Tăng cường tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư trong các KCN Vĩnh Phúc
KCN Bá Thiện II, tỉnh Vĩnh Phúc

PV: Thưa ông, được biết thời gian qua mặc dù dịch bệnh Covid-19 tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế, xã hội của Tỉnh, song môi trường đầu tư kinh doanh trong các KCN tỉnh Vĩnh Phúc vẫn tiếp tục ghi nhiều dấu ấn đậm nét với những kết quả ấn tượng trong thu hút đầu tư và phát triển các KCN. Ông đánh giá như thế nào về nhận định này?

Trưởng ban Nguyễn Xuân Phương: Trong giai đoạn vừa qua tình hình dịch Covid-19 diễn ra kéo dài và phức tạp ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống kinh tế-xã hội, kéo theo hàng loạt những khó khăn, cản trở trong hoạt động đầu tư và sản xuất kinh doanh của các nhà đầu tư và các doanh nghiệp KCN. Cùng với đó, một số KCN mới chỉ triển khai được một phần diện tích hoặc chưa triển khai được dự án do khó khăn về công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và các vấn đề liên quan đến đất đai, nguyên nhân do bị ảnh hưởng bởi các Luật chuyên ngành, do vậy chưa có cơ chế giải quyết dứt điểm để đẩy nhanh tiến độ đầu tư…

Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về KCN trên địa bàn, Ban Quản lý luôn xác định vai trò, trách nhiệm của mình trong công tác quản lý và đồng hành hỗ trợ các doanh nghiệp và nhà đầu tư.

Trong giai đoạn khó khăn do tác động của dịch bệnh, Ban Quản lý đã thực hiện linh hoạt và có hiệu quả công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 theo Chỉ thị và hướng dẫn của Trung ương và tỉnh Vĩnh Phúc; thường xuyên hỗ trợ, cung cấp thông tin cho các doanh nghiệp khi có nhu cầu đầu tư hạ tầng, sản xuất trong các KCN; sử dụng triệt để công nghệ thông tin trong công tác tư vấn, hướng dẫn nhà đầu tư trong bối cảnh chịu tác động của dịch Covid-19 và các chính sách về giãn cách xã hội; kịp thời giải đáp, cung cấp thông tin về tình hình sử dụng đất trong các KCN, các thông tin về KCN (như cấp điện, cấp nước, phí xử lý nước thải, rác thải) để các nhà đầu tư tham khảo, nghiên cứu trước khi quyết định đầu tư... Đồng thời đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến và thu hút đầu tư với các hình thức xúc tiến đa dạng, phong phú, có trọng tâm, trọng điểm. Do đó, hoạt động đầu tư, kinh doanh trong các KCN Vĩnh Phúc vẫn tiếp tục duy trì ổn định và phát triển trong giai đoạn dịch bệnh căng thẳng.

PV: Ông có thể cho biết đôi nét những kết quả thu hút đầu tư và phát triển doanh nghiệp trong các KCN Vĩnh Phúc thời gian vừa qua, thưa ông?

Trưởng ban Nguyễn Xuân Phương: Năm 2021, Ban Quản lý đã thực hiện cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 46 dự án, trong đó: Cấp mới cho 16 dự án DDI, điều chỉnh tăng vốn cho 03 dự án DDI với tổng vốn đầu tư đăng ký là 7.775,9 tỷ đồng, bằng 576% về số vốn đầu tư so với cùng kỳ năm 2020, đạt 1111% kế hoạch năm; Cấp mới cho 30 dự án FDI và điều chỉnh tăng vốn cho 28 lượt dự án FDI, với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 959,51 triệu USD, bằng 227% về vốn đầu tư so với năm 2020 và đạt 320% so với kế hoạch đề ra.

Luỹ kế đến ngày 15/12/2021, số dự án được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trong các KCN còn hiệu lực là 416 dự án (gồm 81 dự án DDI và 335 dự án FDI) với tổng vốn đầu tư đăng ký là 22.024,28 tỷ đồng và 5.410,95 triệu USD.

Năm 2021, các KCN có thêm 33 dự án đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh (29 dự án FDI và 05 dự án DDI). Tính đến ngày 15/12/2021, trong các KCN Tỉnh có 348 dự án đang hoạt động sản xuất kinh doanh (297 dự án FDI và 51 dự án DDI), chiếm 84% tổng số dự án đầu tư.

