Thúc đẩy sự liên kết vùng trong phát triển du lịch các tỉnh miền núi Tây Bắc: Thực trạng và giải pháp
SỰ CẦN THIẾT PHẢI LIÊN KẾT VÙNG TRONG PHÁT TRIỂN DU LỊCH
Ngày nay, du lịch đã trở thành một ngành kinh tế lớn nhất thế giới. Tại nhiều quốc gia, du lịch là 1 trong 3 ngành kinh tế hàng đầu. Du lịch không còn là vấn đề của riêng một vùng hay một quốc gia, mà nó đã trở thành vấn đề toàn cầu. Nhiều nước đã dùng tiêu chí du lịch như một tiêu chí để đánh giá sự phát triển kinh tế cũng như đánh giá chất lượng cuộc sống của người dân quốc gia mình. Du lịch đối với mỗi quốc gia là nguồn thu ngoại tệ quan trọng nhất trong các hoạt động thu ngoại tệ.
|
Trong giai đoạn toàn cầu hóa hiện nay, xu hướng liên kết là một quy luật tất yếu của sự phát triển. Liên kết chính là phương châm cho sự phát triển du lịch trong giai đoạn tới nhằm đón đầu xu hướng thế giới dịch chuyển nguồn khách du lịch từ châu Âu sang châu Á. Liên kết vùng để tạo các sản phẩm du lịch mang tính đặc thù và độc đáo nhằm thu hút sự quan tâm của du khách đã và đang được tiến hành triển khai tại nhiều nơi trên thế giới cũng như tại Việt Nam. Việc liên kết vùng khiến sản phẩm du lịch có thể tận dụng được nhiều thế mạnh, nâng cao tính cạnh tranh và có độ bền vững cao. Liên kết vùng, tiểu vùng trong phát triển du lịch góp phần tạo ra lợi thế về quy mô, tiết kiệm các chi phí trong quảng bá, tổ chức các tour du lịch, cũng như đầu tư kết cấu hạ tầng, chi phí đào tạo...; hạn chế tính cạnh tranh giữa các địa phương trong vùng có sản phẩm du lịch giống nhau; tăng giá trị gia tăng cho các sản phẩm du lịch. Tuy nhiên, việc liên kết vùng trong du lịch yêu cầu các thành phần liên kết cần thuận lợi về không gian lãnh thổ và điểm tương đồng về tài nguyên để có thể phát huy điểm mạnh và tận dụng tối đa các tài nguyên du lịch cũng như cơ sở vật chất đáp ứng cho sản phẩm du lịch [1].
THỰC TRẠNG LIÊN KẾT VÙNG DU LỊCH TẠI CÁC TỈNH MIỀN NÚI TÂY BẮC
Tiềm năng du lịch lớn
Tây Bắc là một vùng rộng lớn gồm 6 tỉnh: Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái có nhiều tiềm năng, thế mạnh về phát triển du lịch.
Về tài nguyên thiên nhiên, khí hậu: Tây Bắc có khí hậu thuận lợi để phát triển du lịch. Nhiệt độ trung bình năm 230C, độ ẩm trong năm trung bình trên 80%, lượng mưa trung bình năm từ 1.200-1.800 mm. Khí hậu chia thành 2 mùa: Mùa mưa và mùa khô. Mùa khô rất thuận lợi để phát triển du lịch. Một số nơi ở khu vực có địa hình cao, khí hậu mát mẻ, có thể xây dựng được những khu nghỉ dưỡng, các trung tâm an dưỡng, chữa bệnh, như: Mộc Châu, Ngọc Chiến, Co Mạ (Sơn La), Sìn Hồ (Lai Châu)… Trên cao nguyên Mộc Châu, Sìn Hồ, khí hậu lạnh có thể trồng hoa, nuôi bò sữa, trồng các loại cây ăn quả… du khách có thể tham gia trải nghiệm cùng người dân địa phương những công việc nương rẫy, trồng hoa, ngắm cảnh…
Nguồn tài nguyên sinh vật trong Vùng khá phong phú và đặc trưng, rất thuận lợi để phát triển du lịch. Các khu bảo tồn thiên nhiên có ý nghĩa để phát triển du lịch, như: khu bảo tồn Xuân Nha (Sơn La), Mường Nhé (Điện Biên)… Các hoạt động du lịch chủ yếu ở đây là tham quan, ngắm cảnh, nghiên cứu, dã ngoại.
