Bất động sản khu công nghiệp tiếp đà tăng trưởng, KCN Phước Đông- Tây Ninh tăng sức hút đầu tư
Đoàn công tác của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các nhà tài trợ Dự án KCN sinh thái thăm quan nhà máy trong KCN Amata, Biên Hòa, Đồng Nai

Bất động sản công nghiệp tăng sức hấp dẫn

Thời gian vừa qua, thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam đã chứng minh được tiềm năng, sức hấp dẫn đặc biệt qua sự phát triển ổn định trong bối cảnh đại dịch Covid 19 và khởi sắc tăng trưởng đáng kể trong giai đoạn kinh tế trầm lắng sau đại dịch. Đặc biệt, khi nền kinh tế thế giới xoay chuyển, tái cấu trúc chuỗi sản xuất và chuỗi cung ứng toàn cầu, cùng với sự nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đã tạo nhiều cơ hội mới, vận hội mới cho thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) vào Việt Nam. Thực tế đã chứng minh “làn sóng” đầu tư FDI “đổ bộ” mạnh mẽ vào Việt Nam thời gian qua.

Theo số liệu báo cáo của CBRE Việt Nam, trong quý I/2024, thị trường bất động sản công nghiệp vẫn duy trì vị trí dẫn đầu, bất chấp những khó khăn thách thức của nền kinh tế do khủng hoảng kinh tế và biến động chính trị toàn cầu tác động sâu rộng đến Việt Nam, cụ thể:

Trong tổng số vốn FDI đăng ký vào Việt Nam, vốn đăng ký mới đạt hơn 4,77 tỷ USD, tăng 57,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, vốn tăng thêm đạt 934,6 triệu USD, giảm 22,6%; vốn đầu tư thông qua góp vốn, mua cổ phần đạt hơn 466 triệu USD, giảm 61,7% so với cùng kỳ. Như vậy, ngoài vốn đầu tư điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần giảm, thì vốn đầu tư đăng ký mới vẫn duy trì mức tăng so với cùng kỳ và tăng khá cao. Tương tự, vốn giải ngân đạt 4,63 tỷ USD, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm 2023.

Đầu năm 2024, bất động sản công nghiệp thu hút được nhiều dự án lớn trong các lĩnh vực năng lượng, như: Sản xuất pin, tế bào quang điện, thanh silic, các dự án sản xuất linh kiện, sản phẩm điện tử, sản phẩm nhiều giá trị gia tăng đã được đầu tư mới và mở rộng vốn. Trong đó, nhiều dự án trong các lĩnh vực này được cấp chứng nhận đăng ký đầu tư trong 3 tháng đầu năm 2024 như: Dự án 120 triệu USD của Boviet Hải Dương, chuyên sản xuất tấm tế bào quang điện năng lượng mặt trời; dự án 454 triệu USD của Trina Solar Cell tại Thái Nguyên; dự án 275 triệu USD của Gokin Solar Hải Hà Việt Nam tại Quảng Ninh…

Bất động sản khu công nghiệp tiếp đà tăng trưởng, KCN Phước Đông- Tây Ninh tăng sức hút đầu tư
Toàn cảnh KCN Rạng Đông, tỉnh Nam Định

Việt Nam được kỳ vọng trở thành “cứ điểm” chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu

Theo ông Lê Anh Dũng, Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư Bất động sản Công nghiệp và Cho thuê A+, Tổng Giám đốc Viện Nghiên cứu đầu tư Quốc tế (ISC) cho biết, “làn sóng” FDI đang hình thành dựa trên những điểm nhấn quan trọng, đó là Việt Nam trở thành Đối tác chiến lược toàn diện của Hoa Kỳ và sự viếng thăm làm việc của tập đoàn NVIDIA có vốn hóa 2.000 tỷ USD (hãng sản xuất chip lớn nhất thế giới) đã và đang cam kết chắc chắn chọn Việt Nam làm cứ điểm mới trong việc sản xuất chip, bán dẫn và hỗ trợ đào tạo nhân lực cho lĩnh vực này.

