit maximization.

Keywords: corporate social responsibility, bank risk, stakeholder, content analysis

GIỚI THIỆU

Trong xu thế phát triển bền vững (PTBV), trách nhiệm xã hội - CSR là một vấn đề mang tính cấp thiết. Theo Ngân hàng Thế giới, CSR là sự cam kết từ phía doanh nghiệp đóng góp vào sự phát triển kinh tế bền vững bằng cách hợp tác với người lao động, gia đình người lao động, cộng đồng địa phương và xã hội nói chung, nhằm cải thiện cuộc sống của họ theo những cách phù hợp cho kinh doanh và phát triển (Starks, 2009).

Tại Việt Nam, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 155/2015/TT-BTC, ngày 6/10/2015 về việc yêu cầu các doanh nghiệp niêm yết phải công bố các thông tin liên quan đến PTBV có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2016. Điều đó cho thấy, PTBV là xu hướng tất yếu trong hoạt động kinh doanh và ngân hàng cũng không nằm ngoài xu thế này. Vì vậy, việc nghiên cứu tác động của CSR đến rủi ro ngân hàng là rất cần thiết để đưa ra các giải pháp phù hợp giúp doanh nghiệp thực hiện các cam kết trong lĩnh vực này. Đây cũng là lý do nhóm tác giả chọn thực hiện đề tài “Tác động của trách nhiệm xã hội đến rủi ro ngân hàng thương mại: tiếp cận từ phương pháp phân tích nội dung”.

CƠ SỞ LÝ THUYẾT VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Cơ sở lý thuyết

Lý thuyết các bên liên quan

Lý thuyết bên liên quan thừa nhận rằng, bản chất của kinh doanh chủ yếu nằm ở việc xây dựng các mối quan hệ và tạo ra giá trị cho tất cả các bên liên quan. Nghiên cứu của Klassen và McLaughlin (1996) chỉ ra việc quản lý môi trường chủ động góp phần nâng cao giá trị, uy tín và hiệu quả tài chính của doanh nghiệp. Các bên liên quan chính bao gồm: môi trường, nhân viên, khách hàng, cổ đông và cộng đồng. Husted (2003) cho rằng, khi doanh nghiệp tập trung vào các hoạt động xã hội về cộng đồng xung quanh khu vực hoạt động sẽ góp phần mang lại nhiều lợi ích cho công ty. Lee và Heo (2009) nhấn mạnh sự hài lòng của khách hàng là trọng tâm của CSR, vì nó ảnh hưởng tích cực đến hiệu quả tài chính của doanh nghiệp. Doanh nghiệp có thể cải thiện mức độ phản ứng của khách hàng bằng cách tiến hành thực hiện các dự án cải tiến sản phẩm dịch vụ, từ đó mang lại lợi ích có giá trị kinh tế gia tăng. Freeman và Dmytriyev (2017) chỉ ra điểm chung của CSR và lý thuyết bên liên quan đều nhấn mạnh tầm quan trọng của việc kết hợp lợi ích xã hội vào hoạt động kinh doanh.

Tổng quan nghiên cứu

Các nhà nghiên cứu đánh giá mức độ quan tâm của doanh nghiệp đến các hoạt động CSR thông qua các chi phí thực tế chi cho các bên liên quan. Nghiên cứu của Fayad và cộng sự (2017) đo lường CSR thông qua các chi phí dùng để phát triển 4 khía cạnh: kinh tế, cộng đồng, môi trường và con người. Kết quả nghiên cứu này cho thấy, CSR có tác động tích cực đến hiệu quả tài chính của doanh nghiệp. Tuy nhiên, nghiên cứu của Trần Triệu Anh Khoa và cộng sự (2023) đã sử dụng dữ liệu của các ngân hàng niêm yết trên TTCK Việt Nam trong khoảng thời gian từ năm 2016 đến năm 2021 cho thấy, CSR ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu quả tài chính của doanh nghiệp. Kết quả nghiên cứu này cho rằng, chi phí cho hoạt động CSR làm gia tăng chi phí hoạt động và làm giảm khả năng sinh lời của ngân hàng.

