Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Giao thông vận tải thực hiện nguyên tắc “ba không”
Kết luận nêu rõ, ngành giao thông vận tải là ngành kinh tế quan trọng trong phát triển kinh tế, luôn phải “đi trước mở đường” tạo điều kiện cho các ngành kinh tế đất nước phát triển. Bác Hồ đã khẳng định “... Giao thông vận tải là mạch máu của tổ chức. Giao thông tốt thì các việc đều dễ dàng. Giao thông xấu thì các việc đình trễ”.
Để đạt được các mục tiêu, đột phá chiến lược theo Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Bộ Giao thông vận tải cần tiếp tục đổi mới tư duy, xác định rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan của các tồn tại, yếu kém để khắc phục, trong đó tập trung vào các nhiệm vụ chính theo đúng chức năng quản lý Nhà nước là tập trung cho xây dựng chiến lược, quy hoạch, xây dựng thể chế, cơ chế chính sách, xây dựng công cụ kiểm tra giám sát và đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, quản lý vĩ mô.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Giao thông vận tải thực hiện nguyên tắc “ba không” |
Tuy nhiên, để thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước về lĩnh vực giao thông vận tải, tạo điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Giao thông vận tải quán triệt đến từng lãnh đạo Bộ, lãnh đạo các đơn vị trực thuộc, từng cán bộ, chuyên viên cần thực hiện các nguyên tắc sau:
Một là, tiếp tục phát huy thành tích, khắc phục tối đa khuyết điểm hạn chế, không thỏa mãn, chủ quan, tự mãn với thành tích đã đạt được; kế thừa và đổi mới, ổn định và phát triển; tuyên truyền, nhân rộng, phát huy những bài học kinh nghiệm tốt, mô hình làm việc hiệu quả, cách làm hay trong phạm vi cả nước; bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo cho tư duy và hành động;
Hai là, thực hiện nguyên tắc “ba không” trong giải quyết tháo gỡ, khó khăn: “Không nói không”, “không nói khó” và “không nói có mà không làm”;
Ba là, về tư tưởng chỉ đạo trong xử lý công việc: “Suy nghĩ phải chín”, “tư tưởng phải thông”, “quyết tâm phải cao”, “nỗ lực phải lớn”, “hành động phải quyết liệt, hiệu quả”, thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó. Đối với những vấn đề đột xuất, bất ngờ phải nắm chắc tình hình, bám sát thực tiễn và căn cứ chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đặt lợi ích chung lên trên hết, trước hết để có giải pháp phù hợp và xử lý công việc đạt hiệu quả cao nhất;
Bốn là, việc càng khó, càng phức tạp, càng nhạy cảm thì càng phải giữ đúng nguyên tắc phát huy dân chủ, huy động trí tuệ tập thể; lấy ý kiến, lắng nghe đối tượng tác động để tạo sự thống nhất cao trước khi quyết định; đối với những cơ chế, chính sách mới khi đề xuất thấy đúng, chính xác phải kiên trì giải thích, phân tích kỹ lưỡng tạo đồng thuận, những vẫn đề còn ý kiến khác nhau, chú ý lắng nghe các ý kiến phản biện để xem xét thấu đáo, chặt chẽ và quyết định theo đa số;
Năm là, những vấn đề đã “chín”, đã rõ, được thực tiễn chứng minh là đúng, thực hiện có hiệu quả, được đa số đồng tình thì tiếp tục thực hiện; những vấn đề chưa có quy định hoặc thực tế đã vượt quy định thì mạnh dạn thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội;
Sáu là, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm cá nhân gắn kết chặt chẽ với kiểm tra, giám sát và kiểm soát quyền lực./.
Bình luận