Có hộ dân Tây Nguyên trồng cây mắc ca đã thu hoạch mấy năm nay khẳng định đây là loại cây mang lại hiệu quả kinh tế gấp 5 lần trồng cà phê. Tuy nhiên, các nhà khoa học cho rằng, cần tiếp tục trồng thử nghiệm, chưa nên trồng ồ ạt, bởi đây không phải loại cây “dễ xơi”.

“Hiệu quả gấp 5 lần cà phê” - Đó là khẳng định của ông Nguyễn Văn Cúc, ở thôn Lộc Xuân, xã Phú Lộc (Krông Năng, Đắk Lắk). Ông Cúc là một trong những hộ đầu tiên ở Tây Nguyên trồng mắc ca, đến nay mỗi năm ông thu trên 4 tấn quả. Câu chuyện ông Cúc trồng mắc ca đã diễn ra cách đây gần 9 năm, thời điểm đó, ông có một người bạn làm về nông nghiệp giới thiệu ông với Trung tâm Nghiên cứu Giống cây rừng (Viện Khoa học Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên) đem trồng thử nghiệm tại vườn ông. Với thỏa thuận, ông Cúc bỏ đất, còn kỹ thuật trồng, chăm sóc đều do cán bộ trung tâm làm. Năm 2004, Trung tâm Nghiên cứu Giống cây rừng đã tiến hành trồng thử nghiệm 170 cây với nhiều loại giống khác nhau xen với diện tích 1 ha cà phê (cứ hai hàng cà phê phá bỏ một hàng trồng mắc ca). Tiếp đến năm 2006, trồng thêm 100 cây.

Sau 3 năm trồng, mắc ca cho quả bói, sang năm thứ 4 gia đình ông Cúc thu được 1 tấn quả. Và các năm tiếp theo sản lượng tăng lên, đến năm thứ 8, với hơn 270 cây mắc ca gia đình Cúc thu được hơn 4 tấn quả. Khi nghe tin như vậy nhiều công ty đã tìm đến gia đình ông để kí hợp đồng thu mua với giá 120.000 đồng/kg, tuy nhiên ông không bán mà dùng số quả này để nhân giống theo đơn đặt hàng của Trung tâm Nghiên cứu Giống cây rừng, còn lại mới bán ra thị trường. Biết được hiệu quả kinh tế đem lại rất lớn, ông Cúc tiếp tục chuyển đổi dần 4 ha cà phê già cỗi sang trồng mắc ca, nâng tổng số diện tích lên 5 ha. Cây mắc ca ông trồng rất “mát tay”, cứ đến năm thứ 3 bắt đầu cho ra quả bói, các năm tiếp theo năng suất tăng dần.


Dẫn tôi tham quan vườn mắc ca xanh ngắt, quả trĩu cành, ông Cúc cho hay: “Mặc dù trồng xen với cà phê già cỗi (trên 20 năm) ấy thế mà năng suất cà phê không giảm. Tôi vừa thu được mắc ca, vừa thu được cà phê, nâng cao kinh tế trên cùng một diện tích”. Nói về mắc ca, ông Cúc so sánh, 1 ha cà phê có khoảng 1.100 cây, tính trung bình mỗi năm thu được 3,8 tấn, hiện tại bán giá 41.000 đồng/kg thu 155 triệu đồng. Trong khi trồng 1 ha mắc ca khoảng 300 cây, đến thời điểm 9 năm tuổi thu 4,5 tấn bán với giá 120.000 đồng/kg được 540 triệu đồng. Về chi phí, mỗi năm 1 cây mắc ca chỉ tốn hết 3kg phân, hết 9 tạ/ha, trong khi đó trồng cà phê cũng bón 3kg/cây mất 3,3 tấn/ha. Như vậy, trồng mắc ca thu được tiền nhiều, trong khi chi ít phân bón so với cây cà phê. Ngoài ra trồng mắc ca chịu hạn, công chăm sóc ít, còn trồng cà phê ngốn hết cả đống tiền chi phí cho xăng, dầu, điện tưới nước, công chăm sóc… “Từ kết quả trên, tính ra mỗi ha mắc ca hiệu quả kinh tế gấp 5 lần so với cà phê. Tuy nhiên điều tôi đáng lo ngại là chưa biết trong tương lai đầu ra của sản phẩm như thế nào.

Nói về kinh nghiệm, ông Cúc cho rằng, mắc ca quan trọng là nguồn giống, đây là yếu tố quyết định đến năng suất. Tại vườn nhà ông cũng có trồng một số loại giống Thái Lan, Trung Quốc, cho năng suất rất kém. Ngoài ra người trồng nên chú ý đến cây ghép và cây thực sinh, bởi hai loại cho năng suất khác hẳn, mắc ca ghép chất lượng tốt hơn.

Sau 9 năm trồng, cây mắc ca cho năng suất từ 7-9 kg hạt/cây với một số giống, cá biệt có những cây cho năng suất hơn 10 kg/cây/năm. Nếu so sánh với năng suất của vùng nguyên sản cây mắc ca, tại Úc vào năm thứ 10 năng suất trung bình trên cây đạt 10 kg hạt/năm, vào giai đoạn kinh doanh ổn định (từ năm thứ 12 trở đi) năng suất trung bình trên cây chỉ cần từ 12-15 kg là đạt hiệu quả.

