Tóm tắt

Phát triển hoạt động tín dụng cho người nghèo thông qua các tổ chức tài chính vi mô (TCVM) có thể hiểu qua hai khía cạnh: (1) Sự phát triển về mức độ tiếp cận tín dụng vi mô của người nghèo; (2) Mức độ bền vững của tổ chức TCVM. Thực tế tại Việt Nam, bên cạnh những kết quả tích cực, hoạt động của các tổ chức TCVM còn bộc lộ không ít hạn chế, bất cập. Do vậy, để mô hình TCVM phát huy hiệu quả hơn nữa trong xóa đói giảm nghèo bền vững ở nước ta, tác giả đề xuất một số giải pháp cần triển khai trong thời gian tới.

Từ khóa: tổ chức tài chính vi mô, xóa đói giảm nghèo, tín dụng vi mô, giảm nghèo bền vững, người nghèo vay vốn

Summary

The development of credit activities for the poor through microfinance institutions can be understood in two aspects: (1) The development of the level of access to microcredit of the poor; (2) The sustainability of the microfinance institutions. In practice, in Vietnam, besides the positive results, the activities of microfinance institutions also revealed many limitations and shortcomings. Therefore, to further improve the effectiveness of the microfinance model in sustainable poverty reduction in our country, the author proposes a number of solutions that need to be implemented in the coming time.

Keywords: microfinance institutions, poverty alleviation, microcredit, sustainable poverty reduction, the poor borrow capitals

THỰC TRẠNG HOẠT ĐỘNG CỦA CÁC TỔ CHỨC TCVM Ở VIỆT NAM

4 giai đoạn phát triển

TCVM du nhập vào Việt Nam từ cuối những năm 80 của thế kỷ 20 theo nhiều con đường khác nhau, nhưng chủ yếu thông qua các dự án tiết kiệm - tín dụng hoặc hợp phần tín dụng trong các dự án phát triển tổng hợp của các tổ chức phi chính phủ quốc tế (INGOs); các tổ chức quốc tế (Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp quốc - FAO, Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc - UNDP, Ngân hàng Thế giới - WB, Ngân hàng Phát triển châu Á - ADB…) hoặc dự án song phương (Cơ quan phát triển Quốc tế của Thụy Điển - SIDA…) hướng tới nhóm đối tượng tại các vùng mà họ lựa chọn. Đối tác của những dự án này thường là các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội, các hội nghề nghiệp…, trong đó Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam là đối tác lớn nhất có mạng lưới tới tận cơ sở trong cả nước. Hoạt động của tổ chức TCVM Việt Nam có thể chia thành 4 giai đoạn rõ nét:

(1) Giai đoạn khởi đầu (trước năm 1990): TCVM tại Việt Nam xuất hiện theo định nghĩa truyền thống là các món vay nhỏ, không hoặc có đòi hỏi tài sản đảm bảo, không lãi suất hoặc lãi suất cao, thường gắn với nền kinh tế tiểu nông và nếp sống làng xã hàng ngày của người dân, đặc biệt là khu vực nông thôn.

(2) Giai đoạn mở rộng nhanh (1990-2000): Vào cuối những năm 80, cùng với trào lưu chung của thế giới, TCVM bắt đầu du nhập vào Việt Nam. SIDA ở Việt Nam là đối tác đầu tiên tài trợ cho một dự án tín dụng (năm 1989) cho phụ nữ ở 7 tỉnh biên giới phía Bắc Việt Nam thông qua đối tác là Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam. Cùng với đó, Quỹ dân số Liên hợp quốc (UNFPA) kết hợp với sự trợ giúp kỹ thuật của FAO đã cùng với Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (1990- 1993) tiến hành thử nghiệm Dự án VIE/91/P01 - Nâng cao địa vị phụ nữ thông qua các hoạt động kế hoạch hóa gia đình, với việc ngân hàng cấp vốn (tín dụng) không đòi hỏi thế chấp mà thông qua các Nhóm phụ nữ tiết kiệm do Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Hậu Giang và Hội Liên hiệp phụ nữ Hà Sơn Bình (nay đã sáp nhập vào Hà Nội) thành lập. Sau 3 năm thử nghiệm thành công, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam đã đưa khái niệm Nhóm phụ nữ tiết kiệm vào Nghị định số 14/1993/NĐ-CP, ngày 02/3/1993 về chính sách cho hộ sản xuất vay vốn để phát triển nông - lâm - ngư - diêm nghiệp và kinh tế nông thôn.

