Dư luận đang băn khoăn về tính công bằng khi áp dụng thi chung

Đổi mới từ cách thức, tổ chức thi

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố kỳ thi quốc gia sử dụng kết quả cho mục đích xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng chính thức được thực hiện từ năm 2015. Theo đó, để được xét công nhận tốt nghiệp THPT và xét tuyển sinh vào các trường đại học, cao đẳng, thí sinh phải thi bốn môn (gọi là bốn môn thi tối thiểu) gồm ba môn bắt buộc là toán, ngữ văn, ngoại ngữ và một môn tự chọn trong số các môn vật lý, hóa học, sinh học, lịch sử và địa lý. Ngoài bốn môn thi tối thiểu, thí sinh có thể đăng ký thi thêm các môn khác trong số các môn tự chọn để có thêm cơ hội xét tuyển vào đại học, cao đẳng. Thí sinh đã tốt nghiệp THPT các năm trước chỉ đăng ký các môn thi phục vụ tuyển sinh đại học, cao đẳng.

Thí sinh không học môn ngoại ngữ hoặc học trong điều kiện không đảm bảo chất lượng được chọn môn thi thay thế môn ngoại ngữ trong số các môn tự chọn. Thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ theo quy định do Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố sẽ được miễn thi tốt nghiệp THPT môn ngoại ngữ.

Đặc biệt, từ năm 2015 bộ sẽ chấm dứt việc quy định thi theo khối, mà việc lựa chọn môn thi hoàn toàn thuộc quyền tự chủ của từng trường. Sau kỳ thi, nhận kết quả, thí sinh mới đăng ký nguyện vọng vào trường đại học phù hợp.

Về xác định cụm thi, Bộ Giáo dục và Đào tạo dự kiến phân thành hai loại cụm thi: Một là, thành lập khoảng 20 cụm thi do các trường đại học chủ trì; Hai là, các cụm thi do địa phương tổ chức. Đề thi sẽ không kiểm tra học thuộc lòng, mà kiểm tra mức độ hiểu biết, vận dụng kiến thức tổng hợp của học sinh.

Lý do lựa chọn hai loại cụm thi được đưa ra là vì một số tỉnh miền núi, một huyện rộng bằng cả tỉnh dưới đồng bằng, trong khi đó nhiều em không có nhu cầu vào đại học, bắt học sinh đi lại quá xa xôi, thì tốn kém và vất vả nên tổ chức cụm thi do địa phương tổ chức. Còn những học sinh muốn vào đại học thì thi ở cụm do các trường đại học tổ chức.

Tiêu chí xác định cụm thi sẽ căn cứ vào năng lực của các trường đại học như cơ sở vật chất, đội ngũ, kinh nghiệm tổ chức thi để xác định trường đại học nào được chủ trì cụm thi. Đồng thời, địa phương phải chấn chỉnh để kỳ thi nghiêm túc để không xảy ra tiêu cực, tạo sự công bằng trong thi cử.

Về khâu xét tuyển vào đại học, không chỉ dành cho các thí sinh thi tại các cụm trường đại học, mà các học sinh thi ở cụm địa phương cũng có cơ hội được xét tuyển. Cụ thể, có nhiều trường xét tuyển học tập ba năm phổ thông, hoặc lớp 12 hoặc có bài test; cũng có trường đại học tuyên bố sử dụng kết quả ở cụm địa phương, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng không cấm.

Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định, trước ngày 1/1 hàng năm, tất cả các trường đại học, cao đẳng sẽ phải công khai mức độ và cách thức sử dụng kết quả thi chung để tuyển thí sinh vào trường.

Sau kỳ thi quốc gia, các trường có thể đưa ra mức điểm xét tuyển để thí sinh căn cứ vào kết quả thi của mình đăng ký.

Với phương thức này, thí sinh không bị giới hạn nguyện vọng vào các trường đại học, có cơ hội xét tuyển vào nhiều trường, nhiều ngành với môn dự thi ít hơn trước rất nhiều.

Tuy nhiên, để việc xét tuyển đại học hiệu quả, không gây băn khoăn về chất lượng tuyển sinh, thì các trường sẽ chủ yếu sử dụng kết quả tại các cụm thi của trường đại học.

Về điều kiện xét tốt nghiệp, năm 2014 đã thực hiện quy định tính điểm rèn luyện, điểm thi lớp 12 chiếm 50%, 50% còn lại là kết quả thi chung.

Quan trọng nhất là tính công bằng của kỳ thi

Với việc chia thành hai loại cụm thi do các trường đại học chủ trì và do địa phương chủ trì gây nhiều băn khoăn về kết quả và tính công bằng của kỳ thi. Nhiều giả thiết được các đại biểu đặt ra như nếu xảy ra tình trạng tiêu cực thì có thi lại không để bảo đảm công bằng cho các thí sinh? Nếu thí sinh thi ở cụm địa phương nhưng điểm cao thì có được xét tuyển vào đại học, cao đẳng hay không?

Phân tích về vấn đề này, GS. Đào Trọng Thi - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội cũng cho rằng Bộ cần tính toán kỹ hơn cụm thi ở địa phương. Chắc chắn tính nghiêm túc của 2 cụm thi này sẽ khác nhau vì tiêu chí coi thi ở 2 cụm thi khác nhau, và theo đó, dự báo, thi ở cụm thi của trường đại học điểm thi sẽ thấp hơn, thi ở cụm thi ở địa phương điểm cao hơn.

Như vậy sẽ không bảo đảm công bằng cho học sinh, kể cả trong xét tốt nghiệp và xét tuyển đại học và không tạo mặt bằng chung. Mặt khác, các trường thi riêng sẽ vẫn được xét tuyển thí sinh thi ở cụm thi địa phương. Vì thế, cần dự phòng để hạn chế việc thí sinh chỉ thi ở cụm thi địa phương, sau đó có điểm cao thì nộp đơn vào các trường tuyển sinh riêng.

Tuy nhiên, trên cơ sở lập luận “độ tin cậy của kỳ thi là do cách coi thi, chấm thi nhiều hơn, chứ không phải do kết quả thi”, nên Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tổ chức giám sát, thanh tra rất chặt chẽ từng khâu. Kể cả sau khi học sinh đã thi đỗ thì công tác giám sát vẫn tiếp tục. Bên cạnh đó, Bộ trưởng Luận cũng đề nghị UBND các tỉnh chỉ đạo các sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với các trường đại học để làm tốt việc này./.

Nguồn tham khảo:
http://www.vietnamplus.vn/nong-phien-giai-trinh-cua-bo-truong-pham-vu-luan-ve-chuyen-cum-thi/282615.vnp
http://tuoitre.vn/tin/giao-duc/20140910/9-diem-moi-cua-ky-thi-quoc-gia/643711.html
http://plo.vn/giao-duc/bo-truong-pham-vu-luan-doi-moi-thi-khong-bat-ngo-gvhs-don-nhan-thuan-loi-497876.html