Về tài nguyên nhân văn: Vùng có 24 dân tộc trong tổng số 54 dân tộc của Việt Nam, mỗi dân tộc có nét văn hóa riêng, như: Tày, Nùng, Thái, Mường, Mông, Dao, Kinh, Hoa, Khơ Mú, La Ha, Xinh Mun, Lào, Lự, Hà Nhì, Kháng, La Hủ, Si La, Phù Lá, Bố Y, Mảng, Giáy... Cuộc sống sinh hoạt, tập tục, truyền thống canh tác, lễ hội, ẩm thực, âm nhạc của các dân tộc được gìn giữ nhiều nơi còn nguyên vẹn là sức hấp dẫn lớn đối với khách du lịch. Những điệu múa sạp, múa xòe, hát then, đàn tính, múa khèn là những nét sinh hoạt truyền thống của các dân tộc Thái, Tày, Mông được trình diễn, thu hút sự quan tâm của du khách. Các chợ phiên đầy màu sắc trên vùng cao, như: chợ Bắc Hà nơi tập trung của những sắc màu thổ cẩm; những sinh hoạt truyền thống đặc sắc, như: chợ tình Khâu Vai, những lễ hội Lồng Tồng... còn nguyên vẹn các giá trị sinh hoạt văn hóa truyền thống có sức hút lớn cho khách tìm hiểu, khám phá. Trong đó, hiện nay có 2 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO công nhận là Hát Xoan và Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương.
Ngoài ra, Tây Bắc còn có nhiều di tích lịch sử có ý nghĩa để phát triển du lịch. Có giá trị lịch sử lớn nhất Vùng là di tích chiến trường Điện Biên. Nơi đây đã ghi lại chiến công oanh liệt của quân và dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến trường kì chống thực dân Pháp. Các di tích như: khu Mường Phăng (là sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ của bộ đội Việt Nam), khu đồi A1, hầm Đờ Cát (là khu chỉ huy của thực dân Pháp)… đều có giá trị cao trong việc phát triển du lịch, tham quan nghiên cứu lịch sử, về nguồn.
Tương tự, ở Sơn La cũng có những di tích lịch sử có giá trị lớn trong việc phát triển du lịch. Điển hình là di tích nhà ngục Sơn La, đã được xếp hạng là di tích cấp quốc gia, có sức thu hút khách du lịch cao.
Thực trạng liên kết vùng du lịch tại vùng Tây Bắc thời gian qua
Một số kết quả bước đầu
Với tiềm năng sẵn có, lượng du khách đến Tây Bắc tăng hàng năm. Năm 2019, tổng lượng khách đến với khu vực Tây Bắc đạt gần 35 triệu lượt khách, tăng 70,5% so với năm 2018; trong đó, khách quốc tế đạt gần 5 triệu lượt, tăng 52%, doanh thu đạt gần 53.000 tỷ đồng, tăng 30,6% [4]. Đối với vùng Tây Bắc, liên kết đang là xu hướng tốt, được nhiều địa phương tích cực tham gia để phát triển du lịch. Đến nay, một số mô hình liên kết đã cho kết quả bước đầu.
