Tái canh cây cà phê: Không dễ!
Những khó khăn
Những năm qua, ngành cà phê có sự phát triển nhanh chóng, đã trở thành ngành hàng nông sản chiến lược của Việt Nam, đóng góp 10% GDP nông nghiệp, 5% tổng giá trị xuất khẩu, cung cấp hơn 1 triệu việc làm và tạo 50% sinh kế cho người dân Tây Nguyên.
Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, hoạt động sản xuất cà phê của Việt Nam đang tồn tại nhiều hạn chế, làm cho năng suất thấp, chất lượng sụt giảm rất nhiều.
Theo Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến nay cả nước đã có khoảng 650.000 ha cà phê, được trồng ở 22 tỉnh, TP bao gồm: 05 vùng sản xuất chính là Tây Nguyên; Đông Nam Bộ (06 tỉnh); Nam Trung Bộ (03 tỉnh), Bắc Trung Bộ (04 tỉnh) và trung du miền núi phía Bắc (03 tỉnh).
Điều đáng lo ngại là trong 650.000 ha cà phê hiện có không ít diện tích cà phê đã lên tuổi “cụ”, bởi hầu hết diện tích cà phê của nước ta được trồng cách đây 20-25 năm, khoảng 86.000 ha cà phê trên 20 năm tuổi (chiếm 15%), 140.000 ha 15-20 năm tuổi (chiếm 25%).
Nếu không tái canh thì không chỉ sản lượng cà phê Việt Nam bị ảnh hưởng do năng suất giảm, chất lượng hạt cà phê giảm, tác động lớn đến sức cạnh tranh xuất khẩu.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Đề án tái canh diện tích cây cà phê từ năm 2014-2020 cần tái canh khoảng 120.000 ha, trong đó tái canh 90.000 ha và ghép cải tạo 30.000 ha. Tuy nhiên, đến hết năm 2014, tổng diện tích tái canh mới đạt 44.349 ha, dự kiến đến hết năm 2015 là 61.199 ha. Như vậy, từ nay tới năm 2020, vẫn còn gần 70.000 ha cà phê phải tái canh. Tuy nhiên, hiện nay vấn đề tái canh lại đang gặp nhiều khó khăn, trong đó có nguồn vốn lớn.
Cũng theo tính toán của các chuyên gia, muốn tái canh 1 ha cà phê, thì tốn chi phí khoảng 150-200 triệu đồng/ha/03 năm đầu và trong ít nhất 3-4 năm sau mới cho thu hoạch... trong khi tài sản trên đất của nông dân chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu, gây khó khăn cho việc xác định giá trị tài sản đảm bảo và thực hiện hợp đồng thế chấp.
Trước thực trạng trên, Chính phủ cũng đã vào cuộc và có đề án phục vụ việc tái canh cây cà phê nhưng việc triển khai chưa mạnh mẽ, mới dừng lại ở việc hỗ trợ về dự án và tạo nguồn giống ở các viện nghiên cứu, còn thực tế nông dân vẫn chưa tiếp nhận được những sự hỗ trợ này.
Trong khi đó, tại Diễn đàn Triển vọng và Phát triển bền vững ngành hàng cà phê Việt Nam 2015, ngày 02/12/2015 ông Võ Văn Chân, Trưởng ban khách hàng hộ sản xuất và cá nhân Agribank, cho rằng, ở nước ta, Đề án tái canh chỉ hỗ trợ tín dụng đối với những diện tích cà phê nằm trong quy hoạch trong khi các tỉnh mới chỉ có quy hoạch chung chứ không có quy hoạch chi tiết. Do đó, ngân hàng cũng chưa có căn cứ để xây dựng phương án cho vay.
Làm thế nào để tái canh cây cà phê?
Thực tế nêu trên đã đặt ra yêu cầu về việc đổi mới ngành hàng cà phê. Tại Diễn đàn trên, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh cho biết cần tiến hành quy hoạch chi tiết diện tích tái canh, tiếp tục cập nhật và hoàn thiện quy trình tái canh dựa trên các căn cứ khoa học và phù hợp với thực tiễn; tăng cường công tác sản xuất và quản lý chất lượng giống phục vụ nhu cầu tái canh và đẩy nhanh tốc độ giải ngân gói tín dụng cho tái canh cà phê.
Theo Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông - lâm nghiệp Tây Nguyên TS. Lê Ngọc Báu, việc tái canh diện tích cà phê là rất cần thiết, vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển bền vững của ngành cà phê.
Tuy nhiên, khi thực hiện việc tái canh thì quy trình kỹ thuật cần phải được tuân thủ hết sức chặt chẽ, nghiêm ngặt, không thể làm nóng vội. Để tái canh cà phê hiệu quả, cần phải thực hiện đồng bộ các biện pháp, từ việc tạo cây giống sạch bệnh đến tăng cường phân bón hữu cơ để hạn chế sự phát triển của tuyến trùng trong đất khi trồng, đầu tư mới vườn sản xuất giống lai (Bảo Văn, 2015).
Về biện pháp ẩy mạnh tín dụng cho tái canh, ông Võ Văn Chân, Trưởng ban khách hàng hộ sản xuất và cá nhân Agribank đề xuất, Ngân hàng Nhà nước cần sửa đổi quy định theo hướng nâng mức cho vay tối đa lên 200 triệu đồng/ha đối với phương pháp trồng tái canh và 100 triệu đồng/ha đối với phương pháp ghép cải tạo cà phê. Cùng với đó, nâng thời hạn cho vay từ 08 năm lên 10 năm đối với phương pháp trồng tái canh và 06 năm đối với phương pháp ghép cải tạo.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng cần tổ chức khảo sát tới tận tổ chức, cá nhân, hộ gia đình về nhu cầu tái canh trong 05 năm tới để xây dựng chính sách tái canh chi tiết. Bộ cũng cần đứng ra làm đầu mối phối hợp liên kết giữa các nhà (Nhà nước – nhà nông – nhà doanh nghiệp) thực hiện tiêu thụ cà phê cho hộ trồng cà phê thông qua hợp đồng, chuỗi liên kết giá trị nhằm đảm bảo phát triển cà phê ổn định, bền vững./.
Tài liệu tham khảo:
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (2015). Diễn đàn Triển vọng và Phát triển bền vững ngành hàng cà phê Việt Nam 2015, ngày 02/12/2015
Bảo Văn (2015). Gỡ khó việc “trẻ hóa” cà phê ở Tây Nguyên, truy cập từ http://www.nhandan.com.vn/mobile/_mobile_kinhte/_mobile_chuyenlaman/item/22555002.html
Nguyễn Hiền (2015). Tiếp sức cho cà phê phát triển bền vững, truy cập từ http://www.baohaiquan.vn/Pages/Tiep-suc-cho-ca-phe-phat-trien-ben-vung.aspx
Bình luận