(3) Giai đoạn suy thoái và chuyển giao cho đối tác địa phương (2000-2005): Trong những năm đầu của thế kỷ 21, TCVM không còn là xu thế của thế giới. Tại Việt Nam, các dự án, các chương trình có hợp phần TCVM lần lượt kết thúc, chương trình tín dụng của Quỹ nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) do hội phụ nữ là đối tác thực hiện tại 42 tỉnh, thành phố đã ngừng hoạt động, khoản tiết kiệm của các thành viên bị trả lại, quỹ vốn quay vòng được thu gom và sử dụng cho mục đích khác. Chương trình của các INGOs cũng lần lượt được bàn giao cho địa phương tự quản lý. Trong giai đoạn này, mô hình còn chưa hoàn chỉnh, chưa rõ ràng về mặt tổ chức, tính pháp lý còn nhiều bất cập, không rõ ràng về quyền sở hữu. Tất cả những khó khăn này đã dẫn tới hàng loạt chương trình bị thu hẹp hoặc xóa sổ...

(4) Giai đoạn chuyển đổi chính thức và phát triển theo chiều sâu (từ năm 2005 đến nay): Trong giai đoạn này, với sự tài trợ và tư vấn của các tổ chức quốc tế, như: ADB, WB, Cơ quan phát triển quốc tế Pháp (AFD), Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC), cơ sở pháp lý cho lĩnh vực TCVM đã được hình thành và hoàn thiện theo chuẩn mực quốc tế.

Giải pháp sử dụng tín dụng vi mô nhằm nâng cao hiệu quả xóa đói giảm nghèo tại Việt Nam
Ảnh minh họa

Hình thức và đối tượng cho vay vốn

Các tổ chức TCVM ở Việt Nam hầu hết cho vay dưới 2 hình thức: cho vay theo nhóm và cho vay cá nhân, trong đó chủ yếu là cho vay theo nhóm, còn hình thức cho vay cá nhân đang được tập trung đẩy mạnh trong thời gian gần đây. Một số tổ chức TCVM chỉ có một vài sản phẩm vốn vay đơn giản giống nhau cho các khách hàng, mỗi khách hàng chỉ được tiếp cận một món vay tại mỗi thời điểm. Một số tổ chức TCVM chỉ cung cấp vốn vay cho mục đích sản xuất, kinh doanh để tạo thu nhập và khách hàng không được sử dụng cho mục đích khác. Tuy nhiên, một số tổ chức TCVM lại có các sản phẩm đa dạng hơn với các tên gọi vốn vay khác nhau và quy mô vốn vay cũng khác nhau, như: vốn vay chính, vốn chung, vốn ngắn hạn, vốn trung hạn, vốn vay bổ sung, vốn đa mục đích, vốn khẩn cấp, vốn quỹ nhóm. Khách hàng có thể vay cùng một lúc hai món vốn. Bên cạnh vốn vay cho mục đích tạo thu nhập, họ có thể tiếp cận các khoản vay cho mục đích tiêu dùng, đặc biệt là khi ốm đau, rủi ro trong cuộc sống hoặc cho những trường hợp khẩn cấp như cần tiền trang trải cho các chi phí học hành của con họ. Những tổ chức TCVM có sản phẩm vốn vay đa dạng thường đã hoạt động lâu năm, nguồn vốn dồi dào, có nhiều kinh nghiệm và hoạt động chuyên nghiệp hơn.

