Tái cơ cấu nông nghiệp phải tạo ra sản phẩm gắn với nhu cầu của thị trường
Tại buổi làm việc, thay mặt lãnh đạo Bộ NN&PTNT, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh trình bày báo cáo sau 3 năm thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Thứ trưởng cho biết, thực hiện Quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 10/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án "Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững”, Bộ NN&PTNT đang tích cực phối hợp với các địa phương nỗ lực triển khai thực hiện đề án này. Đến nay, đã có 62/63 tỉnh, thành phố ban hành đề án (hoặc kế hoạch hành động) tái cơ cấu nông nghiệp của địa phương (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu báo cáo sẽ ban hành đề án của tỉnh trong tháng 8 này).
Ngoài việc tổ chức tuyên truyền, phổ biến chủ trương, định hướng, mục tiêu và các giải pháp chính của đề án tái cơ cấu nông nghiệp đến tất cả các cơ quan, đơn vị trực thuộc và các địa phương, Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo xây dựng và triển khai thực hiện 12 đề án, kế hoạch chuyên đề cụ thể hóa chủ trương tái cơ cấu trong các lĩnh vực (trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, thủy sản, chế biến nông, lâm, thủy sản, thủy lợi) và các nhóm giải pháp chính xuyên suốt (đổi mới cơ chế chính sách; tái cơ cấu đầu tư công; phát triển nghiên cứu và chuyển giao khoa học kỹ thuật; tổ chức lại sản xuất; đào tạo nguồn nhân lực; tăng cường năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước).
Sau 3 năm thực hiện đề án, cơ cấu các ngành sản xuất tiếp tục được điều chỉnh theo hướng phát huy lợi thế của mỗi địa phương và cả nước, gắn với thị trường. Việc ứng dụng khoa học kỹ thuật được đẩy mạnh liên kết theo chuỗi được phát triển; công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, vệ sinh an toàn thực phẩm được chú trọng. Nhờ đó, sản lượng của hầu hết các loại nông sản có thị trường tiêu thụ tốt đều tăng mạnh, nhất là tôm, cà phê, hồ tiêu, lúa gạo, sắn, trái cây...
Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cho biết thêm, trong 3 năm (2013-2015) giá trị sản xuất lĩnh vực trồng trọt tăng khá, trung bình tăng 2,6%/năm. Giá trị sản phẩm thu được trên 1ha đất trồng trọt năm 2015 ước đạt 83 triệu đồng (tăng khoảng 10,2 triệu đồng so với năm 2012). Năng suất của hầu hết các loại cây trồng chủ lực tăng mạnh, chất lượng một số loại nông sản được cải thiện đáng kể như lúa gạo, thanh long, vải, nhãn, bưởi, chè... Xuất khẩu các sản phẩm trồng trọt duy trì ở mức 14,5 tỷ USD/năm; 6 tháng đầu năm 2016 ước đạt 7,5 tỷ USD. Hiện có 7 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD/năm trở lên gồm: gạo 2,8 tỷ USD, cao su 1,53 tỷ USD, cà phê 2,67 tỷ USD, hạt điều 2,4 tỷ USD, hạt tiêu 1,26 tỷ USD, rau quả 1,84 tỷ USD, sắn và sản phẩm từ sắn 1,3 tỷ USD.
Tái cơ cấu chăn nuôi đã có sự chuyển biến khá rõ nét về chất lượng đàn giống vật nuôi. Giá trị sản xuất tăng trung bình 4,1%/năm; quí I năm 2016 tăng 4,2%, đáp ứng cơ bản nhu cầu các loại thực phẩm cho tiêu dùng trong nước và bước đầu cho xuất khẩu.