Một số nhà nghiên cứu sử dụng phương pháp phân tích nội dung dữ liệu thứ cấp để đánh giá mức độ quan tâm của ngân hàng đến hoạt động CSR thông qua báo cáo PTBV được thể hiện trong báo cáo thường niên, điển hình là nghiên cứu của Bolton (2013) đã chỉ ra rằng, CSR có tác động tích cực đến hiệu suất và giá trị hoạt động của doanh nghiệp và mối liên hệ này càng rõ ràng hơn đối với các ngân hàng lớn của Mỹ. Maqbool và Journal (2018) sử dụng dữ liệu của 28 NHTM Ấn Độ trong khoảng thời gian từ năm 2007 đến năm 2016 để chứng minh rằng, CSR có tác động tích cực đến hiệu quả tài chính của các ngân hàng.

Ở Việt Nam, nghiên cứu của Liem Thanh Nguyen và Khuong Vinh Nguyen (2021) tập trung vào mối quan hệ giữa các hoạt động CSR của doanh nghiệp và mức độ chấp nhận rủi ro của ngân hàng thông qua việc sử dụng các mẫu thông tin từ 30 NHTM tại Việt Nam từ năm 2008 đến 2017. Xem xét tác động của CSR đến rủi ro của các ngân hàng với các mức độ hạn chế tài chính thông qua 4 khía cạnh: Môi trường; Nhân viên; Chất lượng sản phẩm, dịch vụ và Cộng đồng, kết quả nghiên cứu cho thấy, các hoạt động CSR giúp giảm thiểu rủi ro cho doanh nghiệp. Bên cạnh các khía cạnh nêu trên, ngành ngân hàng là trung gian thanh toán và cung cấp dịch vụ cho khách hàng; do đó, khách hàng đóng vai trò là một bên liên quan đến hoạt động kinh doanh của ngân hàng. Vì vậy, trong nghiên cứu này, nhóm tác giả đề xuất bổ sung khía cạnh nội dung khách hàng trong vấn đề đánh giá CSR của ngân hàng thay cho khía cạnh chất lượng sản phẩm, dịch vụ. Ngoài ra, căn cứ vào tiêu chuẩn của Sáng kiến báo cáo toàn cầu (GRI) và Thông tư số 155, nhóm tác giả bổ sung thêm 1 khía cạnh khác là lợi ích của cổ đông.

Mô hình nghiên cứu

Mô hình hồi quy dữ liệu bảng được sử dụng để đánh giá mối tương quan giữa CSR và rủi ro ngân hàng dựa theo nghiên cứu của Liem Thanh Nguyen và Khuong Vinh Nguyen (2021) như sau:

Tác động của trách nhiệm xã hội đến rủi ro ngân hàng thương mại: Tiếp cận từ phương pháp phân tích nội dung

Trong đó: FDR - rủi ro ngân hàng được đo bằng chỉ số Z-score (Hệ số nguy cơ phá sản – Z-score càng cao thì mức độ rủi ro càng thấp). Các biến trong mô hình hồi quy được mô tả cụ thể tại Bảng 1.

Bảng 1: Mô tả các biến nghiên cứu sử dụng trong mô hình hồi quy

Tác động của trách nhiệm xã hội đến rủi ro ngân hàng thương mại: Tiếp cận từ phương pháp phân tích nội dung
Tác động của trách nhiệm xã hội đến rủi ro ngân hàng thương mại: Tiếp cận từ phương pháp phân tích nội dung
Nguồn: Nhóm tác giả tổng hợp

Từ những nghiên cứu thực nghiệm, có thể thấy rằng, CSR trong hoạt động ngân hàng tại Việt Nam được đo lường theo nhiều phương thức và đánh giá theo nhiều khía cạnh nội dung. Do đó, hoạt động CSR với rủi ro ngân hàng là một vấn đề cần được nghiên cứu kỹ ở Việt Nam. Khi ngân hàng tham gia vào các hoạt động CSR, đồng nghĩa với việc họ thể hiện sự cam kết với cộng đồng và môi trường, từ đó, xây dựng hình ảnh tích cực và nâng cao uy tín. Nói cách khác, chỉ số CSR càng cao cho thấy, mức độ quan tâm của các ngân hàng đến vấn đề phát triển bền vững càng lớn. Do đó, nhóm tác giả đề xuất giả thuyết nghiên cứu: CSR có mối tương quan ngược chiều với rủi ro ngân hàng.

Phương pháp nghiên cứu

Bài nghiên cứu sử dụng dữ liệu của 27 NHTM niêm yết trên sàn chứng khoán Việt Nam trong khoảng thời gian từ năm 2016 đến năm 2022. Nhóm tác giả thực hiện đo lường CSR bằng phương pháp phân tích nội dung dựa trên dữ liệu thứ cấp được công bố trong báo cáo thường niên của các NHTM với 3 bước như sau:

- Bước 1: Xây dựng các tiêu chí đánh giá cho 5 khía cạnh: môi trường, người lao động, khách hàng, cổ đông, cộng đồng.