Việc đẩy mạnh liên kết hợp tác sẽ tạo điều kiện cho du lịch Tây Bắc phát triển cả về chiều sâu và chiều rộng, trên cơ sở phát huy tiềm năng, thế mạnh của mỗi địa phương. Đầu tiên phải kể đến là mô hình liên kết giữa 3 tỉnh Lào Cai - Yên Bái - Phú Thọ trong chương trình “Du lịch về cội nguồn” năm 2005. Theo Ban tổ chức, kể từ khi xây dựng sản phẩm “Du lịch về cội nguồn”, diện mạo kinh tế, xã hội và văn hóa của 3 tỉnh Lào Cai, Yên Bái và Phú Thọ đã có nhiều thay đổi. Nếu như trước đây, du khách không thể tìm thấy khách sạn hạng sang tại Nghĩa Lộ (Yên Bái) hay Sapa (Lào Cai), thì nay nhiều khách sạn cao cấp mọc lên. Trên địa bàn 3 tỉnh đã có gần 1.000 cơ sở lưu trú, trong đó hơn 100 cơ sở từ 1 đến 4 sao, trên 500 khách sạn và 260 nhà hàng phục vụ du khách [3].
Bên cạnh đó, các sản phẩm du lịch đặc trưng phát triển nhờ việc kết nối các tour, tuyến, điểm du lịch, như: “Cội nguồn đất Tổ”, “Đất ngọc Lục Yên”, “Cội nguồn Tây Bắc”, “Sắc màu vùng cao” đã thu hút du khách. Du khách được tìm hiểu phong tục tập quán, các lễ hội truyền thống, thưởng thức những món đặc sản dân tộc độc đáo, khám phá hang động tại vùng cao Tây Bắc.
Chương trình du lịch “Qua những miền di sản Việt Bắc” lần thứ VI, năm 2014 là sự kiện lớn có quy mô cấp vùng với nhiều hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch phong phú nhằm thúc đẩy tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá về miền đất, con người, tiềm năng văn hóa, du lịch của 6 tỉnh vùng chiến khu Việt Bắc nói chung và tỉnh Thái Nguyên nói riêng. Trên cơ sở đó tăng cường mối quan hệ giao lưu, hợp tác giữa các tỉnh, đồng thời thu hút các nhà đầu tư đến liên kết, khai thác tiềm năng phát triển du lịch và thu hút khách du lịch đến với Việt Bắc ngày càng tăng.
Đặc biệt, năm 2008, mô hình liên kết giữa 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng (Lào Cai, Yên Bái, Sơn La, Hòa Bình, Phú Thọ, Hà Giang, Lai Châu, Điện Biên) đã hình thành để phát triển du lịch bằng dự án “Cung đường Tây Bắc”, xây dựng tour đi qua những bản làng nghèo nhất cả nước, góp phần xóa đói giảm nghèo cho đồng bào bằng du lịch. Mô hình liên kết phát triển du lịch 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng diễn ra trong bối cảnh tình hình phát triển kinh tế - xã hội có nhiều diễn biến mới: suy thoái kinh tế, lạm phát lan rộng ra hầu hết các nền kinh tế và ảnh hưởng lớn đến hoạt động du lịch. Trước những biến động đó, 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng đã phối hợp, liên kết chặt chẽ; kiên trì thực hiện mục tiêu chung theo kế hoạch đã đề ra. Bên cạnh đó, nhận được sự đồng thuận và chỉ đạo sát sao của lãnh đạo 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng, sự ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp du lịch, do đó các chỉ tiêu của ngành du lịch tiếp tục duy trì tăng trưởng hợp lý và đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Lượng du khách đến các tỉnh trong khu vực đã tăng đáng kể qua các năm, chất lượng tour du lịch có những bước đột phá tại từng địa phương. Nhiều khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng ở khu vực cũng đang khẳng định thương hiệu, được du khách đánh giá cao về chất lượng dịch vụ, như: Topas Ecolodge (Lào Cai); khu du lịch Village Vũ Linh khu vực Hồ Thác Bà (Yên Bái); Panhouse (Hà Giang), Uva (Điện Biên)... Các cơ sở lưu trú tại gia ở các điểm du lịch cộng đồng trên địa bàn 8 tỉnh cũng tăng cả về số lượng và chất lượng, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của du khách. Đặc biệt, chương trình hợp tác 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng đã cung cấp những sản phẩm du lịch độc đáo, mới mẻ và riêng có với những chương trình du lịch hấp dẫn, như: khám phá “tứ đại đèo” ở Tây Bắc; Những nẻo đường Tây Bắc; Tây Bắc mùa hoa nở; Chương trình du lịch vòng cung Tây Bắc đã được các hãng lữ hành uy tín, như: Vietravel, Vietran Tour, Hanoi Redtours, Saigontourist... thiết kế và đưa vào khai thác với nhiều hình thức phong phú, hấp dẫn, giúp du khách cảm nhận được cuộc sống bình yên, nguyên sơ và đầy sức sống.