Cùng với xu hướng phát triển đột phá của AI, IoT, Reality, Vũ trụ Ảo và kế hoạch tham vọng của OpenAI công bố kế hoạch 7.000 tỷ USD cho việc phát triển chip đồ họa, bán dẫn, tái cấu trúc ngành sản xuất bán dẫn, chip đã kích hoạt hàng loạt các làn sóng đầu tư trên khắp thế giới và Việt Nam là yếu tố được xét tới khi các “đại bàng” công nghệ liên tục đến thăm trong những tháng đầu năm 2024.

Bên cạnh đó, các tập đoàn sản xuất công nghệ hàng không, vũ trụ nổi tiếng như: Boeing, Airbus cũng rất quan tâm đến Việt Nam và đang tiếp tục xem xét việc điều chuyển các cơ sở sản xuất linh kiện cho hàng không tại Việt Nam. Như vậy, Việt Nam đang có cơ hội rất lớn trở thành cứ điểm sản xuất bán thành phẩm và hoàn thiện sản phẩm thuộc chuỗi cung ứng toàn cầu đó.

Bất động sản khu công nghiệp tiếp đà tăng trưởng, KCN Phước Đông- Tây Ninh tăng sức hút đầu tư
Nhà máy FDI hoạt động trong KCN Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên

Giá thuê bất động sản công nghiệp dự kiến tăng 3 – 9%/năm

Báo cáo của CBRE ghi nhận, giá thuê đất công nghiệp tại các thị trường cấp 1 ở phía Bắc như: Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương tăng 7,8% so với cùng kỳ, đạt trung bình 133 USD/m2 (khoảng 3,3 triệu đồng/m2) cho kỳ hạn còn lại. Do không có thêm nguồn cung mới, các khu công nghiệp (KCN) ở những khu vực trên tiếp tục thu hút khách thuê với tỷ lệ lấp đầy đạt 83%.

Tại thị trường phía Nam, giá thuê đất công nghiệp một số địa phương như: TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Long An, Đồng Nai cũng ghi nhận tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước, đạt 189 USD/m2 (khoảng 4,7 triệu đồng/m2). Do quỹ đất công nghiệp khá hạn chế, nên tỷ lệ lấp đầy ổn định ở mức 92%.

Bên cạnh các thị trường cấp 1 truyền thống, các doanh nghiệp trong và ngoài nước đang có xu hướng mở rộng ra các thị trường cấp 2 tiềm năng như các tỉnh: Tây Ninh, Bà Rịa – Vũng Tàu…, nơi có quỹ đất dồi dào, giá thuê cạnh tranh, chính sách trải thảm đỏ thông thoáng của địa phương. Điển hình như tại KCN Phước Đông- KCN lớn nhất của tỉnh Tây Ninh hiện nay sở hữu quỹ đất công nghiệp rộng lên đến hàng nghìn hecta, là nguồn cung ứng dồi dào cho thị trường trong thời gian tới.

Dự báo trong tương lai, nhu cầu thuê kho xưởng, đất công nghiệp tiếp tục tăng nhưng nguồn cung có phần hạn chế. CBRE đưa ra nhận định trong 3 năm tới, giá thuê đất công nghiệp dự kiến tăng 3-9%/năm ở miền Bắc và 3-7%/năm ở miền Nam. Giá thuê kho, nhà xưởng xây sẵn cũng tăng nhẹ 1-4%/năm.

Bất động sản khu công nghiệp tiếp đà tăng trưởng, KCN Phước Đông- Tây Ninh tăng sức hút đầu tư
Toàn cảnh KCN Phước Đông, tỉnh Tây Ninh