6 tháng đầu năm 2022, hoạt động thu hút đầu tư trong các KCN Vĩnh Phúc tiếp tục đánh nhiều dấu mốc mới. Ban Quản lý đã làm thủ tục cấp mới Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 14 dự án; điều chỉnh tăng vốn cho 18 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 208,56 triệu USD và 230,86 tỷ đồng.

Đến hết tháng 6/2022, số dự án còn hiệu lực đầu tư trong các KCN là 426 dự án, gồm 87 dự án DDI với tổng vốn đầu tư là 22.244,34 tỷ đồng và 339 dự án FDI với tổng vốn đầu tư là 5.605 triệu USD.

6 tháng đầu năm 2022, các KCN Tỉnh có thêm 15 dự án FDI đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Lũy kế đến hết tháng 6/2022, các KCN Tỉnh có 359 dự án đang hoạt động sản xuất kinh doanh (308 dự án FDI và 51 dự án DDI), chiếm 84% tổng số dự án đầu tư.

Tăng cường tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trong các KCN Vĩnh Phúc
Công nhân làm việc trong KCN tỉnh Vĩnh Phúc

PV: Với tư cách là cơ quan quản lý nhà nước về KCN trên địa bàn Tỉnh, xin ông cho biết Ban Quản lý đã triển khai những giải pháp gì để hỗ trợ nhà đầu tư và doanh nghiệp trong thời gian vừa qua?

Trưởng ban Nguyễn Xuân Phương: Để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trong năm 2021, nhất là trong giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát và có diễn biến phức tạp, Ban Quản lý xác định phải đảm bảo vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa sản xuất kinh doanh phù hợp với quy định “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” theo Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ.

Thực hiện chỉ đạo của Ban chỉ đạo phòng chống COVID-19 của Tỉnh, Ban đã thành lập Ban chỉ đạo và Tổ công tác phòng, chống dịch Covid-19 theo dõi các KCN trên địa bàn Tỉnh; kết nối các cuộc họp trực tuyến của Tỉnh triển khai công tác phòng chống dịch với các doanh nghiệp; Xây dựng kịch bản, kế hoạch phòng, chống Covid-19 tại các KCN trong tình hình dịch bệnh diễn ra và trong tình hình mới; đôn đốc, giám sát, kiểm tra doanh nghiệp việc đánh giá nguy cơ lây nhiễm Covid-19 và công tác thực hiện phòng chống dịch tại doanh nghiệp. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan kiểm tra, đôn đốc để kịp thời hướng dẫn, uốn nắn các doanh nghiệp các doanh nghiệp thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19; phối hợp với Sở Y tế thực hiện xét nghiệm cho 100% người lao động làm việc trong KCN; tiêm vắc xin phòng COVID -19 nhiều đợt cho người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp.

Trong năm 2021, Ban quản lý đã nỗ lực bảo vệ sản xuất cho các doanh nghiệp bằng nhiều biện pháp hỗ trợ như: Ban hành nhiều lượt văn bản hướng dẫn nhà đầu tư thực hiện các thủ tục hành chính theo đúng quy định pháp luật; tiếp nhận kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn trong triển khai dự án và sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp liên quan đến thủ tục đầu tư, xây dựng, lao động, đất đai và môi trường, đặc biệt là khó khăn, vướng mắc trong thực hiện công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại các KCN; hướng dẫn doanh nghiệp trong việc di chuyển từ vùng dịch; lưu thông, vận chuyển hàng hóa, việc xuất nhập cảnh…

Công tác tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp đối với các vấn đề trong phạm vi, thẩm quyền quản lý cơ bản đáp ứng được yêu cầu trước mắt của doanh nghiệp. Việc giải đáp những thắc mắc của doanh nghiệp được thực hiện kịp thời đã góp phần củng cố thêm niềm tin của các nhà đầu tư và doanh nghiệp đối với các cơ quan quản lý nhà nước về KCN Tỉnh cũng như môi trường đầu tư tại tỉnh Vĩnh Phúc.

Năm 2021, Trung tâm dịch vụ hỗ trợ đầu tư thuộc Ban đã ký, thực hiện hiệu quả 24 hợp đồng hỗ trợ và tư vấn đầu tư và 02 dịch vụ liên quan đến cung ứng lao động cho các doanh nghiệp trong KCN. Hỗ trợ tư vấn, trao đổi thông tin, hướng dẫn cho trên 100 doanh nghiệp, nhà đầu tư đến tìm hiểu, tìm kiếm cơ hội đầu tư, thực hiện các thủ tục hành chính về đầu tư để các doanh nghiệp thực hiện theo quy định. Công tác tư vấn đầu tư cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp luôn đảm bảo chất lượng, kịp tiến độ, hỗ trợ, tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp thực hiện thủ tục đầu tư, giảm bớt thời gian thực hiện thủ tục hành chính.