- Bước 2: Dựa trên bảng câu hỏi đã được thống nhất, nhóm nghiên cứu tiến hành chấm điểm CSR độc lập theo biến nhị phân thông qua báo cáo thường niên của các NHTM.

- Bước 3: Tính điểm trung bình cho từng khía cạnh nội dung và điểm trung bình CSR cho từng ngân hàng theo phương pháp bình quân không trọng số.

Tiếp đó, thực hiện đánh giá tác động của CSR trên rủi ro của ngân hàng thông qua phương pháp ước lượng GMM hệ thống 2 bước nhằm củng cố độ tin cậy cho kết quả nghiên cứu.

KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

Thống kê mô tả

Bảng 2: Thống kê mô tả

Biến

Số quan sát

Giá trị trung bình

Độ lệch chuẩn

Giá trị nhỏ nhất

Trung vị

Giá trị lớn nhất

Z-SCORE

189

3,337

0,672

2,137

3,192

5,597

ENVI

187

0,306

0,316

0

0,167

1

LABOR

187

0,626

0,193

0

0,571

1

CUSTOMER

187

0,393

0,272

0

0,25

1

STOCK HOLDER

187

0,747

0,270

0

0,667

1

COMMUNITY

187

0,512

0,286

0

0,571

1

CSR

187

0,517

0,192

0,067

0,49

0,917

SIZE

189

18,999

1,091

16,762

18,912

21,475

CAR

186

0,091

0,056

0

0,109

0,234

LIQUID

189

0,934

0,149

0,559

0,931

1,469

DIV

189

0,344

0,121

0,057

0,358

0,562

GDPGR

189

0,06

0,021

0,026

0,069

0,08

CPI

189

163,229

9,542

148,4

163,5

177,3

Nguồn: Tổng hợp từ kết quả Stata 17

Theo kết quả tổng hợp của nhóm tác giả, NHTM Cổ phần (CP) Quốc dân (NVB) là ngân hàng có chỉ số Z-SCORE cao nhất vào năm 2022 và NHTMCP Đông Nam Á (SSB) là ngân hàng có chỉ số Z-SCORE thấp nhất vào năm 2017. Ngân hàng có quy mô tài sản lớn nhất là NHTMCP Đầu tư và Phát triển (BIDV). Về thanh khoản, NHTMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPB) là ngân hàng có tính thanh khoản tốt nhất. NHTMCP Kỹ thương Việt Nam (TCB) là ngân hàng có mức độ đa dạng hóa cao nhất. Ngân hàng có hệ số an toàn vốn cao nhất là NHTMCP Sài Gòn Công thương (SGB). Đây là các kết quả đáng ghi nhận của các NHTM này trong bối cảnh năm 2022 là năm có tốc độ tăng trưởng GDP cao nhất, đồng thời cũng là năm có chỉ số lạm phát cao nhất trong 7 năm qua.

Về phương diện CSR, BIDV là ngân hàng có chỉ số CSR cao nhất vào năm 2016 và NHTMCP Nam Á (NAB) là ngân hàng có chỉ số CSR thấp nhất vào năm 2019. Đối với từng khía cạnh chi tiết trong CSR, SSB và BIDV là những ngân hàng có CSR với môi trường cao nhất. Ngân hàng có trách nhiệm với người lao động cao nhất là NHTMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB). Xét về khía cạnh trách nhiệm CSR với khách hàng cao nhất là NHTMCP Phát triển TP. Hồ Chí Minh (HDB) và SSB. Trong khi đó, BIDV, NHTMCP Quân đội (MBB) và NHTMCP Ngoại thương Việt Nam (VCB) là những ngân hàng có trách nhiệm với cổ đông cao nhất. Đối với trách nhiệm với cộng đồng, NHTMCP Công thương Việt Nam (CTG) có mức độ quan tâm đối với các hoạt động an sinh xã hội cao nhất.

