Tính chung từ đầu năm đến nay, CPI đã tăng 2,48%, trong khi mục tiêu Quốc hội đặt ra là ở mức 5%. CPI bình quân 7 tháng đầu năm 2016 so với cùng kỳ năm trước tăng 1,82%.

Tính chung từ đầu năm đến nay, CPI đã tăng 2,48%.

Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính, có 5 nhóm tăng với mức tăng như sau: Giao thông tăng 1,19%; Hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,17%; Nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,14%; Đồ uống và thuốc lá tăng 0,09%; Thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,06%. Có 4 nhóm ổn định hoặc chỉ tăng rất nhẹ: May mặc, mũ nón, giầy dép tăng 0,04%; Thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,02%; Văn hóa giải trí và du lịch tăng 0,01%; Giáo dục không thay đổi. Có 2 nhóm hàng giảm: Hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,05% và Bưu chính viễn thông giảm 0,1%.

Theo phân tích của Tổng cục Thống kê, một số nguyên nhân làm tăng CPI tháng 7/2016 là do: Trong tháng này diễn ra kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 và kỳ thi tốt nghiệp phổ thông trung học Quốc gia năm 2016, cùng với thời tiết nắng nóng nên nhu cầu dịch vụ ăn uống ngoài gia đình, giải khát, dịch vụ giao thông công cộng tăng làm cho giá các mặt hàng này tăng theo.

Bên cạnh đó, giá xăng, dầu còn ảnh hưởng từ đợt tăng giá ngày 04/6/2016 (mặc dù ngày 20/6/2016 và ngày 05/7/2016 tổng cộng giá xăng giảm 540 đồng/lít), bình quân tháng 7, chỉ số giá nhóm nhiên liệu tăng 2,55% so với tháng trước.

Hơn nữa, thời tiết nắng nóng nên nhu cầu sử dụng điện, nước tăng làm cho giá nước sinh hoạt tăng 0,14%, giá điện sinh hoạt tăng 1,16%.

Ở chiều ngược lại, theo lý giải của cơ quan thống kê, nguồn cung lương thực, thực phẩm trong nước dồi dào nên giá lương thực giảm và giá thực phẩm khá ổn định; Giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở giảm 0,44% do nhu cầu xây dựng giảm cùng với giá thép thế giới giảm; Giá gas giảm 3,02% là những nguyên nhân làm giảm CPI.

Không nằm trong rổ tính CPI, nhưng trong tháng 07, giá vàng và USD cũng thu hút sự quan tâm khi nhiều yếu tố bất ngờ tác động.

Trong tháng 7, chỉ số giá vàng đã tăng 5,36%. Theo Tổng cục Thống kê, giá vàng trong nước biến động theo giá vàng thế giới. Ngay sau khi có công bố kết quả trưng cầu dân ý ở Anh về việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (Brexit), cùng với việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) tiếp tục trì hoãn tiến trình tăng lãi suất, giá vàng thế giới đã tăng mạnh những ngày đầu tháng (giá vàng tăng ở mức trên 1.370 USD/ounce).

Sau đó giảm xuống, đến ngày 15/07/2016 giá vàng thế giới ở mức 1.329 USD/ounce.

Theo đó, giá vàng trong nước có lúc đã tăng ở mức gần 40 triệu đồng/lượng chủ yếu do yếu tố tâm lý, chênh lệch khá xa giữa giá mua - giá bán và giá thế giới sau khi quy đổi. Tuy nhiên ngay sau đó giá vàng trong nước đã nhanh chóng quay đầu giảm về mức trên 37 triệu đồng/lượng. Bình quân giá vàng trong nước ngày 15/7/2016 dao động quanh mức 36 triệu đồng/lượng vàng SJC.

Tổng cục Thống kê cho biết, sau sự kiện Brexit, diễn biến tỷ giá trong nước gần như không có biến động nào đáng kể. Sự ổn định của tỷ giá trong thời gian qua một phần cũng do diễn biến thuận lợi trên thị trường tài chính quốc tế, đồng USD giảm giá so với các đồng tiền khác sau khi FED tiếp tục trì hoãn tiến trình tăng lãi suất. Do đó, tỷ giá VND/USD tháng này khá ổn định xoay quanh 22.300VND/USD.

Lạm phát cơ bản (CPI sau khi loại trừ lương thực, thực phẩm tươi sống; năng lượng và mặt hàng do Nhà nước quản lý bao gồm dịch vụ y tế và dịch vụ giáo dục) tháng 07/2016 tăng 0,1% so với tháng trước, tăng 1,85% so với cùng kỳ; 07 tháng đầu năm 2016 so cùng kỳ năm 2015 tăng 1,81%.

Trong tháng 7, lạm phát chung của tháng có mức tăng cao hơn lạm phát cơ bản của tháng, điều này phản ánh biến động giá do yếu tố khách quan có mức tăng cao, đó là giá lương thực thực phẩm, giá xăng dầu. Bình quân 7 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm trước, lạm phát chung (tăng 1,82%) và lạm phát cơ bản (tăng 1,81%) gần tiệm cận với nhau, điều này thể hiện, chính sách tiền tệ vẫn đang được điều hành ổn định, giúp ổn định kinh tế vĩ mô./.