Hầu hết các tổ chức TCVM ở Việt Nam đều thiết kế vốn vay có thời gian cho vay có kỳ hạn từ 3 tháng đến 1 năm. Hình thức vay vốn theo nhóm thường có thời gian cho vay ngắn hơn. Các khoản vay của các tổ chức TCVM tại Việt Nam thường được thiết kế hoàn trả định kỳ trong suốt thời gian vay. Việc thanh toán trả dần (gốc và lãi) theo chu kỳ hàng tháng; 2 lần/tuần, tháng. Việc trả dần như vậy giúp khách hàng giảm áp lực trả nợ so với phương pháp trả nợ cuối kỳ. Điều này giúp khả năng hoàn trả của khách hàng được đảm bảo và tỷ lệ nợ xấu của các tổ chức TCVM duy trì ở mức thấp. Tuy nhiên, cách trả nợ này sẽ làm tăng chi phí giao dịch (chi phí và nguồn lực để thu nợ của các tổ chức TCVM cao hơn), có thể làm cho các khoản vay trở nên khó tiếp cận hơn đối với người vay tại các vùng sâu, vùng xa hoặc những khách hàng có dòng tiền không thường xuyên, liên tục.

Đối tượng cho vay chủ yếu của các tổ chức TCVM tại Việt Nam là các hộ gia đình nghèo, thu nhập thấp; các hộ gia đình, doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Các đối tượng khách hàng của các tổ chức TCVM có đặc điểm chung là sống tập trung trong một khu vực địa lý, cùng nhóm xã hội (hội phụ nữ, nông dân, đồng hương...), có hộ khẩu ở địa phương, sẵn sàng tham gia vào các hoạt động của tổ chức TCVM và có nhu cầu vay vốn.

KHUYẾN NGHỊ GIẢI PHÁP

Qua thực tế triển khai mô hình TCVM, tác giả đề xuất một số giải pháp như sau nhằm phát huy hiệu quả hơn nữa của mô hình này trong xóa đói giảm nghèo bền vững ở Việt Nam:

Về hoàn thiện khung pháp lý cho hoạt động của các tổ chức TCVM

Để tạo thuận lợi cho các tổ chức TCVM phát triển hiệu quả, lành mạnh hơn, Chính phủ cần hoàn thiện khung pháp lý và khung giám sát hoạt động của các tổ chức này theo hướng: (i) Ban hành khung khổ pháp lý riêng biệt cho tổ chức TCVM bao gồm cả những bảo đảm an toàn cho khách hàng; (ii) Cho phép nhiều thành phần kinh tế (kể cả tư nhân) tham gia TCVM; (iii) Thành lập Trung tâm Thông tin Tài chính vi mô; (iv) Khuyến khích các tổ chức tài chính tăng cường, mở rộng TCVM tiếp cận cộng đồng, bao gồm cả tiết kiệm, tín dụng, bảo hiểm và lương hưu; (v) Tìm giải pháp để trao quyền tái cơ cấu, sáp nhập các tổ chức TCVM gặp khó khăn; (vi) Tạo thuận lợi trong việc cấp giấy phép hoạt động cho các tổ chức TCVM đủ điều kiện hoạt động theo quy định…

Về nâng cao khả năng tiếp cận và sử dụng tín dụng cho người nghèo tại nông thôn

Một là, cần xây dựng chiến lược đưa tín dụng tiếp cận với người nghèo

Lĩnh vực tín dụng cho người nghèo tại khu vực nông thôn có tiềm năng phát triển rất lớn, song sự tham gia và mức độ cạnh tranh của các tổ chức TCVM trong lĩnh vực này hầu hết vẫn còn rất yếu. Để từng bước thâm nhập vào lĩnh vực này, các tổ chức tài chính cần xây dựng một chiến lược cụ thể, bao gồm chiến lược kinh doanh, nguồn vốn, mạng lưới, nhân sự để mở rộng hoạt động tới người nghèo và tiếp cận được khu vực nông thôn bền vững. Cùng với đó, công tác đào tạo nghiệp vụ và hệ thống quản lý rủi ro, kiểm soát chất lượng là các ưu tiên cần được đầu tư sớm, nhằm đáp ứng tốt khả năng quản trị rủi ro, phù hợp với đặc thù của cho vay người nghèo và lĩnh vực nông thôn.

