Thu hẹp khoảng cách phát triển giữa Tây Bắc với cả nước
Đó là chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Bắc tại Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2015 của Ban Chỉ đạo diễn ra vào ngày 09/07.
Nỗ lực lớn, song khó khăn vẫn còn nhiều
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Tây Bắc, trong 6 tháng đầu năm 2015, kinh tế trên địa bàn phát triển khá, tốc độ tăng trưởng GDP ước đạt 7,75%; thu ngân sách tăng 15,9% so với cùng kỳ năm 2014.
Hoạt động xúc tiến đầu tư được triển khai có hiệu quả, tạo động lực phát triển của từng địa phương.
Sản xuất nông, lâm nghiệp vùng Tây Bắc phát triển ổn định trên tất cả các tiểu ngành. Hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch được các địa phương tổ chức phù hợp với từng địa bàn, giàu bản sắc dân tộc và có ý nghĩa giáo dục sâu sắc. Quy mô mạng lưới trường lớp học được củng cố, cơ sở vật chất được đầu tư, phong trào khuyến học được chú trọng; tiếp tục duy trì phổ cập trung học cơ sở, tiểu học và mầm non.
Bên cạnh đó, công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân được chú trọng; các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế, dân số kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc bảo vệ bà mẹ và trẻ em được thực hiện có hiệu quả. 6 tháng đầu năm, toàn Vùng không xảy ra dịch bệnh lớn. Công tác đào tạo nghề và tạo việc làm mới được triển khai tích cực. Đời sống kinh tế - xã hội của nhân dân trong vùng cơ bản ổn định...
Cuộc sống người dân vùng Tây Bắc còn nhiều khó khăn
Các địa phương cũng đã tích cực triển khai chương trình, dự án liên quan đến công tác xóa đói, giảm nghèo cho đồng bào nhất là vùng sâu, vùng xa. Kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn miền núi được gắn với xây dựng nông thôn mới. Tây Bắc cũng đã thực hiện tốt chính sách dân tộc và an sinh xã hội. Đồng thời, tiếp tục hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho hộ nghèo ở các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn. Tăng cường các dịch vụ y tế, giáo dục; bố trí, sắp xếp ổn định dân cư...
Song, theo Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, vùng Tây Bắc vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế. Hiện nay, đời sống của nhân dân còn nhiều khó khăn, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa.
Đặc biệt, tình trạng đói giáp hạt còn xảy ra ở nhiều địa phương (06 tháng đầu năm toàn Vùng có khoảng 70.200 lượt hộ/270.600 lượt nhân khẩu thiếu đói).
Hiện nay, một số điểm tái định cư còn thiếu đất sản xuất, người lao động thiếu việc làm, phần lớn chưa được đào tạo nghề, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội chưa đồng bộ.
Tình trạng di cư tự do vẫn tiếp diễn, trong 06 tháng đầu năm, đã phát hiện 239 hộ/1.510 khẩu di cư tự do.
Liên quan đến đời sống của đồng bào vùng tái định cư thủy điện, theo báo cáo của UBND các tỉnh, nhìn chung hiện nay, tại các khu, điểm định cư các dự án thủy điện, tình trạng nghèo đói đang có nguy cơ gia tăng.
Tỷ lệ hộ nghèo ở các khu tái định cư của dự án thủy điện thường cao hơn so với tỷ lệ nghèo trung bình ở các địa phương trong tỉnh. Đến nay, sau rất nhiều năm, các công trình thủy điện đi vào hoạt động nhưng đời sống và sản xuất của người dân khi hết hạn hỗ trợ của dự án còn gặp rất nhiều khó khăn.
Tập trung nguồn lực để xóa nghèo cho vùng Tây Bắc
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã yêu cầu các địa phương trong Vùng cần đánh giá kỹ tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm. Đồng thời, cần thảo luận sâu một số chuyên đề về công tác bảo đảm an ninh biên giới, an ninh đối ngoại vùng Tây Bắc, đời sống và sản xuất của đồng bào tái định cư các dự án thủy điện, cũng như tình hình tôn giáo và công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động tôn giáo, công tác an sinh xã hội.
Trong công tác xóa đói giảm nghèo, Phó Thủ tướng cho rằng, cần tập trung hơn các nguồn lực đầu tư phát triển cho khu vực với mục tiêu trọng tâm là xóa đói giảm nghèo, từng bước thu hẹp khoảng cách phát triển giữa Tây Bắc với cả nước.
Trong quá trình chỉ đạo, điều hành cần nắm chắc các vấn đề phát sinh để giải quyết kịp thời, trong đó kiên quyết không được để dân thiếu đói.
Phó Thủ tướng cũng lưu ý các địa phương cần bố trí nguồn thu từ thủy điện, từ môi trường rừng để giải quyết đời sống cho đồng bào tái định cư vùng thủy điện, đồng thời đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu ban hành các chính sách đặc thù cho vùng tái định cư thủy điện.
Đối với các vấn đề an ninh quốc phòng, Phó Thủ tướng yêu cầu các lực lượng, các cấp chính quyền kiên quyết không để xảy ra bất cứ tình huống đột xuất, bất ngờ nào.
Các tỉnh có đường biên giới cần thực hiện có hiệu quả các giải pháp chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, bảo vệ sức khỏe và nền sản xuất trong nước, chống thất thu ngân sách nhà nước.
Lãnh đạo các tỉnh cũng cần đặc biệt chú ý phòng chống thiên tai trong mùa mưa bão, có các biện pháp phòng chống hiệu quả, kịp thời để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản đối với người dân.../.
Bình luận