Ma trận hệ số tương quan và kiểm định đa cộng tuyến

Kết quả hệ số hồi quy cho thấy, mối tương quan mạnh giữa biến CSR và ENVI. Đều này có thể lý giải vì các biến thành phần được xây dựng từ CSR dẫn đến nguy cơ tương quan mạnh và hiện tượng đa cộng tuyến. Do đó, nhóm tác giả thực hiện hồi quy các biến CSR độc lập với các biến khác trong mô hình để hạn chế ảnh hưởng của đa cộng tuyến. Để kết quả được chính xác hơn, nhóm tác giả thực hiện kiểm định tương quan đa cộng tuyến bằng hệ số VIF. Kết quả kiểm định cho thấy, tất cả các hệ số VIF < 5, cho thấy hiện tượng đa cộng tuyến không đáng kể (Freund và Littell, 2000).

Kết quả hồi quy GMM hệ thống 2 bước

Nhóm tác giả thực hiện ước lượng GMM hệ thống 2 bước để xử lý vấn đề nội sinh của mô hình giúp tăng độ tin cậy của kết quả hồi quy. Kết quả hồi quy ở Bảng 3 cho thấy, hệ số hồi quy của CSR và 5 khía cạnh CSR đều khẳng định sự tác động tích cực của CSR giúp giảm rủi ro ngân hàng, như giả thuyết nghiên cứu đã nêu. Mối quan hệ tích cực này chủ yếu đến từ hệ số CSR và ENVI có ý nghĩa thống kê với mức P-value lần lượt là < 0,05 và < 0,01. Kết quả trên đồng thuận với nghiên cứu của (Liem Thanh Nguyen và Khuong Vinh Nguyen, 2021; Trần Triệu Anh Khoa, 2022).

Mô hình hồi quy chuẩn hóa có dạng như sau:

Bảng 3: Kết quả hồi quy GMM hệ thống 2 bước

BIẾN

2SGMM

(1)

(2)

(3)

(4)

(5)

(6)

L.ZSCORE

0,738***

0,705***

0,792***

0,957***

0,758***

0,644***

(0,104)

(0,134)

(0,144)

(0,112)

(0,110)

(0,104)

ENVI

0,097*

(0,055)

LABOR

0,144

(0,102)

CUSTOMER

0,122

(0,075)

STOCK HOLDER

0,076

(0,091)

COMMUNITY

0,051

(0,086)

CSR

0,200**

(0,095)

SIZE

-0,102*

-0,076*

-0,025

-0,006

-0,044

-0,095**

(0,058)

(0,043)

(0,081)

(0,048)

(0,041)

(0,036)

CAR

0,032

-0,529

0,008

0,955**

-0,554

-0,472

(0,525)

(0,508)

(0,860)

(0,449)

(0,524)

(0,397)

LIQUID

0,205

0,386*

0,097

0,009

0,312

0,290*

(0,196)

(0,200)

(0,239)

(0,135)

(0,204)

(0,169)

DIV

0,741*

0,065

-0,040

0,325

0,487

0,246

(0,375)

(0,202)

(0,664)

(0,201)

(0,304)

(0,344)

GDPGR

0,593**

0,379

0,294

0,505*

0,360

0,326

(0,222)

(0,288)

(0,309)

(0,296)

(0,275)

(0,209)

CPI

0,004*

0,005*

0,003

-0,001

0,004

0,006***

(0,002)

(0,003)

(0,003)

(0,002)

(0,002)

(0,002)

Constant

1,581

1,219*

0,631

0,158

0,510

1,640**

(1,069)

(0,675)

(1,204)

(0,894)

(0,791)

(0,683)

Số quan sát

132

132

132

132

132

132

Số ngân hàng

27

27

27

27

27

27

AR (1)

0,024

0,003

0,028

0,009

0,014

0,022

AR (2)

0,899

0,810

0,856

0,793

0,734

0,716

Sargan test

0,410

0,054

0,418

0,086

0,015

0,096

Hansen test

0,533

0,633

0,801

0,373

0,413

0,646

Chỉ số Z-score càng cao cho thấy rủi ro ngân hàng càng thấp; Sai số chuẩn mạnh*** p<0,01, ** p<0,05, * p<0,1.