Hai là, đa dạng hóa sản phẩm tín dụng

Các tổ chức cung ứng TCVM cần đa dạng hóa sản phẩm tín dụng để phù hợp với nhu cầu của từng nhóm khách hàng. Ngoài hình thức cho vay từng lần phổ biến hiện nay, có thể mở rộng thêm cho vay theo hạn mức, cho vay luân chuyển cho các khách hàng doanh nghiệp nhỏ và vừa hoặc các hộ sản xuất kinh doanh. Cho vay dựa trên bảo lãnh của bên thứ ba hoặc tín chấp cần được xem xét phát triển, do đặc thù về tài sản bảo đảm trong khu vực nông thôn thường có tính lỏng thấp. Cho vay theo nhóm cũng cần được xem xét trong những điều kiện phù hợp. Mảng cho vay tiêu dùng ở khu vực nông thôn cũng cần được đầu tư phát triển và đa dạng hóa. Các sản phẩm tín dụng đáp ứng nhu cầu tiêu dùng đang trở nên rất hấp dẫn, như: cho vay tiêu dùng cư trú (cho vay mua nhà, sửa nhà, đổi nhà); cho vay đầu tư phương tiện (ô tô, xe máy); cho vay chi trả học phí cho con; cho vay đáp ứng các nhu cầu thiết yếu ngắn hạn (đám cưới, đám ma, chữa bệnh...). Nếu khách hàng thực hiện đúng theo các điều khoản trong hợp đồng tín dụng hoặc tiết kiệm, tổ chức TCVM nên thực hiện các biện pháp khuyến khích khách hàng bằng vật chất (quà tặng, tiền) hay tinh thần (giấy khen, bằng khen, thư cảm ơn…).

Ba là, kết hợp cung cấp dịch vụ tài chính và phi tài chính

Theo cách tiếp cận tổng hợp, các tổ chức TCVM có thể lựa chọn một hoặc một số nhóm dịch vụ hỗ trợ, như: nhóm dịch vụ phát triển doanh nghiệp (đào tạo kinh doanh, sản xuất, marketing); nhóm dịch vụ trung gian xã hội (đào tạo quản lý, tính liên kết, nâng cao năng lực xã hội)… Đặc biệt, với khách hàng vay vốn ở khu vực nông thôn, các dịch vụ khuyến nông, lâm, ngư nghiệp; tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật có tác dụng nâng cao hiệu quả sử dụng các dịch vụ tài chính cho khách hàng, giúp họ gắn bó trung thành với tổ chức TCVM. Các tổ chức này có thể lựa chọn thuê một/ một số tổ chức chuyên nghiệp trong lĩnh vực hỗ trợ, hoặc tự cung ứng dịch vụ thông qua phát triển các phòng, ban chức năng. Trong trường hợp thuê ngoài, tổ chức cung ứng TCVM trở thành đầu mối trung gian hiệu quả nối kết cung và cầu trên thị trường, giúp khách hàng giảm chi phí thuê hỗ trợ thông qua lợi thế quy mô. Các tổ chức cung ứng TCVM chính thức nên áp dụng cách này, còn các tổ chức cung ứng phi chính phủ nên lựa chọn cách thứ hai. Việc lựa chọn phụ thuộc vào quy mô nhu cầu, khả năng thanh toán của khách hàng và khả năng về tài chính - nhân lực của tổ chức TCVM. Các tổ chức TCVM thành công là những tổ chức biết điều chỉnh các sản phẩm, dịch vụ và cơ chế phân phối sao cho phù hợp với nhu cầu của thị trường, đồng thời tăng mức độ an toàn của các danh mục tài sản rủi ro và duy trì được sự bền vững về tài chính.