Cần thiết chuyển đổi KCN sinh thái để tăng sức hút đầu tư

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, những nỗ lực tăng sức hấp dẫn của môi trường đầu tư cùng các yếu tố quan trọng về địa lý, chính trị…, đã giúp Việt Nam gia tăng thu hút FDI. Đây cũng là nguyên do quan trọng giúp bất động sản công nghiệp giữ vững vị trí dẫn đầu trong bối cảnh thị trường bất động sản ảm đạm, kinh tế suy thoái. Song để thu hút FDI bền vững, các chuyên gia nhận định môi trường đầu tư ở Việt Nam cần được cải thiện toàn diện, đặc biệt là các KCN cần tích cực đổi mới để phù hợp với yêu cầu sản xuất hiện đại. Mặt khác, cần tiếp tục hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp hạ tầng, kinh doanh kết cấu hạ tầng trong công tác giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch, sẵn sàng cho các nhà đầu tư thứ cấp; có chính sách hỗ trợ tài chính, nguồn vốn cho các doanh nghiệp sản xuất, các doanh nghiệp thuộc các hiệp hội sản xuất chuyên biệt…

Hiện nay, phát triển bền vững, tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số đang trở thành xu thế chủ đạo, là một lựa chọn tất yếu của các doanh nghiệp và nhà đầu tư. Việt Nam là 1 trong 7 quốc gia tham gia Chương trình KCN sinh thái toàn cầu.

Bất động sản khu công nghiệp tiếp đà tăng trưởng, KCN Phước Đông- Tây Ninh tăng sức hút đầu tư
Mảng xanh phủ kín trong KCN Phước Đông

Từ năm 2020 đến 2024, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) triển khai thực hiện Dự án thí điểm KCN sinh thái tại 5 tỉnh/thành phố, gồm: TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Đồng Nai, Đà Nẵng và Hải Phòng. Dự án trong 4 năm qua đã hỗ trợ xây dựng khung thể chế và chính sách cho phát triển KCN sinh thái, hỗ trợ các KCN chuyển đổi theo hướng KCN sinh thái, hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện các giải pháp sử dụng hiệu quả tài nguyên, hiệu quả năng lượng và sản xuất sạch hơn, đánh giá tiềm năng và thực hiện cộng sinh công nghiệp. Điều này giúp Việt Nam hướng đến mục tiêu đạt được tăng trưởng kinh tế, đồng thời đảm bảo an sinh xã hội, bảo vệ môi trường và hệ sinh thái. Các KCN, khu chế xuất cũng được khuyến khích phát triển theo mô hình tuần hoàn, giảm phát thải khí nhà kính. Mặt khác hiện nay cộng đồng đang quan tâm đến vấn đề môi trường sẽ kích thích các nhà sản xuất cần phải lấy yếu tố môi trường làm giá trị cốt lõi, để thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh phát triển. Vì vậy, các nhà đầu tư chắc chắn sẽ lựa chọn những KCN có cùng quan điểm, tiêu chuẩn về môi trường để lập dự án đầu tư, kinh doanh lâu dài.

Nhiều địa phương đã coi KCN sinh thái là xu hướng phát triển tất yếu, lồng ghép việc phát triển các KCN theo hướng bền vững vào các chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Bản thân các KCN cũng chủ động thực hiện các giải pháp tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải, thu hút các ngành nghề công nghệ cao, dây chuyền sản xuất hiện đại.

Bất động sản khu công nghiệp tiếp đà tăng trưởng, KCN Phước Đông- Tây Ninh tăng sức hút đầu tư
KCN Phước Đông (Tây Ninh) chủ động thực hiện các giải pháp tiết kiệm năng lượng, thu hút đầu tư các ngành công nghệ cao, thân thiện với môi trường

Được biết, tại KCN Phước Đông (Tây Ninh), với chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Đầu tư Sài Gòn VRG đang từng bước thực hiện hướng đến chuyển đổi thành KCN sinh thái. Nhiều biện pháp đã được áp dụng như: đầu tư hệ thống điện năng lượng mặt trời áp mái nhà xưởng; chọn lọc các nhà đầu tư đảm bảo được yếu tố bảo vệ môi trường, phát thải hạn chế; khuyến khích các doanh nghiệp trong khu sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên, sử dụng các nguồn nguyên liệu tái chế, đầu tư các loại máy móc hiện đại, tiêu tốn ít nhiên liệu…

