Tháng 05/2016, ngành nông nghiệp tiếp tục gặp khó
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong 05 tháng đầu năm 2016, nhiều mặt hàng nông sản trên cả nước ghi nhận mức giảm sản lượng so với cùng kỳ năm trước.
Sản lượng lúa vùng Bắc Trung bộ đã cho thu hoạch khoảng 70%-80% diện tích gieo cấy. Tại các tỉnh phía Nam đã cơ bản thu hoạch xong lúa Đông Xuân, diện tích thu hoạch toàn Miền đạt gần 1.834 ngàn ha, đạt 95,3% diện tích gieo cấy và bằng 95,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đã hoàn tất thu hoạch với sản lượng ước tính 10.127 ngàn tấn, giảm khoảng 1,13 triệu tấn (-10,2%) so với cùng kỳ.
Sản xuất nông nghiệp chịu hệ lụy nặng nề nhất do hạn hán và xâm nhập mặn.
Ngoài lúa, trong tháng 05/2016 các địa phương trong cả nước đã bắt đầu triển khai trồng các cây rau màu, cây công nghiệp ngắn ngày vụ hè thu, mùa. Tính từ đầu năm đến ngày 15/05, tổng diện tích gieo trồng các cây hoa màu trên cả nước mới đạt gần 993 ngàn ha, bằng 97,3% so với cùng kỳ năm trước; trong đó diện tích ngô đạt gần 649 ngàn ha, bằng xấp xỉ 93%; khoai lang đạt gần 82 ngàn ha, bằng 92%; sắn đạt 255,8 ngàn ha, bằng 92,9% so với cùng kỳ năm trước. Tổng diện tích cây công nghiệp ngắn ngày đạt 342,1 ngàn ha, bằng 84,3% so với cùng kỳ năm trước.
Chăn nuôi gia súc chịu ảnh hưởng của khô hạn ở miền Trung và Tây Nguyên trong thời gian vừa qua, lượng nước trên địa bàn khan hiếm, các đồng cỏ bị khô cháy dẫn đến thiếu hụt nguồn thức ăn cho đàn gia súc. Theo số liệu ước tính của Tổng cục Thống kê, tổng số trâu cả nước tháng 05 giảm 1,5-2%, tổng số bò tăng khoảng 1-1,5% so với cùng kỳ năm 2015. Chăn nuôi gia cầm phát triển ổn định và duy trì đà tăng, ước tính tổng số gia cầm của cả nước tháng 05 tăng 3%-3,5% so với cùng kỳ năm 2015.
Trồng mới rừng tập trung đạt tiến độ nhanh hơn so cùng kỳ năm 2015, tính đến ngày 20/5 diện tích trồng mới rừng tập trung đạt 60,8 nghìn ha, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Trồng mới rừng sản xuất đạt 59,9 nghìn ha, tăng 10,3% so với cùng kỳ năm trước. Trung du và miền núi phía Bắc là vùng có tiến độ trồng rừng nhanh nhất đạt 38,5 ngàn ha tăng 12,25 so với cùng kỳ. Sản lượng gỗ khai thác ước đạt 2.854 nghìn m3, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước.
Diện tích rừng trồng tập trung chỉ tăng 0,7%, trong khi sản lượng gỗ khai thác tăng 7,4% và diện tích rừng bị thiệt hại tăng gấp hai lần.
Sản lượng thủy sản ước tăng 1,8%; riêng tháng 05, sản lượng thủy sản nuôi trồng giảm 0,8% (cá giảm 1,1%, trong đó cá tra giảm tới 10,2%; tôm giảm 2,5%, trong đó tôm sú và tôm thẻ chân trắng ước giảm 10,4%, ở Cà Mau tới 45% diện tích nuôi tôm bị bỏ hoang); Sản lượng thủy sản khai thác tăng 1,3%, thấp hơn mức tăng của cùng kỳ các năm gần đây.
Một điểm sáng của “bức tranh” nông nghiệp trong tháng 05/2016, đó là kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản ước đạt 2,32 tỷ USD, đưa tổng giá trị xuất khẩu 05 tháng đầu năm 2016 đạt 12,18 tỷ USD, tăng 4,9% so với cùng kỳ năm 2015. Trong đó, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính ước đạt 6,05 tỷ USD, tăng 6,6% so với cùng kỳ năm 2015; Giá trị xuất khẩu thuỷ sản ước đạt 2,43 tỷ USD, tăng 1,1% so với cùng kỳ năm 2015; Giá trị xuất khẩu các mặt hàng lâm sản chính ước đạt 2,69 tỷ USD, giảm 1,8% so với cùng kỳ năm 2015.
Bên cạnh đó, cũng đã có nhiều dấu hiệu tốt trong nông nghiệp, nhất là việc mở rộng áp dụng công nghệ sản xuất sạch và công nghệ tiên tiến trong bảo quản, chế biến, giúp hàng nông sản, nhất là hoa quả ngày càng có mặt rộng rãi trên thế giới, với lượng cầu và giá cả cao hơn, giảm sự phụ thuộc vào thị trường duy nhất (xuất khẩu rau quả trong 05 tháng qua đạt 01 tỷ USD, tăng 53,7% so cùng kỳ năm trước).
Cuối tháng 05/2016, Thượng viện Mỹ đã bỏ phiếu thông qua Nghị quyết hủy bỏ Chương trình giám sát đối với cá da trơn. Điều này giúp giảm áp lục cho các nhà xuất khẩu cá tra của Việt Nam vào Mỹ.
Ngoài ra, xu hướng tăng giá đường và gạo trên thế giới do nguồn cung giảm, tổng cầu tăng cũng giúp cải thiện giá cả có lợi cho người sản xuất./.
Bình luận