Trong 6 tháng đầu năm 2022, Ban Quản lý tiếp tục tăng cường tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động đầu tư, kinh doanh cho các nhà đầu tư và doanh nghiệp, với một số hoạt động cụ thể:

Ban hành nhiều lượt văn bản hướng dẫn/hỗ trợ nhà đầu tư/doanh nghiệp thực hiện các thủ tục hành chính về đầu tư, lao động và xây dựng theo Luật đầu tư 2020, Luật Lao động 2020, Luật Xây dựng và các Văn bản hướng dẫn thi hành, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư/doanh nghiệp thực hiện các thủ tục hành chính đúng hạn trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp.

Tổ chức buổi làm việc giữa đại diện Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc và Công ty TNHH Compal (Việt Nam) để tháo gỡ khó khăn trong việc tuyển dụng lao động, nhất là vấn đề tăng lương cho người lao động.

Tham vấn đối với việc thực hiện đánh giá tác động môi trường của dự án Đầu tư xây dựng hạng mục nâng công suất xử lý nước thải Module 2 từ 4.000 m3/ngày lên 14.000 m3/ngày thuộc nhà máy xử lý nước thải tập trung KCN Khai Quang; phối hợp Sở Tài nguyên & Môi trường tham gia ý kiến phương án đấu nối, xả nước thải của Công ty TNHH Interflex Vina (KCN Bá Thiện).

Phối hợp với công an Tỉnh cho phép người lao động nước ngoài được phép nhập cảnh vào Vĩnh Phúc làm việc đối với nhà quản lý, chuyên gia và lao động kỹ thuật cao (147 lượt doanh nghiệp trên 400 người nước ngoài nhập cảnh); Phối hợp với Sở Lao động-Thương bình và Xã hội: Nắm và cung cấp thông tin về tình hình lao động làm việc tại doanh nghiệp trong KCN đang ở thuê, ở trọ để có biện pháp đề xuất, hỗ trợ người lao động; cung cấp thông tin, số liệu xây dựng nội dung tuyên truyền, phổ biến pháp luật về lao động giai đoạn 2022-2025; Cung cấp số liệu về nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp trong năm 2022 và các năm tiếp theo cho Sở Lao động- Thương binh và Xã hội xây dựng kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp trong tuyển dụng lao động; Phối hợp với Sở Kế hoạch & Đầu tư giải quyết vướng mắc của nhà đầu tư nước ngoài SJP Co., LTD (KCN Bình Xuyên); Phối hợp với Cục Thuế tỉnh hỗ trợ công ty TNHH Power Logics Vina tháo gỡ vướng mắc trong việc thu/nộp thuế doanh nghiệp; Phối hợp với sở Tài nguyên và Môi trường tham gia đoàn kiểm tra việc sử dụng đất của Công ty Cổ phần Tập đoàn Gia Vũ tại KCN Thái Hòa - Liễn Sơn - Liên Hòa, Khu vực II, giai đoạn I; xác định thời hạn thực hiện dự án của Công ty CPSX Nhôm Việt Đức tại khu 54,2ha, KCN Bá Thiện để làm cơ sở xem xét, giao đất cho doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, đơn vị sự nghiệp trực thuộc Ban còn hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện 05 hợp đồng tư vấn dịch vụ về đầu tư và lao động.

Song song với đó, công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 tiếp tục được quan tâm và chỉ đạo sát sao. Trong 6 tháng đầu năm 2022, Ban Quản lý đã thực hiện hướng dẫn các doanh nghiệp tuân thủ các biện pháp phòng dịch Covid-19 theo chỉ đạo của Chính phủ, Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, Bộ Y tế và các cấp lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc.

Do đó hoạt động sản xuất, kinh doanh trong các KCN tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục đi vào ổn định và phát triển, đồng thời đảm bảo việc làm và an toàn sức khỏe cho người lao động trong các KCN, góp phần đẩy mạnh thu hút đầu tư và phát triển các KCN trên địa bàn Tỉnh.

PV: Xin chân thành cảm ơn ông!

Tăng cường tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trong các KCN Vĩnh Phúc
Công nhân doanh nghiệp FDI làm việc trong KCN tỉnh Vĩnh Phúc