Tháng 11, thu hút FDI vẫn giữ đà tăng
Báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tính đến ngày 20/11/2021, tổng vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 26,46 tỷ USD, tăng 0,1% so với cùng kỳ năm trước.
Bảng: Đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tính đến 20/11 hằng năm
Tỷ USD
| 2017 | 2018 | 2019 | 2020 | 2021 |
Vốn đăng ký | 33,09 | 30,84 | 31,80 | 26,43 | 26,46 |
Đăng ký cấp mới | 19,80 | 15,79 | 14,68 | 13,56 | 14,06 |
Đăng ký điều chỉnh | 8,00 | 7,40 | 5,87 | 6,33 | 8,02 |
Góp vốn, mua cổ phần | 5,29 | 7,64 | 11,24 | 6,54 | 4,38 |
Vốn thực hiện | 16,00 | 16,50 | 17,62 | 17,85 | 17,10 |
Cụ thể, vốn đăng ký cấp mới có 1.577 dự án được cấp phép với số vốn đăng ký đạt 14,06 tỷ USD, giảm 31,8% về số dự án và tăng 3,7% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước; trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo được cấp phép mới đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất với số vốn đăng ký đạt 6,28 tỷ USD, chiếm 44,7% tổng vốn đăng ký cấp mới; ngành sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí đạt 5,32 tỷ USD, chiếm 37,8%; các ngành còn lại đạt 2,46 tỷ USD, chiếm 17,6%.
Vốn đăng ký điều chỉnh có 877 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư tăng thêm 8,02 tỷ USD, tăng 26,7% so với cùng kỳ năm trước.
Nếu tính cả vốn đăng ký mới và vốn đăng ký điều chỉnh của các dự án đã cấp phép từ các năm trước thì vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 12,78 tỷ USD, chiếm 57,9% tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm; ngành sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí đạt 5,58 tỷ USD, chiếm 25,3%; các ngành còn lại đạt 3,72 tỷ USD, chiếm 16,8%.
Nguồn: Cục Đầu tư nước ngoài |
Vốn đăng ký góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài có 3.466 lượt với tổng giá trị góp vốn 4,38 tỷ USD, giảm 33% so cùng kỳ năm trước. Trong đó, có 1.400 lượt góp vốn, mua cổ phần làm tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp với giá trị góp vốn là 2,61 tỷ USD và 2.066 lượt nhà đầu tư nước ngoài mua lại cổ phần trong nước mà không làm tăng vốn điều lệ với giá trị 1,77 tỷ USD.
Đối với hình thức góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, vốn đầu tư vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 1,24 tỷ USD, chiếm 28,4% giá trị góp vốn; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 982,7 triệu USD, chiếm 22,4%; ngành còn lại 2,16 tỷ USD, chiếm 49,2%.
Tuy nhiên, trái ngược với xu hướng tăng của vốn đăng ký, vốn đầu tư giải ngân tiếp tục giảm. 11 tháng, vốn đầu tư nước ngoài giải ngân ước đạt 17,1 tỷ USD, giảm 4,2% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó: Công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 12,44 tỷ USD, chiếm 72,8% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 2,27 tỷ USD, chiếm 13,3%; sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí đạt 1,31 tỷ USD, chiếm 7,7%.
Ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến vốn giải ngân suy giảm. Song theo Cục Đầu tư nước ngoài, đại dịch đang dần được kiểm soát; Chính phủ và các cơ quan chức năng đã kịp thời vào cuộc, ban hành nhiều giải pháp, chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; các doanh nghiệp cũng đang dần khôi phục hoạt động sản xuất - kinh doanh. Điều này sẽ hỗ trợ cho giải ngân vốn đầu tư nước ngoài trong thời gian tới.
Trong số 68 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư được cấp phép mới tại Việt Nam trong 11 tháng, Singapore là nhà đầu tư lớn nhất với 5,35 tỷ USD, chiếm 38,1% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Nhật Bản 2,71 tỷ USD, chiếm 19,3%; Trung Quốc 1,63 tỷ USD, chiếm 11,6%; Đặc khu hành chính Hồng Công (Trung Quốc) 1,56 tỷ USD, chiếm 11,1%; Hàn Quốc 1,06 tỷ USD, chiếm 7,5%; Hoa Kỳ 371,6 triệu USD, chiếm 2,6%./.
Bình luận