GRDP của Tây Ninh đạt 8%

Theo báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017 và kế hoạch năm 2018 của UBND tỉnh Tây Ninh, tổng sản phẩm trong Tỉnh (GRDP) (giá so sánh 2010) ước thực hiện 45.600 tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ. Trong đó: công nghiệp - xây dựng đóng góp 4,6 điểm %; dịch vụ 2,4 điểm %; nông - lâm - thủy sản 0,9 điểm %, riêng thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm 0,1 điểm %.

Cụ thể, đối với sản xuất công nghiệp, giá trị sản xuất ước thực hiện 65.302 tỷ đồng, tăng 16,1% so với cùng kỳ. Đóng góp cho tăng trưởng chủ yếu ở các ngành công nghiệp thu hút nhiều dự án FDI có quy mô lớn và phương thức sản xuất, gia công xuất khẩu là chính như dệt may, sản phẩm từ cao su (vỏ ruột xe), sản xuất da và sản phẩm có liên quan.


Một góc Cửa khẩu Tân Nam (Tây Ninh)

Về nông – lâm – thủy sản, giá trị sản xuất ước thực hiện 25.717 tỷ đồng, tăng 3,1% so với cùng kỳ. Tổng diện tích gieo trồng các cây hàng năm ước đạt 381.679 ha, tăng 0,7% so với kế hoạch, bằng 99,1% so với cùng kỳ.

Chăn nuôi vẫn tiếp tục chuyển dịch từ chăn nuôi nhỏ lẻ, không đảm bảo an toàn sinh học, hiệu quả thấp sang chăn nuôi quy mô trang trại, tập trung, đảm bảo an toàn sinh học. Giá trị ngành chăn nuôi ước đạt 3.541 tỷ đồng, chiếm 14,2% trong cơ cấu ngành nông nghiệp. Diện tích nuôi trồng ước đạt 785 ha, đạt 100% so với kế hoạch và bằng với cùng kỳ. Tổng sản lượng nuôi trồng đạt 14.763 tấn, sản lượng thủy sản khai thác đạt 3.600 tấn.

Đối với các ngành dịch vụ, giá trị sản xuất ước thực hiện 24.252 tỷ đồng, tăng 7,5% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu du lịch đạt 770 tỷ đồng, bằng so với cùng kỳ; khách lưu trú tăng 11,2%, khách lữ hành tăng 3% so với cùng kỳ, khách tham quan tại các khu điểm du lịch 2,5 triệu lượt, đạt 100% so với kế hoạch, bằng so với cùng kỳ.

Cũng trong năm nhờ tích cực cải thiện môi trường kinh doanh mà tình hình thu hút đầu tư nước ngoài của Tỉnh đạt 966,46 triệu USD, tăng 30% so với cùng kỳ. Lũy kế, trên địa bàn Tỉnh có 270 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký 5.088 triệu USD, đã có 207 dự án đã hoạt động với số vốn 3.523 triệu USD; 17 dự án đang xây dựng với số vốn 744 triệu USD; 34 dự án chưa triển khai với số vốn 787 triệu USD; 12 dự án dừng hoạt động với số vốn 34 triệu USD.

Về thu hút đầu tư trong nước, năm 2017, Tỉnh đạt 3.363 tỷ đồng, giảm 39,2% so với cùng kỳ. Lũy kế, trên địa bàn Tỉnh có 448 dự án đầu tư còn hiệu lực với vốn đăng ký 45.553 tỷ đồng; trong đó có 264 dự án đi vào hoạt động với số vốn 24.883 tỷ đồng, 54 dự án đang triển khai xây dựng với số vốn 8.560 tỷ đồng, 124 dự án chưa xây dựng với số vốn 11.069 tỷ đồng, 06 dự án dừng hoạt động với tổng vốn đầu tư 1.041 tỷ đồng.

Nhiệm vụ trọng tâm năm 2018

Để kinh tế Tây Ninh tiếp tục phát triển, trong 2018, Tỉnh sẽ thực hiện một số giải pháp sau:

Thứ nhất, triển khai kế hoạch hành động thực hiện các Nghị quyết của Trung ương về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Thứ hai, tiếp tục tập trung thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp. Trong đó đẩy mạnh các doanh nghiệp đầu tư phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao. Tăng cường công tác quản lý vật tư nông nghiệp và an toàn vệ sinh thực phẩm. Nâng cao giá trị gia tăng hàng nông, lâm, thủy sản thông qua chế biến, bảo quản và giảm tổn thất sau thu hoạch…

Thứ ba, thu hút đầu tư, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào các cụm công nghiệp, khu công nghiệp theo hướng liên kết theo chuỗi, tập trung phát triển các sản phẩm công nghiệp có lợi thế cạnh tranh, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp phục vụ phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn.

Thứ tư, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động khuyến công; đẩy mạnh các hoạt động ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại vào sản xuất. Tăng cường các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, đưa hàng Việt về nông thôn nhằm tạo điều kiện để các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh có cơ hội quảng bá doanh nghiệp, thương hiệu, sản phẩm, mở rộng kênh phân phối thị trường.

Thứ năm, đẩy mạnh phát triển các ngành dịch vụ, khuyến khích đầu tư phát triển các dịch vụ y tế, giáo dục… Đặc biệt, đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá du lịch, đưa ngành du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh.

Thứ sáu, tăng cường kiểm soát chất lượng và giá cả các mặt hàng, sản phẩm thiết yếu phục vụ nhu cầu đời sống, sức khỏe nhân dân; xử lý kịp thời các trường hợp gian lận thương mại, buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của nhà sản xuất và người tiêu dùng./.