Vốn đầu tư "đổ vào" ngày càng tăng

Sau sự kiện Samsung đầu tư hàng tỷ đô la vào KCN Yên Bình (năm 2013) đã tạo hiệu ứng, tác động lan tỏa đến nhà đầu tư trong và ngoài nước với hàng trăm dự án tiếp tục đầu tư vào Thái Nguyên. Điển hình như dự án Khu Du lịch Quốc gia hồ Núi Cốc, dự án đô thị hai bên Sông Cầu và các dự án FDI phụ trợ cho Samsung đầu tư vào KCN.

Riêng KCN có 182 dự án có tổng vốn đầu tư đăng ký xấp xỉ 7,1 tỷ USD và trên 14.000 tỷ đồng; năm 2017 đã có 113 dự án đi vào hoạt động đã tạo ra những chỉ tiêu kinh tế - xã hội đặc biệt quan trọng như: vốn FDI giải ngân hơn 6,4 tỷ USD, vốn trong nước giải ngân 7.500 tỷ đồng. Tổng doanh thu hoạt động quy đổi 26,5 tỷ USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu 22,8 tỷ USD, nhập khẩu 16,2 tỷ USD; giải quyết việc làm cho 102.000 lao động, nộp ngân sách phát sinh trên 5.000 tỷ đồng,…

Điều đó đã tạo động lực cho Thái Nguyên phát triển nhanh, bền vững cùng cả nước. Trước sức hút vốn đầu tư mạnh mẽ, nhất là vốn FDI vào địa bàn Tỉnh, cùng với kết quả hoạt động của các doanh nghiệp KCN nêu trên, đã minh chứng Thái Nguyên đang sở hữu một môi trường đầu tư thuận lợi, thông thoáng, minh bạch. Đó cũng là nhờ sự lãnh đạo khoa học của Tỉnh ủy, sự quản lý, giám sát hiệu quả của HĐND và UBND Tỉnh mà hạt nhân là các đồng chí lãnh đạo Tỉnh, kết hợp với sự vào cuộc của các cấp, các ngành và đặc biệt là sự đồng thuận của nhân dân và doanh nghiệp trong sự phát triển chung.

Bên cạnh những thuận lợi, Tỉnh cũng còn có những khó khăn nhất định khi mà tình hình thế giới và khu vực đang có diễn biến phức tạp, khó lường, kinh tế thế giới và trong nước đã phục hồi nhưng vẫn còn tiềm ẩn những yếu tố chưa bền vững, tác động của toàn cầu hóa đang diễn ra mạnh dẫn đến gia tăng cạnh tranh toàn cầu và trong nước, nhất là cạnh tranh về thu hút đầu tư,… Những yếu tố tác động tiêu cực này có thể ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả thu hút đầu tư vào địa bàn Tỉnh trong năm 2018 và những năm tiếp theo.

Nhìn lại riêng năm 2017, mặc dù có những khó khăn nhất định trong thu hút đầu tư, nhưng Ban Quản lý các KCN Thái Nguyên đã khai thác, tận dụng tối đa những thuận lợi, tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp KCN để các doanh nghiệp tiếp tục đầu tư phát triển. Cụ thể đã điều chỉnh tăng vốn cho 18 dự án với mức tăng 85 triệu USD và gần 100 tỷ đồng, đồng thời thu hút đầu tư mới với 10 dự án FDI có tổng vốn đăng ký 18 triệu USD và 11 dự án trong nước với tổng vốn đăng ký 1.553 tỷ đồng. Những dự án đầu tư mới và dự án đầu tư mở rộng, sản xuất kinh doanh đang được triển khai tích cực, sẽ tiếp tục tạo thêm nguồn lực phục vụ cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà trong thời gian tới.

Năm 2018 sẽ có thêm triển vọng mới

Qua những kết quả trên, nhận định năm 2018, tình hình thu hút đầu tư, nhất là đầu tư FDI vào địa bàn Tỉnh nói chung và vào các KCN nói riêng sẽ có thêm triển vọng mới. Trước tiên, phải kể đến hai KCN lớn của Tỉnh là KCN Yên Bình và KCN Điềm Thụy đã lấp đầy, điểm nhấn mới trong thu hút đầu tư là KCN Sông Công II - Diện tích 250ha. KCN này đã được quy hoạch chi tiết từ năm 2010, đến nay đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 353/QĐ-TTg, sau đó Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt để triển khai thực hiện và đưa dự án vào hoạt động.

Với trách nhiệm của mình, Ban quản lý các KCN Thái Nguyên đang tập trung cao độ phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền thành phố Sông Công làm tốt công tác bồi thường giải phóng mặt bằng các dự án: Khu tái định cư; đường 36m nối KCN Sông Công II với Quốc lộ 3 và nút giao Sông Công và dự án hạ tầng KCN với 30-50 ha đất sạch đầu tiên để thu hút đầu tư. Kế thừa kinh nghiệm thực tiễn từ KCN Điềm Thụy A, kết hợp với những giải pháp khoa học, Ban đang tích cực trong công tác vận động thu hút đầu tư vào KCN này, hiện đã có một số doanh nghiệp đến từ các nước Châu Âu, Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc... đàm phán, thỏa thuận với Ban để đầu tư ngay sau khi KCN có đất sạch gắn với hạ tầng.

Xét trên nhiều bình diện thì khả năng thành công trong thu hút đầu tư vào các KCN của Tỉnh năm 2018 là khá tốt. Với KCN Sông Công II, tỉnh xác định là dự án trọng điểm cần tập trung ưu tiên đầu tư trong năm. Do đó, Tỉnh đang xem xét, cân nhắc ứng trước khoảng 200 tỷ đồng cho các hạng mục bồi thường giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất sạch cho KCN. Mặt khác, Tỉnh cũng sẽ tiến hành đầu tư các hạng mục ngoài hàng rào KCN để tạo sự kết nối đồng bộ với kết cấu hạ tầng bên trong KCN.

Như vậy cho thấy môi trường đầu tư của Tỉnh đang rất thuận lợi, các cơ chế chính sách ưu đãi đầu tư cơ bản hoàn thiện trên cơ sở có lợi nhất cho nhà đầu tư. Hơn nữa, Tỉnh đang tạo ra một làn sóng đầu tư mới với hiệu ứng rất tích cực, trong đó nòng cốt là các dự án vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài có công nghệ sản xuất tiên tiến, hiện đại thân thiện môi trường, giá trị gia tăng cao. Niềm tin của các nhà đầu tư với Thái Nguyên đang rất cao thể hiện bằng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp Tỉnh nhiều năm liền đứng trong top 10, thủ tục đầu tư nhanh gọn, thuận tiện,... tạo tiền đề, nền tảng và động lực để Thái Nguyên phát triển nhanh, bền vững, góp phần cùng đất nước thực hiện thắng lợi sự nghiệp CNH, HĐH, hội nhập và phát triển toàn diện./.