Ngành lâm nghiệp sau khi thực hiện tái cơ cấu tăng trưởng mạnh, đạt trung bình 6,57%/năm, quí I năm 2016 tăng 6,3%, vượt mục tiêu Đề án đề ra là 5,5-6,0%/năm. Giá trị xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản tăng trưởng mạnh, trung bình đạt gần 6,6 tỷ USD/năm (gấp hơn 2 lần giai đoạn 2010-2012), riêng năm 2015 đạt 7,1 tỷ USD. Đây là mức tăng trưởng cao nhất của ngành từ trước đến nay; 6 tháng đầu năm 2016 xuất khẩu ước đạt 3,3 tỷ USD.
Tổng sản lượng thủy sản năm 2015 đạt gần 6,6 triệu tấn, tăng gần 9% so với năm 2013. Sản xuất thủy sản tiếp tục duy trì được tăng trưởng mặc dù phải trải qua nhiều biến động của thị trường, dịch bệnh, tăng trung bình đạt 5,9%/năm; Quí I năm 2016 tăng 2,3%.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu tại buổi làm việc với Bộ NN&PTNT
Tái cơ cấu lĩnh vực thủy lợi đã hỗ trợ tích cực cho tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đã xác định 55 dự án thủy lợi có quy mô lớn được đầu tư để phục vụ nuôi trồng thủy sản; diện tích cây trồng cạn được tưới bằng công nghệ tiên tiến, tiết kiệm nước đạt 144 nghìn ha, đảm bảo tưới tiêu cho 7,3 triệu ha lúa cả năm, 1,5 triệu ha cây công nghiệp và cây khác.
Đánh giá những mặt còn tồn tại trong việc tái cơ cấu nông nghiệp, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cho rằng kết quả tái cơ cấu trong thực tiễn mới chỉ là bước đầu và chưa tạo được chuyển biến rõ rệt. Tăng trưởng của ngành chưa vững chắc, tốc độ tăng trưởng quý I/2016 giảm.
Việc triển khai thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành chưa được đồng bộ, đồng đều ở các địa phương. Nhiều địa phương đã sớm triển khai và quyết liệt chỉ đạo, đạt được kết quả khá rõ nét (Đồng Tháp, Lâm Đồng, Hà Tĩnh…), nhưng vẫn còn nhiều địa phương triển khai chậm.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho rằng việc tái cơ cấu trong thời gian tới sẽ tập trung hình thành 3 trục phát triển liên quan đến cấp độ sản phẩm bao gồm: sản phẩm quốc gia, sản phẩm cấp tỉnh và sản phẩm quy mô cấp địa phương. Các sản phẩm sẽ được định hướng cung cấp cho từng thị trường quốc tế và trong nước.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhận xét, cơ cấu sản xuất nông nghiệp đã có chuyển biến, tăng sản phẩm có giá trị cao, tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Liên kết trong sản xuất nông nghiệp tiếp tục được hình thành, xuất hiện một số mô hình sản xuất có hiệu quả ở các địa phương.
Phó Thủ tướng đề nghị trong thời gian tới, ngành nông nghiệp phải tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu phải gắn với nhu cầu, diễn biến của thị trường trong nước và quốc tế, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đã tham gia ký kết các hiệp định tự do thương mại với các nước. Bên cạnh đó, xây dựng tiêu chuẩn các sản phẩm nông nghiệp đáp ứng yêu cầu nâng cao khả năng cạnh tranh, hội nhập. Đồng thời, tái cơ cấu nông nghiệp phải gắn với việc ứng phó với biến đổi khí hậu, gắn tái cơ cấu nông nghiệp với việc phát triển các ngành nghề khác ở nông thôn, trong đó chương trình xây dựng nông thôn mới.
“Muốn tái cơ cấu ngành nông nghiệp có hiệu quả, cần xác định được các sản phẩm chủ lực, có lợi thế cạnh tranh và có khối lượng lớn thì mới đảm bảo được sản xuất ra các sản phẩm có chất lượng, giá trị cao mà lại giảm giá thành, chi phí” Phó Thủ tướng nhấn mạnh thêm./.
Bình luận