Bốn là, cấp tín dụng gắn với hỗ trợ kỹ thuật và đào tạo cho người nghèo

Có nhiều nguyên nhân làm cho các tổ chức TCVM và người nghèo chưa tiếp cận được với nhau, trong đó có lý do từ phía người nghèo, như: chưa đủ năng lực sản xuất, kinh doanh để sử dụng vốn vay hiệu quả hoặc lập phương án vay vốn theo đúng quy định tổ chức TCVM… Vấn đề này có thể được giải quyết thông qua hoạt động đào tạo và hỗ trợ kỹ thuật cho các doanh nghiệp sử dụng lao động là người nghèo, hộ gia đình nghèo, các tổ chức cộng đồng hoạt động trên địa bàn nông thôn. Bên cạnh đó, tổ chức TCVM có thể phối hợp với các tổ chức khuyến nông của Chính phủ; các chương trình, dự án từ các tổ chức nước ngoài để tăng cường công tác đào tạo cho khách hàng. Khi trình độ sản xuất, kỹ năng lao động của doanh nghiệp, cá nhân vay vốn được tăng cường, năng suất lao động sẽ được gia tăng, từ đó tăng khả năng thu hồi vốn vay cho tổ chức TCVM.

Năm là, tăng cường tuyên truyền, giáo dục tài chính

Giáo dục tài chính cần tập trung vào các vấn đề cốt lõi trong TCVM đối với cả khách hàng và các cơ quan thực hiện, giám sát. Làm rõ sự khác biệt giữa TCVM với mô hình tài chính truyền thống về mục đích, đối tượng khách hàng, hoạt động. Cung cấp các thông tin rõ ràng, minh bạch về vấn đề lãi suất và chi phí giao dịch, chi phí cơ hội trong TCVM. Tăng cường tuyên truyền về lợi ích cho khách hàng và cộng đồng, xã hội. Khởi động các chương trình nghiên cứu, điều tra, khảo sát về kiến thức tài chính của dân cư nhằm tiến tới xây dựng các chương trình, chiến lược quốc gia về nâng cao kiến thức tài chính cho dân cư.

Phát triển hoạt động tín dụng cho người nghèo thông qua các tổ chức TCVM luôn là lựa chọn của các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Trong giai đoạn tới, việc nghiên cứu chuyên sâu để hoàn thiện hơn việc sử dụng tín dụng vi mô với mục tiêu xóa đói giảm nghèo tại Việt Nam rất cần sự quan tâm của cả Nhà nước, các cơ quan nghiên cứu, nhà khoa học./.

ThS. NGUYỄN NGỌC SƠN - Ngân hàng Chính sách xã hội

(Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo số 10 - Tháng 4/2023)


TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Chính phủ (1993), Nghị định số 14/1993/NĐ-CP, ngày 02/3/1993 về chính sách cho hộ sản xuất vay vốn để phát triển nông - lâm - ngư - diêm nghiệp và kinh tế nông thôn.

2. Lê Văn Luyện, Nguyễn Đức Hải (2013), Mô hình hoạt động tài chính vi mô thành công trên thế giới và bài học kinh nghiệm cho phát triển tài chính vi mô Việt Nam, Tạp chí Khoa học và Đào tạo Ngân hàng, số 131.

3. Võ Khắc Thường, Trần Văn Hoàng (2013), Tài chính vi mô tại một số nước trên thế giới và bài học kinh nghiệm nhằm hạn chế đói nghèo tại Việt Nam, Tạp chí Phát triển và Hội nhập, 9(19).