Gần đây nhất là Hội nghị liên kết phát triển du lịch giữa TP. Hồ Chí Minh và 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng năm 2020 với chủ đề "Liên kết phát triển bền vững", do UBND TP. Hồ Chí Minh và UBND tỉnh Phú Thọ đồng chủ trì, phối hợp với UBND các tỉnh Điện Biên, Hà Giang, Hòa Bình, Lai Châu, Lào Cai, Sơn La, Yên Bái tổ chức đã diễn ra vào chiều 14/11/2020. Chương trình liên kết này nhằm phát huy tiềm năng du lịch, thế mạnh của từng địa phương trong vùng liên kết; hình thành các sản phẩm du lịch liên tuyến, liên vùng, góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa - lịch sử, tài nguyên du lịch của từng địa phương và thúc đẩy hoạt động xúc tiến đầu tư vào du lịch. Lãnh đạo các địa phương kỳ vọng đây sẽ là cơ hội để mở ra một giai đoạn mới - giai đoạn mà cả hai bên sẽ gặt hái được những trái ngọt từ hoạt động liên kết phát triển du lịch mang lại.
Những hạn chế trong liên kết vùng phát triển du lịch các tỉnh vùng Tây Bắc
Sau một thời gian dài phát triển, tình trạng manh mún trong du lịch vẫn còn khá phổ biến ở các tỉnh Tây Bắc. Do chưa được liên kết và quy hoạch sản phẩm du lịch đặc thù cấp vùng, tiểu vùng, nên chưa phát huy được thế mạnh du lịch từng vùng, thậm chí còn cạnh tranh lẫn nhau. Chẳng hạn, nhiều tỉnh phát triển ồ ạt du lịch cộng đồng, nhưng đều là một mô hình: ngủ nhà sàn, ăn cá nướng, xem văn nghệ, cải biên mô phỏng dân gian. Tình trạng manh mún, trùng lặp về sản phẩm du lịch giữa các địa phương diễn ra khá phổ biến.
Điểm hạn chế nhất của các mô hình du lịch ở Việt Nam nói chung và vùng Tây Bắc nói riêng là chưa xây dựng được cơ chế chính sách mang tính chất tiểu vùng phù hợp với tính đặc thù của vùng và tiểu vùng, chưa hình thành được thể chế quản trị chung để điều phối trên phạm vi toàn Vùng. Hoạt động du lịch về cơ bản vẫn mang tính khép kín trong từng địa phương. Vì vậy, kết quả liên kết còn rất hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng du lịch của Vùng.
Mặc dù Tây Bắc đã bắt đầu hình thành một số mô hình liên kết và chương trình liên kết phát triển du lịch và đã có kết quả nhất định, số lượng khách du lịch đến Tây Bắc đã tăng lên đáng kể trong những năm gần đây, tạo thêm nhiều việc làm và thu nhập cho người dân địa phương. Tuy nhiên, nhìn chung, các mô hình này chưa thật bền vững, vì: (i) Các mô hình thiếu liên kết theo chiều dọc và chiều ngang, thiếu liên kết theo không gian lãnh thổ và liên kết liên ngành, chưa chú ý đến liên kết doanh nghiệp; (ii) Chưa dựa trên các cơ sở nghiên cứu khoa học và thực tiễn về liên kết kinh tế vùng và liên kết du lịch, chưa tạo thành chuỗi liên kết; (iii) Do tính đặc thù của Tây Bắc, nên trong thực tiễn việc liên kết du lịch trên phạm vi toàn Vùng là khó mang lại hiệu quả cao. Hầu hết các mô hình và chương trình liên kết du lịch vẫn chủ yếu là liên kết về quảng bá, xúc tiến, nặng về hình thức. Một số mô hình coi trọng việc đăng cai tổ chức sự kiện luân phiên, chưa thực sự chú ý đến giám sát, điều hành thực thi các nội dung liên kết; các nội dung liên kết về xây dựng sản phẩm đặc thù, về đào tạo nguồn nhân lực, về quy hoạch, về đầu tư…, còn ít được coi trọng hoặc chưa thực hiện được. Cơ chế hợp tác chưa thể hiện rõ sự ràng buộc trách nhiệm của các tỉnh trong việc tham gia vào các hoạt động chung, dẫn đến kết quả triển khai các hoạt động chưa cao. Bên cạnh đó, việc nâng cấp cơ sở hạ tầng du lịch tại các vùng giáp danh giữa các tỉnh chưa được quan tâm, ảnh hưởng đến việc liên kết tổ chức các tuyến du lịch trong khu vực.