Nguồn: Tổng hợp từ kết quả Stata 17

Bảng 3 thể hiện kết quả hồi quy tác động của CSR và các khía cạnh CSR đến rủi ro ngân hàng theo mô hình 2SGMM. Các biến labor, customer, stockholder, community đều không có ý nghĩa thống kê. Kết quả nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, các NHTM có cam kết mạnh mẽ với CSR có xu hướng quản lý rủi ro tốt hơn, từ đó, thu hút và giữ chân khách hàng, nhân viên chất lượng cao và xây dựng lòng tin với các nhà đầu tư. Qua đó, có thể thấy, việc thực hiện tốt các nội dung CSR đối với các bên liên quan trong hoạt động kinh doanh của ngân hàng giúp giảm thiểu các rủi ro kiệt quệ tài chính. Quy mô (SIZE) có tác động ngược chiều và có ý nghĩa thống kê ở mô hình (1), (2), (3); đồng thuận với kết quả của Goss và Roberts (2011; Liem Thanh Nguyen và Khuong Vinh Nguyen (2021); Trần Triệu Anh Khoa (2022). Ngân hàng quy mô lớn thường đi kèm với chi phí vận hành cao, hệ thống quản trị phức tạp và rủi ro gia tăng. Hệ số an toàn vốn ở mô hình (5) cho tác động cùng chiều và có ý nghĩa thống kê với mức p-value < 0,05; đồng thuận với các nghiên cứu của Karim và cộng sự (2014); Liem Thanh Nguyen và Khuong Vinh Nguyen (2021).

Thanh khoản và tăng trưởng GDP cho kết quả cùng chiều làm giảm rủi ro ngân hàng. Ở mô hình (1) và (3) thanh khoản có ý nghĩa thống kê với mức p-value < 0,1. Khả năng thanh khoản cao thể hiện năng lực đáp ứng nghĩa vụ thanh toán của ngân hàng, giúp giảm thiểu rủi ro và nâng cao khả năng chống chịu trước biến động thị trường, đồng thuận với nghiên cứu của Karkowska (2019); Rudhani và Balaj (2019). Tăng trưởng GDP có ý nghĩa thống kê ở mô hình (2) và (5), đồng thuận với nghiên cứu của Karkowska (2019); Khanh Duy Pham và cộng sự (2021); Liem Thanh Nguyen và Khuong Vinh Nguyen (2021). Tăng trưởng GDP cao đi kèm với rủi ro gia tăng trong hệ thống tài chính, buộc ngân hàng phải nâng cao mức độ dự phòng và quản trị rủi ro hiệu quả để đảm bảo an toàn hoạt động. Đa dạng hóa cho kết quả cùng chiều với rủi ro ngân hàng và có ý nghĩa thống kê ở mô hình (2). Chỉ số giá tiêu dùng cũng cho tác động cùng chiều với rủi ro ngân hàng và có ý nghĩa thống kê ở mô hình (1), (2), (3). Bohachova (2008) cho rằng lạm phát cao dẫn đến bất ổn kinh tế cao hơn, từ đó khiến tương lai cũng khó dự đoán hơn. Kiểm định Hansen cho kết quả p-value đều > 0,1, từ đó cho thấy các biến công cụ phù hợp với mô hình. Với Kiểm định Arellano – Bond đều cho kết quả p-value của AR (2) > 0,1, qua đó nhận thấy không có hiện tượng tương quan chuỗi bậc hai trong mô hình.

KẾT LUẬN VÀ ĐỀ XUẤT

Kết quả nghiên cứu cho thấy, CSR có tác động tích cực giúp giảm thiểu rủi ro ngân hàng. Kết quả hồi quy GMM hệ thống 2 bước chỉ ra rằng, sự quan tâm đến môi trường sẽ tác động tích cực thông qua trách nhiệm CSR, từ đó, giúp làm giảm thiểu rủi ro của ngân hàng. Bên cạnh đó, những ngân hàng có hoạt động kinh doanh tốt có có sự quan tâm nhất định đến hình thức trình bày báo cáo thường niên cũng đạt kết quả tích cực hơn, bằng chứng cho thấy, điểm đánh giá mức độ quan tâm này thường cao hơn so với các ngân hàng khác. Từ kết quả nghiên cứu này, nhóm tác giả đề xuất bổ sung bảng câu hỏi đánh giá CSR dựa trên Bộ tiêu chuẩn báo cáo phát triển bền vững (GRI), Báo cáo Môi trường – Xã hội – Quản trị (ESG), Thông tư 155/2015/TT-BTC và việc công bố báo cáo phát triển bền vững của các ngân hàng thông qua báo cáo thường niên. Các nghiên cứu tiếp theo về vấn đề CSR của các ngân hàng có thể đề xuất bổ sung thêm các tiêu chí đánh giá chi tiết cho bảng câu hỏi này./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Bohachova, O. (2008), The impact of macroeconomic factors on risks in the banking sector: a cross-country empirical assessment, IAW Discussion Paper, 44, 1–26. https://www.econstor.eu/handle/10419/36633.