Cũng theo nghiên cứu của Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên, lợi nhuận từ cây mắc ca cao hơn so với các cây công nghiệp dài ngày ở Tây Nguyên như cao su, cà phê. Với năng suất đạt được từ 3-5 tấn hạt/ha, giá bán 60.000 đồng/kg (theo giá thị trường thế giới hiện nay) hạt thì giá trị thu được từ một ha mắc-ca vào khoảng 180 triệu – 300 triệu đồng/ha/năm, lợi nhuận ước tính vào khoảng 150 đến 250 triệu đồng/ha/năm.

Nếu trồng xen trong vườn cà phê với mật độ từ 100 đến 120 cây/ha, năng suất mắc ca thu được vào thời kỳ kinh doanh vào khoảng từ 1,2 đến 1,5 tấn hạt/ha, giá trị thu được tăng thêm từ mắc-ca trồng xen sẽ từ 70 - 90 triệu đồng, đồng thời còn tăng tính bền vững hơn cho vườn cà phê.

Thạc sĩ Trần Vinh, Trưởng bộ môn Lâm nghiệp và cây ăn quả – Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp (KHKTNLN) Tây Nguyên cho biết: Trong 6 năm qua, Viện đã nhập 5 giống mắc ca có nguồn gốc từ Trung Quốc, 6 giống từ Thái Lan và 8 giống từ Úc trồng thử nghiệm trên diện tích 1,5 ha, mật độ 400 cây/ha.

Ngoài ra, Viện đã nghiên cứu trồng xen mắc ca với 3 loại cây cà phê vối, cà phê chè và ca cao với diện tích 3 ha; trồng thuần 2 ha mắc ca bằng cây thực sinh tại Đắk Lắk, Lâm Đồng và Gia Lai. Nhiều vườn cây từ năm thứ 3 trở đi bắt đầu cho trái có hạt năng suất rất khá, từ 4-5 kg hạt/cây, có cây cho 7-8 kg hạt.

Hiện hạt mắc ca thô trên thị trường thế giới có giá từ 1,5-2 USD/kg, giá trị thu được từ 4.500-6.000 USD/ha trở lên. So với cà phê hiện nay chỉ thu từ 3.500-4.000 USD/ha thì thu nhập từ cây mắc ca, với năng suất trên 3 tấn hạt thô/ha, cao hơn nhiều.

Ông Vinh nhận xét: “Phát triển cây mắc ca không chỉ đem lại thu nhập cao cho nông dân Tây Nguyên mà còn có ý nghĩa tránh rủi ro khi độc canh cà phê. Với đặc điểm chịu hạn tốt, mắc ca vẫn sinh trưởng trong điều kiện đất trồng thiếu nước, hết sức có lợi cho môi trường; có thể làm cây che bóng cho cà phê, hoặc trồng thành rừng nhưng vẫn cho thu nhập không nhỏ hằng năm”.

Với những kết quả khả quan từ nghiên cứu khảo nghiệm, các nhà quản lý, nhà khoa học và người nông dân kỳ vọng đây là cây “thoát nghèo” cho đồng bào vùng Tây Nguyên. Tuy nhiên theo Tiến sĩ Trần Vinh nhận xét: “Qua nghiên cứu, Viện đánh giá đây là một cây khó trồng, bởi phụ thuộc vào điều kiện sinh thái. Mắc ca chỉ thích hợp với vùng á nhiệt đới, do đó, trồng được ở Tây Nguyên nhưng phải có chọn lọc. Chúng ta nên trồng ở những vùng có nhiệt độ lạnh. Thời điểm cây ra hoa thích nghi nhiệt độ từ 18-25 độ C, nhưng ở Tây Nguyên có rất ít vùng có nhiệt độ như vậy.

Theo định hướng quy hoạch phát triển cây mắc-ca của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tây Nguyên là vùng quy hoạch chính để phát triển cây mắc-ca với diện tích ước tính có thể lên đến 200.000 ha và kỳ vọng đạt được 200.000 tấn hạt thô vào năm 2025. Từ đó, đưa Việt Nam trở thành một cường quốc về cây mắc ca.

Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu đó và tránh rủi ro cho nông dân, các ngành chức năng cần giải quyết một số “bài toán” như: xây dựng quy hoạch vùng trồng; tạo nguồn giống có chất lượng; ban hành bộ quy chuẩn kỹ thuật canh tác; thu mua, chế biến, tìm đầu ra cho sản phẩm…

Các nhà khoa học cảnh báo nếu cứ ồ ạt trồng cây mắc ca như hiện nay thì sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro. Tiến sĩ Lê Ngọc Báu phân tích: phải mất 4 năm, thậm chí 7 năm loại cây này mới cho trái và từ 10 năm trở lên mới cho thu nhập ổn định, bởi vậy, nếu người dân trồng ở vùng không thích hợp về khí hậu, đất đại, chọn nguồn giống không tốt khiến cây không có quả hoặc quả ít thì xem như mất cả chì lẫn chài.

Như vậy, có thể nói, cây mắc ca có triển vọng phát triển trên địa bàn Tây Nguyên. Tuy nhiên, đây là loài cây mới nên cần phải được đánh giá kỹ trước khi phổ biến rộng rãi ra sản suất, đặc biệt là công tác chọn giống và quy hoạch vùng trồng cho cây mắc ca. Đồng thời, Nhà nước cần cho chủ trương, chính sách phát triển loại cây này nếu đánh giá hiệu quả kinh tế tốt. Đừng để nông dân tự “bơi”, tự phát rất nguy hiểm, dễ phát sinh rủi ro… tái diễn điệp khúc trồng chặt như một tiền lệ ở Tây Nguyên đã từng diễn ra đối với một số loại cây trồng./.