Mặt khác, các hoạt động hợp tác trong liên kết phát triển du lịch vùng Tây Bắc vẫn thiếu sự tư vấn của các chuyên gia; Các sản phẩm du lịch chưa thực sự phong phú và mang đậm bản sắc các dân tộc Tây Bắc.
GIẢI PHÁP TĂNG CƯỜNG LIÊN KẾT VÙNG TRONG PHÁT TRIỂN DU LỊCH TÂY BẮC THỜI GIAN TỚI
Để khắc phục được các hạn chế, tăng cường liên kết vùng trong phát triển du lịch vùng Tây Bắc trong thời gian tới, theo tác giả, cần thực hiện đồng bộ những giải pháp sau:
Thứ nhất, hoàn thiện cơ chế liên kết hiệu quả. Tây Bắc là vùng rộng lớn với địa hình hiểm trở, khó có điều kiện để liên kết phát triển du lịch toàn vùng. Vì thế, muốn liên kết phát triển du lịch về không gian phải có sự kết nối của các tuyến đường giao thông thuận lợi. Theo đó, cần xây dựng các tiểu vùng khác nhau và được kết nối bởi các tuyến đường giao thông tương đối thuận tiện cho phát triển tuyến du lịch.
Bên cạnh đó, để thực hiện liên kết ở cấp độ toàn vùng, về mặt tổ chức cần xây dựng ban chỉ đạo du lịch cấp toàn vùng. Hình thức hoạt động chủ yếu định hướng về các chủ trương chiến lược phát triển du lịch toàn vùng, điều phối những vấn đề liên quan mà cấp tỉnh và cấp tiểu vùng không thực hiện được. Hình thức chỉ đạo có thể thông qua hội nghị liên kết du lịch toàn Vùng, tiến hành hai năm một lần, nhằm đề ra các định hướng chính phát triển du lịch trong toàn Vùng.
Cùng với liên kết nội vùng, các tỉnh Tây Bắc còn cần tăng cường hơn nữa sự liên kết với những địa phương trọng điểm du lịch, như: Hà Nội, Quảng Ninh, TP. Hồ Chí Minh và liên kết phát triển du lịch qua biên giới thu hút khách du lịch từ Trung Quốc, Lào, nhất là các địa phương có cửa khẩu quốc tế là Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên. Hệ thống doanh nghiệp làm du lịch ở các tỉnh Tây Bắc còn ít và chủ yếu quy mô nhỏ, nên bên cạnh việc tự nâng cao năng lực, thì yếu tố liên kết có ý nghĩa rất quan trọng để tận dụng thế mạnh của nhau về thông tin, sản phẩm, quảng bá...