2. Bolton, B. J. (2013), Corporate social responsibility and bank performance, SSRN 2277912, retrieved from https://papers.ssrn.com/sol3/papers.cfm?abstract_id=2277912.

3. Bộ Tài chính (2015), Thông tư số 155/2015/TT-BTC, ngày 6/10/2015 hướng dẫn công bố thông tin trên thị trường chứng khoán.

4. Fayad, A. A., Ayoub, R., and Ayoub, M. (2017), Causal relationship between CSR and FB in banks, Arab Economic and Business Journal, 12(2), 93–98.

5. Freeman, R. E., and Dmytriyev, S. (2017), Corporate Social Responsibility and Stakeholder Theory: Learning From Each Other, Symphonya, Emerging Issues in Management, 2(1), 7–15.

6. Freund, R., and Littell, R. (2000), SAS system for regression.

7. Girerd-Potin, I., Jimenez-Garcès, S., and Ethics, P. (2014), Which dimensions of social responsibility concern financial investors? Journal of Business Ethics, 121, 559–576.

8. Goss, A., and Roberts, G. S. (2011), The impact of corporate social responsibility on the cost of bank loans, Journal of banking & finance, 35(7), 1794–1810.

9. Husted, B. W. (2003), Governance choices for corporate social responsibility: to contribute, collaborate or internalize? Long range planning, 36(5), 481–498. https://doi.org/10.1016/S0024-6301(03)00115-8.

10. Karim, M. A., Hassan, M. K., Hassan, T., and Mohamad, S. (2014), Capital adequacy and lending and deposit behaviors of conventional and Islamic banks, Pacific-Basin Finance Journal, 28, 58–75.

11. Karkowska, R. (2019), Model of risk diversification in the banking sector, Folia Oeconomica Stetinensia, 19(1), 1, https://doi.org/10.2478/foli-2019-0003

12. Khanh Duy Pham, Minh Vu Ngo, Huu Huan Nguyen and Vu Linh Toan Le (2021), Financial crisis and diversification strategies: The impact on bank risk, and performance, Economics and Business Letters, 10(3), 249–261, https://doi.org/10.17811/ebl.10.3.2021.249-261

13. Klassen, R. D., and McLaughlin, C. P. (1996), The impact of environmental management on firm performance, Management Science, 42(8), 1199–1214.

14. Lee, S., and Heo, C. Y. (2009), Corporate social responsibility and customer satisfaction among US publicly traded hotels and restaurants, International Journal of Hospitality, 28(4), 635–637.

15. Liem Thanh Nguyen and Khuong Vinh Nguyen (2021), The impact of corporate social responsibility on the risk of commercial banks with different levels of financial constraint, Asia-Pacific Journal of Business Administration, 13(1), 98–116.

16. Maqbool, S., and Journal, M. N. (2018), Corporate social responsibility and financial performance: An empirical analysis of Indian banks, Future Business Journal, 4(1), 84–93.

17. Rudhani, L. H., and Balaj, D. (2019), The effect of liquidity risk on financial performance. Advances in Business-Related Scientific Research Journal, 10(2).

18. Shahwan, Y., and Abdel - Hamid, O. (2020), The impact of social responsibility disclosure in reducing the risk in Jordanian Commercial Banks, Research in World Economy, 11(3), https://doi.org/10.5430/rwe.v11n3p142.

19. Starks, L. T. (2009), EFA keynote speech: “corporate governance and corporate social responsibility: What do investors care about? What should investors care about? Financial Review, 44(4), 461–468, https://doi.org/10.1111/J.1540-6288.2009.00225.X.

20. Trần Triệu Anh Khoa (2022), Tác động của trách nhiệm xã hội đến rủi ro kiệt quệ tài chính doanh nghiệp niêm yết tại Việt Nam, Tạp chí Kinh tế và Ngân hàng châu Á, https://doi.org/https://doi.org/10.63065/ajeb.vn.2022.192.79987.

21. Trần Triệu Anh Khoa, Mai Thị Bích Ngọc, Trần Minh Nhựt và Phạm Thị Quỳnh (2023), Tác động của trách nhiệm xã hội đến hiệu quả tài chính của các NHTMCP Việt Nam, Hội nghị Khoa học trẻ lần 5 năm 2023 (YSC2023) - IUH.

Ngày nhận bài: 08/5/2024; Ngày phản biện: 15/5/2025; Ngày duyệt đăng: 07/6/2024