Tăng giờ làm thêm, "cứu" cả người lao động lẫn doanh nghiệp
Lợi cả cho người lao động lẫn doanh nghiệp
“Tình hình dịch bệnh Covid-19 ở nước ta vẫn đang diễn biến rất phức tạp. Trong năm 2021, hàng triệu người lao động mất việc, lao động trong các ngành kinh tế tiếp tục giảm, thị trường lao động vẫn còn gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ thất nghiệp năm nay cao hơn năm trước…”, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương bình và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, tại Phiên họp thứ 9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đang diễn ra, khi thảo luận về dự thảo Nghị quyết về thời giờ làm thêm trong 1 tháng và trong 1 năm của người lao động.
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, xây dựng dự thảo Nghị quyết nhằm kịp thời phát hiện, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp. Ảnh: QH |
Cũng theo ông Dung, sau khi kết thúc giãn cách xã hội, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 128/NQ-CP, các địa phương đã trở lại trạng thái bình thường mới, nhưng do ảnh hưởng của đại dịch Covid -19 xảy ra liên tục trong 2 năm qua làm hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp bị đình trệ, lao động không có việc làm và thất nghiệp tăng, sự dịch chuyển lao động lớn gây thiếu hụt lao động có trình độ kỹ thuật ở nhiều địa phương…
“Việc xây dựng dự thảo Nghị quyết nhằm kịp thời phát hiện, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp do tác động tiêu cực của đại dịch Covid -19, góp phần ổn định sản xuất, kinh doanh, phục hồi kinh tế và tạo đà phát triển trong thời gian tới…”, ông Dung cho hay.
Ủng hộ đề xuất tăng giờ làm thêm
Thẩm tra nội dung trên, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thuý Anh cho biết, trong bối cảnh dịch bệnh vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, để nhất quán thực hiện chính sách thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, thì việc tăng thời giờ làm thêm trong thời điểm hiện nay được nhìn nhận và đánh giá như một giải pháp hỗ trợ khôi phục sản xuất, khắc phục những tổn thất do dịch Covid-19 gây ra cho người lao động và người sử dụng lao động trong hơn hai năm vừa qua, góp phần cho quá trình phục hồi kinh tế - xã hội của đất nước là rất cần thiết (mặc dù đến thời điểm hiện nay mới trình là muộn hơn so với yêu cầu của thực tiễn).
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, nếu ban hành được nghị quyết về tăng thời giờ làm thêm cho người lao động, thì đây là giải pháp thiết thực để góp phần hỗ trợ cho doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn ở thời điểm đang rất nhiều vướng mắc, khó khăn đặt ra do dịch bệnh Covid -19. Người lao động có nhu cầu làm thêm để có thêm thu nhập, bù lại những ngày F0 phải cách ly, bị phong tỏa. |
“Thường trực Thường trực Ủy ban Xã hội và các ý kiến tham gia thẩm tra cơ bản đồng tình với quan điểm của Chính phủ về sự cần thiết ban hành Nghị quyết quy định về biện pháp đặc biệt này như một giải pháp tình thế và chỉ áp dụng trong một thời gian ngắn. Có ý kiến cho rằng, UBTVQH không nên ban hành Nghị quyết về vấn đề này khi chỉ còn hiệu lực hơn 9 tháng, mà nên trình Quốc hội ban hành Nghị quyết như là một giải pháp đặc biệt vừa phục hồi, phát triển kinh tế vừa có phần gắn với phòng, ngừa dịch bệnh Covid -19 và thực hiện trong thời gian cả năm 2022 và năm 2023…”, bà Thuý Anh cho hay.
Đại diện cho người lao động, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Trần Văn Thuật cho biết, trong quá trình chuẩn bị dự thảo Nghị quyết của UBTVQH, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã lấy ý kiến của một số đối tượng, hơn chục nghìn người lao động về tăng thời giờ làm thêm theo tháng và theo năm. Theo đó, đa số người lao động đồng tình quan điểm và ủng hộ đề xuất của Chính phủ về mở rộng cũng như tăng thời giờ làm thêm. Người lao động cho rằng, việc tăng thời giờ làm thêm sẽ giúp khắc phục khó khăn mà họ và doanh nghiệp đang gặp phải trong bối cảnh hiện nay.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, về cơ bản, dự thảo Nghị quyết nhận được sự đồng thuận cao của các thành viên UBTVQH. Ảnh: QH |
Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, nhận định đây là giải pháp rất đặc biệt mang tính chất tình thế áp dụng trong thời gian ngắn, các ý kiến thành viên UBTVQH đều cho rằng việc ban hành Nghị quyết là phù hợp trong bối cảnh phòng, chống dịch Covid -19 và phục hồi phát triển kinh tế xã hội theo Nghị quyết 43/2022/QH15 và Nghị quyết 30/2021/QH15 của Quốc hội.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội giao Thường trực Ủy ban Xã hội chủ trì, phối hợp với cơ quan soạn thảo, Thường trực Ủy ban Pháp luật, Hội đồng Dân tộc và các cơ quan của Quốc hội nghiên cứu, tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết trình UBTVQH thông qua tại đợt 2 của Phiên họp thứ 9 của UBTVQH (bắt đầu từ ngày 22/3 tới)./.
Bình luận