Thứ hai, tập trung nghiên cứu, xây dựng và gìn giữ các sản phẩm du lịch mang bản sắc của mỗi vùng, mỗi địa phương. Thực tiễn ở nhiều vùng, sự liên kết du lịch khó hiệu quả vì các địa phương đều có các sản phẩm du lịch na ná nhau, ví dụ cùng thưởng thức ẩm thực Thái, ngủ nhà sàn Thái, mua thổ cẩm của người Thái..., nhưng khi triển khai kế hoạch liên kết, mỗi tỉnh cần lựa chọn những nét đặc thù của địa phương, bước đầu quảng bá và tạo sản phẩm du lịch. Tuy cùng là cao nguyên, cùng là loại hình du lịch sinh thái núi, nhưng các hoạt động du lịch của Mộc Châu khác hẳn với Sa Pa và cũng không giống với cao nguyên đá Đồng Văn. Mỗi tỉnh tìm ra lợi thế riêng, tạo sản phẩm riêng về du lịch là vấn đề quan trọng để phát huy thế mạnh của liên kết vùng.
Thứ ba, cùng hoạch định các chiến lược quảng bá, xúc tiến du lịch. Trước đây, quảng bá du lịch ở Tây Bắc theo hướng tự phát ở mỗi địa phương, nhưng từ khi thực hiện liên kết, công tác quảng bá, xúc tiến thương mại đã được tiến hành một cách bài bản, chuyên nghiệp.
Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng, do ở các thị trường khách du lịch khác nhau thì có đặc thù khác nhau, nên các tỉnh trong vùng cần chú trọng đầu tư cho công tác nghiên cứu thị trường, thực hiện các chương trình xúc tiến điểm đến chung Tây Bắc tại các sự kiện, hội chợ chuyên ngành trong nước và quốc tế; tổ chức các sự kiện, diễn đàn phát triển du lịch Tây Bắc gắn với thu hút thị trường khách từ Hà Nội, vùng đồng bằng sông Hồng, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng...
Thứ tư, xây dựng nguồn nhân lực du lịch đủ mạnh. Các tỉnh trong vùng Tây Bắc cần có chính sách ưu đãi nhằm tạo ra đội ngũ nhân lực chất lượng cao, trong đó tập trung phát triển kỹ năng nghề, nâng cao nhận thức về du lịch cộng đồng, du lịch có trách nhiệm; bố trí nguồn vốn để thực hiện các dự án phát triển giao thông có tính chất động lực phát triển vùng nhằm tạo sự liên kết về không gian giữa các điểm du lịch quan trọng trên địa bàn miền núi phía Bắc.../.
Tài liệu tham khảo:
1. Trần Thị Vân Hoa (2021). Nghiên cứu chính sách, giải pháp và xây dựng mô hình liên kết vùng, tiểu vùng trong phát triển du lịch ở Tây Bắc, Đề tài khoa học cấp Nhà nước, mã số: KHCN-TB22X/13-18
2. Hoàng Văn Hoa, Trần Hữu Sơn (2016). Liên kết phát triển du lịch bền vững vùng Tây Bắc, Kỷ yếu Hội thảo Khoa học quốc tế: Phát triển du lịch bền vững: vai trò của doanh nghiệp và cơ sở đào tạo, Nxb Đại học Kinh tế Quốc dân
3. Hoàng Ngọc Hải, Hồ Thanh Thủy (2020). Liên kết vùng trong phát triển du lịch các tỉnh Tây Bắc Việt Nam, truy cập từ https://vietnamhoinhap.vn/article/lien-ket-vung-trong-phat-trien-du-lich-cac-tinh-tay-bac-viet-nam---n-33334
4. Thái Phương (2020). Kết nối du lịch TP HCM với 8 tỉnh Tây Bắc, truy cập từ https://nld.com.vn/thoi-su/ket-noi-du-lich-tp-hcm-voi-8-tinh-tay-bac-20201114213200444.htm
5. Vietnamplus (2021). Phát huy tiềm năng, liên kết đưa du lịch vùng Tây Bắc phát triển, truy cập từ https://www.vietnamplus.vn/tags/Li%c3%aan-k%e1%ba%bft-ph%c3%a1t-tri%e1%bb%83n-du-l%e1%bb%8bch.vnp
Nguyễn Thị Như Quỳnh
Đảng ủy phường Xuân Tăng, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai
(Bài đăng trên Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 29 năm 2021)
Bình luận