Quá trình chuyển đổi sang KCN sinh thái thực tế hiện nay còn nhiều vướng mắc, khó khăn do chưa có cơ chế, chính sách rõ ràng. Tại cuộc họp Ban chỉ đạo Dự án KCN sinh thái diễn ra chiều ngày 11/4.2024 tại TP. Hồ Chí Minh vừa qua, đại diện các bộ, ngành, các chuyên gia của Việt Nam và UNIDO cùng đại diện các doanh nghiệp tham gia thụ hưởng dự án KCN sinh thái đã phát biểu ý kiến về các vấn đề đang được các doanh nghiệp quan tâm liên quan đến chính sách và giải pháp phát triển KCN sinh thái tại Việt Nam. Theo đó, phát triển KCN sinh thái đã được thể hiện trong Nghị quyết của Trung ương; các bộ, ngành địa phương đã hoàn thiện các quy hoạch quốc gia, trong đó có quy hoạch phát triển KCN sinh thái. Vì vậy, cần tiếp tục khai thác nội dung này để phát triển trong thời gian tới, đồng thời tăng cường khai thác tiềm năng của địa phương để phát triển KCN sinh thái. Trong quá trình triển khai chuyển đổi KCN sinh thái cần gắn liền hơn với các hoạt động khoa học công nghệ, chú trọng đổi mới công nghệ để nâng cao hiệu quả chuyển đổi KCN truyền thống sang KCN sinh thái; cần tăng cường năng lực cho các cơ quan quản lý nhà nước và các doanh nghiệp, cho các doanh nghiệp được tham gia vào quá trình hoạch định chính sách về phát triển KCN sinh thái, doanh nghiệp sinh thái….

Hiện nay nhiều cơ quan, ban, ngành và các địa phương đã khảo sát, lấy ý kiến của doanh nghiệp, ban hành các quy định phù hợp để hoàn thiện khung pháp lý. Các KCN và doanh nghiệp cũng cần chủ động đánh giá đầy đủ hơn về vai trò, yêu cầu cấp thiết của phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh. Từ đó nâng cao nhận thức và trách nhiệm xã hội của cộng đồng doanh nghiệp trong phát triển kinh tế xanh, KCN sinh thái, góp phần đem lại lợi ích kinh tế cho đất nước; phù hợp với Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, các cam kết trong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững và hiện thực hóa mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 của Việt Nam vào năm 2050. Đồng thời, góp phần nâng cao năng lực, khả năng cạnh tranh và vị thế của Việt Nam trên thị trường quốc tế./

Bất động sản khu công nghiệp tiếp đà tăng trưởng, KCN Phước Đông- Tây Ninh tăng sức hút đầu tư
KCN Phước Đông (Tây Ninh) tăng cường tổ chức các hội thảo ở trong và ngoài nước để kết nối đầu tư

KCN Phước Đông tọa lạc tại ĐT782, huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh. Đây là khu phức hợp công nghiệp, đô thị, thương mại lớn nhất Tây Ninh với tổng diện tích 2.838 ha. Trong đó diện tích dành cho sản xuất công nghiệp là 2.190 ha. Với vốn đầu tư ban đầu khoảng 350 triệu USD, Khu phức hợp thương mại Phước Đông sở hữu môi trường sản xuất thân thiện, hiện đại cùng môi trường sống tiện nghi, sáng tạo. Với lợi thế nằm gần đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Mộc Bài, cảng Thanh Phước, cửa khẩu Mộc Bài, dễ dàng di chuyển đến TP. Hồ Chí Minh bằng cả đường bộ và đường thủy, KCN Phước Đông đã thu hút được hơn 50 nhà đầu tư trong và ngoài nước. Các sản phẩm đầu tư tại KCN đa dạng: đất cho thuê, nhà xưởng/nhà kho xây sẵn cho thuê, nhà xưởng xây theo yêu cầu.

Bất động sản khu công nghiệp tiếp đà tăng trưởng, KCN Phước Đông- Tây Ninh tăng sức hút đầu tư
Quỹ đất trong KCN, khu đô thị Phước Đông dồi dào, sẵn sàng chào đón các nhà đầu tư