Cụ thể là, trong tháng 09/2019, doanh số bán hàng của toàn thị trường đạt 27.767 xe. Trong đó, xe du lịch đạt 20.916, tăng 37% so với tháng trước; xe thương mại đạt 6.532, tăng 10%; xe chuyên dụng đạt 319 chiếc, tăng 10%. Trong khi đó, sản lượng của xe lắp ráp trong nước đạt 16.994 xe, tăng 35% so với tháng trước và số lượng xe nhập khẩu nguyên chiếc là 10.773 xe, tăng 21% so với tháng trước.

Biểu đồ 1: Sản lượng tiêu thụ ô tô toàn thị trường từ tháng 01-09/2019

Nhìn vào doanh số bán xe trong tháng này cho thấy, tâm lý người mua xe vẫn bị chi phối khá nhiều bởi yếu tố tháng “ngâu”. Sau khi kết thúc tháng “ngâu”, sản lượng tiêu thụ ô tô tăng mạnh ở cả 3 dòng xe. Đây cũng là tháng có sản lượng tiêu thụ cao thứ 3 từ đầu năm 2019. Tính chung 9 tháng đầu năm 2019, tổng doanh số bán hàng của toàn thị trường tăng 18% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xe ô tô du lịch tăng 30%; xe thương mại giảm 3% và xe chuyên dụng giảm 27% so với cùng kỳ năm ngoái. Đối với xe lắp ráp, tính đến hết tháng 09/2019, doanh số bán hàng của xe lắp ráp trong nước giảm 13% trong khi xe nhập khẩu tăng 150% so với cùng kỳ năm ngoái.

Biểu đồ 2: Sản lượng tiêu thụ ô tô lắp ráp và xe nhập khẩu từ tháng 01-09/2019

Đối với các thành viên VAMA, mức tiêu thụ cũng cho thấy, trong tháng 09/2019, hầu hết các thành viên đều có sự tăng mạnh về sản lượng tiêu thụ, đáng chú ý là nhà phân phối Mitsubishi đã vươn lên vị trí thứ 3. Hiện tại, Thaco tiếp tục duy trì vị trí số 1. Cụ thể là: Doanh số tiêu thụ của Thaco đạt 7.536 chiếc, chiếm 27,9% thị phần, tăng 7% so với cùng kỳ và tăng 26% so với tháng trước; bán sát là Toyota, với sản lượng tiêu thụ đạt 4.334 chiếc, chiếm 27,1% thị phần, tăng lần lượt là 17% và 45%; Mitsubishi, chiếm 11,3% thị phần, với sản lượng tiêu thụ đạt 3.063 chiếc, tăng lần lượt là 204% và 46%; Honda với sản lượng tiêu thị đạt 2.866 chiếm 10,6% thị phần, tăng lần lượt là 21% và 54%; tiếp theo là Ford với sản lượng tiêu thụ đạt 2.501 chiếc, chiếm 9,2% thị phần.../.